Nữ tu Marie Fiat

Một số ý kiến cho rằng: Giáo hội Việt Nam được thành lập ngay khi những nhà thừa sai đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, hoặc ngay khi có những người đầu tiên lãnh nhận phép Rửa.

Người khác lại dựa vào đặc tính tạm thời của Giáo phận Tông tòa để khẳng định rằng chỉ Giáo phận Chánh tòa mới là thể thức hợp lệ cho một Giáo hội địa phương, trong khi các giáo phận Chánh tòa chỉ được thiết lập vào năm 1960.

Một số khác lại dựa vào sự hiện diện của đấng kế vị tông đồ trên một lãnh thổ được chỉ định với sự hiện diện của dân Chúa để khẳng định Giáo hội Việt Nam chính thức được thành lập ngày 09 tháng 9 năm 1659, ngày thiết lập hai địa phận Tông tòa đầu tiên tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, được trao phó cho Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert de la Motte.

Cha nghĩ sao?

Cha Vidal[1]

Theo tôi, dưới góc nhìn của Giáo hội học, Giáo hội Việt Nam không được hình thành bởi những nhà thừa sai đầu tiên cũng không bởi những tín hữu đầu tiên nhận phép Rửa.

1. Trước hết, tôi dùng một hình ảnh rất cụ thể trong Kinh thánh, đó là sự rao giảng của Thánh Phaolô tại A-then. Theo sách Công vụ tông đồ, chương 17, câu 34, trong khi Thánh Phaolô giảng dạy tại A-then, có một vài người được ơn đức tin, nhưng rất ít, vì những thính giả khác không tin vào sự phục sinh của kẻ chết, thánh Luca ghi rõ: “Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ni-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa”. Như thế, chúng ta thật sự ở trong trường hợp một vài người theo đạo, nhưng không có Giáo hội tại A-then, chúng ta không hề thấy một thư nào của thánh Phaolô gửi cho tín hữu ở A-then.

Theo góc nhìn của thần học, người ta có thể dựa vào câu Kinh thánh: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ (cf. Mt 18, 20), để cho rằng có Giáo hội tại A-then. Nhưng không, từ những người tin đạo, cần hình thành một cộng đoàn đủ những tiêu chuẩn để người ta có thể nói về Giáo hội, không đủ với 2,3,4 tín hữu, vì tính cộng đoàn còn quá yếu, dù tính thần học đã hiện diện. Cần phải chờ đợi rất lâu mới có Giáo hội tại A-then. Ở Corintô và Thessalonica, số Kitô hữu tuy không nhiều, nhưng họ đã hợp thành cộng đoàn đủ để tạo nên Giáo hội với những vấn đề thuộc về Giáo hội, đến nỗi phải cần đến những lá thư của Thánh Phaolô để giải quyết. Điều đó không hề có đối với A-then.

Vì thế, không thể nói rằng Giáo hội đã hiện diện với những thừa sai hoặc những tín hữu đầu tiên. Lời của Chúa đã được gieo vãi, có những người tin theo, nhưng chưa có thể nói đến Giáo hội.

2. Mẫu thứ hai, tôi dựa vào Truyền thống, cụ thể với Thánh Thomas d’Aquin (Somme Théologique, Prima Secundae) nói về lề luật, câu hỏi 106, mục 4. Thánh Thomas tự hỏi: “Có phải luật mới phải tồn tại cho đến tận thế không?” và Ngài giải đáp bằng lý lẽ bác bỏ số 4 với trích dẫn Tin Mừng thánh Matthêu (Mt 24, 14): “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới …Và bấy giờ sẽ là tận cùng”. Thế nhưng, tuy Phúc Âm của Đức Kitô đã được rao giảng trên toàn thế giới, nhưng ngày tận cùng vẫn chưa đến. Từ đó một số người nghĩ rằng Tin Mừng của Đức Kitô không phải là Tin Mừng Nước Trời, sẽ có một Tin Mừng khác, đó là Tin Mừng của Thần khí, được xem như là một luật mới. Điều đó gợi lại lý thuyết của Joachim de Flore (1140-1202), loan báo một thời đại khác trong lịch sử, thời đại của Thánh Thần. Dựa vào quan điểm đó Thánh Thomas đưa ra lời giải đáp. Theo Joachim de Flore, có thời kỳ của Chúa Cha, tiếp đến của Chúa Con với Giáo hội và các bí tích, sau đó thời đại của Thánh thần, thời của các Đan sĩ. Tuy nhiên, một trong nhưng lập luận của lý thuyết này là thời cánh chung chưa đến trong khi Tin Mừng đã được rao giảng khắp cùng trái đất, điều đó muốn nói rằng Tin Mừng Nước Trời mà Chúa Giêsu nói đến trong thánh Matthêu không phải là Tin Mừng của Đức Kitô, mà là Tin Mừng của Thánh Thần.

Quan trọng là xem Thánh Thomas trả lời như thế nào. Theo Ngài, khởi đầu rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô tuyên bố rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần, nên thật phi lý khi nói rằng Tin Mừng của Đức Kitô không là Tin Mừng Nước Trời như Joachim de Flore nhận định.

Tiếp đến, Ngài trở lại với lý lẽ bác bỏ cho rằng Tin Mừng của Đức Kitô đã được rao giảng khắp cùng trái đất; đối với Ngài, chúng ta có thể hiểu việc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô theo hai cách thức:

 Cách thứ nhất là phổ biến sự hiểu biết về Đức Kitô. Theo cái nhìn này, Tin Mừng đã được rao giảng trên toàn thế giới, ngay cả trong thời đại của các Tông đồ (tất nhiên, về điểm này, thánh Thomas lầm lẫn, vì thời các tông đồ cũng như trong thời của ngài, Tin Mừng chưa được biết đến nơi phần lớn các nước trên thế giới, như châu Á – Việt Nam, châu Phi, châu Mỹ, những vùng mà chính Ngài cũng không biết).

– Chúng ta có thể hiểu việc rao giảng Tin Mừng bằng cách thứ hai (Đây là điều mà tôi trở lại với đề tài của chị), với tất cả hiệu lực trọn vẹn của nó, nghĩa là đến lúc Giáo hội được thành lập trong một quốc gia.

Như thế, thánh Thomas phân biệt việc phổ biến về sự hiểu biết Đức Kitô với hiệu quả viên mãn của nó là sự hình thành Giáo hội, và cả hai tất nhiên không đi cùng.

Tôi trình bày hai mẫu điển hình để cho thấy rằng không phải vì Tin Mừng được truyền bá mà Giáo hội đã hình thành. Chính lúc mà đức tin đã quy tụ khá đủ tín hữu, người ta có thể nói đến một Giáo hội và phải được Tòa thánh nhìn nhận.

3. Trong trường hợp của Việt Nam, chính sự bổ nhiệm các vị Đại diện Tông tòa mà định nghĩa về một Giáo hội được xác nhận. Theo Lumen Gentium 26 và Giáo luật (x. GL 369), cần phải có sự hiện diện của một Giám mục; ngay khi có Phúc Âm, Thánh Thể, và Giám mục, chúng ta có Giáo hội; Giám mục Chánh tòa hay Đại diện Tông tòa, điều đó không thay đổi gì cả theo quan điểm thần học, nó chỉ thay đổi trên bình diện giáo luật.

Từ năm 1659 đến 1960, những Giáo hội địa phương ở Việt Nam đã tồn tại, trải qua 3 thế kỷ. Sự khác nhau giữa giáo phận Tông tòa và giáo phận Chánh tòa không hề xác định về phương diện thần học.

Nữ tu Marie Fiat

Như thế, con có thể nói rằng: ngày 09 tháng 9 năm 1659 là ngày thành lập Giáo hội Việt Nam.

Cha Vidal

Vâng, chị có thể nói điều đó, và chị có thể thêm: trong một quy chế tạm thời theo giáo luật. Giáo hội đã được thành lập, dù có một quy chế còn tạm thời theo giáo luật. Nhưng về phương diện thần học, theo tôi, điều đó không thay đổi gì cả đối với tất cả các điều liên quan đến định nghĩa, sự xác định Giáo hội địa phương. Giáo hội địa phương không phải chỉ duy nhất là giáo phận. Giáo luật 368 không phải là một định nghĩa cho Giáo phận, đó là một định nghĩa về Giáo hội địa phương mà Giáo phận là hình thức thông thường nhất, đầy đủ nhất theo phương diện giáo luật. Nhưng theo phương diện thần học, vào thời điểm mà một phần Dân Chúa được quy tụ bởi Lời Chúa và Thánh Thể trong Chúa Thánh Thần cùng với sự chấp thuận một vị mục tử hợp pháp (Giám mục), chúng ta có Giáo hội. Ngược lại, theo phương diện giáo luật, giáo phận Tông tòa là một Giáo hội địa phương với quy chế tạm thời, và quy chế này có thể kéo dài 3 thế kỷ.

Cần phải phân biệt hai quan điểm khác nhau, không bao giờ để thần học lệ thuộc vào giáo luật. Ngược lại giáo luật phải phụ thuộc vào thần học và không bao giờ được thay đổi thứ tự này.

Nữ tu Marie Fiat

Trong thực tế, theo đa số, một vị Đại diện Tông tòa có cấp bậc thấp hơn một Giám mục Chánh tòa. Nhưng trong Huấn thị của Tòa thánh năm 1659, Đại diện Tông tòa là Giám mục được trao ban những quyền hành rất rộng lớn. Một số người vẫn dựa vào tính tạm thời của Giáo phận Tông tòa mà cho rằng vị Đại diện Tông tòa là Giám mục ở cấp bậc thấp.

Cha Vidal

Vâng, vị Đại diện Tông tòa ở cấp bậc thấp hơn, nhưng chỉ ở một điểm, và điểm đó không thuộc về bí tích (không hề có cấp bậc thấp cao trong bí tích Truyền Chức Thánh) nhưng về giáo luật. Ngài lãnh đạo Giáo hội với quyền đại diện, nhân danh Đức Thánh Cha, trong khi các Giám mục khác lãnh đạo với quyền hành riêng, nhân danh Đức Kitô, trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha. Theo munus regendi, vị Đại diện Tông tòa có quyền tự trị thấp hơn Giám mục của một giáo phận (tuy vậy quyền Đại diện của Ngài có thể rất lớn). Tôi sẽ không nói đến sự thấp kém, nhưng sự khác nhau. Ngài ít tự trị hơn, nhưng không ít là giám mục hơn.

Trong phần bình luận về giáo luật, tác giả nói rằng: “Bên cạnh Giáo phận, còn có sự hiện hữu của những loại hình pháp lý khác, cũng được gọi là Giáo hội địa phương, được đồng hóa với Giáo phận. Giáo luật kể ra 5 loại (c. 370-371): các lãnh thổ thuộc Giám hạt Tòng thổ và Đan viện Tòng thổ; Đại diện Tông tòa và Phủ doãn Tông tòa, cuối cùng cả Giám quản Tông tòa được thiết lập cách thường trực. Tất cả các khoản giáo luật liên quan đến những loại đó đều nói đến một phần nhất định của Dân Chúa, tương tự như Giáo phận, đến nỗi sự đồng hóa với Giáo phận đem lại cho chúng quy chế pháp lý và quy chế Giáo hội cho thực tại của Giáo hội Công giáo, duy nhất, mặc dù do nhiều lý do khác nhau, cấu trúc của chúng chưa có thể là cấu trúc đòi buộc của một Giáo phận[2]. Sự khác nhau ở đây chủ yếu ở góc nhìn về cấu trúc, điều mà tôi gọi là bình diện giáo luật, không ở bình diện thần học. Chúng ta thấy rõ trong bản văn này Giáo phận Tông tòa là một Giáo hội địa phương.

Đại diện Tông tòa được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm (không phải do Bộ Phúc Âm Hóa các dân tộc như Phủ doãn Tông tòa). Ngài là Giám mục Hiệu tòa (“trong phần đất dân ngoại” bởi ngài lãnh đạo nhân danh Đức Thánh Cha)… Giữa Đại diện Tông tòa và Giám mục Giáo phận chỉ có một điểm khác duy nhất về luật, không hề liên quan đến quy chế Giáo hội, điều đó chỉ liên quan đến sự cai quản. Vì một Giáo hội địa phương còn là Giáo phận Tông tòa được cai quản bởi một Giám mục như bất kỳ một Giáo phận nào, nhưng vị Giám mục này cai quản Giáo hội nhân danh tòa thánh, không phải nhân danh mình. Đó là một sự khác biệt thứ yếu. Có một sự tiến triển thông thường từ một Địa phận Tông tòa lên một Giáo phận và lúc đó người ta có thể nói rằng Địa phận Tông tòa là một giai đoạn chuẩn bị, nhưng chỉ ở phương diện giáo luật, chỉ ở tầm mức cai quản, không ở tầm mức thuộc về Giáo hội tính. Có thể người ta sẽ đặt câu hỏi: Điều đó có thay đổi gì không đối với tín hữu? Không một chút nào. Sự thay đổi chỉ liên quan đến Giám mục, không chút nào đối với Dân Chúa (x. Ad gentes, n° 5-6; 15-16; 19).

Nữ tu Marie Fiat

Những vị Đại diện Tông tòa đầu tiên của Việt Nam đã nhận thêm trách nhiệm Giám quản Tông tòa các tỉnh Trung Hoa, đâu là sự khác nhau giữa hai chức năng? Khi ký nhận các quy định của Công nghị 1670, dường như Đức cha Lambert de la Motte đã pha trộn cả hai chức năng?

Cha Vidal

Tôi không nghĩ rằng Giám quản Tông tòa mà giáo luật 368 nói đến có cùng tình trạng với Giám quản Tông tòa các tỉnh Trung Quốc bấy giờ, theo tôi, đó là một trường hợp khác. Theo Giáo luật 368, chức Giám quản Tông tòa được xác định cho một Giáo phận. Giám quản tông tòa, đó là một Giám mục, trong khi đảm trách một Giáo phận, ngài nhận tạm thời trách nhiệm Giám quản một giáo phận khác. Đó là trường hợp khi một Đại diện Tông tòa thay thế tạm thời một Đại diện Tông tòa khác bị cản trở cách này cách khác, chẳng hạn cách nay không lâu, Giám mục phụ tá của Paris làm Giám quản giáo phận Pontoise trong thời gian chờ đợi Giám mục mới. Vai trò Giám quản chỉ tạm thời, hoặc do Giám mục qua đời và trống ngôi, hoặc do Tòa thánh bấy giờ không muốn nhìn nhận một quyết định chính trị, giống như trường hợp của một vài Giáo phận ở miền Đông nước Đức, vì Tòa thánh không nhìn nhận sự chia cắt của nước Đức, (người ta không gọi là giáo phận, nhưng là Giám quản Tông tòa). Đó là lập trường của giáo luật cho những quan điểm liên quan đến chính trị.

Đối với Đức cha Lambert và Đức cha Pallu, Tòa thánh phân biệt rõ hai chức năng trong Super Cathedram bởi từ ‘với’. Chúng ta không nên pha trộn chức năng Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài, Đàng Trong với chức năng Quản trị các Tỉnh Trung Hoa.

Về từ ngữ được sử dụng bởi Đức cha Lambert, người thay thế Đức cha Pallu, tại Công nghị 1670, ngài chỉ có thể thay thế Đức cha Pallu như một Giám quản, vì suốt hành trình qua lại Châu Âu, Đức cha Pallu vẫn luôn là Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài, và tất nhiên sẽ nhận lại trách nhiệm này sau chuyến trở về. Chính điều mà Roma nói mới có giá trị đối với tôi và đoản sắc Super Cathedram trình bày rất rõ ràng về sự phân biệt chức năng của mỗi vị. Khi Đức cha Lambert ký ‘Đại diện Tông tòa của Trung Hoa và Đàng Ngoài’, đơn giản Đức cha Lambert chỉ muốn cho thấy những quyền hành mà Ngài được trao cho, vừa của Ngài và vừa của Đức cha Pallu trong lúc Đức cha Pallu vắng mặt. Khi ngài tự nhận là Đại diện tông tòa, chúng ta thấy ngay sự quy chiếu về Đức Thánh cha, đấng đã trao nó cho ngài, trong khi Giám quản, không nói lên được sự quy chiếu về Đức Thánh cha. Vì thế, nếu Đức cha Lambert muốn đem lại giá trị cho năng quyền của Ngài ở Công nghị này, tôi hiểu ngài tự giới thiệu như Đại diện Tông tòa của tất cả (Trung Hoa và Đàng Ngoài). Ngài cai quản với quyền hành của một Đại diện Tông tòa, thật đúng như thế. Đồng thời Ngài có thêm quyền của Đức cha Pallu, nhưng không ở tước hiệu, hơn nữa, ngài phải nhượng lại vị trí cho Đức cha Pallu khi Đức cha Pallu trở về.

Qua cuộc trao đổi này, có 3 điểm, chị cần phải nhớ thật rõ: trước hết, phương diện giáo luật thì rất chính đáng, nhưng nó phải phụ thuộc vào phương diện thần học. Thứ đến, những Giáo hội được cai quản bởi các vị Đại diện Tông tòa không phải là giáo phận, nhưng đó là những Giáo hội địa phương. Thứ ba, đối với Đại diện Tông tòa, sự khác nhau với giám mục Chánh tòa chỉ trong trách nhiệm cai quản, cai quản với quyền riêng hay với quyền đại diện, nhân danh Đức Thánh cha, không có sự khác nhau về bí tích.

Nữ tu Marie Fiat

Con cảm ơn Cha về tất cả những điều Cha đã chỉ dẫn, bây giờ, vấn đề thật sáng tỏ đối với con.

_______

[1] Cha Maurice Vidal (1932-2021) Linh mục Hội Xuân Bích, là Giáo sư Thần học Viện Đại học Công giáo Paris từ năm 1969 đến năm 1999. Từ năm 1958-2009, ngài là Giáo sư Thần học Tín lý tại Đại Chủng viện Xuân Bích. Ngài rất nổi tiếng về những đóng góp cho nền Giáo hội học đương thời, đặc biệt là các tác phẩm: Giáo hội, Dân Chúa trong lịch sử con người, năm 1975; Giáo hội là ai, năm 2000, giới thiệu và chuyển ngữ từ sách của tác giả Hans Urs von Balthasar; Giáo hội để làm gì ?, năm 2008; Đây là Giáo hội tôi tìm hiểu, năm 2009, trao đổi với Christian Jacques và Salenson Teissier. Bài phỏng vấn này được thực hiện ngày 24-6-2009.

[2] Patrick Valdrini, Jean-Paul Durand, Olivier Échappé, Jacques Vernay, Droit canonique, 2ème édition, édité par Dalloz, 1999, tr. 143.

Nguồn: hdgmvietnam.com