Hạnh phúc lớn lao của con người là được sống và làm những gì mình thích. Không ai muốn mình gặp đau khổ hay phải chết sớm. Trừ ra những người không muốn tiếp tục được sống. Vậy chết là gì? Tại sao phải chết? Khi đối diện với cái chết, ai cũng cảm thấy sợ hãi và muốn dành giật với tử thần mạng sống của chính mình, nhưng dường như ai cũng phải đi qua con đường ấy. Như vậy, sự sống đem lại ích lợi gì cho hành trình phía sau cái chết?
CHẾT. Có lẽ đó là một thực tại bình thường nhất của kiếp người. CHẾT. Đó là một chân lý mà chẳng ai phí sức để tranh cãi. Tất cả mọi người đều phải bước qua cái ngưỡng cửa của cái thực tại muôn đời kia. Người giàu chết – người nghèo cũng vậy. Người thông minh chết – kẻ ngu đần cũng không tránh khỏi. Người già – người trẻ, đàn ông – đàn bà, người đau ốm – kẻ khỏe mạnh, bậc vĩ nhân – kẻ hạ nhân, người thánh thiện – kẻ tội đồ… tất cả đều chẳng ai thoát khỏi cái án tử đã viết sẵn ngay khi họ vừa đảm nhận cái gọi là sự sống.
Cả chúng ta – những người đang sống, chúng ta cũng đang tiến dần về cái chết dù chúng ta có nghĩ đến nó hay không. Tuy chưa trực diện với cái chết, nhưng chúng ta chứng kiến bao nhiêu cuộc ra đi để lại trong con người là sự đau thương, mất mát. Chúng ta không khỏi thắc mắc mà suy gẫm về cái thực tại đau thương ấy. Và cũng không ai biết gì về thế giới sau khi chết khi chưa chạm đến ngưỡng cửa đó. Trong xã hội hôm nay với một nếp sống quy cũ, nhịp sống vẫn hối hả, xô bồ. Có khi nào chúng ta dành thời gian để suy tư về sự chết?
Chết quả là đáng sợ. Chết, nếu không đáng sợ thì sao ngay cả Đấng là Con Thiên Chúa từ trời cao khi xuống thế làm người, lại đổ cả mồ hôi máu ra khi đối diện với nó chứ? Do đó, việc con người kinh hãi trước cái chết cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, một số đông người trẻ hiện nay lại tìm đến cái chết. Họ không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, mục đích sống được bao phủ bởi một màu u ám, mất phương hướng và cảm thấy bế tắc, cuộc sống của họ đáng sợ hơn rất nhiều so với cái chết. Vì thế, phương thế để giảm đau khổ và cảm thấy thoải mái với họ có lẽ là tự kết liễu đời mình. Do đó, họ đi tìm sự thanh thản bằng cách tự tử để chạy trốn với khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Nói về cái chết với đầy những bất lực, phẫn uất, chua chát như thế không có nghĩa là chúng ta để mình rơi vào lối sống bi quan, chờ chết hay theo kiểu ‘thôi thì chết đi cho rồi’. Nhưng, suy gẫm về cái chết là để chúng ta có một cái nhìn nghiêm túc về cái sống. Tác giả Thánh Vịnh đã có một lời cầu xin mang đầy ý nhắc nhở bản thân rằng: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, / ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12). Nghĩa là, bởi dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng đang tiến dần về cái chết, cho nên chúng ta phải nghiêm túc mà ý thức về từng phút giây mình đang sống. Để nhờ sự ý thức này, chúng ta không để lãng phí sự sống đã được trao ban cho chúng ta, nhưng là tận dụng sự sống này mà tìm kiếm một sự sống vĩnh cửu như lòng hằng khát khao.
Để khỏi phải chết đời đời, không có gì khác hơn ngoài việc chúng ta phải gắn bó với Đức Kitô. Hãy bám chặt vào Người bằng cách sống đức tin, như con tàu cắm neo vào lòng biển, để có thể đứng vững trong khi giống tố ập tới. Người ta thường dùng nhiều cách để chuẩn bị cho cái chết của mình. Chúng ta thường thấy có những sọ người bên cạnh các vị thánh, thậm chí có vị thánh, tay thì cầm lấy sọ người, còn mắt thì đăm đăm nhìn vào hai hốc mắt của chiếc sọ ấy. Sao lại vậy? Như vậy chẳng phải là có gì đó u ám hay sao? Thưa, không. Các sọ người đặt cạnh các hoạ ảnh mô tả các vị thánh, nhằm nhấn mạnh và làm nổi bật sự khôn ngoan cũng như ý thức liên lỉ của các vị về tính hay chết, chóng qua hư ảo của mình. Các vị luôn ý thức về sự chết, và do đó cũng là động lực thúc đẩy các vị gắng sức nên hoàn thiện. Như Đức Giáo Hoàng Alexanđê VIII (1610 – 1691) khi được bầu làm Giáo hoàng, đã nhờ một nghệ sĩ Ba-rúc làm cho ngài một chiếc quan tài nhỏ bằng đá cẩm thạch và ngài đặt trên bàn như một cách nhắc nhở bản thân rằng: một ngày nào đó ngài cũng sẽ qua đời và phải thuật lại cho Chúa cách mình đã sống thế nào trong trách vụ Chúa ban cho.
Nếu cái CHẾT sẽ đến với mỗi người chúng ta trong một giờ hay một ngày, chúng ta muốn gì?
Tôi muốn nói lời yêu thương?
Tôi muốn sống thật hạnh phúc giây phút hiện tại?
Tôi muốn làm điều mình thích?
Tôi muốn dành thời gian để nhìn lại quá khứ?
…
Mỗi người chúng ta không ai tránh khỏi đối diện với sự chết. Vậy tại sao chúng ta phải sống ganh đua, thiệt hơn với tha nhân? Những lời nói, cử chỉ, hành động thiếu bác ái với người xung quanh? Những điều đó có thể cũng tạo nên một cái CHẾT tinh thần, gây nên sự tự ti mặc cảm, suy sụp tinh thần, uẩn khúc. Thay vào đó, chúng ta trao cho nhau lời nói yêu thương, những lời xin lỗi chân thành, một hành động quan tâm giúp đỡ và cùng giúp nhau tiến bước trên đường nhân đức. Sống vui cho trọn mỗi phút giây và hướng đến cõi đời đời. Sống sao cho đời thật đầy ý nghĩa để đến lúc ra đi khỏi phải luyến tiếc, khỏi phải thất vọng, khỏi dằn vặt…Có lẽ, đó phải là sống theo một lối sống mà thánh Têrêsa nhỏ đã đề nghị, đã cầu xin, và đã sống: “Xin cho con sống mỗi phút giây cho trọn đầy yêu thương!”.
Hồn Nhỏ