(Am 7:12-15; Ep 1:3-14; Mc 6:7-13)
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta việc những kẻ thù của Amốt âm mưu hại ông. Họ đã dựng chuyện tố cáo Amốt rằng: “Amốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Israel, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì Amốt nói như thế này: “Giarópam sẽ chết vì gươm, và Israel sẽ bị đày biệt xứ” (Am 7:10-11). Thêm vào lời tố cáo này là lời răn đe: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều” (Am 7:12-13). Nhưng Amốt đã không chùn bước, không sợ hãi trước thế lực của những người chống lại mình. Amốt ý thức được căn tính và ơn gọi của mình. Là một vị ngôn sứ được Chúa chọn, Amốt phải trung thành với ơn gọi và sứ mệnh được giao: “Ông Amốt trả lời ông Amágia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta.’ Vậy giờ đây, hãy nghe lời Đức Chúa phán” (Am 7:14-16). Hình ảnh của Amốt đáng để chúng ta học đòi bắt chước. Là những Kitô hữu [những người được thánh hiến cho Thiên Chúa], nhiều khi chúng ta không can đảm sống đúng và sống trung thành với căn tính và ơn gọi của mình. Chúng ta sợ hãi trước sự chống đối hoặc nản lòng trước những thất bại hay lời gièm pha của người khác. Chúng ta cần đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời mình. Chỉ có như thế chúng ta mới khám phá ra giá trị đích thật của ơn gọi và căn tính của mình.
Chúng ta bắt đầu nghe thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô. Sau phần mởi đầu như thường lệ (x. Ep 1:1-2), Thánh Phaolô bắt đầu nói về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Đức Kitô. Chúng ta nhận ra những điểm sau trong “kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô” (Ep 1:9): (1) chúng ta được hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần [“Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1:3)]; (2) để trở nên tinh tuyền thánh thiện [“Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1:4)]; (3) làm nghĩa từ nhờ Đức Giêsu Kitô [“Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6)]; (4) được cứu chuộc và thứ tha tội lỗi [“Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1:7)]. Tất cả những điều này, theo Thánh Phaolô, đều chỉ diễn tả thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, “đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1:10). Những lời này cho thấy, trong thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Ngài muốn mọi sự hiệp nhất trong Đức Kitô. Nói cách khác, chỉ trong Đức Kitô mà chúng ta tìm được sự hiệp nhất. Chúng ta đã trở nên một, đã được hiệp nhất trong Đức Kitô qua bí tích rửa tội. Sao chúng ta lại để cho thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa trở nên vô hiệu khi sống chia rẽ và hận thù?
Bên cạnh đó, Thánh Phaolô còn trình bày cho các tín hữu Êphêsô mầu nhiệm của sự tiền định mà Thiên Chúa dành cho ngài và các cộng sự viên: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Eph 1:11-12). Những lời này cho thấy Thiên Chúa là Đấng luôn đi bước trước để yêu thương và ban cho con người những gì cần thiết để con người được chia sẻ trong sự sống và tình yêu của Ngài. Theo Thánh Phaolô, tất cả mọi người được Thiên Chúa yêu thương và chọn lựa trong Đức Kitô. Đây chính là điều thánh nhân đã khẳng định với các tín hữu Êphêsô khi nói: “Trong Đức Kitô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa” (Eph 1:13). Trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ ra cho các tín hữu Êphêsô [và chúng ta] thấy rằng: chúng ta chỉ nhận được lời chân lý [Tin Mừng] và dấu ấn của Thánh Thần trong Đức Kitô mà thôi. Khi có đời sống tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nghe, biết, và hiểu được lời chân lý hầu trở nên nhân chứng của Ngài dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Đừng chạy theo người đời để tìm chân lý, nhưng hãy gắn chặt đời mình với Chúa Giêsu trong đời sống cầu nguyện liên lỉ.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục trình thuật về việc Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông Đồ. Chúa Giêsu dạy các môn đệ những việc cần thiết phải làm trong sứ vụ, những gì không cần thiết cho hành trình sứ vụ, và những thái độ cần thiết khi đến nơi thi hành sứ vụ. Đối với những việc cần phải làm trong sứ vụ, Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ rằng: “Khi ấy, Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế.” (Mc 6:7). Các Tông Đồ được sai đi với quyền năng được Chúa Giêsu ban cho chứ không phải với sức riêng của mình. Họ phải rao giảng cùng sứ điệp [Nước Trời] giống với sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Các môn đệ không tự tạo cho mình một sứ điệp khác. Đây là một trong những cám dỗ của người rao giảng Tin Mừng. Thay vì rao giảng sứ điệp Tin Mừng, rao giảng về Thiên Chúa, người tông đồ lại rao giảng về chính mình và sứ điệp của riêng mình. Bên cạnh rao giảng sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng, người Tông Đồ chỉ làm những điều Chúa Giêsu đã làm [chữa lành kẻ đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ]. Các Tông Đồ đã nhận sứ điệp Nước Trời cách nhưng không thì cũng trao cho người khác cách nhưng không. Tóm lại, người Tông Đồ phải có tinh thần quảng đại, làm mọi sự vì lợi ích của anh chị em mình.
Về những gì không cần thiết cho hành trình sứ vụ, Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ không được dính bén với của cải vật chất và sống vào sự quảng đại của người khác: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” (Mc 6:8-9). Sự quảng đại của các Tông Đồ sẽ được đáp lại bởi sự quảng đại của những người đón rước. Danh mục được Chúa Giêsu đưa ra liên quan đến những gì không được mang theo bao gồm những thứ cần thiết cho hành trình. Chúng ta chỉ hiểu điều này khi đọc nó trong bối cảnh tôn thờ của người Do Thái. Theo luật định, không ai được vào Đền Thờ với những thứ trong danh mục được nêu trên. Nhìn từ khía cạnh này, người Tông Đồ được sai đến những nơi “thánh” vì Thiên Chúa đã hiện diện ở đó trước họ. Tuy nhiên, điều Thánh Mátthêu ám chỉ trong sự khắt khe cho hành trình là nhấn mạnh đến sự khẩn thiết của sứ mệnh. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng trong cuộc sống, nhất là trong đời sống rao giảng Tin Mừng. Chúng ta thường bỏ quên sứ điệp Tin Mừng mà chỉ nhớ đến những nhu cầu vật chất cần thiết cho hành trình.
Khi đến nơi thi hành sứ vụ, các Tông Đồ phải trở thành người mang bình an: “Người bảo các ông: ‘Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ’” (Mc 6:10-11). Người Tông Đồ luôn lệ thuộc vào sự quảng đại của những thành, những nhà đón tiếp mình, phải chia sẻ cuộc sống với những người mình được sai đến – với tất cả những nguy hiểm và bất tiện của cuộc sống. Dù sống trong hoàn cảnh nào, người Tông Đồ cũng phải là tác nhân của sự hiệp nhất và bình an. Sự bình an ở đây là sự bình an đến từ sứ điệp Tin Mừng, bình an của Thiên Chúa. Người Tông Đồ cần biết rằng, việc phán xét và kết án những người không đón nhận và lắng nghe họ là quyền thuộc về Thiên Chúa. Nhiệm vụ của người Tông Đồ là rao giảng sứ điệp Tin Mừng và sống trung thành với sứ điệp mình rao giảng.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB