Sống Tinh Thần Trung Gian

Tht vy, ch có mt Thiên Chúa, ch có mt Đấng trung gian gia Thiên Chúa và loài người: đó là mt con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã t hiến làm giá chuc mi người” (1Tm 2, 5-6).

Dẫn nhập

 “Vũ trụ chào đời mùa xuân về trải gió, nắng đã vỗ cho rừng lá xanh.

Đức Chúa đi dạo trong gió chiều Ê-đen vẫy tay gọi con người…

Có bước chân người đi hái lộc trường sinh, bước chân người chảy rộng

Trên từng trang Kinh thánh mãi ngàn năm ngàn năm vẫn nguyên hình.

(Bước Chân Người Hái Lộc)

Những câu hát diễn tả buổi ban đầu của công trình tạo dựng. Thiên nhiên hài hòa như điểm trang thêm nét đẹp, nét duyên trong câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Người để con người hưởng sự sống muôn đời, được chia sẻ và nếm sự ngọt ngào khôn tả của Người. Thế nhưng, bởi tội lỗi và sự bất tuân phục của A-đam, cửa trời và những cánh cửa của lòng thương xót đã đóng lại.

Qua dọc dài lịch sử cứu độ và dọc dài lịch sử nhân loại, chúng ta thấy có nhiều vị trung gian, mỗi người có một sứ mạng riêng, có thể phát xuất từ lòng yêu mến của chính mình với một bên nào đó, có thể là người được giao nhiệm vụ hòa giải hay thực thi tùy hoàn cảnh cũng như thời điểm.

Biến cố Con Thiên Chúa Nhập Thể dẫn đưa lịch sử nhân loại vào một trang sử mới, và từ biến cố này, lịch sử cứu độ đang dần được hoàn tất. Đức Giê-su Ki-tô được tuyên xưng là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Trời và Đất, bởi Ngài là Thiên Chúa – làm – người, “ở giữa chúng ta”. Người là cây cầu bắc từ đất lên trời để con người có thể qua đó mà lên trời.

Đức Maria là đấng trung gian để loài người được Thiên Chúa ban ân sủng. Qua Đức Maria, nhân loại thân thiện với Đức Giê-su, và Đức Giê-su thân thiện với nhân loại. Mẹ Maria đóng vai trò trung gian ân sủng.

Vì mang trong mình ba chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế, mỗi Ki-tô hữu được gọi là trung gian chuyển cầu, đều có thể thực thi vai trò trung gian của mình. Trong ơn gọi và sứ mạng của mình, người nữ tu Mến Thánh Giá tiếp bước tinh thần của Đấng Sáng Lập, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, sống tinh thần trung gian, trở thành nhịp cầu giao duyên giữa Thiên Chúa và con người. Họ sống vai trò trung gian chuyển cầu bằng chính đời sống cầu nguyện và hoạt động của mình nơi nguyện đường và trong cuộc sống.

  1. Một Vài Ý Nghĩa

Theo Từ điển Tiếng Việt, “Trung gian là ở giữa, giữ vai trò môi giới trong quan hệ giữa hai bên” (Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2003).

Câu chuyện tình bạn của Gio-na-than và Đa-vid thật đẹp. Trong lúc bình an cũng như khi hoạn nạn, lúc vinh quang cũng như lúc sa cơ, tình bạn ấy vẫn gắn bó keo sơn và duy trì với lời hứa. Lúc Đa-vít chạy trốn Vua Sa-un, Gio-na-than đã can thiệp để cứu bạn mình khỏi cái chết (x. 1Sm 19,1-7). Trong lịch sử Kinh Thánh cũng như trong lịch sử nhân loại, có những người làm trung gian thành công khi tái lập lại các quan hệ đang suy sụp hay đem lại hòa bình cho hai phe đang tranh chấp, xung khắc; hay làm trung gian trong các mối tương giao bình thường. Theo nghĩa rộng, trung gian để chỉ những người được cấp trên giao cho những sứ mệnh tùy từng dịp hay những nhiệm vụ thường xuyên nơi các thuộc hạ của vị đó.

Trong Cựu Ước, tổ phụ Ab-ra-ham được kể là vị trung gian lịch sử đầu tiên, vì nhờ ông mà “mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12, 3), và ông cũng đã can thiệp cho vua ngoại giáo A-vi-me-léc (20, 7.17), hay cho thành Sô-đô-ma (18, 22-32). Kế đến là Mô-sê, người được Thiên Chúa kêu gọi để giải phóng Dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Nhân danh Thiên Chúa, ông đã hành động như một thủ lãnh và nhà lập pháp; ông luôn can thiệp cho dân (Xh 32, 11-12.31-34). Vì thế, ông được mệnh danh là vị trung gian. Danh hiệu này trong Cựu Ước chỉ được gán duy nhất cho ông.

Đấng-Độc-Nhất muốn giao tiếp với loài người thay vì tự đóng kín trong cô đơn. Nên trong dọc dài lịch sử dân Israel, Thiên Chúa cho xuất hiện những người Ngài đặt lên để chịu trách nhiệm về dân và để bảo đảm việc giữ giao ước, như các tư tế, các vua, các ngôn sứ. Trong Isaia (40-55) ta bắt gặp hình ảnh của vị trung gian cánh chung, quy tụ tất cả những hình bóng của Vị Trung gian cứu độ duy nhất: thiết lập dân mới, rao giảng sứ điệp cứu rỗi và cầu bầu cho dân, gánh lấy tội lỗi muôn người và hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ xá tội.

Ngoài những trung gian nhân loại, qua trung gian các Thiên Thần, trung gian trên trời, Thiên Chúa can thiệp để thanh tẩy và cứu độ dân Ngài. Câu chuyện về giấc mộng của Gia-cóp tại Bết Ên cho thấy các thiên thần là mối dây liên kết trời và đất (St 28,12). Thiên Thần Ga-bri-en là vị thiên thần khai mào cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, ngang qua Đức Maria, Thánh Giu-se, Cụ già Si-mê-on và An-na. Qua Đức Maria, công trình hòa giải loài người với Thiên Chúa được thực hiện. Mẹ đã nhân danh toàn thể nhân loại để nói lên lời vâng thuận kỳ diệu để đón nhận sứ điệp của thiên thần. Mẹ là “Đấng sinh ra Đức Giê-su” (Mt 1,16), Mẹ là Mẹ và là đấng trung gian xứng đáng của Đấng Trung Gian duy nhất. Trong Luân thư Ad diem illum nhân dịp kỷ niệm 50 năm định tín tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Pi-ô X đã xác quyết về vai trò trung gian ân sủng của Đức Maria: “căn cứ trên mối hiệp thông trong các nỗi đau và trong ý chí giữa Đức Maria và Con của Mẹ…, Đức Trinh Nữ uy nghiêm này đã được ban tặng (đặc ân) ‘đứng bên cạnh người Con duy nhất của Mẹ để làm người trung gian rất quyền thế bào chữa cho toàn thế giới” (Denzinger 3370).

Như thế, lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại cho ta thấy chẳng có ai được gọi là Đấng Trung Gian, ngay cả Đức Maria. Mỗi người, trong hoàn cảnh và sứ mạng của mình, đều diễn tả hay thi hành một sứ vụ nào đó, rồi chấm dứt. Vậy danh xưng “Đấng Trung Gian” sẽ áp dụng cho ai?

  1. Đức Ki-tô – Đấng Trung Gian Duy Nhất

Danh xưng “Đấng Trung Gian” hoàn hảo chỉ áp dụng cho một mình Đức Ki-tô. Người là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Người là nguồn suối duy nhất và là Đấng Trung Gian mọi ân sủng. Người là Đấng Trung Gian và là sự viên mãn của toàn bộ mặc khải. Chính nhờ Người mà từ đây con người đến gần Thiên Chúa (Dt 7,25), bởi Người là Trung gian của Giao ước mới. Trong cuốn “Đối thoại”, Thánh Catarina thuật lại lời của Thiên Chúa Cha nói với Chị rằng: “Cha muốn con nhìn xem cây cầu mà Cha đã xây dựng nơi Con Một của Cha. Con hãy nhìn ngắm vẻ đồ sộ của cây cầu bắc từ đất lên trời, bởi vì sự vĩ đại của thiên tính đã kết hợp với bùn đất nhân tính của các con. Cha nói cây cầu này đi từ đất lên trời, vì Ngài đã thực hiện sự kết hợp với con người” (Đối thoại, số 22).

Quả thật, khi nguyên tổ phạm tội, có một hố sâu ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đi bước trước, để xây một cây cầu bắc qua vực thẳm, hố sâu này. Chúng ta bắt gặp hình ảnh “chiếc thang được dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời” trong giấc mơ của Gia-cóp (x. St 28,12), hay khi Đức Giê-su nói với ông Na-tha-na-en: “Các anh sẽ thấy cửa trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Sự xuất hiện của Hài Nhi tại Bê-lem một cách dịu hiền, khiêm nhu là nhịp cầu nối kết đất trời giao duyên, thiết lập tương quan thân ái giữa Thiên Chúa với nhân loại. “Nhịp cầu ấy là Chúa Giê-su, Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại” (Thông điệp Nhiệm Thể).

Lẽ ra con người phải chịu hình phạt, nhưng Con Thiên Chúa đã đến trong sự kết hợp với bản tính loài người, đã chấp nhận hy sinh để tiêu diệt sự chết và trả lại sự sống cho chúng ta. Trong Người và nhờ Người hết thảy chúng ta lại được hòa giải với Thiên Chúa, sống thân mật với Thiên Chúa nhờ Máu Thánh Người đã đổ ra trên đồi Can-va-ri-ô (x. Cl 1, 19-20). Ân sủng mà A-đam xưa tiếp nhận từ Thiên Chúa, giờ đây, qua và nhờ Đấng Trung Gian Duy Nhất, chúng ta cũng được nhận lại vì Người là đường (Ga 14,6), là cửa (Ga 10,9), là mục tử (x. Ep 1,10). Con Thiên Chúa đã trở thành cây cầu, trở thành con đường. Sẽ là chưa đủ và vô nghĩa, một khi chúng ta không đi qua cây cầu, con đường này.

Thiên Chúa tạo nên nhiều thứ trung gian giữa Ngài và dân Ngài để sửa soạn và loan báo sự trung gian mà dân Ngài sẽ đảm nhận giữa Ngài và nhân loại. Đức Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất và cũng là Trung Gian duy nhất vì Người là đấng-thần-dân duy nhất, và chính qua Người Giao Ước Mới của Thiên Chúa được khai mở. Tuy nhiên, mọi người đều có thể cầu xin cho người khác mà không phá hỏng vai trò trung gian của Đức Giê-su. Trên Thiên đàng, có Đức Maria, Thánh Giu-se, các thiên thần và các thánh cũng đang chuyển cầu cho con người (x. Kh 5; 8).Trong thư gởi cho Ti-mô-thê (1Tm 2, 1-6), Thánh Phao-lô khuyên nhủ người môn đệ yêu quý của mình và mọi người hãy cầu nguyện/chuyển cầu cho nhau, cho tất cả mọi người, mọi nhu cầu. Bất kỳ ở đâu, mọi người đều có thể cùng giơ đôi tay thánh thiện để chuyển cầu cho người khác.

Mỗi Ki-tô hữu họa lại hình ảnh của Thầy mình, trở nên “đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa” (Rm 8,9), sống cho Đấng mình tin mến và bước theo. Thế nên, bổn phận của mọi người trong Giáo Hội phải truyền bá chân lý này: “Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại về mình” (2Cr 5,15). Hay trong một thư khác, thánh Phao-lô xác quyết: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Những tư tưởng này đã ảnh hưởng rất lớn trên một con người, một giám mục, một nhà truyền giáo và là vị sáng lập của một dòng mang tên Mến Thánh Giá.

  1. Sống Tinh Thần Trung Gian – Theo Đức Cha Lambert De La Motte

Khởi đi từ kinh nghiệm thiêng liêng năm lên 9 tuổi, cậu bé Lambert “mơ” về một hiệp hội những người mến yêu Thánh Giá. Thế nhưng, cuộc đời không như là mơ. Cậu phải trải qua nhiều mất mát, bôn ba trong công việc. Tưởng chừng mọi thứ “nuốt chửng” giấc mơ đó của Ngài. Trong ý định quan phòng ngàn đời, Thiên Chúa đã muốn nơi con người này một sự nhiệt thành dấn thân phục vụ Nước Chúa và các linh hồn. Trong cuốn “Cuộc đời Đức Cha Lambert de la Motte” của linh mục Briscacier, ta hiểu thêm về Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá và tinh thần sống sứ mạng trung gian chuyển cầu của ngài. “Tinh thần trung gian” là kiểu nói rất độc đáo của Đức Cha Lambert, vì trước ngài chưa có ai sử dụng nó. Trong một số Di cảo, đặc biệt là Bức tâm thư, Đức Cha Lambert nhắc tới ý tưởng mới này. Đây là một đề tài lớn, có nền tảng phong phú và vững chắc trong Tân Ước cần khai thác và đào sâu (x. 1T. Hal 19); và người nữ tu Mến Thánh Giá phải thực hiện tinh thần trung gian này trong hai sứ vụ quan trọng: “tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa” và “chuyển cầu cho lương dân và các Ki-tô hữu bất hảo được ơn hoán cải” (Btt 9; 8). Đức Cha Lambert đã đưa vào trong Bức tâm thư những ý tưởng then chốt, sâu sắc và xác tín nhất của ngài; chia sẻ điều tinh túy nhất trong kinh nghiệm và quan niệm thiêng liêng của mình. Vì thế, Bức tâm thư phần nào khắc họa căn tính của người nữ tu Mến Thánh Giá và phản ánh gián tiếp chân dung tinh thần của Đức Cha Lambert.

Theo ngài, người nữ tu Mến Thánh Giá (MTG) đồng hóa mình với Đức Ki-tô để tiếp nối sứ mạng cứu rỗi của Người, để “Thiên Chúa, Cha của Người khi nhìn vào thân xác và cánh tay Người mượn, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình; sự kiện Chúa Cha hằng hữu ưng nhận như thế, phải là quy tắc hướng dẫn tôi về cách ứng xử đối với trường hợp đó và dạy tôi phải giữ tâm thế hoàn toàn thụ động cả bề trong lẫn bề ngoài” (Bts I,1), nghĩa là chết đi với chính mình, để sống cho Đức Ki-tô. Ngài xác tín rằng: “Tôi trao gởi và cống hiến thân xác tôi cho Đức Ki-tô để Người dùng mà thực hành những việc đền tội hãm mình và Người có thể tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác có khả năng chịu đau khổ do Người mượn lấy và tuyển chọn cho mục đích đó” (Bts I,4). “…Chúa Cứu Thế… không những chiếm lấy các năng khiếu tâm linh (của những người tông đồ), mà còn trở thành chủ nhân của thân xác họ, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện theo ý muốn qua những lễ vật được thần hóa đó” (Bts VI,9).

Bên cạnh đó, người tông đồ cần phải thực thi điều cơ bản này: kết hợp hy sinh với cầu nguyện. Ở điểm này, Đức Cha Lambert nhấn mạnh: “Để sở hữu, bảo tồn và gia tăng tối ưu bí quyết sống và chết trong Đức Ki-tô, người kế vị các tông đồ hoặc môn đệ Chúa, dường như cần phải quyết tâm sống đời đền tội toàn diện; phải thực hành khổ chế không chỉ trong sự ăn uống và những việc hãm mình bề ngoài, mà nhất là trong các hành động của con người” (Suy nghĩ 2, 21-22). Chỉ mình Thiên Chúa mới có khả năng hoán cải các tầm hồn và Người “thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh, hãm mình, kinh nguyện và đức bác ái phi thường của các thừa tác viên” (Trực giác 1).

  1. Người Nữ Tu Mến Thánh Giá Sống Tinh Thần Trung Gian

Tinh thần trung gian được các nữ tu Mến Thánh Giá thể hiện qua hai sứ vụ: tiếp nối và chuyển cầu. Khi thực thi sứ vụ thứ nhất (tiếp nối – làm thay), người nữ tu MTG thực sự nên một với Đức Ki-tô vì “đã dâng mình trọn vẹn cho Người và thuộc trọn về Người” (Btt 4) qua việc tuyên khấn, và “thực hành mọi việc thay cho Chúa Ki-tô”. Chúa Ki-tô đã hoàn tất sứ mạng nơi trần thế, và giờ đây “Người muốn đích thân làm những việc đó mà không thể được” nên tuyển chọn và trao ban tinh thần trung gian cho một số người, để “tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người cho đến tận thế” (Btt 9). Nghĩa vụ thứ hai sẽ được thực hiện trong hai điểm: đối tượng và phương thế. Đối tượng của sứ vụ chuyển cầu là cho lương dân được nhận biết Chúa, cho các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải, xin phúc lành Chúa xuống trên Hội Thánh và cho các linh hồn sớm được hưởng Thánh Nhan. Các nữ tu phải áp dụng phương thế chuyển cầu “nơi nguyện đường và trong cuộc sống” với việc “suy gẫm, cầu nguyện, nước mắt sám hối, nài van, hãm mình đền tôi kết hợp với công việc của Đấng Cứu thế” (Ltk III,1). Việc chuyển cầu nơi nguyện đường phải dẫn đến việc chuyển cầu trong cuộc sống, dưới hình thức dấn thân phục vụ cho hai đối tượng ưu tiên: giới nữ và giới trẻ trong các lĩnh vực của cuộc sống: văn hóa, xã hội, y tế, luân lý và đức tin.

Ý thức ơn gọi trong Dòng Mến Thánh Giá là một quà tặng cao quý mà Thiên Chúa phú ban cho mình, người nữ tu Mến Thánh Giá qua các thế hệ đã hun đúc nên một mẫu gương sống tinh thần trung gian, với những nét riêng của mẫu người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, trung hậu, quả cảm,… quên mình trong cuộc đời hiến dâng, để sống Phúc âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc của mọi người (HC 6). Các Bà, các Chị đã kiên trì cầu nguyện, yêu thích trầm lặng, lao động chuyên chăm và bác ái cụ thể (HC 6). Gia sản cao quý của Hội Dòng là đời sống của Các Bà, các Chị đã chắt chiu, kết dệt từ những gánh thuốc rong để rửa tội cho các trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử, để tiếp cận gần hơn với người dân, khuyên bảo họ chăm lo phần rỗi linh hồn; cộng tác với hàng giáo sĩ địa phương,….Dù trong hoàn cảnh nào, đặc biệt trong cơn bách hại đạo, các Bà, các Chị vẫn luôn dấn thân phục vụ Tin Mừng, đến mức hiến mình để bảo vệ đức tin, vì đức tin, chịu chung số phận với các tín hữu khác.

Ý thức mình là họa ảnh Chúa Ki-tô, nên hằng ngày chị em chiêm ngắm mầu nhiệm tự hủy, vâng phục, nghèo khó của Người, và để cho Chúa Cứu Thế không những chiếm lấy các năng khiếu tâm linh của linh hồn, mà còn trở thành chủ nhân của thân xác mình, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện theo ý muốn qua những lễ vật được thần hóa đó (Bts VI,9). Sứ mạng tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Giê-su mời gọi chị em chúng ta đón nhận niềm vui và đau khổ từ Thiên Chúa với cùng một thái độ yêu thương và tạ ơn, vì Chúa Giê-su là Đấng đáng mến tại núi Sọ cũng như tại núi Tabor. Vì bí mật tuyệt vời của ơn gọi Mến Thánh Giá hệ tại ở việc “yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô trong những lúc tối tăm, những thập giá, hy sinh của chúng ta và trong mức độ Người cho chúng ta uống chén đắng của Người, cũng như khi Người lấp đầy chúng ta bằng những ân tình dịu dàng” (Tình yêu tinh tuyền 3).

Bí mật tình yêu tuyệt vời về sứ mạng chuyển cầu ấy được thể hiện trong suốt cuộc đời của người nữ tu Mến Thánh Giá, từ lúc nhem nhóm ước mơ tận hiến, đến lúc đặt chân vào dòng, và từng bước tiếp nối các bà các chị trong Hội dòng. Từ một em Tuyển Sinh, Thỉnh Sinh, Tập Sinh, đến các chị Tuyên Khấn, tinh thần trung gian chuyển cầu là những lời cầu nguyện và công việc nhỏ bé hằng ngày. Mỗi ngày sống, đón nhận bao biến cố xảy đến, dù trái ý, với tâm thế hy sinh, yêu mến. Hành trình ấy sẽ tạm kết thúc nơi các Bà, các O Hưu dưỡng – đã một đời hy sinh cống hiến cho Hội dòng, để xây dựng con người và sự thánh thiện cho Giáo Hội và Giáo Phận nhà. Hằng ngày, trên chiếc xe lăn hay trên giường bệnh, vũ khí đơn sơ nhất chính là những lời nguyện tắt, những chuỗi kinh mân côi, những lời cầu nguyện vắn gọn, cho những người tội lỗi được ơn sám hối; cho những nhu cầu của Hội Dòng, Giáo Phận và Giáo Hội; gần gũi nhất, chính là những lời cầu nguyện và những lời khuyên đơn thành dành cho các thế hệ nữ tu trẻ – trên con đường hoàn thiện. Có thể nói được rằng, các Bà, các O là những chứng nhân sống động cho một thế hệ đã cống hiến hết tâm, hết lực vì sứ mạng của Hội dòng.

Những chén đắng, những đau khổ có thể đó là những giới hạn của tuổi già sức yếu, những căn bệnh không mong muốn, được đón nhận với thái độ lạc quan vui sống mỗi ngày. Linh đạo chuyển cầu không phải là đi tìm đau khổ, nhưng tất cả cứ để nó xảy đến một cách tự nhiên, điều cần thiết là người nữ tu Mến Thánh Giá đón nhận với thái độ sẵn sàng theo Chúa, theo chân Đấng Chịu-Đóng-Đinh để hoàn tất sứ vụ mà Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta.

Kết luận

Có thể nói rằng, tri thức và tình yêu là đôi cánh để nâng bước con người. Vì sự hiểu biết mà không có tình yêu sẽ dẫn đến thảm họa thống trị ảnh hưởng nhau. Trái lại, tình yêu không được soi sáng bởi sự hiểu biết thì sẽ dẫn đến mù quáng. Hai phạm trù này soi chiếu cho nhau. Tác giả cuốn sách Gieo bước hành trình viết rằng: “Kiến thức sách vở nhưng không đủ. Sự hiểu biết hiện sinh, sự hiểu biết của trái tim, sự hiểu biết cầu nguyện mới là điều thiết yếu. Ta không nhất thiết phải luôn biết định thức hóa sự hiểu biết này trong những thuật ngữ thần học chuẩn xác; chỉ cần có sự hiểu biết này trong chính mình là đủ, nhờ bởi Chúa Thánh Thần thông ban, và chúng ta có thể chuyển thông sự hiểu biết này qua hành động và qua lời nói của mình” (Gieo bước hành trình, tr. 53).

Cuộc đời của người nữ tu Mến Thánh Giá là một cuộc đời được tình yêu mời gọi, được tình yêu soi bước và được tình yêu tác động cho sứ mạng. Sứ mạng ấy chính là tiếp nối Đức Kitô – Đấng Trung Gian duy nhất, chuyển cầu cho mọi người đón nhận ơn cứu độ cho đến khi hòan tất. Chỉ có tình yêu và sự hiểu biết trong Thánh Thần, người nữ tu mới cảm thấy nhẹ nhàng trong khi thi hành sứ vụ. Mỗi ngày trôi qua nhưng đều có cảm giác mới mẻ, vì tình yêu và tiếng nói của Thiên Chúa luôn luôn là động lực dịu mát, ngọt ngào và đầy hứng khởi – nơi đó có đầy đủ sự khôn ngoan và học thức, để yêu mến, để hiến dâng và để phục vụ.

Một trái tim đủ lớn, đủ nhạy cảm để mở ra, ôm trọn và trao ban hết thảy mọi con người trong mọi cảnh huống đời sống của họ, thúc đẩy họ tiếp tục mở ra, trao ban và dấn bước trong tình yêu Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Ấy là sống tinh thần trung gian vậy!

Nt. Catarina Bằng Lăng, MTG Huế

Trích Bản Tin Hiệp Thông HD. MTG Huế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Heinrich, Denzinger các Tín Biểu, Định Tín và Tuyên Bố, VP Thư Ký HĐGM Việt Nam, NXB Tôn Giáo 2019.

Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, III, Đà Lạt, Việt Nam.

Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế.

Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) của Đức Cha Lambert de la Motte.

Jacques-Charles de Brisacier, Cuộc Đời Đức Cha Lambert de la Motte Giám Mục Hiệu Tòa Beryte, 2015.

Maria Fiat Tuyết Mai, Ơn Gọi Và Chân Tính Dòng Mến Thánh Giá, Theo Hiến Chương, Lưu hành nội bộ, Năm 2003.

Phê-rô Nguyễn Quí Khôi (tuyển dịch), Gieo Bước Hành Trình Ab-ra-ham, Mô-sê, Người Tôi Trung Trong Isaia & Đức Maria, Nxb Hồng Đức.

Thánh Catarina Siena, Đối Thoại (Dialogo), Bản dịch Việt ngữ của Lm. Vinh-sơn Bùi Đức Sinh, Ấn bản lần thứ hai, San Jose, CA-USA, 2006.

Cha Gabriel-Thánh Maria Madalena, Sống Với Chúa, Tập I, Huy – Bằng dịch và xuất bản.

CÁC TRANG WEB THAM KHẢO

  1. http://hoidongxitothanhgia.com/loi-chua/vai-tro-trung-gian-cua-duc-giesu-kito-bai-suy-niem-thu-6-tuan-iv-ps-mai-thi-907.html
  2. https://dongten.net/2019/04/02/duc-giesu-trung-gian-duy-nhat-giua-thien-chua-va-con-nguoi-nghia-la-gi/
  3. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/350-nam-dong-men-thanh-gia-su-mang-dong-men-thanh-gia-40139

https://hdmenthanhgiagovap.info/dong-men-thanh-gia/chi-tiet-dong-men-thanh-gia/su-mang-dong-men-thanh-gia-2/