Mặt Trái Của Mạng Xã Hội

Mặt trái của mạng xã hội

I. NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

Qua những trải nghiệm cuộc sống và kinh nghiệm mục vụ, chúng tôi – một số linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc nhóm I lớp Mục vụ Truyền Thông (khóa I) của Học viện Công giáo – đã rất trăn trở khi tận mắt chứng kiến những sự kiện được ghi lại dưới đây, và cảm nhận sâu sắc ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội trên những con người cụ thể, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau.

Vì thế, chúng tôi thực hiện bài viết này với ước mong góp phần khơi lên sự quan tâm nhiều hơn nơi Giáo hội và xã hội, mong cùng nhau tích cực xây dựng một nền văn hoá mạng lành mạnh, giúp thăng tiến con người toàn diện. Đây cũng là thao thức chung của các vị thừa sai trong “đại lục kỹ thuật số”.

II. MẠNG XÃ HỘI VỚI TRẺ EM

1. Bạo lực từ tấm bé

Từ khi lên 3, Bé Tam,[1] nhà ở Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai, đã thường xuyên xem những phim bạo lực từ điện thoại. Ngày đầu tiên bước vào lớp Một, Bé đã đấm vào mặt bạn, làm bể mắt kính, khiến gia đình phải xin lỗi, đền bù. Cũng vì chỉ chơi với điện thoại, nên bé không thích tương quan với ai và hay dùng bạo lực khi gặp điều trái ý.[2]

Nhận định

Giai đoạn từ khi chào đời đến 6 tuổi là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển của con người. Đây cũng là giai đoạn định hình nhân cách của trẻ. Tất cả những điều diễn ra xung quanh đều được trẻ ghi nhận và bắt chước. Vì thế, khi tiếp xúc quá nhiều với những hình ảnh bạo lực từ mạng xã hội, trẻ sẽ lặp lại những hành vi ấy, thường là vô ý thức.

Giải pháp

Trước hết, ba mẹ nên giới hạn thời gian con mình được chơi với điện thoại, và kiểm tra nội dung Bé thường xem. Việc hạn chế này lúc đầu sẽ gặp phải sự chống đối của Bé, nhưng nếu ba mẹ kiên quyết và dịu dàng giải thích, Bé sẽ hiểu và vâng nghe.

Ba mẹ cũng cần hướng dẫn con đến với những hoạt động bổ ích thay thế, như các môn thể thao, các môn năng khiếu con yêu thích.

Ngoài ra, ba mẹ cần can thiệp ngay khi thấy con có những hành động bạo lực làm tổn thương người khác, nếu không, mức độ bạo lực sẽ ngày càng tăng và có thể làm tổn thương người khác cách nghiêm trọng hơn.

Cuối cùng, ba mẹ nên phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giúp con mở rộng tương tác với bạn bè và các hoạt động chung của trường, lớp.

2. Trẻ em mất ngôn ngữ và mất tương tác xã hội

Bé Tâm là một học trò trong lớp “can thiệp sớm” của nữ tu Lan Chi. Nhà bé ở Tam Bình, Thủ Đức. Bé Tâm sinh ra khoẻ mạnh, kháu khỉnh, bi bô nói cười khi mới hơn 1 tuổi.

Khi dịch Covid-19 bùng nổ, như mọi nhà, ba mẹ và bé Tâm bị cách ly hoàn toàn với xã hội. Ngày ngày, ba mẹ bận rộn bán hàng online. Lúc rảnh, để giết thời gian, mỗi người chăm chăm lướt mạng. Riêng bé Tâm được sở hữu cả chiếc tivi to trong phòng riêng. Mẹ bé kể: “Trừ lúc bé lăn ra ngủ, những giờ còn lại, bé xem đủ thứ trên YouTube.”

Dịch hết, những thói quen suốt nhiều tháng giãn cách khó bỏ và hậu quả là đến nay, dù đã hơn 3 tuổi, bé Tâm vẫn chỉ bi bô như đứa trẻ 1 tuổi ngày nào. Bé sợ đám đông. Thấy người lạ đến, bé sẽ trốn vào phòng đóng cửa lại. Bé không cho ai đụng vào mình. Bé không biết tự đi vệ sinh và vẫn lệ thuộc vào bỉm. Bé không biết uống sữa bằng ly, vẫn phải bú bình. Đặc biệt, bé cáu bẳn, khó tính, nóng nảy. Bé tự cào mặt và thân thể của mình khi không được đáp ứng nhu cầu, đồng thời cào cấu bất cứ ai bắt bé làm điều bé không thích. Phương tiện bé dùng để giao tiếp với mọi người là tiếng khóc. Do đó, rất nhiều nhu cầu của bé không được thấu hiểu, và vì bé không biết làm chủ những cảm xúc tiêu cực của bản thân, cung cách mang đặc nét chống đối, nên nhiều lần bé bị bạo hành trong gia đình.[3]

Nhận định

Câu chuyện đau lòng của bé Tâm chỉ là một trong nhiều trường hợp đáng thương của các bé đang được can thiệp chuyên sâu. Bé Tâm được chẩn đoán bị “rối loạn phổ tự kỷ và chậm nói”.

Theo thống kê mới nhất của WHO (11/2023), cứ 100 trẻ em thì có một em bị tự kỷ. Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, có hơn 13% trẻ bị chậm nói, trong đó, chỉ có 40% sẽ cải thiện khi lên 5 tuổi, 60% trẻ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng cho đến những giai đoạn phát triển sau, thậm chí đến tuổi trưởng thành.

Mặc dù chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra tự kỷ và chậm nói, nhưng các nhà chuyên môn không loại trừ nguyên nhân do ảnh hưởng của việc tiếp xúc quá nhiều với màn hình, thay vì tương tác trực tiếp với những người thân yêu và thế giới xung quanh.

Trẻ em học qua tương tác, khám phá, vui chơi. Khi tất cả những kênh thông tin ấy bị tước mất, toàn bộ quá trình phát triển vận động, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm – xã hội, kỹ năng tự phục vụ… đều bị trì hoãn. Ngôn ngữ tiếp nhận bị hạn chế sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ biểu đạt. Khi ngôn ngữ – công cụ của tư duy – bị suy giảm hoặc mất đi, thì chất lượng học tập của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ không đạt được các mốc phát triển theo độ tuổi.

Thật đáng buồn, ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ không ý thức tầm quan trọng của giai đoạn trước 6 tuổi. Họ cứ nghĩ đơn giản: con nít mà lo gì, học hành gì, biết gì! Ba mẹ cũng không ngờ hậu quả nghiêm trọng của việc bỏ bê con cái và phó mặc cho con giải trí với tivi, điện thoại, ipad khi còn quá nhỏ. Ba mẹ an tâm khi thấy con không quấy khóc, không chạy lăng xăng, và có thể yên lặng hàng giờ để mình làm việc khác. Đến khi nhận ra con mình không phản ứng khi gọi tên, không nói khi đã lên ba, không chơi với bạn khi đến trường… thì đã quá trễ. Quá trình phục hồi rất lâu dài, rất căng thẳng và tốn kém.

Giải pháp

Đầu tiên, ba mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức nền tảng về quá trình phát triển của con trẻ, những gì nên làm và nên tránh khi nuôi dạy con. Mạng xã hội cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích về lĩnh vực này.

Cha mẹ nên đầu tư thời gian cho con trong những năm đầu đời của con và giúp con được phát triển toàn diện, thay vì chỉ lo cho con có nhà cao, cửa rộng. Trẻ em cần thời gian và sự hiện diện (presence) của cha mẹ và những người thân yêu hơn là cần những món quà (present). Dành thời gian cho con để dạy con nói, để cùng chơi, cùng khám phá thế giới với con, để thấu hiểu con, để làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con, khích lệ con tự tin và tử tế khi tương tác với bạn bè, láng giềng và khuyến khích con sống tự lập, sống có trách nhiệm. Đó là mô hình chăm sóc – giáo dục tiên tiến nhất, hiện đại nhất, và hữu hiệu nhất cho mọi trẻ.

Bên cạnh đó, ba mẹ nên dạy cho con tinh thần kỷ luật và biết chọn lựa khi sử dụng mạng xã hội. Nhưng trước hết, cha mẹ phải nêu gương cho con cái về những điều mình muốn con thực hiện. Những sinh hoạt chung của gia đình như giờ cơm, giờ giải trí chung cần được duy trì thay vì mỗi người cứ chăm chăm vào điện thoại cá nhân và những tương quan ảo trên mạng xã hội.

Đặc biệt, ba mẹ tuyệt đối không nên dùng bạo lực với con cái, nhất là khi bé không hiểu và không có khả năng diễn tả nhu cầu, cảm xúc của bản thân.

III. MẠNG XÃ HỘI VỚI NGƯỜI TRẺ

1. Tuổi Teen: Hành hung nhau

Ngày 10.9.2023, cha Hoàng Thái nhận được thông báo từ nhà trường: Các em thiếu nhi giáo xứ đánh nhau, quay clip và tung lên mạng xã hội, trong đó, em Thảo Trang (14 tuổi) và em Thiên Ân (14 tuổi) ngành Nghĩa Sĩ cùng với nhóm mình đã “đánh hội đồng” bạn Quỳnh (13 tuổi) ngành Thiếu Nhi.

Đoạn clip cho thấy các em đã hẹn nhau ra khu vực Đất thánh giáo xứ để “dằn mặt” nhau. Thảo Trang mở màn cho trận đánh bằng những cú tát và đấm tơi bời vào mặt và đầu Quỳnh. Sau những lời chửi bới, Thiên Ân tiếp tục xông lên và kéo tóc cho Quỳnh ngã xuống và và cả nhóm xông vào tiếp tục đánh Quỳnh. Quỳnh ôm mặt khóc.

Cha đặc trách Thiếu nhi gặp gỡ các em liên quan trong vụ việc để tìm hiểu nguyên nhân. Bố mẹ của Thảo Trang đã li dị. Trang sống với bố và ông bà. Trang thiếu tình cảm của mẹ, thiếu sự chăm sóc chu đáo nên đã sinh ra sự tự vệ quá mức và dễ dàng quá khích. Hơn nữa, khi không được kiểm soát chặt chẽ từ gia đình, Trang thường xuyên theo dõi các trang mạng bạo lực, không lành mạnh…

Cha đặc trách đã giúp các em nhận ra hành động của mình xúc phạm đến Thiên Chúa và đến nhau. Sau đó, cha gợi ý để các em tự chọn một quyết tâm, thể hiện tinh thần hối lỗi và thiện chí thay đổi của bản thân. Suy nghĩ một hồi lâu, các em chọn sẽ đi lễ hằng ngày suốt một năm.

Thấy được tấm lòng của các em và cũng hiểu tâm lý của các em, nên cha quyết định chọn phương pháp cho các em đi lễ hằng ngày trong vòng một tháng. Đặc biệt, cha yêu cầu các em phải làm một việc tốt và đăng lên mạng thay cho clip đánh nhau. Cuối cùng cha giúp các em xét mình, xưng tội để được rước lễ.[4]

Nhận định

Ở lứa tuổi này, các em thường hiểu lầm về cách thức được ca tụng và được nổi danh trên mạng xã hội. Vì thế, các em chọn cách đăng clip đánh nhau để thể hiện sự “anh hùng” và “đẳng cấp”.

Hơn nữa, theo nhận định của ông Trần Đăng Khoa – Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa trên khảo sát của Google (2022), “trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em thế giới. Trong 4 năm này, các em không được bảo vệ tốt trên không gian mạng.” Ông Khoa cũng cho biết, Việt Nam hiện có 24,7 triệu trẻ em và 2/5 số này dùng internet. Độ tuổi dùng internet nhiều nhất là 14-15 (93%), kế đó là 12-13 tuổi (82%).

Giải pháp

Trước hết, các em cần được học hỏi về cách sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên giải thích ngọn nguồn cho con cái về hai mặt của các phương tiện truyền thông, chứ không nên chỉ cấm đoán các em.

Khi có những việc đáng tiếc xảy ra, cha mẹ và những người hữu trách nên gặp trực tiếp, lắng nghe các em và có những hướng dẫn hợp tình hợp lý, giúp các em nhận ra những lầm lỗi của mình, để các em tự sám hối và tự cố gắng thực hiện điều các em đã quyết tâm.

2. Tàn tật suốt đời

Có một sinh viên ở New York thuê phòng trọ để đi học. Thời gian đầu anh chăm chỉ học tập và đạt thành tích rất cao. Nhưng do nghiện game online, không rời khỏi bàn phím một giây, anh cách ly hoàn toàn với xã hội. Ngày ngày đặt thức ăn mang đến tận phòng. Sau 3 tháng, đôi chân vốn khoẻ mạnh của anh cứ teo dần do không vận động. Việc học dở dang, anh phải đi cai nghiện và điều trị bệnh.[5]

Nhận định

Từ một sinh viên giỏi, nhưng do không biết làm chủ đam mê để dừng lại cho đúng lúc, bạn trẻ này đã tự đánh mất tương lai của mình.

Giải pháp

Nhà trường và các hội đoàn cần tổ chức các buổi tọa đàm về hai mặt của mạng xã hội và hướng dẫn cách làm chủ bản thân, thời gian trong việc sử dụng mạng xã hội cho các bạn trẻ.

Không coi thường, chê trách những bạn đã sa đọa lỗi phạm nhưng gần gũi để giúp các bạn thoát ra khỏi đam mê tiêu cực đó, bằng việc tạo ra các sân chơi, những lớp học hay các hoạt động xã hội bổ ích cho các bạn tham gia.

IV. MẠNG XÃ HỘI VỚI NGƯỜI LỚN TUỔI

1. Cờ bạc trên mạng

Chuyện xảy ra với chị Dung, em gái của một tu sĩ. Trong một lần lướt mạng, chị Dung quen một thanh niên trên mạng. Qua một thời gian chuyện trò như một người bạn, người này bắt đầu rủ rê chị Dung, mời gọi đánh bài trên mạng rồi chia tiền cho. Nhưng cuối cùng, chị đã bị lừa trắng tay. Tệ hơn, chuyện vỡ lở còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình vì chồng chị nghi ngờ chị có tình cảm riêng tư với người trên mạng. Rất may, nhờ sự can thiệp của gia đình và nhờ chị chứng minh được mình bị lừa, nên người chồng đã tha thứ và bỏ ý định ly dị.[6]

Nhận định

Chị Dung là một trong nhiều nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội. Rất nhiều khi, hậu quả đi rất xa, khiến nhà tan, cửa nát, thậm chí mất cả danh dự, mạng sống.

Càng ngày, kẻ lừa đảo càng tinh vi và đội lốt “thần tiên” hoặc “chuyên gia thấu cảm” nên dễ chiếm được lòng tin của những người nhẹ dạ, hoặc những ai đang gặp khủng hoảng trong cuộc sống. Kinh nghiệm của chị Dung là bài học cho những ai đang mải mê với những tương quan ảo trên mạng xã hội mà thiếu cân nhắc, thận trọng.

Giải pháp

Mỗi người dân cần khôn ngoan khi kết bạn trên mạng xã hội, không dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân quá nhiều khi chưa biết rõ người mình tương quan là ai. Đặc biệt, mọi người nên cảnh giác trước những chào mời liên quan đến tiền bạc, vì bạn bè chân chính rất hạn chế lôi kéo người khác vào những cuộc làm ăn dễ dàng thu lợi nhuận. Nếu nghi ngờ, nên tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ từ người thân và những người có chuyên môn.

Tạo ra sự gắn kết tình thân trong gia đình, giúp mọi người vượt qua khó khăn và đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội.

2. Sống ảo

Một bà cụ rất thích tương tác với người thân tên Facebook. Dần dần bà ảo hóa cuộc sống. Bà luôn bắt con cháu phải ăn mặc chỉn chu mỗi khi xuất hiện trên mạng xã hội. Bà kiểm tra xem con cháu ai không vào Facebook chúc mừng sinh nhật người thân. Khi người cháu giải thích rằng anh đã chúc mừng trực tiếp, nhưng bà vẫn không hài lòng. Bà nói: “Ai cũng chúc mừng trên Facebook, thiếu mỗi mình con đấy!”[7]

Nhận định

Ít ai nghĩ mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến người cao tuổi như trường hợp cụ bà kể trên. Trong cuộc sống cũng còn rất nhiều cụ ông cụ bà bị cuốn theo sự hấp dẫn của Internet. Nỗi cô đơn của tuổi già khiến họ tìm niềm vui nơi thế giới ảo.

Giải pháp

Con cháu trong gia đình cần quan tâm và gần gũi với ông bà, thường xuyên thăm hỏi, nói chuyện với ông bà, để các cụ bớt cảm thấy cô quạnh và tìm quên thời gian trong không gian mạng. Các cụ cũng cần được chia sẻ để cảnh giác trước những tiêu cực, những lọc lừa trên mạng xã hội.

Cũng rất cần có những câu lạc bộ dành cho người cao tuổi, nơi đó, các cụ có những tình bạn ý nghĩa để sẻ chia mọi vui buồn lúc tuổi xế chiều. Giáo xứ có thể tổ chức các hoạt động gặp gỡ, thiện nguyện nhẹ nhàng, ý nghĩa cho đối tượng người cao tuổi.

V. MẠNG XÃ HỘI VỚI TU SĨ

Bê trễ bổn phận

Một số tu sĩ do thiếu trưởng thành trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, đã mất quá nhiều giờ trên mạng xã hội để xem phim, lướt Facebook, Zalo, và đôi khi sa đà vào các mối tương quan bất thường, do đó bê trễ các bổn phận trong đời tu.[8]

Nhận định

Cũng giống như việc sử dụng đồng tiền, mạng xã hội được sử dụng đúng cách sẽ giúp chúng ta thăng tiến và hoàn thiện bản thân. Nhưng nếu không cẩn thận, mạng xã hội sẽ trở thành một ông chủ xấu xa, độc ác, vô nhân tính, có thể phá hủy tất cả cũng như nhấn chìm chúng ta trong sự suy đồi, diệt vong và chết chóc.

Vì thế, chúng ta sẽ không lạ gì khi thấy nhan nhản trong xã hội và cả trong đời sống tu trì những hậu quả thật đáng tiếc do việc lạm dụng mạng xã hội…

Giải pháp

Theo văn kiện “Hướng đến việc hiện diện tròn đầy trên Mạng xã hội” của Bộ Truyền Thông Vatican, các tu sĩ không thể đứng ngoài “đại lục kỹ thuật số”. Tuy nhiên, họ cần trưởng thành và quân bình trong việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt phải trung thành chu toàn các việc bổn phận, nhất là các bổn phận thiêng liêng. Họ cần tạo ra những khoảng lặng để kết nối “online” với Đức Kitô nhiều hơn, nhờ đó, đời tu của mình tràn đầy tình yêu và ân sủng của Chúa.

VI. KẾT LUẬN

Nhận định tổng quát

Mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho những ai biết sử dụng cách khôn ngoan, nhưng nó có thể gây ra bao điều đáng tiếc, đáng thương cho nhiều nạn nhân, không phân biệt tuổi tác, trình độ văn hoá, bậc sống. Hậu quả tiêu cực ảnh hưởng khôn lường trên mọi mặt của đời sống con người.

Vì vậy, trách nhiệm tạo ra một môi trường mạng xã hội nhân văn, nhân nghĩa, và giúp thăng tiến toàn diện con người là trách nhiệm của từng thành viên trong Giáo hội và xã hội.

– Các cấp lãnh đạo cần bảo đảm nội dung đăng tải trên mạng phải phản ảnh những giá trị cao quý, cần kiên quyết loại bỏ những nội dung mang tính bạo lực, hạ thấp phẩm giá con người, đe doạ nền văn minh tình thương.

– Những người làm công tác giáo dục cần cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết và thực tế để người trẻ và mọi người biết cách sử dụng mạng xã hội cách hiệu quả. Đồng thời, cần tạo ra những sân chơi lành mạnh trên mạng và trong cuộc sống để người trẻ có nhiều cơ hội thăng tiến bản thân.

– Các bậc làm cha mẹ cần quan tâm dành thời gian đồng hành với con cái và giúp con cái được lớn lên mỗi ngày trong quân bình. Cha mẹ cần xây dựng gia đình mình thành tổ ấm yêu thương, nơi đó, con cái được thấu hiểu, cha mẹ được tôn trọng, ông bà được hiếu kính và mọi người tìm được điểm tựa vững bền.

– Học sinh, sinh viên cần trau dồi tri thức và nhân cách bằng cách chọn những nguồn thông tin lành mạnh, làm giàu có tâm hồn và giúp mình trở thành những người tốt, người thành đạt trong xã hội. Nhất là, người trẻ cần nói không với những trang mạng xấu, những hành vi bạo lực và những tương quan mập mờ, không giúp mình được tự do và lớn lên.

Lục địa kỹ thuật số có thể trở thành một vương quốc của nối kết, của yêu thương và trao ban nếu mọi người góp tay kiến tạo những giá trị cao đẹp cho nhau. Ước mong mọi người đều là những người chủ thông minh và bản lĩnh của phương tiện truyền thông, nhờ đó, gặt hái được nhiều hoa trái của công nghệ, chứ không trở thành nô lệ hay nạn nhân của nó. Và mong sao mọi Kitô hữu đều là những vị thừa sai trên không gian kỹ thuật số, biết chăm sóc và cung cấp thuốc men hữu hiệu cho những người bị bầm dập trên mạng xã hội, biết tạo ra những bữa tiệc của thiên đàng trên không gian mạng, biết sử dụng mạng xã hội để đưa người ta đến với những bữa tiệc Thánh Thể ấm cúng của cộng đoàn và sinh hoạt chan hòa, nâng đỡ nhau sống hạnh phúc trong đời thực.

_______

[1] Tên của các nhân vật được đổi khác đi vì lý do tế nhị.

[2] Theo lời kể của Mạnh Quyền.

[3] Theo lời kể của nữ tu Lan Chi.

[4] Theo lời kể của linh mục Hoàng Thái

[5] Theo lời kể của nữ tu Lan Chi.

[6] Theo lời kể của thầy Thiên Kính.

[7] Theo lời kể của Mạnh Quyền.

[8] Theo lời kể của nữ tu Mai Trâm.

Lan Chi, Mai Trâm, Mạnh Quyền, Thiên Kính, Quốc Trung và Hoàng Thái

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/mat-trai-cua-mang-xa-hoi