Khổ chế là chuyện quá cũ đến nỗi nhắc tới ai cũng có thể nói “Biết rồi khổ lắm nói mãi.” Ấy thế mà, qua vị hướng dẫn linh mục Gioan Vianey Đỗ Thống Nhất, đề tài khổ chế – “Vai trò giáo dục và huấn luyện của tinh thần khổ chế trong đời sống thiêng liêng” đã được chọn làm chủ đề suy tư, làm chất dinh dưỡng, bồi bổ tâm linh cho chị em trong dịp tạ ơn Kim khánh, Ngân khánh khấn dòng và chuẩn bị lập giao ước vĩnh viễn với Chúa năm 2019. Dưới tác động của Chúa Thánh thần, cả người nói lẫn người nghe đều nhận ra đây là gia vị không thể thiếu, như muối cần cho các thức ăn. Thiếu khổ chế đời sống thánh hiến sẽ trở nên nhạc nhẻo vì mất chất. Chính vì thế trong niềm vui được lãnh nhận ân huệ mà Mẹ Hội dòng ban cho, chị em trong khóa bồi dưỡng không ngần ngại cất lên lời tạ ơn:
“Hồng ân Thiên Chúa bao la muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài”
Có thể nói cái tên “Mến Thánh Giá” tự nó đủ để chị em chúng ta ý thức mình không thể sống thiếu tinh thần khổ chế vì theo giáo huấn của Giáo Hội, khổ chế rất cần thiết để người tận hiến trung thành với ơn gọi của mình và bước theo Đức Giêsu trên con đường Thập Giá – Một Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là Người Tình muôn thuở, “Đối tượng duy nhất của lòng trí” mà ta tâm niệm mỗi ngày. Chắc chắn một điều ai cũng nhận thấy là tinh thần khổ chế vừa dễ lại vừa khó, vì khổ chế đi ngược lại khuynh hướng của bản năng con người. Chúng ta phải đi vào trong đời sống nội tâm mới cảm nếm được vị ngọt của khổ chế, và nếu ai không tình nguyện thì không thực hành khổ chế được. Khổ chế được nhìn nhận như một thành phần thiết yếu gắn chặt với cuộc sống tu hành. Không thể quan niệm đời sống tu trì mà lại vắng bóng thói quen tự chế, tự chủ, nếp sống kỷ luật, đơn giản trong khổ hạnh và những khoảnh khắc để sống cô tịch với Chúa cũng như sống thực với chính mình. Văn kiện “những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Hội thánh về đời tu” số 31 có viết: Lời Đức Giêsu nói về hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để đâm bông kết trái có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với tu sĩ do tính công khai của lời tuyên khấn. Quả vậy, hôm nay hoàn cảnh sống có nhiều thách đố và phải đón nhận những thách đố đó như những khổ chế. Tuy nhiên, nếu các tu sĩ không dành một chỗ trong đời sống của mình cho cuộc đời khổ hạnh trong vui tươi và quân bình với sự tự nguyện chấp nhận một số giới hạn nào đó, sẽ có nguy cơ đánh mất sự tự do tâm linh cần thiết khi sống các lời khuyên phúc âm. Thật vậy, thiếu vắng khổ chế và từ bỏ, chính đời sống tận hiến có thể bị phương hại, bởi vì chúng ta không thể làm chứng công khai cho Đức Kitô Thanh bần, Khiết tịnh và Vâng phục mà không có khổ chế.
Khổ chế được biểu hiện bàng bạc ngay cả trong cầu nguyện. Mà cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn, hơi thở của đời sống nội tâm. Không có thứ oxy tâm linh này người ta sẽ sống trong những cuộc hôn mê. Nhờ cầu nguyện chúng ta mở tâm hồn đón nhận luồng sinh khí sáng tạo của Thiên Chúa vốn luôn liên tục phú bấm sự sống cho ta và nâng ta lên với Ngài. Nếu như trong xã hội hôm nay người ta rất sợ bệnh đứt mạch máu não vì thiếu oxy dẫn máu thì trong đời sống tâm linh rất sợ thiếu oxy cầu nguyện.
Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định: Đối với chúng ta cầu nguyện là một Hồng ân của Thiên Chúa và là một lời đáp quyết liệt. Cầu nguyện luôn đòi phải nỗ lực. Cầu nguyện là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu chống lại ai? Chiến đấu với bản thân và các mưu chước của ma quỷ vì chúng làm mọi cách để con người bỏ cầu nguyện, không kết hợp với Thiên Chúa (Số 2725). Ma Quỷ biết rất rõ đời sống của người tu sĩ rất cần cầu nguyện mà cụ thể là những giờ nguyện gẫm. Chúng ta chỉ có những khoảnh khắc ngắn ngủi trên đời để yêu mến Chúa Giêsu. Chính nhờ kết hiệp, chiêm ngắm Chúa Giêsu sẽ đem lại sức mạnh lớn lao cho tâm hồn nên nó sẽ lèo lái chúng ta, thúc đẩy chúng ta tiêu hao cuộc sống này bằng những công việc vô bổ. Vì thế đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo áp dụng các phương cách hãm mình hy sinh như đan sĩ Biển Đức Dom Claude Martin thế kỷ 17 đã nói: “không thể đi vào nguyện gẫm mà không có sự hãm mình. Hãm mình và nguyện gẫm được ví tựa như hai cái cánh mà thiếu nó, tâm hồn không thể bay lên tới Chúa được. Nếu cất đi cái cánh này thì cái cánh kia hầu như trở nên vô ích và tâm hồn sẽ cảm thấy lạc lõng, chới với.”
Chúng ta tạ ơn Chúa vì cả một chiều dài lịch sử 300 năm, chị em Mến Thánh Giá Huế đã không ngừng thực hành khổ chế vì nhận biết sự cần thiết phải có của khí cụ này để chống lại các chước cám dỗ và dẫn đến sự trọn lành. Chính vì thế mà quyển Hiến chương là luật sống của Hội dòng đã dành trọn vẹn cả chương 5 để nói về đời sống khổ chế, hỗ trợ việc tuân giữ các lời khấn Khiết tịnh – Khó nghèo và Vâng phục, tạo nên một cuộc sống phong nhiêu, để qua chị em mọi người phải chân nhận “tu là cõi phúc.” Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đã thắc mắc: Thánh Giá sao không có Chúa? Và được giải đáp: Chúa Giêsu đã làm xong nhiệm vụ của Ngài rồi, bây giờ đến phần em. Cũng vậy, Chị em chúng ta cũng là những Têrêxa tiếp tục nhiệm vụ của mình ngang qua việc đón lấy Thánh Giá và đặt trên đó những hình thức khổ chế như là dấu chỉ của Ơn cứu độ mà mỗi người được thông phần với Chúa để mang sự sống mới đến cho chính mình và cho trần gian.
Nt. Maria Tôn Nữ Kim Phi
Hội dòng Mến Thánh Giá Huế