Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Thánh Tâm Chúa Giêsu: Suối Nguồn Tình Yêu

(Hs 11:1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3:8-12.14-19; Ga 19:31-37)

Tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho con cái Israel được diễn tả trong những ngôn từ đầy cảm xúc trong bài đọc 1 hôm nay. Đức Chúa đã yêu Israel ngay từ thời niên thiếu; Ngài đã chọn, đã gọi, đã dẫn dắt và đối xử đầy yêu thương với Israel: “Khi Israel còn non trẻ, Ta đã yêu nó, từ Aicập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11:1-4). Với tình yêu tràn đầy và sâu đậm, Đức Chúa đã yêu thương Israel. Ngài mong ước Israel đáp trả lại với tình yêu. Nhưng Israel đã không chịu về với Đức Chúa (x. Hs 11:5c). Nhưng dù cho Israel không trở về với Ngài, Đức Chúa vẫnn trung thành với tình yêu của Ngài: “Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11:8ac-9). Hình ảnh trung thành của Thiên Chúa làm chúng ta nhìn lại tình yêu của mình dành cho Ngài. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta biết và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngài yêu chúng ta ngay từ khi chúng ta vừa mới hình thành trong dạ mẫu thân; Ngài đồng hành với chúng ta qua từng ngày sống với tình yêu quan phòng của Ngài; Ngài nâng niu, ấp ủ chúng ta như mẹ hiền ấp ủ con thơ. Nhưng nhiều lần chúng ta đã không đáp lại tình Ngài. Chúng ta đặt tình yêu của mình vào những thứ chóng qua của trần thế. Dù chúng ta không trung thành với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn trung thành với tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Hãy trở về và để tình yêu trung thành của Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta!

Thánh Phaolô trong bài đọc 2, sau khi nói cho các tín hữu Êphêsô về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ. Kế hoạch này được uỷ thác cho thánh nhân đó là được biết mầu nhiệm về Đức Kitô (x. Ep 3:2-5). “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Thánh Phaolô liền trình bày cho họ biết vai trò của mình trong kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa. Thánh nhân cũng chỉ ra rằng mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tìm ra vai trò của mình trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Để làm được điều này, chúng ta cần phải trau dồi một tương quan mật thiết với Đức Kitô vì chỉ trong Ngài và nhờ tin vào Ngài, “chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (Ep 3:12). Thật vậy, những ai càng gần Chúa Giêsu, người đó càng nhận ra vai trò mà mình được mời gọi thực hiện để cộng tác vào trong công trình yêu thương của Thiên Chúa. Càng ở gần Đức Kitô bao nhiêu, chúng ta càng trở nên khiêm nhường bấy nhiều để nhận ra rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng được mời gọi chia sẻ trong sứ mệnh của Đức Kitô.

Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm trong bài đọc 2 là việc Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự trên trời dưới đất. Đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thánh Phaolô đã nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô những điều sau: (1) củng cố con người nội tâm của họ được vững vàng [“Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng” (Ep 3:16)]; (2) được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; (3) được bén rễ sâu và xây dựng trên đức ái; (4) hiểu thấu mầu nhiệm Thiên Chúa và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3:19). Nói cách khác, Thánh Phaolô nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô được tình yêu và sự sống viên mãn của Thiên Chúa chiếm lấy. Tâm tình của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Êphêsô là gương sáng cho chúng ta khi chúng ta đối xử với anh chị em mình. Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta thường nguyện xin gì cho anh chị em mình, nhất là những người làm chúng ta tổn thương bằng lời nói hoặc bằng hành động? Trong mọi sự, nhất là trong đời sống cầu nguyện, hãy tìm kiếm điều tốt lành mà thực hiện cho anh chị em mình.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta những gì xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết trên Thập Giá. Bối cảnh là ngày “áp lễ Vượt Qua.” Điều gì đã xảy ra? Thánh Gioan cho chúng ta biết như sau: “Hôm đó là ngày áp lễ Vượt Qua, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống” (Ga 19:31). Những lời này cho thấy người Do Thái muốn Chúa Giêsu chắc chắn đã chết khi xin Philatô cho đánh giập ống chân, để nếu Ngài còn sống thì không thể đứng mà giữ hơi thở của mình hầu khỏi bị chết ngộp. Nhưng khi “quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người” (Ga 19:32-33). Những lời này chứng minh cho chúng ta là Chúa Giêsu “đã chết” hầu cho chúng ta biết rằng Ngài nên giống chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4:15). Chi tiết này cũng nhằm chứng minh Chúa Giêsu là người thật.

Tuy nhiên, để chắc chắn là Chúa Giêsu đã chết, “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Theo các học giả Kinh Thánh, theo nguồn gốc, những yếu tố nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của nạn nhân, có thể chỉ là những chi tiết nói về câu chuyện của một vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, Tin Mừng đã giải thích “nước” như là Thần Khí, Đấng mà Đức Kitô Phục Sinh sẽ ban cho những kẻ theo Ngài (x. Ga 7:39). Theo truyền thống của Giáo Hội, hình ảnh máu và nước là biểu tượng của hai bí tích khơi nguồn tái sinh của Giáo Hội: Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể.

Câu 35 được thêm vào để nói về vai trò của người làm chứng: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này được thêm vào bởi người “chủ bút” cuối cùng của Tin Mừng Thánh Gioan. Câu này trở thành nền tảng cho lời khẳng định của Thánh Gioan trong thư Thứ Nhất của ngài (x. 1 Ga 5:6-7), đó là việc khẳng định máu (cái chết) của Chúa Giêsu là cần thiết cho ơn cứu độ (x. 1 Ga 1:7). Tuy nhiên, theo mạch văn chúng ta đang suy gẫm, những lời này khẳng định giá trị của những chứng nhân “mắt thấy tai nghe.” Nói cách khác, những chứng nhân đích thật là những người “nhìn thấy” Thiên Chúa và nói về những điều mình đã thấy. Mỗi ngày chúng ta cũng nhìn hay cảm nghiệm thấy Chúa đang hoạt động trong ta, trong người khác và trong thế giới. Lời chứng của chúng ta chỉ xác thực để người khác tin khi chúng ta chỉ nói về những điều Thiên Chúa đã làm chứ không phải những gì chúng ta làm. Tóm lại, lời chứng của chúng ta là nhằm mục đích mang người khác đến với Chúa chứ không phải để tôn vinh chính mình.

Bài Tin Mừng kết với khẳng định rằng những gì xảy ra với Chúa Giêsu là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19:36-37). Hai câu này, theo các học giả Kinh Thánh, là bất thường vì chúng có đến hai câu trích từ Cựu Ước. Nguồn gốc của câu trích đầu tiên không rõ ràng lắm. Nếu câu này nhằm mục đích đặc Chúa Giêsu song song với chiên Vượt Qua thì mệnh lệnh không đánh giập xương của con chiên có nguồn gốc trong sách Xuất Hành (12:10) và Dân Số (9:12). Nếu tác giả chỉ dùng hình ảnh của người tôi tớ đau khổ của Giavê , thì một trong các Thánh Vịnh (22:19) nói về đau khổ được xem là nguồn gốc của câu trích. Câu thứ hai trích từ sách Ngôn Sứ Dêcaria (12:10) chỉ có thể áp dụng vào trong truyền thống này của Thánh Gioan để cung cấp cho chúng ta bằng chứng về hành động của người lính. Mọi người sẽ nhìn lên Đấng bị đóng đinh (trong ngày phán xét). Đối với Gioan, phán xét đã được hoàn thành trong cái chết của Chúa Giêsu. Như thế, câu trích này làm nhiệm vụ như là lời sấm về việc phán xét muôn dân. Dù nguồn gốc của hai câu trích ở đâu, điều Thánh Gioan muốn nhấn mạnh ở đây là ơn cứu độ đến từ Đấng Treo Trên Thập Giá với cạnh sườn bị đâm thủng để con người có thể đi vào trong tình yêu Thiên Chúa cách tự do. Trái tim Chúa Giêsu luôn mở rộng cho hết mọi người. Con tim chúng ta thế nào: đang đóng kín hay mở rộng? Nếu mở rộng thì cho hết mọi người hay chỉ một số người mình thích?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB