Viết về Người trên trang này, người viết không có tham vọng ca tụng những việc làm kiệt xuất Người đã để lại trong sự nghiệp một đời là Linh mục, Giám mục, Tổng Giám mục. Những ngày Lễ Tang của Người đã được nhiều vị thế giá nhắc đến: Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, bậc thức giả, nhiều bài giảng trân trọng ghi nhận công đức bên linh cữu của Người, khi tưởng niệm về Một Ánh Sao đã tắt. Một Vĩ Nhân âm thầm kín đáo giờ đây được âm vang và tôn vinh. Ngài đã để lại một gia tài đồ sộ, đầy ân đức, trong ân sủng, thấm đẫm ân huệ, đầy sự trân quý: nền tảng đức tin, đức ái, sứ vụ, trách nhiệm, về lịch sử văn hóa, cuộc sống, cuộc đời cho biết bao thế hệ, bao tâm hồn và cho Giáo phận Huế thân thương này.
Là một nữ tu Mến Thánh Giá Huế, con hân hạnh được sống trong Giáo phận Huế, đặc biệt thời gian sau năm 1975, khi Ngài làm Giám mục, Tổng Giám mục cho đến khi Ngài được Chúa gọi về.
Ngài là con người mẫu mực, khoan thai hòa nhã trong mọi cử chỉ hành động, tư chất thông minh, hiền hòa, nghiêm nghị lúc dạy dỗ, nhưng rất cảm thông và thấu hiểu như tình thương của một người mẹ. Do ảnh hưởng từ một gia đình đạo đức truyền thống, cả hai bên nội, ngoại đều có người dâng mình làm Linh mục phục vụ Hội Thánh. Bên nội, Chú ruột Cha Philipphê Nguyễn Như Danh (1905-1980); bên ngoại, cậu ruột Cha Đôminicô Nguyễn văn Trân (1892-1964). Gia đình Ngài có 07 người con: 3 trai, 4 gái, mà đã có 3 người tận hiến cho Chúa. Chị Nguyễn thị Tùy – Nhà tập Dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu, bị giết hại cùng với 2 chị khác. Chị Nguyễn thị Thuyết, Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, hiện còn sống và Đức Tổng Stêphanô (1935-2024).
Ngài được đào tạo từ thế hệ trước, thế hệ vàng. 12 tuổi đã vào Tiểu chủng viện An Ninh Quảng Trị, đến Đại chủng viện Huế, với các Bề trên đạo đức khôn ngoan, đáng kính: Cha Anrê Bùi Quang Tịch (1895-1877) và Cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền (1906-1973) sau này làm Giám mục Giáo phận Đà Lạt.
Do chiến tranh và biến cố chia đôi đất nước 1954. Năm 1955 Đại chủng viện Huế nhường chổ cho Tiểu chủng viện An Ninh, từ Quảng Trị vào. Thầy Nguyễn Như Thể cũng với một số các thầy khác vào học ở Đại chủng viện Sài gòn, đó cũng là dịp “du học” ngoại tỉnh, nên sự giao lưu văn hóa của Ngài giữa các miền Nam – Bắc thật lịch lãm, tương quan của Ngài đối với mọi người, mọi thành phần trong xã hội, các tôn giáo bạn, người chức quyền đến người nghèo khó luôn luôn kính trọng, gần gũi chân tình và chan hòa.
Ngài trở thành Linh mục rồi Giám mục, Tổng Giám mục. Thời gian sau 1975, Ngài được chọn làm Giám Mục Phó với quyền kế vị, thời gian này hầu như mọi sự đều đi vào bế tắc: chủng viện, đệ tử viện, nhà trường, các cơ quan thiện ích của Giáo hội không còn hoạt động, việc tôn giáo bị cấm cản, đóng cửa, người yếu vía chao đảo và niềm hy vọng bị lung lay… Trước đoàn chiên như mất phương hướng ấy, Đức Cha chính Philipphê Nguyễn Kim Điền và Ngài nỗ lực, gìn giữ làm sao cho đoàn chiên được vững lòng và kiên trung bảo vệ đức tin giữa thử thách của thời thế thay đổi.
Nhưng rồi, vì lý do sức khỏe, Ngài đệ đơn xin Tòa Thánh từ chức. Việc này, có bao nhiêu người hiểu lầm Ngài, ngay cả con cái, có lẽ đó là điều làm cho Ngài thêm cay đắng cô đơn. Ngài chỉ còn tìm tựa nương, hy vọng cậy trông vào một mình Chúa, Ngài dâng nỗi đau và sự sầu khổ này để cầu nguyện cho Hội thánh, cho Giáo phận và cho đoàn chiên. Sống gương mẫu với nhiệm vụ cao đẹp, nêu gương về đời sống đức tin và giảng dạy, yêu thương quan tâm thân thiện, nồng ấm với mọi người Ngài đón tiếp.
Qua 11 năm âm thầm, thời gian ẩn dật, Chúa đã tôi luyện Ngài để Ngài trở thành công cụ đắc lực của Chúa, trở thành Giám mục kiên cường với lòng đạo đức, lòng vững tin với tất cả sự khôn ngoan để Ngài vững tay chèo con thuyền Giáo phận Huế vượt sóng gió, vươn ra biển lớn. Với sự nghiệp để lại người ta có thể ví von Đức Cha là Người khổng lồ trong thời gian Ngài chăn dắt giáo phận.
Đến đây thì tôi chỉ xin chia sẻ một hai điểm chính Ngài với Hội dòng Mến Thánh Giá Huế.
Trước khi chính thức trở thành Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế vào tháng 4 năm 1998, Ngài ở giữa chị em như người Cha, Ngài có tâm tình của người Mẹ, chỉ bày tận tình mọi việc, nhất là những nghi thức Phụng vụ. Dịp Tam Nhật Thánh, Ngài đến cử hành các nghi thức của những ngày trọng đại này, lại còn hướng dẫn chúng tôi gẫm Đàng Thánh Giá ngoài trời, cha con cùng cầu nguyện sốt sắng với sự hy sinh thật sự, vì lúc đó sân Nhà Mẹ Hội dòng chỉ là đất, sỏi, đá…
Chị em ai có dịp tiếp xúc với Ngài gần hay xa thì Ngài vẫn luôn quan tâm, yêu thương. Như có lần Ngài đi dâng lễ ban phép bí tích Thêm sức cho một họ đạo miền quê Quảng Trị, sau thánh lễ, trước khi ra về, Ngài gọi chị bề trên đến và trao cho chị em sở đó bì thư bỗng lễ Ngài vừa dâng (một triệu đồng cách đây hơn 20 năm thì giá trị lắm!). Còn Ngài, khó nghèo trong cách ăn mặc cũng như đồ dùng cá nhân! Nhiều nhiều chuyện cha – con tương tự và cảm động như thế!
Cha, nhưng cũng là Mẹ, Ngài rất là “cam con”. Biến cố cho chị em Mến Thánh Giá Huế, Miền Xuân Lộc tách Dòng. Tuy Đơn Xin các chị đã gởi cho Hội dòng năm 2002, và trước đó nữa. Hội dòng trình với Ngài, nhưng Ngài thinh lặng, cầu nguyện. Cho đến năm 2006, 4 năm sau trở lại vấn đề, Ngài nói: Chuyện này phải do Tổng Tu Nghị Hội dòng bàn bạc và quyết định, Ngài nói thế, như là để vấn đề được chín muồi hơn. Con cái thì cũng hiểu được chút tâm tình của Ngài. Cha mẹ nào muốn xa con hay con xa mình… Đứa con nào sinh ra mà người mẹ không phải đau đớn quằn quại! Người ta nói: ai thương bảo vệ con, không muốn phải xa con hay con phải khổ là “cam con” đấy!
Viết về Ngài thì rất nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ mặn nồng tình cha-con. Nhất là khi chị em cùng cộng tác trong các dịp Đại Hội La Vang. Đặc biệt là tập trống trong dịp Đức Hồng y IVAN DIAS về La Vang tháng 01 năm 2011. Mỗi đêm các em đánh trống chập choạng, nhưng Ngài vẫn chịu khó xuống ngồi nhìn, nghe và góp ý…
Chỉ xin viết tới đây thôi!
Cha ơi! Bây giờ Cha Đã Đi Vào Vĩnh Cửu rồi! Ca tụng Cha hay khóc Cha rồi cũng sẽ qua đi. Con hiểu rằng: Chúa đã chọn Cha, Chúa đã dùng Cha như khí cụ sắc bén trong tay Ngài, trong thời gian mà Chúa muốn: Để vinh danh Ngài, cho Giáo hội được hiệp nhất, cho Tổng Giáo phận Huế liên kết trong Gia đình Đức tin. Cách riêng cho Giáo phận Huế thân yêu được canh tân và mạnh tiến. Gia sản, sự nghiệp mà Cha để lại quá lớn lao với những gì Cha đã dùng Ơn Chúa và khả năng Chúa ban như một Đầy tớ khôn ngoan và trung tín. Có thể nói, Cha đổ máu ra làm lễ tế cho cuộc đời Linh mục, Tổng Giám mục dâng hiến của Cha.
Cha Đã Đi Vào Vĩnh Cửu. “Cha đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây, Cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2Tm 4,7-8)
“CHO TRẦN GIAN ĐƯỢC SỐNG – PRO MUNDI VITA”
Hôm nay trên thiên đàng, trong Vương quốc vĩnh cữu, xin Cha cầu nguyện cho chúng con đang ở trần gian “cho đoàn chiên được Sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) như lòng Cha mong muốn.
Nhớ về Người Cha của Tổng Giáo phận Huế kính yêu!
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Tuyệt