(Ed 17:22-24; 2 Cr 5:6-10; Mc 4:26-34)
Khi chúng ta trồng cây gì chúng ta muốn nói lớn lên, trưởng thành và sinh hoa trái. Điều này cũng đúng với tất cả những mối tương quan chúng ta có hoặc những điều chúng ta làm trong từng ngày sống. Sau Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lời Chúa mời gọi chúng ta lớn lên trong đời sống ân sủng, trong đời sống yêu thương vì qua việc lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập và trở nên một trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Êdêkiên trình bày cho dân Israel biết điều Đức Chúa sẽ thực hiện, đó là: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Israel” (Ed 17:22-23). Điều Đức Chúa muốn “chồi non” Ngài trông là “nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17:23). Đây là viễn cảnh mà Đức Chúa sẽ thực hiện với những người Israel “sống sót” trở về sau thời lưu đày. Ngài sẽ làm cho họ trở nên nhân chứng của tình yêu Ngài, để qua họ muôn dân nhận biết Ngài là Đức Chúa. Điều này được Ngôn sứ trình bày qua hình ảnh muôn cây cối ngoài đồng ruộng: “Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa” (Ed 17:24). Chính Đức Chúa sẽ làm mọi sự. Ngài sẽ “hạ thấp kẻ kiêu căng” và “nâng cao kẻ khiêm nhường”: “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi” (Ed 17:24). Đây là hình ảnh của việc Thiên Chúa sẽ đánh bại các dân tự xưng mình vĩ đại trước mặt Thiên Chúa và nâng cao dân riêng của Ngài là Israel.
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô về hành trình trên dương thế, hành trình “đi tìm Đấng Vô Hình” trong thân phận yếu đuối mỏng manh đang sống trong thân xác của mình. Trên hành trình đó, người tín hữu nhận ra mình vẫn “lưu lạc xa Chúa” (2 Cr 5:6). Tuy nhiên, vì không thể nhìn thấy Chúa với cặp mắt thể lý của mình, người tín hữu sẽ “tiến bước nhờ lòng tin” (2 Cr 5:7). Chính lòng tin sẽ được ở bên Chúa khi thời gian đến thời viên mãn, người tín hữu sẽ nhận ra rằng: “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2 Cr 5:9). Những lời này cho thấy mục đích của người tín hữu dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Phaolô kết lời giáo huấn của mình bằng việc chỉ ra cho các tín hữu biết rằng: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10). Những lời này mời gọi chúng ta phải sống thật, sống trọn vẹn với ơn gọi người Kitô hữu [ơn gọi thánh hiến] của mình. Thời gian sống trong thân xác yếu hèn này là thời gian để chúng ta chuẩn bị chính mình cho cuộc gặp gỡ yêu thương với Thiên Chúa. Chúng ta chuẩn bị thế nào là do chính chúng ta chủ động. Chúng ta được ban cho tự do để chọn lựa khi còn sống trong thân xác. Nếu chúng ta chạy theo xác thịt, thì chúng ta sẽ nhận ra mình càng “lưu lạc xa Chúa.” Còn nếu chúng ta cố gắng làm đẹp lòng Chúa khi còn ở trong thân xác, thì chúng ta sẽ được ở bên Chúa khi lìa bỏ “thân xác yếu hèn” để mặc lấy “thân xác phục sinh” trong Đức Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn, dụ ngôn hạt giống tự lớn lên (Mc 4:26-29) và dụ ngôn hạt cải (M 4:30-32) – và kết luận (Mc 4: 33-34) lặp lại mục đích việc dùng dụ ngôn trong việc giảng dạy của Chúa Giêsu về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Giống với dụ ngôn về gieo giống, dụ ngôn hạt giống lớn lên này nhấn mạnh đến sự tương phản giữa sự nhỏ bé của hạt giống và sự vĩ đại của mùa gặt. Điều Chúa Giêsu nhắm đến chính là đặc tính cánh chung của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong hiện tại và điều này được diễn tả trong hình ảnh “hạt lúa” và “sự lớn lên” của nó. Chính Thiên Chúa hướng dẫn sự tăng triển đến mức hoàn thiện của Nước Thiên Chúa trong tương lai. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa sẽ đến cách hiển nhiên, chắc chắn và huyền nhiệm như mùa gặt sẽ theo sau việc gieo giống; trong khi chờ đợi chúng ta không được thất vọng và thiếu kiên nhẫn. Điểm này là sợi dây nối kết bài Tin Mừng với bài đọc 1 hôm nay.
Trong dụ ngôn đầu tiên, Chúa Giêsu dùng kỹ thuật so sánh – giống – để nói về Nước Thiên Chúa: “Nước trời giống như….” Khi đọc dụ ngôn này, nhiều người trong chúng ta chỉ dừng lại ở hình ảnh “một người vãi hạt giống xuống đất” để nói về Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa giống với người vãi hạt giống xuống đất. Nhưng đây không phải là điều Chúa Giêsu nhắm đến khi dùng dụ ngôn này. Đối với Ngài, Nước Thiên Chúa chính là toàn bộ thực tại mà dụ ngôn nói đến chứ không chỉ với người gieo giống. Như vậy, Nước Thiên Chúa bao gồm những yếu tố sau: (1) gieo giống xuống đất (Mc 4:26); (2) không biết cách thức hạt giống nẩy mầm và mọc lên (Mc 4:27); (3) đất tự động sinh hoa kết quả (không có nguyên nhân hữu hình tác động) (Mc 4:28); (4) đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa (Mc 4:29). Thực tại Nước Thiên Chúa tự nẩy mầm, lớn lên, sinh hoa kết quả độc lập khỏi sự hiểu biết của người gieo giống. Điều này nhắc nhở chúng ta, những người gieo mầm yêu thương và tha thứ của Nước Thiên Chúa, rằng: Chúng ta không phải là nhân vật chính. Hoa trái của mùa gặt không do chúng ta sinh ra. Chính Chúa là Đấng làm cho mùa gặt được bội thu từ những gì chúng ta gieo vãi. Hãy tiếp tục công việc gieo vãi yêu thương và tha thứ của mình, đứng sờn lòng nản chí!
Hình ảnh thứ hai Chúa Giêsu sử dụng để so sánh Nước Thiên Chúa là hạt cải, là hạt nhỏ nhất sẽ lớn lên trở thành một cây lớn. Giống như dụ ngôn người gieo hạt, hình ảnh hạt cải ngụ ý nói rằng: Nước Thiên Chúa là một thực tại nhỏ bé, nhưng Nước Thiên Chúa sẽ đến là chuyện hiển nhiên. Chúng ta không nên thất vọng và thiếu kiên nhẫn vì việc đến của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một thực tại đang hiện diện và Thiên Chúa là tác nhân của sự phát triển. Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh tương phản: Hạt cải là loài nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất tương phản với một cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ dưới bóng (x. Mc 4:31-32). Nước Thiên Chúa có sự khởi đầu thật nhỏ bé, nhưng khi đạt đến mức hoàn thiện nó sẽ đạt được kết quả vĩ đại và mọi người, ngay cả những người “ở ngoài” cũng tìm được chỗ ẩn náu. Chân lý rút ra từ thực tại này là: Mọi sự đều bắt đầu từ những gì thật nhỏ bé – đừng coi thường những cái nhỏ bé, tầm thường trong ngày sống của chúng ta.
Bài Tin Mừng kết luận với bản tóm tắt nói về việc Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn như là phương tiện để giảng dạy. Nói cách cụ thể, sử dụng dụ ngôn là ngôn ngữ hình tượng mà Chúa Giêsu dùng để nói về Thiên Chúa và sự đến của Nước này. Thông thường, dùng câu chuyện để chuyển tải nội dung cần nói thì tốt hơn là dùng những lời nói suông. Cũng vậy, Chúa Giêsu biết rõ dụ ngôn rút ra từ những hình ảnh thường ngày làm cho người nghe được cuốn hút vào trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa hơn là bằng những ngôn từ trống rỗng. Câu kết luận của bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về với dụ ngôn người gieo giống (Mc 4:1-20): Ngài giải thích mọi sự cho các môn đệ khi chỉ có thầy trò với nhau (Mc 4:34//10). Chúng ta chỉ hiểu điều Chúa muốn nói với chúng ta chỉ khi còn lại “mình con với Chúa.”
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB