(Is 6:1-2a.3-8; 1 Cr 15:1-11; Lc 5:1-11)
Tuần trước lời Chúa nói về ơn gọi của ngôn sứ và tuần này lời Chúa đưa chúng ta đến với việc sai đi của vị ngôn sứ: Ngôn sứ được gọi để được sai đi rao giảng. Tuần trước chúng ta nghe về ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia và tuần này chúng ta nghe về ơn gọi của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1, của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 và của bốn môn đệ đầu tiên [Simon Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan] trong bài Tin Mừng. Chúng ta sẽ nhận thấy, Chúa gọi mỗi người trong họ trong những hoàn cảnh khác nhau và nhất là trong khi họ đang làm những công việc thật bình thường của kiếp nhân sinh. Chúa cũng đến gọi chúng ta trong hoàn cảnh sống của chúng ta như vậy, liệu chúng ta có đáp lại hay không? Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ về ơn gọi của các nhân vật trong ba bài đọc hôm nay để hiểu rõ hơn về ơn gọi của mình.
Bài đọc 1 nói về thị kiến của Isaia sau khi vua Útdigiahu băng hà. Thị kiến nói về hình ảnh uy nghiêm của Đức Chúa, là Đấng chí thánh và là “Đức Chúa của các đạo binh” (Is 6:3). Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta hình ảnh về một Thiên Chúa uy nghiêm và Chí Thánh nhưng lại kêu gọi mình, một con người yếu đuối và “môi miệng ô uế” (Is 6:4) để công bố tin mừng của Ngài. Ngôn sứ Isaia thấy mình quá vinh dự vì được “thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6:5). Chúng ta có nhận ra vinh dự khi đến tham dự thánh lễ để được nhìn thấy chính Chúa không? Một vị ngôn sứ chân chính là người cảm thấy mình vinh dự vì được Đức Chúa gọi và sai đi. Hơn nữa, một chi tiết khá quan trọng trong bài đọc 1 làm chúng ta để ý là việc Isaia nói về thực tế của đời mình, đó là, môi miệng ô uế và được Đức Chúa sai “một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: ‘Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội’” (Is 6:6-7). Trong thánh lễ hôm nay, môi miệng chúng ta không phải được một hòn than chạm đến, nhưng là chính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô; môi miệng chúng ta được chạm đến bởi Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.
Trong bài đọc 2 hôm nay, chúng ta tìm thấy ‘nội dung rao giảng căn bản nhất’ của các tông đồ và Giáo Hội sơ khai, hay còn gọi là Kerygma (chúng ta có thể gọi đơn giản là “những tín điều đầu tiên của Hội Thánh”): “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15:3-4). Thánh Phaolô kể về việc mình được nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh: “Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non (1 Cr 15:6-8). Giống như Isaia, Thánh Phaolô nói về đặc ân được gọi của mình. Ngài nhận ra mình chỉ là người bất xứng và “người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1 Cr 15:9). Việc ngài trở thành tông đồ là “nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15:10). Tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là đều là hồng ân của Thiên Chúa. Chính vì vậy, chúng ta phải luôn có thái độ tạ ơn Thiên Chúa. Đây chính là ý nghĩa của từ “Thánh Thể” [Eucharistia] – có nghĩa là “tạ ơn.” Chúng ta đến với Chúa mỗi Chúa Nhật trong thánh lễ để tạ ơn Chúa cho một tuần đã qua và một tuần mới bắt đầu và xin Ngài ban cho chúng ta những ơn lành cần thiết để rao giảng tin mừng của Ngài qua chính cuộc sống phục vụ của chúng ta trong gia đình, giáo xứ hay công sở.
Bài Tin Mừng hôm nay kể về câu chuyện ơn gọi của các môn đệ đầu tiên, nhưng tập trung cách đặc biệt vào ơn gọi của Thánh Phêrô. Chúng ta cùng nhau phân tích ơn gọi của Phêrô một cách chi tiết hơn để rút ra những suy niệm cần thiết và cụ thể cho tuần sống của chúng ta. Chúng ta lưu ý đến bốn điểm sau:
Thứ nhất, Thánh Phêrô “cho phép” Chúa Giêsu lên và sử dụng thuyền của mình để giảng dạy: “Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông” (Lc 5:3). Yếu tố cần thiết đầu tiên cho mỗi ơn gọi là “cho phép” Chúa Giêsu bước vào trong cuộc đời và con tim của mỗi người của mình. Thật vậy, Chúa Giêsu luôn tôn trọng sự tự do của mỗi người chúng ta. Ngài không gây áp lực, không ép buộc; Ngài chỉ “kêu mời” và cố gắng “thuyết phục” chúng ta với tình yêu và sự kiên nhẫn của Ngài. Hãy mở cửa con tim và cuộc đời của chúng ta cho Chúa Giêsu để Ngài có thể yêu người khác bằng con tim nhỏ bé của chúng ta và phục vụ người khác qua chúng ta.
Thứ hai, Thánh Phêrô “tin” và “vâng lời” Chúa Giêsu: “Giảng xong, Người bảo ông Simôn: ‘Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.’ Ông Simôn đáp: ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới’” (Lc 5:4-5). Nếu chúng ta xét cuộc đối thoại của Chúa Giêsu và Thánh Phêrô cách cẩn thận, chúng ta thấy có một cái gì đó “phi lý” nhưng có ý nghĩa rất sâu xa trong câu trả lời của Thánh Phêrô. Cái “phi lý” đó là đức tin của một nhà “chuyên viên đánh cá” vào một người “không có chuyên môn đánh cá.” Cụ thể hơn, chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu là “con của bác thợ mộc Giuse” và Ngài cũng là một thợ mộc, còn Phêrô là một người đánh cá chuyên nghiệp. Đặt vào trong bối cảnh này chúng ta có thể viết lại đoạn đối thoại trên cách bình dân như sau: “Giảng xong, ‘Anh thợ mộc Giêsu’ nói với nhà chuyên viên đánh cá Phêrô: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.’ Nhà chuyên nghiệp đánh cá Phêrô trả lời: ‘Thưa bác thợ mộc Giêsu, chúng tôi là dân chuyên nghiệp và chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Nhưng vâng lời bác, tôi sẽ thả lưới [vì bác là người đóng thuyền, nên biết thuyền có thể ra đến độ sâu nào và chở được bao nhiêu cá].” Và kết quả là “họ đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc 5:6-7). Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng: Nhiều khi trong cuộc đời của mình, Chúa cũng muốn chúng ta thực hiện [vâng phục] những điều không “hợp lý” theo tính toán của con người. Nhưng khi vâng phục làm theo, chúng ta sẽ kinh ngạc và vỡ oà trong vui mừng về kết quả Chúa mang lại cho chúng ta như các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu: “Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy” (Lc 5:9-10).
Thứ ba, Thánh Phêrô “nhận ra” sự bất xứng và tội lỗi của mình: “Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’” (Lc 5:8). Đứng trước sự ưu ái của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, mỗi người chúng ta đều cảm thấy mình bất xứng. Nhưng sự bất xứng này không làm cho chúng ta mãi sống trong mặc cảm tội lỗi, nhưng là để chúng ta trở nên khiêm nhường, không kiêu ngạo, để chúng ta biết rằng: “Dù tội con có đỏ như son, có đen như mực, Ta sẽ làm cho trắng như tuyết” (Is 1:18). Nói cách khác, để chúng ta cảm nghiệm được tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa cho chúng ta. Đây cũng là một lời mời gọi, vì không ai cảm nghiệm tình yêu của Chúa và giữ lại cho riêng mình, nhưng biết chia sẻ và giúp người khác cảm nếm được tình yêu dịu ngọt của Thiên Chúa qua lời nói và hành động phục vụ trong yêu thương và tha thứ của mình.
Thứ tư, Thánh Phêrô bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa Giêsu: “Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: ‘Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.’ Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5:10-11). Bước này là bước quyết định ơn gọi của người môn đệ và liên quan chặt chẽ với bước thứ ba. Nói cách cụ thể hơn, khi người môn đệ nhận ra sự bất xứng và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa thì mới có khả năng đáp trả: Chỉ những người cảm nghiệm được tình yêu tuyệt đối của Chúa dành cho mình mới có khả năng bỏ hết mọi sự để đi theo Ngài. Khi hai người nam nữ yêu nhau với tình yêu chân thật, họ sẵn sàng bỏ mọi sự, ngay cả cha mẹ, nghề nghiệp để sở hữu người mình yêu. Đối với người đang yêu, người yêu là tất cả. Cũng vậy, đối với người môn đệ người đang yêu Chúa Giêsu, Ngài là tất cả, không có gì có thể thay thế Ngài trong cuộc đời của người môn đệ. Khi chúng ta chưa bỏ hết mọi sự [quan trọng nhất là những thói hư tật xấu] để theo Chúa, thì chúng ta vẫn chưa yêu Chúa với một tình yêu chân thật và chưa cảm nghiệm được tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Chúa.
Đọc lời Chúa hôm nay, chúng ta nhận ra những yếu tố chung sau trong ba câu chuyện về ơn gọi: Được gọi – nhận ra sự bất xứng tội lỗi của mình – cảm nghiệm được vinh dự, tình yêu và sự tha thứ – đáp lại. Trong thánh lễ hôm nay, Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta cảm nghiệm những điều này: Chúng ta được gọi và yêu thương ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Tuy thân phận yếu đuối mỏng manh và bất xứng, nhưng chúng ta vẫn nghe lời mời gọi đầy yêu thương và tin tưởng của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Mong rằng, Ngài sẽ nghe chúng ta đáp lại lời mời gọi với trọn con tim: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6:8).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB