Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Hãy Sống Xứng Đáng Là Con Yêu Dấu Của Chúa

(Is 40:1-5.9-11; Tt 2:11-14, 3:4-7; Lc 3:15-16.21-22)

Ai trong chúng ta cũng nhớ ngày sinh nhật của mình và tổ chức rất long trọng. Tuy nhiên, có một ngày ‘sinh nhật’ khác mà nhiều người trong chúng ta ít để ý đến, đó là ngày chúng ta sinh ra trong ân sủng của Thiên Chúa, ngày chúng ta rửa tội. Có bao nhiêu người trong chúng ta nhớ ngày rửa tội của chúng ta! Thánh Phaolô trong bài đọc 2 mời gọi chúng ta sống trọn vẹn với Phép Rửa như sau: “Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3:5-7). Chính vì vậy, chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này (x. Tt 2:12): “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:14). Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở thành Dân Riêng của Chúa, hăng say làm việc thiện. Điều này có được thực hiện trong từng ngày sống của chúng ta không?

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chúng ta cùng nhau ôn lại những hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta ‘ít nhớ’ hoặc ‘không nhớ’ để sống cho trọn vẹn. Bí Tích Rửa Tội có 3 hiệu quả quan trọng sau: (1) giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi [tội nguyên tổ và tội cá nhân]; (2) tái sinh để trở thành con cái Thiên Chúa; (3) tháp nhập chúng ta vào trong Hội Thánh và chia sẽ trong sứ mệnh của Hội Thánh.

Nếu Bí Tích Rửa Tội mang lại ba hiệu quả trên thì Chúa Giêsu không cần chịu phép rửa vì: (1) Ngài không phạm tội dù Ngài trở nên giống chúng ta trong mọi sự (x. Hr 4:15); (2) Ngài tự bản tính là Con Thiên Chúa; (3) Ngài là đầu của Hội Thánh. Vậy tại sao Chúa Giêsu chấp nhận để Thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình? Trong bài Tin Mừng Lễ Thánh Gia (Lc 2:41-52), chúng ta đọc thấy là Chúa Giêsu “vâng phục” Mẹ Maria và Thánh Giuse, và hơn nữa, Ngài tuyên bố rằng Ngài đến không phải để bãi bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn lề luật (x. Mt 5:17). Chính vì lý do này, Ngài cũng “làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 2:15). Một cách cụ thể, Chúa Giêsu chịu Phép Rửa với những lý do sau: (1) để tỏ sự liên đới với chúng ta là những tội nhân; (2) để thánh hoá nước mà chúng ta dùng để rửa tội. Thánh Grêgôriô Nazianzus nói lý do Chúa Giêsu chịu phép rửa như sau: “Gioan đang làm phép rửa khi Chúa Giêsu đến gần. Có lẽ Ngài đến để thánh hoá người làm phép rửa cho mình; hiển nhiên, Ngài đến để dìm nhân loại tội lỗi vào trong nước [để được rửa sạch]. Ngài đến để thánh hoá nước Sông Giođan vì chúng ta và để sẵn sàng cho chúng ta; Đấng là [Ngôi Lời nhập thể] đến để bắt đầu công trình sáng tạo mới trong Thánh Thần và nước.”

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaiah nói với dân Israel đang trong lưu đày về một viễn cảnh đầy hy vọng và an ủi mà Đức Chúa sẽ mang lại cho họ: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm” (Is 40: 1-3). Thời lưu đày đã mãn và Thiên Chúa đến để giải thoát dân Ngài. Tuy nhiên, để đón Ngài đến, Ngôn sứ Isaiah kêu gọi dân: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40: 3-4). Và khi mọi sự đã sẵn sàng thì vinh quang của Đức Chúa sẽ tỏ hiện. Đây chính là hành trình của mỗi người chúng ta. Trong những lúc đau khổ, Đức Chúa luôn ở gần bên chúng ta với sự hiện diện đầy yêu thương và an ủi. Nhưng đôi khi chúng ta cho phép đau khổ làm chúng ta tê liệt, không đủ khả năng để dời chuyển những chướng ngại vật ngăn cách chúng ta với Chúa. Hãy luôn sẵn sàng để vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng ta qua lối sống quên mình phục vụ trong yêu thương và tha thứ.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần 1 (Lc 3:15-16) là lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả về phép rửa của mình và phép rửa của Chúa Giêsu; phần 2 (Lc 3:21-22) trình bày phép rửa của Chúa Giêsu và sự hiện diện của Chúa Cha và Thánh Thần để chứng thực cho chân tính của Ngài.

Phép rửa của Chúa Giêsu được ba thánh sử thuật lại cách trực tiếp: Mt 3:13-17; Mc 1:9-11 và Lc 3:21-22. Về phần mình, thánh Gioan “gián tiếp” thuật lại qua lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả Ga 1:30-34. Chúng ta thấy có một vài điểm khác và giống trong trình thuật về Phép Rửa của Chúa Giêsu như sau: (1) Trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, Thánh Gioan Tẩy Giả cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu không chịu phép rửa bởi ông và nói rằng ông mới là người cần được Chúa Giêsu làm phép rửa. Nhưng Chúa Giêsu nói phải thực hiện tất cả những gì sự công chính đòi hỏi; còn ba Tin Mừng kia không đề cập đền điều này; (2) cả ba đều đề cập về việc Chúa Giêsu từ Galilê [Mc Nazareth] đến Jordan; (3) Theo Thánh Matthêu và Máccô, ngay khi Chúa Giêsu lên khỏi nước, trời mở ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu trên Ngài, và có tiếng phán từ trời. Thánh Luca thêm vào chi tiết là sau khi chịu phép rửa xong, trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện, trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu và có tiếng phán từ trời. Còn trong lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả, thánh nhân không biết Chúa Giêsu là Đấng Messia cho đến khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Thánh nhân thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và Ngài chính là Con Một của Chúa Cha; (4) Chúa Cha trong Tin Mừng Thánh Mátthêu nói với đám đông về Chúa Giêsu: “Đây là con yêu dấu của Ta, niềm vui của Ta ở với Người.” Còn Thánh Máccô và Luca giống nhau về lời của Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: “Con là con yêu dấu của Ta, niềm vui của ta ở với con.”

Từ bốn chi tiết trên, chúng ta chọn ra hai chi tiết để hướng dẫn chúng ta sống ý nghĩa của phụng vụ Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay. Thứ nhất là chi tiết về việc trời mở ra trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện sau khi chịu phép rửa. Chúng ta chọn chi tiết này vì năm nay (năm C), chúng ta nghe từ Tin Mừng của Thánh Luca. Trong Tin Mừng của Thánh Luca, cầu nguyện là một đề tài rất quan trọng để “chống lai chước cám dỗ.” Chúng ta thấy, trong phép rửa, Chúa Cha công bố Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu của Ngài. Đây là tước hiệu mà ma quỷ gọi Ngài khi cám dỗ Ngài trong sa mạc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4:3). Và các thủ lãnh người Do Thái cũng gọi Ngài như thế khi đứng dưới chân thập giá: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” (Lc 23:35). Chúa Giêsu bị cám dỗ chứng tỏ thân phận “Con Thiên Chúa” của mình dựa vào sức mình hơn là “dựa vào tương quan với Chúa Cha.” Ngài đã chiến thắng nhờ “cầu nguyện,” vì “cầu nguyện” làm cho Ngài nên một với Chúa Cha để Ngài mãi là Con Yêu dấu trong tương quan với Chúa Cha, chứ không phải qua việc “chứng tỏ chính mình qua việc cứu chính mình.” Chúng ta cũng đã bao lần bị cám dỗ “chứng tỏ mình là con Thiên Chúa bằng sức của mình, bằng cách cố gắng cứu chính mình,” và chúng ta đã phải hứng chịu bao ê chề thất vọng. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ trong vườn cây dầu [chỉ tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Luca]: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:40; “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22: 46). Đời sống của chúng ta sau khi được rửa tội là một đời sống cầu nguyện không ngừng để khỏi sa chước cám dỗ sống đóng kín lại trong chính mình để tự làm “chúa của cuộc đời mình.” Hãy dừng sống lối sống làm con Thiên Chúa trong tương quan với thế gian để chứng tỏ chính mình. Hãy bắt đầu lối sống làm con yêu dấu của Thiên Chúa trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong kinh nguyện để tình yêu của Thiên Chúa chiếu sáng trong cuộc sống chúng ta.

Chi tiết thứ hai là chi tiết về lời phán của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con.” Qua phép rửa, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta những lời đầy yêu thương đó. Chúng ta là con yêu dấu của Ngài. Tuy nhiên, điều chúng ta đáng suy gẫm và xét duyệt lại hôm nay là: Thiên Chúa đã hài lòng về chúng ta chưa? Trong cuộc sống, một trong những cám dỗ chúng ta thường hay đối diện nơi công sở hoặc trong học đường, trong gia đình hoặc giữa bạn bè, đó là, “làm người khác hài lòng” về mình. Vì muốn làm người khác hài lòng, chúng ta bất chấp mọi sự ngay cả làm mất lòng Chúa. Thật vậy, chúng ta chạy theo sự kỳ vọng của con người và quên mất kỳ vọng của Thiên Chúa. Kỳ vọng của con người thì nhiều, còn kỳ vọng của Thiên Chúa chỉ có một: “Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh [chị] em” (Ga 13:24).

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB