Quan Tâm Cung Ứng Nhu Cầu Của Chị Em

Đề tài suy tư này là một đề tài rất gần gũi và thiết thực, nó đụng chạm tới thực tế cuộc sống hằng ngày. Nên mỗi chị em dù ít dù nhiều, dù là ở sứ mạng và chức vụ nào chắc cũng có chút kinh nghiệm cá nhân của mình. Để giúp dòng suy tư của chúng ta có trình tự, em xin mời quý chị em cùng nhau đi qua cấu trúc sau đây. Trước hết là nhìn về việc quan tâm cung ứng nhu cầu của chị em từ góc độ Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo hội. Sau đó cùng nhìn từ khía cạnh tâm lý và xã hội. Rồi đi vào thực tế trong đời thánh hiến và trong các dòng nói chung và của riêng Hội dòng chúng ta.

Điều đầu tiên mà đề tài gợi lên cho em là Cuộc phán xét chung trong Tin Mừng của Thánh Mát-thêu. “…Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…” (Mt 25, 34-36).

Rõ ràng, theo thần học của Tin mừng Mat-thêu, mỗi chúng ta sẽ được phán xét dựa trên những gì chúng ta đã làm hay không làm cho tha nhân. Đó là cung ứng cho họ những nhu cầu thiết yếu để họ có thể duy trì sự sống và sống như một con người có nhân phẩm. Hơn nữa, Đức Vua, Chúa Giêsu, đồng hóa chính mình với mỗi con người mà chúng ta gọi là tha nhân, và vì thế mỗi người đều minh nhiên được ban cho một nhân phẩm cao quý và cần được tôn trọng. Chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy những đoạn Kinh Thánh của Cựu Ước nói đến lệnh Thiên Chúa truyền dạy dân Israel về việc cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống và trả tự do cho người bị nô lệ tù đày. Quả vậy, tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người là một trong bốn nguyên tắc nền tảng của Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo (ba nguyên tắc khác bao gồm công ích, bổ trợliên đới – nghĩa là nhắm đến lợi ích chung, hỗ trợ chứ không làm thay, và trong mối tương quan với những yếu tố khác). Như thế, chúng ta quan tâm cung ứng nhu cầu của nguời khác trước tiên là để tuân thủ nguyên tắc nhân phẩm trong mối tương giao của một người Công giáo với xã hội, và trên hết là để chu toàn giới luật vàng Mến Chúa Yêu Người Thiên Chúa đã ban truyền cho nhân loại.

Theo Abraham Maslow, một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, các nhu cầu của con người chúng ta được sắp xếp theo một tòa tháp cao dần lên. Có tất cả tám bậc thang của nhu cầu, và khi các nhu cầu của tầng dưới được đáp ứng thì chúng ta sẽ có năng lượng và động lực cũng như ý chí và cảm hứng để đặt ra và đạt được các nhu cầu của bậc cao hơn.

  1. Những nhu cầu về sinh học nằm ở bậc thấp nhất, nền tảng là: thức ăn, nước uống, quần áo, khí thở, sự sinh sản.
  2. Nhu cầu an toàn ở bậc thứ hai là: sự an toàn cho bản thân, nhà ở, trật tự và luật lệ, sự ổn định.
  3. Nhu cầu yêu thương và thuộc về: tình bạn, sự thân mật hôn nhân và gia đình, cảm giác nối kết với người khác và tham gia vào cộng đồng
  4. Nhu cầu tự trọng là: được tôn trọng, làm được những thành tích, đạt tới sự thành thạo, được độc lập, được người khác nhìn nhận danh dự và vị thế của mình
  5. Nhu cầu về nhận thức: kiến thức và sự hiểu biết, sự tò mò tìm tòi, khám phá, nhu cầu tìm thấy ý nghĩa và khả năng dự đoán được tình hình
  6. Nhu cầu về thẩm mỹ: sự thích thú và kiếm tìm cái đẹp, kiếm tìm sự cân bằng và các thể thức khác nhau
  7. Nhu cầu khẳng định bản thân: thể hiện tiềm năng bản thân, sự thành toàn, kiếm tìm sự lớn lên của bản thân và những kinh nghiệm cao sâu hơn
  8. Nhu cầu siêu nhiên (siêu nghiệm, vượt trên con người): nhu cầu có những kinh nghiệm thần bí vượt trên bản thân, chẳng hạn như những kinh nghiệm với thế giới thiên nhiên, những kinh nghiệm về cái đẹp, những kinh nghiệm về giới tính, nhu cầu phục vụ người khác, theo đuổi khoa học, kiếm tìm đức tin tôn giáo

Như thế, khi các nhu cầu căn bản của một người được đáp ứng thì người ấy có động lực và điều kiện để vươn tới những nhu cầu cao cả hơn và lớn lao hơn bản ngã của chính mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có những người sẵn sàng hy sinh những nhu cầu thấp hơn để đạt cho được lý tưởng cao hơn. Ví dụ như các nhà đấu tranh cho xã hội, các anh hùng của tổ quốc, các tù nhân lương tâm; hay những bậc tu đắc đạo không còn để tâm đến những nhu cầu vật chất căn bản mà chỉ kiếm tìm và thỏa mãn với các kinh nghiệm siêu nhiên, như các bậc thần bí Teresa Avila, Gioan Thánh Giá lúc sinh thời.

Xét về khía cạnh xã hội, việc cung ứng nhu cầu căn bản cho một con người thuộc phạm trù công lý xã hội hay công bằng xã hội (ở Việt Nam chúng ta quen thuộc hơn với khái niệm công bằng xã hội, trong khi chính xác hơn và sâu hơn phải là công lý xã hội). Sự cộng bằng/ công lý này được thực hiện theo hai cách: a- công bằng trong phân phối và b- công bằng trong quy trình. Công bằng trong phân phối (phân phối tài nguyên, nguồn lực, hay thành quả lao động) thường bao gồm hai bên: bên phân phối – thường là một người hay một cơ quan có thẩm quyền, và bên nhận – một hay nhiều người. Thẩm quyền phân phối có thể dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tức là mọi người người đều nhận được phần bằng nhau. Thẩm quyền phân phối cũng có thể áp dụng nguyên tắc công bình, tức là mỗi người nhận theo nhu cầu thực tiễn của mình bất kể họ có năng lực để đóng góp nhiều hay ít. Công bằng trong quy trình liên quan đến hai yếu tố. Hặc là mỗi người nhận được phần không giống nhau bởi luật quốc gia, luật tập thể hay luật gia đình quy định như thế. Hoặc là có sự khác nhau trong việc phân phối, nhưng những người liên quan được đóng góp tiếng nói và tham gia vào các quyết định về quá trình phân chia ấy, hay ít ra họ được thông báo về sự phân chia không đồng đều đó.

Áp dụng vào hoàn cảnh Hội dòng chúng ta, việc cung ứng cho nhu cầu của chị em được ghi rõ trong Hiến chương Điều 46 với tựa đề Bổn phận của cộng đoàn và chị Phụ trách đối với chị em. Điều này chỉ dạy rằng: “Cộng đoàn, nhất là chị Phụ trách, hãy quan tâm cung ứng các nhu cầu tinh thần và vật chất cho từng chị em một cách hợp lý hợp tình, để chị em đạt được mục đích ơn gọi của mình.” Điểm nhấn ở đây có vẻ như ở cụm từ “hợp lý hợp tình”. Và điều nguy hiểm cũng có thể nằm ở ngay đó, bởi cái lý và cái tình của mỗi người một khác, nơi cộng đoàn này không giống ở cộng đoàn kia, nếu xét về khía cạnh thuần túy con người!

Khi được chia viết về đề tài này, sự lấn cấn đầu tiên của em là đề tài này dường như liên quan nhiều hơn đến các chị Bề trên – những thẩm quyền cung ứng và phân phối; trong khi em là một bề dưới! Tuy thế, với đức vâng lời, em xin cố gắng đóng góp cho bài suy tư trong tháng này của chị em chúng ta từ góc độ của một bề dưới và từ những kinh nghiệm hạn hẹp chủ quan của bản thân em. Vì thật ra trong một cộng đoàn, ngoài Bề trên là thẩm quyền phân phối, mỗi chị em khác, ở những khía cạnh và mức độ khác nhau, cũng có trách nhiệm và bổn phận quan tâm và cung ứng nhu cầu của các chị em mình về tinh thần, về tâm lý, về sự tương trợ nhau trong sứ vụ và trong đời sống cộng đoàn diện đối diện hằng ngày.

Về ý nghĩa thần học và tâm linh, quan tâm cung ứng nhu cầu của chị em là luật Thiên Chúa, và điều này không cần phải bàn cãi, cũng chẳng khó để dẫn chứng Kinh Thánh, mà chúng ta có thể suy tư bất tận về nó. Vậy, bậc thang nhu cầu của Maslow khơi gợi cho chúng ta điều gì? Mỗi chị em chắc đều đã từng có một quan sát thực tế rằng hình như có một (hay một số) chị em nào đó trong chúng ta cứ có một vẻ buồn man mác trong đời sống cộng đoàn, hay có một sự uể oải nào đó, một sự thiếu năng nổ và năng lượng trong sứ mạng (nếu không muốn nói thẳng là có một thái độ sống bất mãn kinh niên). Phải chăng vì người chị em ấy không được cộng đoàn của mình chăm lo đủ các nhu cầu căn bản thiết yếu ở các tầng thấp hơn của tháp nhu cầu, nên người chị em không có động lực và nhiệt huyết để đạt đến các nhu cầu cao hơn, ví dụ như sự sáng tạo và cái tâm cái tầm trong sứ mạng, là sự tiến triển trong đời sống thiêng liêng, và những giá trị cao quý khác?

Bổn phận quan tâm cung ứng của mỗi chị em đối với một chị em khác còn là sự lắng nghe xem chị em cần gì, muốn gì, và tại sao họ lại cần và muốn điều đó, thay vì đáp ứng theo cách mình nghĩ và phỏng đoán là họ cần? Đôi khi nhu cầu lớn nhất của người chị em chỉ đơn thuần là được hỏi mình cần gì, hay là được có tiếng nói trong cách các nhu cầu của mình được đáp ứng. Từ góc độ của công bằng xã hội, sự công bằng mà mỗi thành viên trong một cộng đồng cảm nhận được chứng minh là rất quan trọng. Nó ảnh hưởng tới cảm xúc và hành vi của chúng ta trong tương quan với xã hội. Vì thế, cách thức Bề trên một cộng đoàn phân phối vật chất và cung ứng nhu cầu cho các thành viên ảnh hưởng đến mối tương quan chị em trong cộng đoàn, đến thái độ, hành vi và tình cảm của thành viên cho cộng đoàn ấy lẫn cho Hội dòng. Chẳng hạn, khi chị em cảm thấy việc phân phối và cung ứng là công bằng thì họ sẽ thỏa mãn và chấp nhận các quyết định phân phối cung ứng, họ cảm thấy các vị có thẩm quyền là hợp pháp, họ làm tốt hơn trong công việc, họ cảm thấy mình thuộc về cộng đoàn ấy và là một thành phần của cộng đoàn, họ dấn thân hơn và gắn bó mật thiết hơn với cộng đoàn ấy.

Tuy nhiên, xét từ một phương diện khác, nhu cầu về vật chất của con người không thể nào được thỏa mãn hoàn toàn. Khi không có thì chúng ta ước ao cho có, khi có rồi lại muốn cái tốt hơn, đã tốt hơn sẽ chỉ thích cái tốt nhất. Đôi khi những nhu cầu về vật chất là để thỏa mãn một chỗ trống nào đó về tình cảm chăng? Để che lấp một vết thương tâm lý? Dùng vật chất để bảo vệ đứa trẻ tự ti trong mình? Một nghiên cứu mới đây ở các học sinh Trung Quốc chỉ ra rằng: em nào thuộc gia đình càng nghèo thì càng muốn sở hữu nhiều những vật chất như vật dụng điện tử, đồ dùng, đồ trang sức…, vì việc có được nhiều vật chất giúp các em tự tin về bản thân hơn. Thật dễ để nhận thấy rằng trong những năm gần đây, cùng với biết bao ơn phúc lành khác, Thiên Chúa ban cho Hội dòng chúng ta có những phương tiện để cải thiện đời sống kinh tế của chị em và các Bậc Hữu trách đã cố gắng lo lắng cho mỗi chị em chu đáo hơn trong các nhu cầu thiết yếu. Vậy mỗi chị em có cảm thấy mình được thúc đẩy tới các bậc thang nhu cầu cao hơn chưa, hay vẫn như ngày nào?

Như thế, đâu là ranh giới của việc quan tâm cung ứng nhu cầu của chị em mà Hiến chương Hội dòng chúng ta mời gọi? Theo em có ít nhất hai yếu tố chi phối đòi hỏi này: 1- cơ cấu quản trị trong cộng đoàn và 2- Lời khấn khó nghèo. Trong quản trị thông thường thì người làm Bề trên không thể kiêm luôn chức vụ quản lý. Người giữ tiền của cộng đoàn phải là một người khác Bề trên, để sự điều tiết và phân phối được đi qua thêm một tầng xem xét khách quan khác nữa. Các nhu cầu được chấp nhận hay phê duyệt của bề trên và được phân phối bởi quản lý. Nếu thiếu điều này thì một số tiêu cực dễ có thể xảy ra (ý của em là có nguy cơ xảy ra chứ không phải đương nhiên xảy ra). Ví dụ, người nắm giữ tài sản của cộng đoàn có thể chi tiêu cho những nhu cầu không chính đáng và mang tính cá nhân, đang khi các nhu cầu thiết yếu của chị em trong cộng đoàn không được đáp ứng hay bị thắt chặt quá mức. Hoặc là tài chính của cộng đoàn thiếu rõ ràng hay thậm chí được đem biếu, gởi hoặc cho vay mượn mà không có sự bàn hỏi hay ít ra thông báo với các thành viên chủ chốt khác trong cộng đoàn. May mắn thay, trong khi người sống đời tu dễ bị cuốn vào vòng xoáy của cám dỗ vật chất tiền tài đến độ không còn phân biệt rạch ròi giữa những nhu cầu CẦN và những ƯỚC MUỐN, Lời khuyên Phúc Âm Khó nghèo của giao ước Thánh Hiến luôn là một sự mời gọi và đòi hỏi được lặp đi lặp lại hằng ngày, bằng cách này hay cách khác, nếu tâm hồn chúng ta vẫn còn bén nhạy đủ để lắng nghe và nhận ra.

Những gì em chia sẻ trên đây rốt cuộc bao gồm cả những kiến thức đã được chứng minh và đúc kết, lẫn những cách nhìn và kinh nghiệm thuần túy chủ quan cá nhân của bản thân em. Phần còn lại của việc suy tư về đề tài và sống đề tài này là sự cởi mở chia sẻ của mỗi chị em chúng ta với các kinh nghiệm sống riêng của mình, sự khôn ngoan qua trải nghiệm cuộc đời, và sự sẵn sàng để Chúa Thánh Thần tác động, biến đổi và ở lại trong cộng đoàn của mình.

Nt. Maria Bích Thùy, MtgH

Trích từ Bản tin Hiệp thông tháng 6.2020

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế