Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật VII Thường Niên C – Hãy Làm Tốt Cho Người Khác Và Bạn Sẽ Nhận Lại Niềm Vui

(1 Sm 26:2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15:45-49; Lc 6:27-38)

Nhiều người trong chúng ta thường có hình ảnh rất lệch lạc về Thiên Chúa. Ngài thường được xem như là một vị “cảnh sát” nghiêm khắc, luôn “rình rập” để bắt lỗi và phạt chúng ta. Điều này phản ánh cách rõ ràng qua việc chúng ta đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Đa số chúng ta đi tham dự thánh lễ vào Chúa nhật là vì chúng ta “sợ phạm tội” chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa. Giáo Hội, qua lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, trình bày cho chúng ta một hình ảnh đẹp và trung thực về Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ. Hình ảnh này được tìm thấy trong lời của Thánh Vịnh trong câu đáp ca: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 8-10).

Vì có một Thiên Chúa đầy yêu thương và nhân hậu như thế và chúng ta được tạo dựng nên theo hình ảnh và giống Ngài, nên chúng ta cũng được mời gọi đối xử với nhau như Ngài đã đối xử với chúng ta. Người ta thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Nếu Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, là con cái của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. Tư tưởng về việc sống xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa được tìm thấy trong bài đọc 2. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng như chúng ta mang hình ảnh của Adam thế nào, thì chúng ta cũng mang hình ảnh của Đấng từ trời đến là Đức Giêsu Kitô như vậy: “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15:47-49). Vì vậy, chúng ta phải sống một cuộc sống như Đức Giêsu Kitô đã sống!

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy thái độ từ bi nhân hậu của Thiên Chúa được Vua David tỏ lộ với Saun, người tìm cách giết mình. Sau khi giúp vua Saun đánh bại quân Philistine, David được nhiều người mến mộ. Thấy thế, vua Saun trở nên ghen tỵ và biến David thành kẻ thù số một cho ngôi vương của mình và tìm cách giết David. Đây chính là bối cảnh của bài đọc 1 sách Samuen Quyển Thứ Nhất mà chúng ta nghe ngày hôm nay. Tuy nhiên, dù vua Saun xem ông là kẻ thù, David vẫn không xem vua Saun là kẻ thù và vẫn tôn trọng ông như người đã được Đức Chúa xức dầu: “Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong” (1 Sam 26:23). Chính lòng từ bi nhân hậu của David đã cải hoá vua Saun chứ không phải lòng hận thù. Chân lý trong cuộc sống là: Chúng ta không thể bẻ gãy một chuỗi sự dữ bằng một sự dữ khác, vì khi làm như thế, chúng ta lại thêm một mắt xích vào nữa chuỗi sự dữ đã tồn tại. Chúng ta chỉ có thể bẻ gãy chuỗi sự dữ bằng sự thiện, bằng một hành động tốt. Ví dụ, chúng ta chỉ có thể kết thúc chuỗi hận thù bằng tha thứ chứ không phải bằng một hành vị trả thù khác; hoặc chúng ta chỉ có thể kết thúc chuỗi nói dối bằng hành vi nói thật chứ không phải một hành vi nói dối khác.

Tuần trước chúng ta nghe về những mối phúc của những người môn đệ Chúa Giêsu. Và mục đích của các mối phúc là làm cho chúng ta trở nên từ bi nhân hậu như Cha của chúng ta Đấng ngự trên trời. Nói cách khác, bài Tin Mừng hôm nay chính là “hiện thực hoá” bài Tin Mừng chúng ta nghe tuần trước về các mối phúc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Ngài phải nên như Cha ở trên trời: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Tức là, chúng ta không có một “thần tượng” nào khác ngoài Thiên Chúa. Theo các học giả Kinh Thánh, Chúa Giêsu trình bày trong tư tưởmg này một nền luân lý gọi là “luân lý hỗ tương,” tức là khi một người nhận điều gì thì người đó có bổn phận chia sẻ cho người khác, nhất là những người túng thiếu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không muốn người đó dừng lại ở đó mà đi đến nền “luân lý của tình yêu cụ thể và vô điều kiện,” tức là người đó phải chia sẻ cho người khác không phải vì “gánh nặng” của trách nhiệm, nhưng với “ước nguyện” nên giống Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. chúng ta có thể rút ra những thái độ chứng mình rằng chúng ta là con cái của Cha nhân lành trên trời. Đó là những thái độ cần thiết sau:

Thứ nhất, chúng ta phải yêu kẻ thù của mình và làm điều tốt cho những người làm mình đau khổ: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:27-28). Khi chúng ta yêu kẻ thù của chúng ta là chúng ta đi vượt qua bản tính tự nhiên được sinh ra bởi Adam để sống với bản tính của Thiên Chúa mà chúng ta được chia sẻ trong Đức Kitô: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ” (Lc 6:32). Chính điều này làm cho chúng ta giống với Thiên Chúa là Đấng yêu mến chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân.

Thứ hai, chúng ta phải là những người hiền lành và khiêm nhường, không đáp trả bạo lực bằng bạo lực: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6: 29). Trong câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đi vượt ra khỏi khuynh hướng tự nhiên là đặt việc bảo vệ chính mình lên hàng đầu khi có người tấn công hoặc muốn chiếm đoạt tài sản của mình. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu không muốn chúng ta bảo vệ chính mình và tài sản của mình khi có những người xâm hại cách bất công. Điều Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây chính là những thứ đó không phải là điều chính yếu trong cuộc sống. Chúa Giêsu muốn thay thế lối hành xử đặt lợi ích của mình lên hàng đầu bằng việc đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu. Nhiều khi bị hạ nhục hoặc mất ít của cải vật chất nhưng giữ được những mối tương quan chúng ta đã xây dựng từ lâu thì cũng đáng. Chúng ta đọc báo hoặc chứng kiến trong đời sống thường ngày rằng: Con cái kiện cha mẹ, anh chị em kiện nhau, vợ chồng mâu thuẫn với nhau chỉ vì một số tiền hoặc đất đai. Được một khoản vật chất chóng qua mà đánh mất đi những tương quan thật thiêng liêng thì có đáng không?

Thứ ba, chúng ta phải luôn quảng đại với mọi người: “Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại” (Lc 6:30). Chúng ta thường làm ơn cho người khác với nhiều động lực khác nhau, nhất là khi chúng ta cho người khác mượn gì, chúng ta thường mong chờ người đó trả lại. Tệ hơn là đôi khi chúng ta cho người khác mượn một và lấy lời hai. Nếu chúng ta làm như thế thì chúng ta có khác gì những người tội lỗi như Chúa Giêsu khuyên dạy: “Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng” (Lc 6:33-34). Điều Chúa Giêsu muốn chúng ta ở đây là phải luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, vì khi họ đến cầu cứu chúng ta, tức là họ thật sự đang rơi vào cảnh túng thiếu.

Thứ tư, chúng ta phải luôn trao ban niềm vui cho người khác chứ không phải đau khổ. Có câu nói trong đời rằng: “Bạn cho cuộc đời cái gì, thì cuộc đời cũng sẽ cho bạn lại cái đó. Nếu bạn cho cuộc đời tình yêu chân thật thì nó sẽ cho lại bạn tình yêu chân thật, còn nếu bạn cho đời sự dối trá thì bạn cũng sẽ nhận lại sự dối trá trong cuộc đời của bạn.” Đây chính là diễn tả cụ thể nhất của “thước đo vàng” mà chúng ta nghe Chúa Giêsu nói và giải thích trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6:31). Chúa Giêsu sử dụng “thước đo vàng” để nói đến cách hành xử căn bản của chúng ta. Và Ngài giải thích “thước đo vàng” này trong những câu 32-36.

Tóm lại, để có lòng nhân từ như Chúa Cha ở trên trời là Đấng nhân từ, chúng ta làm những điều ngược lại với những gì mà người khác hay làm. Tư tưởng này tiếp nối bài giảng về các mối phúc và hoạ mà chúng ta nghe Chúa Nhật trước. Cụ thể là những giá trị của người môn đệ luôn ngược với những giá trị mà thế gian đón nhận: “Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6:35). Hơn nữa, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra những việc thực hành cụ thể để chúng ta thực hiện: (1) không được xét đoán: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (Lc 6:37); (2) không lên án: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6:37); (3) luôn tha thứ: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6:37); (4) luôn sống quảng đại trao ban: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6:38).

Chi tiết cuối cùng đáng để chúng ta suy gẫm là việc xét lại thái độ sống của chúng ta với những người khác vì Thiên Chúa “sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:38). Trong câu này, có một cái gì đó công bằng, nhưng cũng có một cái gì đó thật an ủi cho chúng ta: Công bằng ở chỗ là Thiên Chúa sẽ đong lại cho chúng ta bằng đấu chúng ta đong cho người khác. Tuy nhiên, điều an ủi ở đây chính là đấu của Thiên Chúa luôn “đầy tràn” tình thương và tha thứ vì Ngài “ không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 8-10). Hãy đối xử với người khác như Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB