(Lc 19:28-40; Is 50:4-7; Pl 2:6-11; Lc 22:14 – 23:56)
Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta vào tuần thánh. Như chúng ta biết chỉ có tuần này trong toàn năm phụng vụ được gọi là “tuần thánh.” Điều này không có nghĩa là 53 tuần khác trong năm không là thánh. Đối với người Kitô hữu, ngày nào cũng được gọi là ngày thánh, vì được thánh hiến cho Thiên Chúa. Thật vậy, thời gian thuộc về Thiên Chúa và Ngài đã thánh hiến thời gian. Tuần này được gọi là “tuần thánh” vì trong tuần này chúng ta tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm mà qua đó Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi và biến chúng ta thành dân riêng của Ngài. Qua mầu nhiệm này, Đức Giêsu Kitô đã đánh bại thần chết hầu mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.
Để giúp chúng ta cử hành cách thánh thiện phụng vụ hôm nay và sống trọn vẹn tuần thánh, chúng ta hãy để Lời Chúa hướng dẫn chúng ta qua các bài đọc. Nhìn vào Chúa Giêsu trong các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể rút ra những điểm sau đây để suy niệm, để học hỏi và để đem ra thực hành.
Thứ nhất, Chúa Giêsu là vua của gia đình và của cuộc đời chúng ta. Phụng vụ hôm nay bắt đầu với nghi thức làm phép lá và rước lá. Trong nghi thức này, bài Tin Mừng trích từ Thánh Luca được công bố. Đây là hành vi giúp chúng ta tưởng nhớ lại hành vi của người Do Thái đã làm để đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Trong Tin Mừng Thánh Luca, Giêrusalem là trung tâm, nơi mà Chúa Giêsu sẽ kết thúc sứ mệnh của mình và cũng là nơi mà các môn đệ bắt đầu sứ mệnh rao giảng cho muôn dân. “Hành trình tiến lên Giêrusalem” (Lc 19:28) nói lên việc Chúa Giêsu đang tiến gần đến điểm kết thúc của hành trình trở về với Chúa Cha, hành trình mà Ngài bắt đầu trong Lc 9:51 – “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem.” Chi tiết quan trọng nhất trong bài Tin Mừng được công bố trước khi rước lá là việc Chúa Giêsu được chào đón vào Giêrusalem như một vị vua: “Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19:38). Hình ảnh Ngài ngồi trên con lừa để tiến vào Giêrusalem, theo các học giả Kinh Thánh, được Thánh Luca lấy từ sách Ngôn sứ Zechariah 9:9 – đây là đoạn nói về quyền vương đế của Đức Chúa: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” Tuy nhiên, Thánh Luca không sử dụng hình ảnh của vị vua uy quyền và toàn thắng trong đoạn trích này để áp dụng cho Chúa Giêsu. Thay vào đó, thánh sử trình bày cho chúng ta về Chúa Giêsu như, là vị vua chết trên thập giá để cho dân của Ngài được sống. Như vậy, việc Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem khẳng định Ngài là vua, một vị vua chịu đau khổ và chết cho thần dân của mình, chứ không phải là một vị vua mà thần dân phải phục vụ. Hình ảnh “Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem” nhắc nhở chúng ta về việc Chúa Giêsu cũng đang tiến vào gia đình, vào tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ chào đón Ngài như thế nào? Mỗi năm trong phụng vụ của ngày Lễ Lá, chúng ta thường tập trung quá nhiều vào những chiếc lá mà chúng ta cầm trên tay trong suốt thánh lễ. Khi về đến nhà chúng ta tìm một nơi cao trọng để đặt những chiếc lá đã được làm phép. Điều đó rất tốt! Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng những chiếc lá chúng ta cầm trên tay phải tượng trưng cho những nhân đức, những việc tốt, hay những quyết định từ bỏ lối sống tội lỗi của mình để đón Chúa vào trong gia đình và tâm hồn của chúng ta.
Thứ hai, Chúa Giêsu là người tôi tớ đau khổ của Giavê và là người đau khổ cho và với chúng ta. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia nói về người tôi tớ đau khổ của Giavê. Ngôn sứ trình bày cho chúng ta những đặc điểm quan trọng sau đây của người môn đệ, người tôi tớ đau khổ của Giavê mà mỗi người chúng ta được mời gọi để trở thành: (1) là người nói năng như một người môn đệ, đó là “biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50:4); (2) là người lắng tai nghe như một người môn đệ mà “không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50:5); (3) là người sẵn sàng đón nhận đau khổ mà người khác mang lại cho mình, đó là “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:6). Chúng ta có thể làm những điều này vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta để phù trợ (x. Is 50:7). Tóm lại, điểm thứ hai mà lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm là xét lại đời sống theo Chúa Giêsu của chúng ta: chúng ta có trở nên giống Ngài mỗi ngày trong lời ăn tiếng nói, hay trong hành động của chúng ta không?
Thứ ba, Chúa Giêsu là mẫu gương của sự tự hạ và khiêm nhường. Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô giới thiệu cho các tín hữu Philiphê mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8). Hôm nay, Thánh Phaolô chỉ ra mẫu gương khiêm nhường và sống cho người khác của Chúa Giêsu cho chúng ta, những người đang sống trong một thế giới mà trong đó con người tìm đủ mọi cách để đặt chính mình và lợi ích của mình lên hàng đầu. Chúng ta nhìn nơi Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng ta, Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang của mình và sẵn sàng chết cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Là môn đệ của Ngài, chúng ta được mời gọi sẵn sàng đón nhận một đời sống thật đơn sơ và khiêm nhường, một đời sống hoàn toàn sống và chết cho Thiên Chúa và cho người khác, nhất là những người trong gia đình và cộng đoàn của chúng ta. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ của chúng ta mà Thiên Chúa sẽ nâng chúng ta lên như Ngài đã siêu tôn Chúa Giêsu: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9). Đừng tự nâng mình lên, nếu không chúng ta sẽ bị hạ xuống. Nhưng chúng ta hãy hạ mình xuống để được Thiên Chúa nâng lên.
Thứ ba, Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Điểm này được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay. Trong phụng vụ năm C, chúng ta nghe bài Thương Khó của Chúa Giêsu trích từ Tin Mừng Thánh Luca. Cuộc Thuơng Khó của Chúa Giêsu bao gồm những sự kiện quan trọng sau:
Thứ nhất, cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu bắt đầu với Bữa Tiệc Ly và việc thành lập Bí Tích Thánh Thể (Lc 22:14-20). Trong sự kiện này, Chúa Giêsu tiên báo việc Giuđa sẽ nộp Ngài, Phêrô sẽ chối Ngài và các môn đệ khác sẽ bỏ Ngài. Qua việc chia sẻ bữa ăn với các môn đệ và thành lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả một tình yêu trung thành, và yêu cho đến cùng. Đây là một tình yêu mạnh hơn sự chết, hay nói cách khác, là tình yêu không dừng lại ở cái chết, nhưng luôn hiện diện mãi với người mình yêu. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy diễn tả một tình yêu trung thành và vô điều kiện cho mọi người, đặc biệt cho chồng, cho vợ, cho con cái, cho cha mẹ, cho bạn bè và ngay cả cho kẻ thù của chúng ta.
Thứ hai, Chúa Giêsu tiên báo người sẽ nộp Ngài (Lc 22:21-23). Trong sự kiện này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về bao nhiêu lần chúng ta đã nộp Ngài khi chúng ta chiều theo những cám dỗ của ma quỷ và những đam mê xác thịt. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta trở thành Giuđa. Chúng ta nộp Chúa Giêsu khi chúng ta không sống đúng với ơn gọi Kitô hữu [ơn gọi thánh hiến] của mình. Khi làm như thế, chúng ta đã trao nộp Chúa Giêsu cho những người thuộc tôn giáo khác hay những người yếu lòng tin để họ “đóng đinh” Ngài qua việc “không tin” hay “mất niềm tin” vào Ngài.
Thứ ba, các môn đệ “cãi nhau về chỗ nhất” và Chúa Giêsu dạy họ về bản chất của quyền bính (Lc 22:24-30). Bản chất tự nhiên của con người là ai cũng muốn được chỗ nhất. Nhưng theo Chúa Giêsu, hãy chiếm chỗ nhất trong việc phục vụ, trong yêu thương và tha thứ hơn là chỗ nhất trong việc thống trị người khác bằng quyền lực. Nói cách khác, qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn chúng ta thống trị người khác bằng đời sống phục vụ, yêu thương và tha thứ hơn là tìm vinh quang và ảnh hưởng của con người.
Thứ tư, Chúa Giêsu tiên báo việc Phêrô sẽ chối Ngài (Lc 22:31-34). Hình ảnh của Phêrô, một người có khi rất can đảm để bảo vệ Thầy mình, nhưng khi gặp khó khăn và nhất là khi đối diện với sự mất mát về quyền lợi và tính mạng, thì lại chối Thầy, cũng chính là hình ảnh con người của chúng ta. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận khi chúng ta nghĩ rằng mình đang mạnh, vì chúng ta có thể chối Ngài khi đối diện với khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Chúng ta chỉ không chối Chúa Giêsu khi chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Ngài trong cầu nguyện. Và chúng ta cũng nhớ rằng Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta không chối Ngài như Ngài đã cầu nguyện cho Thánh Phêrô.
Thứ năm, Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi Ôliu trong khi các môn đệ của Ngài ngủ (Lc 22:35-46). Hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi chịu đóng đinh gợi cho chúng ta nhớ lại hình ảnh của Ngài chịu cám dỗ trong sa mạc. Trong Tin Mừng Thánh Luca, cầu nguyện được xem là phương thế hữu hiệu mà Chúa Giêsu sử dụng để chống lại cám dỗ. Cái chết trên thập giá là “cám dỗ cuối cùng” của Chúa Giêsu, nên Ngài đã cầu nguyện để làm theo thánh ý của Chúa Cha và để vượt thắng được cám dỗ. Chúng ta cũng như các môn đệ xưa, “gánh nặng nhưng dịu ngọt” của cám dỗ nhiều lần làm chúng ta ngủ quên trong đam mê vì chúng ta không cầu nguyện. Hãy để Lời Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Anh [chị] em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” Thật vậy, “sao anh [chị] em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”
Thứ sáu, Chúa Giêsu bị nộp vì một cái hôn, bị bắt và bị đánh đập (Lc 22:47-71). Sự kiện này gợi nhớ trong chúng ta những lần chúng ta dùng danh nghĩa của tình yêu để làm lợi cho chính mình. Chính tình yêu giả tạo của chúng ta đã làm cho nhiều người phải bị tổn thương và đau khổ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng yêu nhau với tình yêu giả tạo, nhưng hãy yêu nhau với một tình yêu chân thật và vô điều kiện.
Thứ bảy, Chúa Giêsu bị kết án tử bởi Philatô (Lc 23:1-32). Chúa Giêsu bị trao nộp và bị kết án như một người “phản động.” Bên trong bản án này hàm chứa mối hận thù của những người nghĩ rằng họ nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ Ngài; họ hận thù khi nghe Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha và tuyên bố rằng Ngài và Thiên Chúa của họ là một. Sự kiện này khuyến cáo chúng ta về thái độ nhân danh Thiên Chúa để kết án người khác, nói đúng hơn là thái độ xem mình thánh thiện hơn người khác để rồi kết án anh chị em của mình.
Thứ tám, Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai tên gian phi (Lc 23:33-34). Chi tiết quan trọng nhất trong sự kiện này là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Giáo Hội dạy chúng ta rằng, không chỉ người Do Thái xưa, nhưng cả chính chúng ta cũng là những người đã đóng đinh Chúa Giêsu và thập giá mỗi khi chúng ta phạm tội. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã diễn tả tình yêu của Ngài cách tuyệt đối và vô điều kiện khi Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng ta. Về phần mình, chúng ta có dốc lòng tránh xa tội lỗi và sẵn sàng tha thứ cho người khác không?
Thứ chín, những phản ứng khác nhau của người chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu (Lc 23:35-49). Trước sự đau đớn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, có người “buông lời cười nhạo,” có người “chế giễu,” một trong hai người cùng chịu đóng đinh với Ngài thì “nhục mạ” Ngài, người kia thì bảo vệ Ngài và đặt niềm tin vào Ngài và xin Ngài nhớ đến mình khi Ngài vào vương quốc của Ngài, viên đại đội trưởng thì tôn vinh Thiên Chúa, và toàn thể dân chúng thì “đấm ngực” ăn năn. Chúng ta thuộc vào nhóm nào trong những nhóm trên? Trong sự kiện này, chi tiết quan trọng là: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở “(Lc 22:44-46). Bức màn trong đền thờ chia cách giữa “nơi cực thánh” và phần “phạm tục” bị xé ra làm đôi. Điều này nói cho chúng ta rằng, với cái chết của Chúa Giêsu, Ngài đã phá đổ bức tường tội lỗi ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa. Liệu chúng ta có chạy đến với Ngài để hòa giải với Ngài không? Và liệu chúng ta có sẵn sàng phá đổ bức tường chia cắt chúng ta với anh chị em của mình không?
Thứ mười, Chúa Giêsu được chôn trong mồ (Lc 50-56). Điều đáng buồn trong sự kiện này là không một ai trong nhóm 12 hiện diện. Những người thân tín nhất của Ngài đã bỏ Ngài. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng bỏ Chúa Giêsu trong những giây phút mà chúng ta tưởng Ngài “đã chết,” không còn hiện diện với chúng ta. Trong những lúc dường như không cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn phải kiên trì ở lại, đừng trốn chạy. Vì nếu chúng ta không đến với một Đức Kitô, Đấng chết và chôn trong mồ vì chúng ta thì làm sao chúng ta có thể chứng kiến được sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Chỉ qua đau khổ mới đến vinh quang, qua nấm mồ mới đến thiên đàng!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB