Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật VI Thường Niên C – Phúc Cho Những Ai Đặt Trọn Niềm Tin Vào Chúa

(Gr 17:5-8; 1 Cr 15:12.16-20; Lc 6:17.20-26)

Trong xã hội ngày hôm nay, người ta thường nói: Con cha cháu ông muốn gì được nấy. Hay chúng ta thường nghe ông bà ta nói: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa.” Chúng ta thường cậy dựa vào sức lực và ảnh hưởng của người khác, của những ngưới có quyền thế và địa vị trong xã hội [hoặc Giáo Hội], để tìm chút lợi danh cho mình và cho người thân. Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại những giá trị trong cuộc sống và trong xã hội, vì chúng ta là những môn đệ của Ngài, những người thuộc về Ngài chứ không thuộc về thế gian.

Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1 trình bày sự tương phản về cuộc sống của những người đặt niềm tin vào con người và những người đặt niềm tin vào Đức Chúa. Thật vậy, Đức Chúa, qua ngôn sứ Giêrêmia, khiển trách những kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa!” (Gr 17:5). Họ sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17:6). Còn những người “đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17:7-8). Hai loại người này sẽ được trình bày cách chi tiết và rõ ràng hơn trong bài Tin Mừng.

Còn trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói đến sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm của niềm tin Kitô giáo: “Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cor 15:16-17). Chính niềm tin vào sự phục sinh đã làm cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc bởi cái chết, như Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cor 15:20). Sự kiện Đức Kitô trỗi dậy giúp chúng ta nhận ra rằng, những giá trị đích thật trong đời sống của chúng ta không nằm ở cuộc sống chóng qua ở trần thế này, nhưng nằm ở cuộc sống mai sau, vì khi chết chúng ta không thể mang theo tiền tài danh vọng xuống nấm mồ. Trong bối cảnh của sự phục sinh của Đức Kitô mà Thánh Phaolô trình bày, chúng ta hiểu bài Tin Mừng hôm nay cách rõ ràng hơn vì những lời hứa và hình phạt kèm theo nằm ở “thể tương lại,” tức là ở cuộc sống mai sau. Thật vậy, chỉ trong sự sống phục sinh chúng ta mới hiểu điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ về các mối phúc thật.

Bản phúc thật của Thánh Luca trong Tin Mừng hôm nay gồm có bốn mối phúc và bốn mối hoạ, thay vì cả tám mối phúc như được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (x. Mt 5:1-12). Qua các mối phúc và hoạ trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đảo lộn các giá trị mà người đời xem như là tiêu chuẩn của thành công hay thất bại để trở thành những giá trị đích thật của các môn đệ của Ngài. Nói cách khác, những môn đệ mà Chúa Giêsu gọi là có phúc thì thế gian cho là bất hạnh; còn những môn đệ mà Chúa Giêsu gọi là bất hạnh thì thế gian cho là hạnh phúc. Đề tài này tiếp nối đề tài “đáp lại tiếng Chúa Giêsu mời gọi” để trở nên môn đệ của Ngài trong Chúa Nhật tuần trước: Khi đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, những giá trị trong cuộc đời của chúng ta cũng bị thay đổi. Và Chúa Giêsu đã đưa ra bản giá trị mới này cho chúng ta trong các mối phúc và hoạ. Theo Deissmann, “Những mối phúc [và hoạ] được công bố trong môi trường đầy điện [và có thể tạo nên những cú điện giật chết người]. Chúng không phải là những vì sao thinh lặng, nhưng là những tia chớp của sét kèm theo tiếng sấm đầy kinh ngạc và sửng sốt.”

Trước khi phân tích chi tiết các mối phúc và hoạ, chúng ta cần lưu ý điều này: Như chúng ta đã trình bày ở trên, Chúa Giêsu muốn nói các mối phúc và họa này cho chính các môn đệ [nhóm 12] của Ngài, cho chính mỗi người chúng ta: “Khi ấy, Đức Giêsu ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn. … Thấy vậy, Đức Giêsu ngước mắt nhìn các môn đệ và nói” (Lc 6:17-20). Vì vậy, để lời Chúa hôm nay trở nên “máu thịt” của mình, chúng ta hãy mở rộng con tim và đặt mình trước mặt Chúa Giêsu để nghe Ngài nói những lời đầy thách đố, nhưng cũng đầy an ủi này cho mỗi người chúng ta.

Mối phúc thứ nhất: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6:20). Khi thế gian xem những người giàu có về của cải vật chất là có phúc thì Chúa Giêsu lại nói chỉ những người nghèo mới có phúc. Cái nghèo mà Chúa Giêsu nói đến ở đây không nhất thiết là cái nghèo về vật chất, nhưng là “thái độ tự do, không làm nô lệ cho vật chất” để chỉ sở hữu mình Thiên Chúa làm gia nghiệp. Chúng ta đã từng chứng kiến việc có những người giàu có về của cải vật chất, nhưng họ sống nghèo vì họ sử dụng của cải của mình để chia sẻ và chuẩn bị cho mình một kho tàng ở trên trời. Ngược lại, có những người nghèo về của cải vật chất, nhưng “giàu có” trước mặt Chúa vì họ chỉ lo đi tìm của cải vật chất để thoả mãn ước mơ có được đời sống tiện nghi để rồi quên mất Chúa.

Mối hoạ thứ nhất: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6:24). Như chúng ta đã trình bày, khi thế gian xem giàu có là một ơn phúc, thì Chúa Giêsu lại xem giàu có là một mối hoạ. Tại sao giàu có là mối hoạ? Vì nó dễ dàng làm cho con người ngủ yên trong phần an ủi chóng qua của mình ở đời này mà quên đi hoặc dửng dưng trước những nhu cầu của anh chị em xung quanh. Có câu nói trong đời rằng: Giàu có dễ dàng làm cho chúng ta ngăn cách với người nghèo bằng những bức tường thật cao, những cánh cổng khoá thật chặt. Hơn nữa, giàu có dễ dàng làm cho con người sử dụng tất cả năng lực mình có để càng trở nên giàu có hơn trước mặt người đời mà không lo đến việc chuẩn bị cho mình một kho tàng ở trên trời. Chúng ta hãy nhớ rằng: Những gì chúng ta có được về của cải vật chất chỉ là những giá trị của thế gian. Khi sự chết ập đến, kho tàng trần thế sẽ để lại cho người khác. Những giá trị của người môn đệ của Chúa Giêsu là: “Hãy đi, bán hết của cải anh [chị] có, cho người nghèo, tích luỹ cho mình một kho tàng ở trên trời, rồi đến và theo Thầy” (x. Mt 19:21). Một lối sống thật thanh thoát với của cải vật chất!

Mối phúc thứ hai: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6:21). Mối phúc này đi theo mối phúc về nghèo khó. Thường những người nghèo khó thì thiếu thốn cái ăn cái mặc nên dễ dàng phải chịu đói chịu khát. Khi thế gian xem những người luôn no đầy là có phúc thì Chúa Giêsu nói phúc cho các môn đệ khi họ phải chịu đói khổ. Tuy nhiên, cái đói mà Chúa Giêsu nói đến ở đây không phải là cái đói đơn giản mang tính vật chất, mà là cái đói và cái khát lời Chúa và sự công chính của Ngài. Chỉ những người đói khát lời Chúa và sự công chính của Ngài mới luôn hướng lòng về Ngài và xem Ngài là tất cả của cuộc đời mình. Khi làm như thế, họ sẽ được Thiên Chúa cho no lòng với tình yêu, sự tha thứ, ủi an và chăm sóc của Ngài.

Mối hoạ thứ hai: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói” (Lc 6:25). Những người đang no nê ở đây là những người đang tận hưởng những của cải vật chất như mối hoạ thứ nhất nói đến. Họ được no nê về của cải vật chất, nhưng đói khát những giá trị thiêng liêng. Chúng ta chứng kiến trong cuộc sống thường ngày của chúng ta thực tại này là có nhiều người và nhiều gia đình rất no đủ về vật chất, nhưng họ lại rất đói về tình thương, về cảm thông và tha thứ.

Mối phúc thứ ba: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6:21).  Khi thế gian gọi những người luôn vui cười là hạnh phúc thì Chúa Giêsu lại nói nhưng ai đang phải khóc là được phúc. Tại sao Chúa Giêsu lại nói những người than khóc là có phúc? Theo nghĩa Kinh Thánh, dân Chúa than khóc khi họ phạm tội và cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Như vậy, những người than khóc là có phúc vì họ than khóc cho tội của mình và của người khác. Đây là sự than khóc của những tâm hồn thống hối ăn năn, của những người khóc cho sự bất công trong xã hội. Nhưng than khóc đó sẽ được Chúa làm cho trở nên vui cười, niềm vui vì được tha thứ và yêu thương.

Mối hoạ thứ ba: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6:25). Những người sẽ gặp khốn cùng trong ngày sau hết là những người không bao giờ biết than khóc cho tội của mình và tội của người khác. Những người “cười” trên nỗi đau của đồng loại; những người hưởng lộc, ăn no mặc ấm trong khi anh chị em của mình đói khát và lạnh lẽo.

Mối phúc thứ tư: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6:22-23). Khi thế gian cho rằng những người không bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả là hạnh phúc, thì Chúa Giêsu lại nói ngược lại. Ai trong chúng ta cũng đã từng bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xem như là tên xấu xa. Nhưng thường chúng ta bị đối xử như vậy là vì những việc làm vì mình. Điều đó không làm cho chúng ta được chúc phúc. Chúng ta được phúc chỉ khi chúng ta chịu những điều đó vì danh Chúa Giêsu. Nói cách cụ thể, chúng ta bị loại trừ, oán ghét, sỉ vả, và xem là tên xấu xa khi sống đời sống thật yêu thương, thật tha thứ, thật cảm thông, thật tốt. Tóm lại, là chúng ta sống một lối sống như Chúa Giêsu vậy. Chúng ta trở nên quá khác với những người thời đại là những người cảm thấy khó để yêu thương, để tha thứ, để cảm thông và sống thành thật.

Mối hoạ thứ tư: “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6:26). Lối sống giả tạo và chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài luôn là một hấp dẫn và cám dỗ của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thường làm việc với động lực để được người khác biết đến và khen ngợi, ngay cả những việc “bác ái” đúng ra ngay cả tay phải cũng không biết việc tay trái làm, thì chúng ta lại dùng chúng để tìm vinh danh cho mình thay vì vinh danh cho Thiên Chúa.

Tóm lại, chủ đề chính của lời Chúa trong Chúa Nhật VI Thường Niên hôm nay được trình bày cách tuyệt diệu trong câu Thánh Vịnh Đáp ca: “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.” Những người đặt niềm tin vào Chúa là những người để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời của mình theo cách Ngài muốn chứ không theo cách họ muốn; họ là những người trao cho Chúa trọn con tim của họ để Chúa đổ vào trong đó tình yêu vô điều kiện của Ngài; và cuối cùng, họ là những người luôn sẵn sàng tha thứ và cảm thông cho người phạm đến mình bảy mươi lần bảy trong một ngày.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB