(Is 62:1-5; 1 Cr 12:4-11; Ga 2:1-11)
Chúng ta đã bắt đầu Mùa Thường Niên ngay sau Lễ Chúa Hiển Linh. Những ngày lễ lớn, những ngày nghỉ lễ cũng đã qua và chúng ta trở về với đời sống thường ngày của mình. Đôi khi chính cái bình thường làm cho chúng ta thấy ‘nhàm chán’ và không mấy vui trong công việc và ngày sống. Chính vì vậy, Giáo Hội chọn chủ đề về ‘tiệc cưới’ để đọc ngay trong Chúa Nhật, có thể nói, ‘đầu tiên’ của Mùa Thường Niên [sau Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa]. Một cách hiển nhiên, trong tiệc cưới, hai nhân vật chính là chú rể và cô dâu. Họ là những người hạnh phúc nhất. Tiệc cưới luôn có tình yêu và niềm vui. Qua điều này, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta phải tìm thấy niềm vui và tình yêu dành cho Chúa và cho nhau trong những cái bình thường của cuộc sống. Bởi vì ngày sống của chúng ta được dệt nên bằng những cái bình thường. Chính tình yêu và niềm vui sẽ biến những cái bình thường thành những cái phi thường.
Hình ảnh của chú rể và cô dâu trong tiệc cưới trong Tin Mừng hôm nay chính là Chúa Giêsu và Giáo Hội [đại diện là các môn đệ đầu tiên]. Chúng ta tìm thấy hình ảnh này trong bài đọc 1: Đức Chúa đón dân Israel từ lưu đày trở về và gọi dân là “Ái khanh lòng ta hỡi!” (Is 62:4). Đức Chúa đem lòng sủng ái và lập hôn ước cùng dân: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62:5). Trong tình yêu, người này chính là niềm vui cho người khác. Chúng ta nghe điều này trong Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa tuần trước: Chúa Cha gọi Chúa Giêsu là “Con yêu dấu.” Hôm nay, chúng ta có thể nói rằng: Chúa Giêsu dùng chính lời đó để nói với Giáo Hội và mỗi người chúng ta. Những lời này phải làm chúng ta xét lại cuộc sống hằng ngày của mình [nhất là những người sống đời thánh hiến]. Chúng ta phải là “niềm vui” cho Đức Chúa, chứ không phải là “nỗi đau.” Tuy nhiên, nhiều lần trong ngày sống của mình, thay vì là niềm vui của Đức Chúa và của nhau, chúng ta trở thành nỗi đau của Ngài và của người khác.
Bài đọc 1 hôm nay chứa đựng một ‘phê bình’ tuyệt vời về việc ai trong chúng ta cũng muốn được người khác chiêm ngưỡng hoặc ngưỡng mộ. Chúng ta cũng thường ngưỡng mộ tài năng của người khác và muốn có được những tài năng như họ: Chúng ta muốn có tài năng hát hay, vẽ đẹp; chúng ta muốn học giỏi và thành công trong công việc. Tuy nhiên, chúng ta đọc trong bài đọc 1 những lời này: “Muôn dân sẽ đến chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng” (Is 62:2). Muôn dân đến chiêm ngưỡng ‘đức công chính’ chứ không phải điều gì khác của Giêrusalem. Điều này nói với chúng ta điều gì? Chúng ta có thể không giỏi về hát ca, múa nhảy, nhưng ai trong chúng ta cũng có thể giỏi về yêu thương, tha thứ, và quan tâm phục vụ nhau; ai trong chúng ta cũng có thể giỏi về việc nghĩ và nói tốt cho nhau. Tai sao chúng ta mải mê chạy theo những tài năng chóng qua để được người ta ngưỡng mộ mà quên đi những tài năng vĩnh cửu để được Chúa khen ngợi! Hãy làm cho người khác đến chiêm ngưỡng đức ái, đức tin và hy vọng của chúng ta.
Như chúng ta đã nói đến, tình yêu là một trong những yếu tố không thể thiếu trong tiệc cưới. Tình yêu làm cho chồng nên một với vợ. Cũng vậy, chính tình yêu sẽ làm chúng ta trở nên một. Tình yêu làm cho chúng ta đón nhận người khác như là một phần của bản thân mình. Chính tình yêu làm cho khoảng cách của những khác biệt được thu hẹp và biến mất. Đây chính là nội dung của bài đọc 2 ngày hôm nay: “Thưa anh em, có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cor 12:4-6). Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: Mọi khác biệt đến từ “một Chúa.” Nếu đến từ một Chúa, một nguồn thì chúng không bao giờ đối chọi hay loại trừ nhau. Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nhìn sự khác biệt [tài năng] của người khác như là mối đe doạ cho niềm vui và hạnh phúc của riêng mình. Từ đó, chúng ta sinh ra ghen tỵ, so sánh và nhiều khi tìm cách để ‘kéo người khác xuống.’ Sự khác biệt chính là điều ‘Chúa muốn’ để chúng ta bổ sung cho nhau, để chúng ta học khiêm nhường và cần đến nhau.
Tin Mừng của Gioan là Tin Mừng chứa đựng nhiều hình ảnh. Chúng ta cùng nhau suy gẫm trên một vài hình ảnh để rút ra những điều cần thiết cho cuộc sống của chúng ta.
Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh rượu. Trong Kinh Thánh, rượu chính là hình ảnh của niềm vui. Nhìn theo khía cạnh này, khi Mẹ Maria đến nói với Chúa Giêsu, “họ hết rượu rồi,” điều này có nghĩa là, “họ không còn niềm vui khi đi theo con nữa.” Đi theo Chúa phải vui. Làm sao chúng ta không vui được khi chúng ta là những người nghe ‘tin mừng’ mỗi ngày. Không có ai nghe ‘tin mừng’ mà buồn. Vui với Chúa là dễ nhất. Vui với những người chúng ta yêu thương thì cũng dễ, nhưng vui với những người chúng ta không thích thì rất khó và đôi khi không thể. Theo Chúa mà chúng ta sống như những người không có Chúa. Thánh Têrêsa Calcutta nói rằng: “Một nụ cười chính là một ‘thực tại’ của Thiên Chúa mà chúng ta có thể đem đến cho cuộc sống của người khác.”
Hình ảnh thứ hai là sáu chum rượu. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, số sáu được sử dụng một vài lần vì đối với Gioan đây chính là cách thức để chuyển tải sứ điệp của mình. Trong tư tưởng của người Do Thái, số bảy là số hoàn hảo. Khi đề cập đến “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước” (Ga 2:6). Thánh Gioan muốn nói rằng: việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái vẫn chưa hoàn hảo. Chúa Giêsu đến mang lại rượu mới, mang lại sự hoàn hảo cho cuộc sống con người. Ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu, ở đó có niềm vui và tình yêu. Niềm vui của Chúa Giêsu mang lại là niềm vui hoàn hảo: “Thầy nói với anh em những điều này để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” Chúng ta thấy điều này trong lời của quản tiệc: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Ga 2:10).
Hình ảnh thứ ba là “giờ của Chúa Giêsu.” Chúng ta có thể nói rằng: “Giờ của Chúa Giêsu” chính là nội dung chính của Tin Mừng của Thánh Gioan. Những giờ này là gì mà Chúa Giêsu nói là “chính vì giờ này mà Ta đến trong thế gian.” Mục đích của giờ này là để Chúa Cha được tôn vinh. Chúng ta tìm thấy điều này trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2:11). Vinh quang của Chúa Giêsu được tỏ hiện trong bối cảnh của tiệc cưới và gắn liền với hình ảnh ‘rượu’ [hay còn gọi là niềm vui]. Nói cách khác, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện trong tình yêu và niềm vui mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta. Chúng ta tìm thấy đỉnh cao của vinh quang này trên thập giá vì ở đó niềm vui trọn vẹn nhất được tìm thấy khi tội lỗi bị đóng đinh trên thập già và con người được hoà giải với Thiên Chúa, khi sự chết bị đánh bại. Hãy trở nên vinh quang của Thiên Chúa qua đời sống đầy yêu thương và vui tươi của mình!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB