Hồng Ân Cầu Nguyện: Phép Mầu Trong Đời Thánh Hiến

Cuộc sống của người thánh hiến là một hành trình đầy ân sủng, trong đó, mỗi ngày sống đều là sự đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và đón nhận những hồng ân lớn lao Ngài ban nhưng không. Đôi khi, trong những việc nhỏ nhặt thường ngày như cầu nguyện, chúc tụng hay ngợi khen Chúa, chúng ta lại nhận ra một phép màu đang hiện hữu. Phép màu ấy không hẳn đến từ điều gì cao siêu, nhưng là những giây phút mà tâm hồn ta kết hợp với lý trí để dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện chân thành và đầy yêu mến.

Mỗi ngày, khi anh chị em chúng ta thức dậy và bắt đầu bằng dấu thánh: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con” chúng ta cùng với cộng đoàn hát lời chúc khen, ca tụng Chúa không ngừng. Nhưng liệu chúng ta có đang thực sự ý thức về những lời mình đọc không? Lời kinh mà anh chị em thốt ra, liệu có phải là sự chúc tụng từ tận đáy lòng, dâng lên Chúa bằng tất cả trái tim và lý trí của mình? Chúng ta có nhận ra rằng, mỗi lời kinh mình dâng lên là hành động tôn vinh Đấng quyền năng vô biên, Đấng nhận được lời ca tụng ấy đến muôn đời?

Lời ca tụng Chúa, chính là hồng ân mà Ngài ban cho người sống đời thánh hiến. Đôi khi, chúng ta chỉ nhận ra hồng ân ấy trong những hoàn cảnh bất ngờ. Có một người nữ mang trong mình căn bệnh lạ, một lần kia, chị đến nhà thờ nơi tôi đang phục vụ, nhưng tôi không hề biết chị đang trong tình trạng bệnh tật. Chị ngồi cạnh tôi và xin cùng đọc kinh Phụng vụ. Suốt buổi đọc kinh, tôi nhận thấy chị thật lạ lùng. Chị cầm sách kinh cùng tôi, nhưng miệng phát âm không rõ ràng, đầu ngẩng lên ngẩng xuống, và chị có những cử chỉ kỳ lạ như liên tục bẻ cổ. Sau này, tôi mới biết chị đang trong tình trạng bệnh nghiêm trọng, và gia đình chị đã tìm đủ cách chữa trị mà không có kết quả.

Chính lúc đó, tôi cảm nhận được một bài học lớn lao. Khi con người mất đi khả năng kiểm soát lý trí, và không thể dâng lên Chúa một lời kinh đơn giản, đó cũng là lúc chúng ta nhận ra phép mầu của sự cầu nguyện. Chính lời kinh mà chúng ta vẫn thốt ra hằng ngày là một hồng ân lớn lao từ Chúa, với một thân xác khỏe mạnh, một trái tim yêu mến, và một trí tuệ minh mẫn. Việc chúng ta có thể dùng miệng lưỡi để ngợi khen Chúa là một ơn lành đặc biệt, và chúng ta cần trân trọng điều đó.

Nhìn vào tình trạng của chị ấy, tôi cảm thấy thương xót chị. Rõ ràng chị rất muốn cầu nguyện, muốn dâng lời kinh lên Chúa, nhưng tình trạng bệnh tật đã cản trở chị. Tôi tự hỏi: Chúa đang muốn điều gì từ nơi chị? Và Ngài cũng muốn chúng ta, những người khỏe mạnh, nhận ra điều gì qua câu chuyện này?

Những câu chuyện của các thánh cũng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về hồng ân của việc cầu nguyện. Thánh Phaolô từng nói: “Vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12,10). Chính trong sự yếu đuối của mình, con người mới nhận ra sự lệ thuộc hoàn toàn vào ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng dâng lên Chúa mọi đau khổ với tình yêu trọn vẹn, dù phải chịu đựng bệnh tật và những đau đớn thể xác. Qua những tấm gương đó, chúng ta học được rằng mỗi lời kinh, mỗi phút giây cầu nguyện đều là hồng ân lớn lao, và chúng ta cần trân trọng, sống trong sự biết ơn và tạ ơn.

Đời thánh hiến là một cuộc hành trình không ngừng tìm kiếm sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Những lời kinh, những giây phút cầu nguyện chính là kho báu thiêng liêng Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày. Nhìn lại cuộc đời và những giới hạn của mình, chúng ta càng nhận ra rằng, việc dâng lên Chúa lời chúc tụng là một đặc ân quý giá. Khi còn có thể ngợi khen Chúa bằng trí tuệ và trái tim yêu mến, hãy làm điều đó với tất cả lòng biết ơn và sự tri ân, vì đó là hồng ân nhưng không Ngài đã ban tặng cho mỗi người sống đời thánh hiến.

BIỂN

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế