Ơn Cứu Độ Đến Từ Thiên Chúa

Trong bài đọc 1, Thánh Phêrô trình bày việc Chúa tỏ lòng thương xót với chúng ta qua việc làm cho chúng ta được trở nên những người được thừa hưởng kho tàng ở trên trời qua Đức Giêsu Kitô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết” (1 Pr 1:3-5). Tuy nhiên, để hưởng được gia tài quý báu này, đức tin của chúng ta phải được thanh luyện qua những thử thách và đau khổ (x. 1 Pr 1:6-7). Một trong những thử thách quan trọng nhất là việc chúng ta giữ được sự trung thành trong đức tin và tình yêu của mình dù chúng ta không thấy Chúa: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1:8-9). Chúng ta thường nghe rằng: “Xa mặt thì cách lòng.” Trong trường hợp này ít ra chúng ta chỉ xa người mà chúng ta quen biết thôi chứ chúng ta cũng đã thấy người đó. Trong trường hợp đức tin, chúng ta không thấy Chúa với con mắt thể lý của mình. Nhưng chúng ta vẫn yêu vì chúng ta cảm nghiệm được Ngài rất gần với chúng ta chứ không có “xa mặt.” Lòng thương xót của Chúa thể hiện ở việc luôn luôn ở gần chúng ta và ban cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất để chúng ta tăng trưởng trong tình bác ái. Về phía chúng ta, chúng ta cần mở lòng ra trước mọi biến cố của cuộc sống, nhất là trong những giây phút đau khổ và đứng vững trong đức tin và tình yêu.

Chỉ khi có cái nhìn của những người “sám hối,” chúng ta mới hiểu được điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ về sự giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay. Nói cách cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về thái độ họ cần phải có đối với của cải tiền bạc. Sau hai lần tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài và các môn đệ vẫn không hiểu và vẫn còn tranh dành với nhau về chỗ hơn chỗ kém. Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ cách cụ thể hơn về những từ bỏ mà họ phải thực hiện để đi theo Ngài. Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn các môn đệ từ bỏ chính là của cải vật chất. Lời dạy của Chúa Giêsu về của cải gồm ba phần: (1) câu chuyện về anh thanh niên giàu có (Mc 10-17-22); (2) Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ của Ngài (Mc 10:23-27); (3) Chúa Giêsu giáo huấn về phần thưởng dành cho những ai bỏ của cải vật chất (Mc 10:28-31). Bài Tin Mừng hôm nay gồm câu chuyện về anh thanh niên giàu có và trình thuật về việc Chúa Giêsu mượn câu chuyện để giáo huấn các môn đệ về nguy hiểm của sự giàu có. Chúng ta phân tích hai phần này để rút ra những điều Chúa muốn chúng ta thực hiện trong ngày hôm nay.

Cuộc đối thoại của người thanh niên giàu có với Chúa Giêsu bắt đầu với một câu hỏi nói lên ước muốn nền tảng của con người, đó là, được sự sống đời đời làm gia nghiệp: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10:17). Anh ta hỏi về những việc anh ta cần phải làm. Và Chúa Giêsu đưa anh ta về với các giới răn và muốn anh làm tất cả những điều mà các giới răn đòi hỏi. Nghe điều này, anh thanh niên liền nhanh tiếng nói rằng: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Nhưng “làm” như thế thì chưa đủ, “anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Anh thanh niên đã làm nhiều việc, nhưng không thể làm một việc chính yếu và cần thiết, đó là, “làm môn đệ Chúa Giêsu.” Anh không làm được vì lòng anh không để ở kho tàng trên trời [nơi Đức Giêsu Đấng đang mời gọi anh], nhưng ở của cải vật chất. Chính điều này đã cản trở anh trong việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Còn chúng ta, lòng trí chúng ta để ở đâu khi chúng ta đến “đối thoại” với Chúa? Điều gì ngăn cản chúng ta khỏi việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu?

Trong câu chuyện của anh thanh niên giàu có, chúng ta thấy rằng người có của cải vật chất vẫn có khả năng làm được nhiều điều tốt mà các giới răn đòi hỏi. Nhưng người đó phải đối diện với nguy hiểm là cậy dựa vào của cải của mình [sức của mình] hơn là vào Thiên Chúa để làm điều tốt. Tuy nhiên, chi tiết quyết định chính yếu cho việc đáp trả để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu nằm ở câu: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21). Tình yêu của Chúa Giêsu [ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu] là khởi đầu của ơn gọi của người môn đệ. Anh thanh niên đã không nhìn thấy và không cảm nghiệm được tình yêu này nên không đáp lại vì anh ta quá chú tâm đến của cải và tình yêu của anh cũng hoàn toàn dành cho chúng. Chỉ những người cảm nghiệm được mình được Chúa Giêsu yêu thương cách tuyệt đối mới có thể đáp trả. Để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể dựa vào của cải vật chất, nhưng là dựa vào tình yêu Ngài. Nói cách khác, của cải vật chất và vinh hoa phú quý trên đời không làm chúng ta trở nên những người môn đệ đích thật của Chúa Giêsu, chỉ có tình yêu của Ngài mới làm cho chúng ta trở nên những môn đệ như lòng Ngài mong muốn. Đừng chạy theo và mất nhiều thời gian tìm kiếm vinh hoa của đời. Nhưng hãy dành thời gian để cảm nghiệm và đáp lại tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa trong từng giây phút.

Khi người thanh niên bỏ đi, Chúa Giêsu bắt đầu khuyến dụ các môn đệ của Ngài về nguy hiểm của tiền bạc trong tương quan với Nước Thiên Chúa: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10:23). Câu này là một lời “bình luận” mang tính tổng quát như là điều rút ra từ câu chuyện của anh thanh niên giàu có. Nghe lời “bình luận” của Chúa Giêsu, các môn đệ kinh ngạc. Các ông kinh ngạc vì điều Chúa Giêsu nói hoàn toàn trái ngược với điều mà họ được dạy và quá quen thuộc là của cải vật chất chính là ân ban của Thiên Chúa. Các ông còn kinh ngạc hơn khi Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “lạc đà chui qua lỗ kim” để so sánh với “người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Đây là điều không thể! Nhưng Chúa Giêsu khẳng định: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Câu trả lời này đưa chúng ta về lại với chi tiết trong câu chuyện của người thanh niên giàu có: Không phải của cải vật chất hay sức lực của con người làm nên người môn đệ đích thật, nhưng chính là tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, chỉ bỏ hết của cải vật chất vẫn chưa làm chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và chưa được cứu độ. Bỏ hết của cải vật chất và đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu mới làm chúng ta trở nên môn đệ đích thật của Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB