Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật IV Mùa Vọng C – Niềm Vui Mang Chúa Đến Cho Người Khác

(Mk 5:1-4a; Hr 10:5-10; Lc 1:39-45)

Lời Chúa trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng dẫn chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô. Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Mikha tuyên sấm về “số phận” của Bêlem, nơi Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra. Bêlem được diễn tả như sau: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel (Mk 5:1). Đức Chúa đã chọn một nơi khiêm cung, nhỏ bé để cho xuất hiện Đấng sẽ thống lãnh Israel. Tư tưởng này thường ngược với lối suy nghĩ thông thường của con người, vì con người thường không thích những gì nhỏ bé và thấp kém. Con người luôn mong muốn trở nên vĩ đại và sống trong những nơi tiện nghi, giàu có. Điều này chứng tỏ rằng nếu con người muốn gặp gỡ Đấng Cứu Tinh, họ phải đi ra khỏi lối suy nghĩ, lối sống thông thường của mình. Họ phải học biết cách tìm Chúa trong những gì là nhỏ bé tầm thường mỗi ngày. Vì chỉ qua những gì nhỏ bé hằng ngày mà con người mới gặp được Đấng “sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Chính Người sẽ đem lại hoà bình” (Mk. 5:3-4a).

Trong bài đọc 2, tác giả thư Hípri nói cho chúng ta về giá trị của Lề Luật. Lề Luật không thể làm cho chúng ta nên hoàn hảo, nhưng chính Đức Kitô, Đấng đến để thực thi ý Chúa Cha làm cho chúng ta nên hoàn hảo. Đây chính là điểm nối kết hai bài đọc hôm nay: Thi hành thánh ý Chúa Cha là con đường trở nên hoàn hảo và là dấu chỉ của những thành viên trong gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu. Như vậy, luật tối hậu của chúng ta không phải là những chữ viết vô hồn trong sách, nhưng chính là Con Người sống động của Đức Kitô. Hãy để Đức Kitô là “thần tượng” của chúng ta trên con đường yêu thương.

Con đường trở nên hoàn hảo bắt đầu với việc nhận ra vẻ đẹp và ý nghĩa của thân thể mà qua đó chúng ta hiện diện cách hữu hình trong trần gian. Tác giả của thư Hípri nói về sự hiện diện trong thân thể của Chúa Giêsu chính là hiến tế để thực thi ý Chúa: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Hr 10:2-7). Chính thân thể của chúng ta là của lễ toàn thiêu và xá tội. Khi chúng ta không sống theo những đam mê của xác thịt, những hy sinh nơi thân xác đó chính là điều Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện trong từng ngày sống của mình để trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Thiên Chúa muốn những của lễ ở bên trong chúng ta, là một phần của cuộc sống của chúng ta chứ không phải là những của lễ vật chất dư thừa bên ngoài. Từ bỏ thái độ ghen tỵ và nói xấu người khác thì đẹp lòng Chúa hơn là từ bỏ một bữa ăn sáng để rồi ăn lại thật nhiều vào những bữa ăn khác! Từ bỏ tính kiêu ngạo và phàn nàn thì đẹp lòng Chúa hơn là từ bỏ không sử dụng điện thoại nhưng trong lòng không vui.

Thật vậy, điều Chúa ưa thích không phải là những việc chúng ta làm vì bổn phận, vì luật buộc. Điều Chúa ưa thích và là của lễ đẹp nhất chúng ta có thể dâng lên cho Ngài chính là làm theo ý muốn của Ngài: “Trước hết, Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10:8-9). Mà ý muốn của Ngài chính là vượt qua giới hạn của những phản ứng tự nhiên để đón nhận mọi người vào trong con tim của chúng ta, vào trong gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu để yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương họ.

Để hiểu Tin Mừng Hôm nay, chúng ta phải đặt nó trong tương quan với trình thuật truyền tin (Lc 1:26-38). Trong trình thuật về truyền tin, Mẹ Maria đã không chỉ nhận tin sẽ cưu mang Con Thiên Chúa, nhưng còn nhận tin rằng: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:38). Nghe tin đó, Mẹ liền “vội vã ra đi lên miền núi” (Lc 1:39). Theo Thánh Ambrose, Mẹ vội vã đi không phải là Mẹ muốn kiểm chứng lời thiên thần. Cũng không phải Mẹ cảm thấy mơ hồ về kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời Mẹ. Mẹ “vội vã đi lên miền núi” với mục đích, với trách nhiệm của một người em họ, và nhất là với niềm vui của một người đang cưu mang Chúa trong cung lòng mình. Thái độ của Mẹ hoàn toàn khác với con người thời “hậu hiện đại” của chúng ta. Chúng ta luôn muốn kiểm chứng mọi sự. Chúng ta đánh giá mọi sự theo định luật: cân – đo – đong – đếm. Tuy nhiên, để hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta phải bước vào quỹ đạo của phục vụ: “vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).

Quả thật, được đầy tràn Thánh Thần, Mẹ đã vội vã ra đi lên miền núi. Tại sao Mẹ lại đi lên miền núi? Có phải vì nhà của Elizabeth ở miền núi? Đó là chi tiết mà chúng ta tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng đằng sau chi tiết này hàm chứa một ý nghĩa kinh thánh và thiêng liêng thật sâu xa. Những người muốn gặp gỡ Thiên Chúa luôn phải “đi lên”: Nào chúng ta cùng đi lên núi Chúa (xem Is 2:3); hoặc lời của Thánh Vịnh Gia: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa” (Tv 122:1). Theo truyền thống thánh kinh, núi là nơi biểu tượng cho sự hiện diện và là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Môisen gặp Chúa trên núi Sinai, Ngôn sứ Elia gặp Chúa trên núi Horeb. Còn trong Tân Ước, các mộn đệ chứng kiến việc Chúa Giêsu bày tỏ vinh quang của mình trên núi Tabo. Và hôm nay, trên miền núi, Elizabeth và Gioan Tẩy Giả gặp gỡ Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

Đọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra rằng đây là cuộc gặp gỡ của bốn nhân vật: hai người mẹ và hai người con. Thánh Ambrose chỉ ra điều kỳ diệu trong cuộc gặp gỡ này là: Người mẹ (Elizabeth) nghe lời chào của người mẹ (Maria), người con (Gioan Tẩy Giả) ý thức được sự hiện diện của Ân Sủng (Chúa Giêsu); người mẹ (Elizabeth) nghe với đôi tai thân xác, nhưng người con (Gioan Tẩy Giả) nhảy lên vui sướng vì nhận biết được ý nghĩa của mầu nhiệm đang xảy ra. Người mẹ ý thức sự hiện diện của người mẹ, nhưng người con ý thức được sự hiện diện của Con Người, Đấng viếng thăm dân người như Vầng Đông từ chốn cao vời (Lc 1:78). Hai người mẹ nói về hồng phúc họ nhận được từ Thiên Chúa, trong khi hai người con nói về sứ mệnh mà họ sẽ thực hiện để hoàn thành tất cả những lời của các ngôn sứ từ ngàn xưa (xem Lc 1:70). Người con (Gioan Tẩy Giả) nhảy lên vui sướng và người mẹ (Elizabeth) được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, Elizabeth được đầy tràn Thánh Thần sau khi cưu mang Gioan, trong khi Mẹ Maria được đầy tràn Chúa Thánh Thần trước khi cưu mang Chúa Giêsu. Những chi tiết này nhắc nhở cho chúng ta một chân lý mà chúng ta thường quên trong ngày sống của mình, đó là, khi chúng ta gặp gỡ người khác, liệu chúng ta có nhận ra Chúa trong người đó hay làm cho người đó thấy Chúa trong chúng ta không? Vì cuối cuộc đời, Chúa sẽ không xét xử chúng ta về việc chúng ta đã gặp ai và làm nghề gì. Chúa chỉ xét xử chúng ta trên việc chúng ta đã làm gì cho người khác, vì khi “anh chị em làm cho một trong những kẻ bé mọn của Thầy là anh chị em đã làm cho chính Thầy” (Mt 25:40).

Chúng ta cùng nhau khám phá thêm ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay với câu hỏi: Khi nhận được một món quà tuyệt vời và bạn rất thích nó, bạn sẽ làm gì? Bạn đem món quà đó cho người khác hay giữ lại cho riêng mình? Trong xã hội mà cá nhân chủ nghĩa được tôn sùng như “ngẫu tượng,” con người chỉ nghĩ và sống cho riêng mình. Hệ quả là con tim của con người ngày càng đóng kín trong thế giới riêng của họ. Họ chỉ quan tâm đến mối lợi và nhu cầu của riêng mình; khả năng chia sẻ càng ngày càng suy yếu. Lối sống này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của con người, ngay cả tương quan của con người với Thiên Chúa. Một cách cụ thể, nhiều người cân đo “lợi – thiệt” khi đến nhà thờ hoặc nếu có đến nhà thờ thì cũng chỉ tìm ơn cứu độ cho riêng mình. Chính vì muốn giữ mọi sự cho riêng mình, chúng ta như người đầy tớ đem chôn giấu nén bạc và không sinh lời cho chủ (xem Mt 25:14-30). Mỗi người chúng ta nhận được một món quà tuyệt vời trong ngày Rửa Tội, đó là, đức tin. Chúng ta đã làm cho đức tin của chúng ta triển nở và sinh nhiều hoa trái chưa? Hay ngọn lửa đức tin của chúng ta đã tắt và chúng ta không còn khả năng để truyền ngọn lửa đức tin cho những người thân trong gia đình, trong giáo xứ của chúng ta.

Chỉ còn năm ngày nữa là đến giáng sinh và Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào trong bầu khí đó bằng cách chỉ ra cho chúng ta thấy rằng mùa Giáng sinh là mùa tặng quà và giá trị của món quà hệ tại ai tặng quà và bao nhiêu tình yêu người tặng quà bỏ vào trong đó. Có người chỉ bỏ những cái dư thừa, nhưng cũng có những người bỏ tất cả những gì mình có để sống (xem Mc 12:41-44; Lc 21:1-4); có người bỏ một phần con người mình trong món quà nhưng cũng có người bỏ cả con người của mình. Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết về món quà đầu tiên được Thiên Chúa trao ban cho con người, đó chính là “Con Thiên Chúa được gói trong khăn” (Lc 2:7). Chính Mẹ Maria đem Chúa Giêsu như là món quà giáng sinh đầu tiên đến cho Elizabeth và Gioan Tẩy Giả. Và món quà này đã làm cho Thánh Gioan Tẩy Giả nhảy lên vui sướng và bà Elizabeth được đầy tràn Thánh Thần. Điều này giúp chúng ta hiểu ra rằng: Chỉ có món quà “Giêsu” mới có thể thoả mãn mọi khát vọng đi tìm niềm vui, ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc đời con người. Và bất kỳ ai gặp Đức Kitô luôn nhảy lên vui sướng và được tràn đầy Thánh Thần. Như vậy, niềm vui của chúng ta không đến từ của cải vật chất, nhưng đến từ Thiên Chúa, hay nói cách cụ thể là đến từ việc gặp gỡ và có Chúa trong cuộc đời của mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB