Quy Tắc Phân Định Và Một Vài Hướng Dẫn Thực Hành

Bài viết này sẽ không nghiên cứu sâu lý thuyết về phân định, nhưng đi vào một số nguyên tắc căn bản và hướng dẫn thực hành. Để thực hành tốt, cần nắm được một số quy tắc căn bản của phân định trong kinh nghiệm của Thánh I-nhã. Phân định thực sự là một hành trình và cần tập luyện hàng ngày.

I. Làm sao phân biệt cảm nhận đến từ Chúa và cảm nhận đến từ ma quỷ?

Thánh I-nhã, qua kinh nghiệm bản thân và hướng dẫn của Linh Thao, đã để lại cho chúng ta một kho tàng khôn ngoan để trả lời câu hỏi ấy. Ngài gọi đó là “phân định thần loại” – tức là phân biệt các loại thần khí (Spirits), những động lực vô hình đang tác động trong lòng người.

1. Nhận diện “cảm nhận nội tâm”

Đầu tiên, cần hiểu rằng: cảm nhận nội tâm không chỉ là cảm xúc, mà là những chuyển động sâu bên trong tâm hồn, khiến ta được lôi kéo về một hướng nào đó – hướng về Thiên Chúa hoặc xa Thiên Chúa. Những chuyển động này bao gồm: ước muốn, thôi thúc, ánh sáng, ý nghĩ, niềm vui, nỗi buồn, bình an hoặc hoang mang.

2. Nguyên tắc căn bản: hướng đi của tâm hồn

Thánh I-nhã đặt ra một nguyên tắc nền tảng:

  • Nếu bạn đang cố gắng sống tốt, tìm kiếm Thiên Chúa, thì Thần Khí của Chúa sẽ an ủi, nâng đỡ, soi sáng, còn ma quỷ sẽ tìm cách làm bạn nản lòng, nghi ngờ, lười biếng, bất an.
  • Ngược lại, nếu bạn đang sống trong tội lỗi, thờ ơ với đức tin, thì ma quỷ sẽ ve vuốt, ru ngủ, còn Thần Khí sẽ đánh động, gây xáo trộn, để bạn tỉnh thức và quay về.

Ví dụ:

  • Một người đang sống đạo tốt, nhưng đột nhiên cảm thấy nản chí, không muốn cầu nguyện, thấy mọi sự đều vô nghĩa: cảm nhận đó đến từ ma quỷ, dù nó có vẻ “chân thật”.
  • Một người đang xa cách Chúa, nhưng sau một lần đi lễ thấy bứt rứt, không yên, muốn đi xưng tội: đó là cảm nhận đến từ Chúa, dù nó gây khó chịu ban đầu.

3. Dấu hiệu của cảm nhận đến từ Chúa

  • Bình an sâu xa (không chỉ thoải mái tức thời)
  • Làm cho tâm hồn mở rộng, khiêm tốn, yêu thương hơn
  • Gắn với ánh sáng: giúp ta thấy rõ mình hơn, thấy được ý nghĩa thật của sự việc
  • Mời gọi tự do và trao hiến
  • Bền vững: không đến rồi biến mất ngay, mà âm ỉ nuôi dưỡng

4. Dấu hiệu của cảm nhận đến từ ma quỷ

  • Gây xao động, hoang mang, chia trí
  • Đánh vào nỗi sợ, sự kiêu ngạo, hoặc mặc cảm
  • Khiến ta tự khép lại, xa lánh cầu nguyện, xa lánh cộng đoàn
  • Có vẻ tốt nhưng âm thầm đưa ta lệch khỏi Thiên Chúa
  • Dồn ép, vội vàng, mất bình an

Ma quỷ đôi khi rất tinh vi. Nó có thể gợi ý điều tốt, nhưng với động lực sai: cầu nguyện không phải vì yêu mến, mà vì ganh đua; đi lễ không vì thờ phượng, mà vì muốn được khen.

5. Bài học thực hành: nhìn trái kết quả

Chúa Giêsu dạy: “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7,16). Hãy nhìn kết quả của một cảm nhận:

  • Nó làm bạn gần Chúa hơn hay xa Chúa?
  • Nó làm bạn bình an và tự do hơn, hay căng thẳng và rối bời?
  • Nó giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn của mình, hay khiến bạn hẹp hòi, nghi ngờ, sợ hãi?

Đừng vội tin cảm nhận, hãy để nó “chín” trong cầu nguyện. Phân định là một nghệ thuật chứ không phải là công thức. Vì vậy, đừng vội vàng hành động theo cảm nhận đầu tiên. Hãy để nó lắng xuống, được soi sáng trong cầu nguyện, Thánh Kinh, và chia sẻ với người đồng hành thiêng liêng. Ơn phân định không nằm ở sự sắc sảo lý trí, mà ở một trái tim cầu nguyện, khiêm tốn, lắng nghe và biết đợi.

II. Rèn luyện phân định trong đời sống hằng ngày

Ơn phân định không phải là một “kỹ năng đặc biệt” dành cho những người sống đời tu hay thần bí, mà là một thái độ sống thiêng liêng, có thể và cần được thực hành mỗi ngày, trong chính những chọn lựa nhỏ nhặt của đời sống thường nhật. Để phân định được những điều lớn, trước tiên ta cần rèn luyện trong những điều nhỏ, đều đặn và cụ thể.

1. Tập dừng lại và hỏi: “Tôi đang cảm thấy gì?”

Trong ngày sống, hãy tập dừng lại vài lần, đặc biệt:

  • sau một cuộc trò chuyện,
  • sau khi nghe tin tức,
  • sau khi lướt mạng xã hội,
  • sau giờ làm việc…

Và hãy hỏi chính mình một câu đơn giản: “Tôi đang cảm thấy gì lúc này?” “Cảm xúc này đưa tôi đến gần hay xa Chúa hơn?”

Ban đầu, có thể bạn sẽ không có câu trả lời rõ ràng. Không sao cả. Chỉ cần trung thành với việc dừng lại và hỏi, bạn sẽ dần nhận ra sự chuyển động nội tâm của mình.

2. Tập phân biệt các cảm xúc

Hãy học cách gọi tên chính xác cảm xúc:

  • Là vui hay bình an?
  • Là bực tức chính đáng, hay là tổn thương che giấu?
  • Là cảm hứng từ Thánh Thần, hay là hứng khởi nông nổi?

Tập diễn tả cảm xúc qua viết nhật ký, cầu nguyện bằng lời riêng, hoặc chia sẻ với người bạn thiêng liêng. Càng gọi đúng tên cảm xúc, bạn sẽ càng dễ phân định đâu là cảm nhận đến từ Chúa, đâu là đến từ tôi tớ ngụy trang của bóng tối.

3. Tập phân định trong những chọn lựa nhỏ

Trước khi quyết định điều gì, dù là nhỏ như:

  • “Hôm nay tôi nên làm gì trước?”
  • “Tôi có nên đọc tin tức này không?”
  • “Tôi nên im lặng hay nên lên tiếng trong cuộc họp này?”

Hãy dừng lại 30 giây và hỏi: “Điều nào sẽ giúp tôi sống yêu thương hơn, sống tự do hơn, sống gần Chúa hơn?”

Phân định không chỉ dành cho những “quyết định ơn gọi lớn lao” mà còn bắt đầu từ những chọn lựa hằng ngày, và nhờ đó, trái tim dần được huấn luyện để biết nghe tiếng Chúa.

4. Thực hành “Kinh nghiệm chiêm niệm”

Thánh I-nhã khuyên ta hãy tìm Chúa trong mọi sự. Vì vậy, mỗi ngày hãy chọn một khoảnh khắc – uống trà, đi bộ, rửa chén đĩa, nhìn hoàng hôn – và tập hiện diện trọn vẹn, cảm nhận mọi thứ như một ân ban.

Rồi âm thầm thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang ở đây. Chúa đang cho con điều này.”

Chính nhờ sự tỉnh thức trong từng giây phút, ta bắt đầu thấy rõ điều gì là của Chúa, điều gì là giả trá, điều gì là trống rỗng.

5. Kiên trì với giờ hồi tâm cuối ngày 

Cuối ngày, hãy dành 10 – 15 phút để nhìn lại:

  • Những gì đã xảy ra,
  • Những gì bạn đã cảm,
  • Những điều bạn vui, buồn, bị kéo lại hay được nâng lên.

Hãy hỏi: “Lúc nào hôm nay con cảm thấy gần Chúa nhất?” “Lúc nào con cảm thấy rút lại, khô cứng, bối rối?” Qua việc lặp lại bài tập hồi tâm mỗi ngày, con mắt nội tâm sẽ trở nên tinh tường, và bạn sẽ thấy rõ hơn đâu là ánh sáng, đâu là bóng tối.

6. Lắng nghe qua đối thoại và đồng hành

Phân định không phải lúc nào cũng làm một mình. Hãy tìm một người có đời sống cầu nguyện, có sự khôn ngoan thiêng liêng, để cùng bạn đi con đường phân định. Việc nói ra chính là lúc nhiều ánh sáng được ban xuống.

 

Phân định là hành trình sống, không phải là một lúc “biết liền”.  Không ai trở thành người phân định giỏi chỉ sau một buổi cầu nguyện. Cũng không ai “biết hết” các dấu chỉ thiêng liêng chỉ qua sách vở. Nhưng nếu bạn kiên trì tập lắng nghe chính mình, lắng nghe Chúa, và lắng nghe đời sống, thì bạn sẽ lớn lên từng ngày trong tự do, tình yêu và sự khôn ngoan đến từ Thần Khí.

 

Giuse Vũ Uyên Thi, S.J.

Nguồn: dongten.net