Tìm hiểu cơ bản về Kinh Thánh – Bài 4: Chân lý trong Kinh Thánh và khoa học

TÌM HIỂU CƠ BẢN VỀ KINH THÁNH 

Biên soạn: Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành (TGP Huế)

BÀI 4

CHÂN LÝ TRONG KINH THÁNH VÀ KHOA HỌC

Đã có nhiều thắc mắc về tính xác thực của các dữ liệu trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, những gì được kể về việc tạo dựng vũ trụ và con người trong 2 chương đầu của sách Sáng thế có xảy ra đúng như vậy (St 1 – 2) ? Nếu Ađam và Eva là cặp đôi duy nhất được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng (St 2,4b-25), và Cain là con trai duy nhất còn lại của Ađam và Eva (St 4)[1], vậy vợ của Cain ra từ đâu mà đến và do ai tạo dựng ? Tuổi thọ của các tổ phụ được ghi lại trong sách Sáng thế có phải thực sự “khủng” như vậy không ?[2] Có nhiều thắc mắc khác tương tự như thế. Những thắc mắc đó đều liên hệ đến tiêu chí của trật tự chân lý khoa học: có phải những dữ liệu trong Kinh Thánh là chính xác và đáng tin theo nhãn quan của khoa học?

Dưới đây là những dòng vắn giải thích sự khác biệt giữa quan niệm chân lý theo Kinh Thánh và quan niệm chân lý theo khoa học.

1./ Tiêu chuẩn khoa học và tiêu chí của Kinh Thánh

Kỷ nguyên khoa học mà chúng ta đang sống luôn đưa ra dữ kiện chính xác và đặc tiêu chuẩn chính xác lên hàng đầu. Khuynh hướng này lại rất nhạy cảm trong lãnh vực lịch sử. Khi chúng ta quay về Cựu ước, chúng ta khám phá ra rằng các sử gia khá tự do so với những tiêu chuẩn khoa học của chúng ta. Các tác giả Kinh Thánh chẳng mấy quan tâm gì nhiều đến việc thiết lập trật tự thời gian chính xác. Các ngài thường bỏ qua những sự kiện vốn không phù hợp với quan điểm và với mục đích của mình. Các ngài thường giới thiệu cho người đọc một câu chuyện trong đó có những sai sót, mà những sai sót đó thỉnh thoảng làm cho chúng ta thời nay khó chịu.

Nhưng thử hỏi chúng ta có quyền áp dụng trên các ngài tiêu chuẩn hiện đại như chúng ta có ? Nếu chúng ta phê bình các tác giả Cựu ước thiếu chính xác trong khi kể lại các chi tiết của sự kiện, thì sự phê bình đó quay trở lại về phía chúng ta, bởi lẽ lịch sử theo như chúng ta thời hiện đại hiểu, hẳn sẽ không có ý nghĩa gì đối với các tác giả viết Cựu ước.

Nên nhớ rằng sử gia Kinh Thánh không phải là sử gia hiện đại và do đó, tiêu chuẩn  hiện đại không thể áp dụng cho các sách lịch sử của Kinh Thánh. Sử gia hiện đại thử nhìn sự kiện lịch sử trong thực tại khách quan của nó, nhưng thực tại khách quan đó không phải là cách duy nhất để viết lịch sử.

Điều mà các sử gia Kinh Thánh quan tâm đó là trình bày mặc khải của Thiên Chúa trong dòng lịch sử. Các sử gia Cựu ước nghĩ về Thiên Chúa là Đấng luôn hiện diện trong tâm trí của các ngài. Các ngài nhìn trong mọi sự kiện đều có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Còn Tân ước, các tác giả quan tâm đến sự kiện Thiên Chúa nhập thể, một Thiên Chúa không chỉ hành động trên lịch sử mà trở nên một sự kiện lịch sử. 

2./ Chân lý dưới góc độ đức tin

Thời đại của các tác giả Kinh Thánh là thời đại của cảm thức đức tin tôn giáo, đó là thời chưa bị lây nhiễm bởi những thái quá của chủ nghĩa thực chứng (positivism)[3]. Thời đó, các tác gỉa Kinh Thánh được Thiên Chúa cho thấy những sự việc, dù là hiện tượng tự nhiên hay những biến cố lịch sử, dưới ánh sáng của Thiên Chúa, như là những dấu hiệu và những biểu tượng diễn tả mầu nhiêm cứu độ của Thiên Chúa. Chính mầu nhiệm này mới là điều quan trọng nhất đối với các nhà văn Kinh Thánh. Nhãn quan ấy đã cho các ngài có thể nói về thế giới và về lịch sử dưới góc độ thiêng liêng của những quan hệ của các ngài đối với Thiên Chúa, và đã cho phép các ngài xao lãng sự chính xác chi tiết chóng qua.

Sự xao lãng này trở thành một “lỗi nặng” trước chủ nghĩa duy thực chứng của khoa học hiện đại, vì chủ nghĩa ấy tuyệt đối hóa các chi tiết vật chất của sự việc và coi sự chính xác khách quan của chi tiết đó là tiêu chí lý tưởng của chân lý. Nhưng chính đòi hỏi của khoa học thực dụng này trở nên quá đáng trong mức độ là nó làm cho các sự vật thiếu mất chiều kích thiêng liêng bằng cách không để các sự vật tham chiếu về nguồn gốc thần linh là chân lý sâu xa nhất của chúng.

Để hiểu Sách Thánh và Lời được diễn tả trong đó, chúng ta phải nối gót các tác giả được linh hứng, kể cả các Giáo phụ và các thần học gia, để tìm lại ý nghĩa thiêng liêng này của Kinh Thánh, tức là nhìn các sự vật trong bối cảnh thực của chúng: trong bối cảnh ấy, chúng có sự thật hoàn hảo và đích thực. 

Kết luận:

Vấn đề xung khắc giữa Kinh Thánh với khoa học vật lý không còn là vấn đề hiện tại nữa : rõ ràng là chúng ta đã nhận biết hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Không có sự xung khắc giữa Kinh Thánh, được giải thích đúng đắn, và các kiến thức chắc chắn của ngành khoa học.

Chúng ta phải xác tín rằng những sự kiện được kể lại trong Kinh Thánh là chân thật và nhiều sự kiện đã xảy ra đúng như lịch sử, cụ thể các phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện, sự kiện Chúa Giêsu chết và sống lại…Tuy nhiên, có những dữ kiện trong Kinh Thánh xem ra khó có thể chấp nhận là chân thật theo nhãn quan của khoa học. Trong trường hợp này, chúng ta cần hiểu rằng tác giả không có ý trình bày chân lý theo cái nhìn khoa học như chúng ta có bây giờ, nhưng qua đó, các ngài trình bày chân lý của đức tin, tức là ý nghĩa thiêng liêng mà Chúa Thánh Thần muốn mặc khải[4].

Thực vậy, Kinh Thánh là cuốn sách nói về lịch sử giao ước của Thiên Chúa đối với Israel là dân riêng của Ngài và đối với Giáo hội là hiền thê của Đức Kitô. Kinh Thánh là lời chân thật và giúp con người đạt tới ơn cứu độ.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Ađam và Eva sinh ra 2 người con: Cain và Aben. Khi đứa con thứ là Aben bị Cain anh mình giết chết ở ngoài đồng (St 4,1-8), hai ông bà còn lại một mình Cain.

[2] Ađam: 930 tuổi (St 5,4); Seth: 912 (5,8); Ênosh: 905 (5,11); Cainan: 910 (5,14); Mahalalel: 895 (5,17); Jared: 962 (5,20); Ênoch: 365 (5,23); Methuselah: 969 (St 5,27); Lamek: 777 (5,31); Noah: 950 (9,29); Shem: 600 (11,10-11); Arphaxad: 438 (11,12-13); Shelah: 433 (11,14-15); Eber: 464 (11,16-17); Peleg: 239 (11,18-19); Reu: 239 (11,20-21); Serug: 230 (11,22-23); Nahor: 148 (11,24-25); Terah: 205 (11,32); Abraham: 175 (25,7).

Chúng ta sẽ đề cập đến ý nghĩa của tuổi tác của các tổ phụ trong một bài học khác.

[3] Với chủ nghĩa thực chứng (positivism), Auguste Comte chủ trương rằng chỉ có phương pháp khoa học với sự kiểm chứng của nó mới lý giải các sự kiện của tự nhiên, xã hội và con người. Chân lý chỉ có thể chân nhận bằng phương pháp khoa học, và chỉ với phương pháp kiểm chứng này mà thôi. Trong nghĩa này, chủ nghĩa thực chứng của Auguste Comte có liên hệ với chủ nghĩa duy lý (rationalism) và chủ nghĩa duy vật (materialism).

[4] Chúng ta có thể tham khảo Etienne Charpentier, Hướng dẫn đọc Cựu Ước, Hồ Bặc Xái dịch, Nxb Phương Đông, 2014, tr. 19-20:

“ Đôi khi ta nghe hỏi “những điều viết trong Kinh Thánh có thực không ? Phép lạ này có thực không ?” Trước khi trả lời, có lẽ phải xác định chữ “thực” (vrai). Nó có thể mang nhiều ý nghĩa.  Chẳng hạn người ta nói : “Chuyện này thực, quyển tiểu thuyết này thực, bài thơ này thực”. Nghĩa của những chữ “thực” này khác nhau : Quyển tiểu thuyết này dù tất cả chỉ là tưởng tượng, nhưng nó thực nếu nó diễn tả đúng tâm lý chúng ta, nếu nó diễn đúng thực trạng nhân sinh. Chẳng có gì chính xác theo lịch sử nhưng tất cả đều thực, vì viết đúng thực trạng con người.

– Chính xác (exact) là viết thật đúng như đã xảy ra trong lịch sử y như chụp hình hoặc ghi âm vậy.

– Thực (vrai) là viết đúng tâm tình, ý tưởng.

Trong Kinh Thánh có lẽ có nhiều điều không chính xác, bằng những lời lẽ không chính xác theo nghĩa khoa học thực nghiệm, nhưng tất cả đều thực vì chúng chứa đựng những ý nghĩa mà ta khám phá.”

=> Xin nhấn vào đây để tải file dạng Word

Nguồn: tonggiaophanhue.org