(St 3:9-15; 2 Cr 4:13-5:1; Mc 3:20-35)
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta “thảm cảnh” của nhân loại sau khi Adam và Eva ăn trái cây giữa vườn, cây biết thiện biết ác. Con người đã không còn có được mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và với nhau. Với Thiên Chúa, con người đã lẩn trốn: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3:10). Con người nhận ra sự “trần truồng,” hay đúng hơn sự giới hạn của mình và như thế lẩn trốn khỏi Thiên Chúa. Họ lẩn trốn vì sợ hãi và vì xấu hổ. Đây chính là cảm thức của con người khi phạm tội. Cảm thức này vẫn hiện diện trong mỗi người chúng ta. Nói cách cụ thể, mỗi khi phạm tội, trong chúng ta có một cảm giác xấu hổ, không dám đối diện với Thiên Chúa. Chúng ta muốn trốn chạy khỏi Ngài. Nhưng chúng ta thấy, dù con người trốn chạy, Thiên Chúa vẫn gọi chúng ta: “Ngươi ở đâu?” và Ngài chờ đợi chúng ta trả lời từ trong chỗ ẩn nấp của mình. Sau khi phạm tội, đừng sợ việc trả lời Thiên Chúa khi Ngài gọi. Hãy trả lời cách nhanh chóng, để được Ngài chữa lành. Còn với tha nhân, con người đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho hoàn cảnh để biện mình cho lỗi phạm của mình: “Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: ‘Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?’ Con người thưa: ‘Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.’ Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: ‘Ngươi đã làm gì thế?’ Người đàn bà thưa: ‘Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn’” (St 3:11-14). Chúng ta vẫn sống kinh nghiệm này ngày hôm nay. Nhiều người chúng ta đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh về những thất bại của mình.
Tuy nhiên, trong thảm cảnh đó, chúng ta nhận ra tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không bỏ rơi con người, nhưng hứa ban Đấng Cứu Thế. Tin Mừng đầu tiên được công bố: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: ‘Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó’” (St 3:14-15). Trong những lời này, chúng ta thấy Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Ngài đã có một kế hoạch để cứu chuộc con người bằng cách tiên báo sự chiến thắng trên mãnh lực của sự dữ. Là dòng giống của người “đàn bà,” chúng ta có chiến đấu để chiến thắng mãnh lực của con rắn không hay chúng ta đang làm nô lệ cho nó?
Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô nói động lực duy nhất của cuộc sống ngài là “tình yêu Đức Kitô” (2 Cr 5:14). Thánh Phaolô nhận ra rằng vì yêu mà Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Nên chúng ta cũng được mời gọi chết cho nhau: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5:15). Khi không còn sống cho chính mình, chúng ta không còn sở hữu chính mình, nhưng chính Đức Kitô sở hữu chúng ta.
Thánh Phaolô nói đến con người cũ và con người mới, con người chết với và sống cho Đức Kitô và con người sống theo xác thịt. Con người cũ [sống theo xác thịt] là con người sống theo “quan điểm loài người” (2 Cr 5:16), sống theo khuynh hướng tự nhiên. Còn con người mới [đã chết và sống cho Đức Kitô] không sống theo khuynh hướng con người, nhưng trở nên thụ tạo mới. Thụ tạo mới này là những người được trao cho sứ vụ hoà giải (x. 2 Cr 5:18). Họ là “sứ giả Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy” (2 Cr 5:20). Để trở nên sứ giả của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi làm hoà với Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi sống thật với ơn gọi và căn tính của mình. Sống thật và nói thật là điều kiện quan trọng của những sứ giả Đức Kitô, Đấng là Sự Thật.
Chúng ta chỉ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta liên kết nó với bài Tin Mừng đi trươc. Tin Mừng đi trước thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai như là nền tảng của “gia đình mới” của Ngài. Tiêu chuẩn của gia đình mới này không dựa trên huyết nhục, nhưng dựa trên ý muốn của Thiên Chúa. Đứng trước tiêu chuẩn mới này, nhiều người đã có phản ứng tiêu cực, bắt đầu với những người thân của Chúa Giêsu mà Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta. Câu 20 nêu lên bối cảnh hay lý do dẫn đến việc “hiểu lầm” của người thân Chúa Giêsu: “Khi ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Sau khi gọi những kẻ Ngài muốn đến với Ngài để ở với Ngài, Chúa Giêsu và các môn đệ “trở về nhà.” Theo các học giả Kinh Thánh, đây là nhà ở Nadarét nơi người thân của Chúa Giêsu đang ở. Nhưng đây chưa phải là lý do để người thân của Ngài có phản ứng tiêu cực. Lý do nằm ở chỗ là Ngài để cho đám đông kéo đến nhà và “bận rộn” tiếp họ đến nỗi không còn thời gian cho chính mình, không có thời gian để ăn uống. Đây chính là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ, những người Ngài muốn nhận ra: Một khi đã ở với Ngài, họ sẽ chịu chung số phận với Ngài, đó là không còn giờ cho chính mình, sẵn sàng tận hiến chính mình cho những người đến với họ hoặc họ được sai đến. Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng chịu chung số phận với Chúa Giêsu không?
Chi tiết thứ hai làm chúng ta suy gẫm là thái độ tiêu cực của người thân của Chúa Giêsu trong câu 21: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Những lời này chỉ cho thấy người thân của Chúa Giêsu muốn “kiểm soát” hay đúng hơn “giam” Ngài trong lối suy nghĩ hạn hẹp của họ. Họ không muốn Chúa Giêsu phải làm cho gia đình, người thân phải xấu hổ. Như chúng ta biết, trong thời đại của Chúa Giêsu, cảm thức dân tộc hoặc gia đình rất mạnh mẽ trong tâm thức mỗi người: Một người làm quan, cả họ được nhờ. Nhưng ngược lại, thất bại của một người sẽ liên luỵ cả dòng tộc. Chính trong lối suy nghĩ này mà người thân của Chúa Giêsu không muốn “lối sống mới” của Chúa Giêsu mang sự chống đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo lên trên họ. Vì vậy, họ muốn “kiểm soát” Chúa Giêsu. Đây cũng là thái độ của chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng muốn kiểm soát Chúa Giêsu, cũng muốn giam hãm Ngài trong khối óc và con tim chật hẹp của mình để rồi Ngài không còn là Chúa, là Thầy, là Người hướng dẫn chúng ta mà trở thành Người làm theo điều chúng ta muốn. Hãy để Chúa Giêsu là Chúa! Hãy để Ngài đưa chúng ta vào trong quỹ đạo yêu thương của Ngài hơn là đưa Ngài vào trong quỹ đạo nhỏ bé giới hạn của chúng ta.
Sau khi trình bày việc người thân của Chúa Giêsu cũng phản ứng tiêu cực về Ngài vì họ cho là Ngài bị mất trí (x. Mc 3:20-21), bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta phản ứng tiêu cực của các kinh sư làm cho họ không công nhận việc tốt của Chúa Giêsu làm, và hơn nữa là “cắt nghĩa sai” việc làm của Ngài: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3:22). Trong câu này, họ kết án Chúa Giêsu với hai tội danh: (1) Ngài bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám; (2) và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, tức là Ngài trừ quỷ bằng sức mạnh của Xa-tan. Thật vậy, khi có thái độ tiêu cực về một người (hay khi có thành kiến về một người), chúng ta thường cắt nghĩa sai về những việc làm của người đó. Hãy loại bỏ thái độ tiêu cực và hãy tránh lối nhìn thành kiến vì chúng sẽ giết chết tình yêu trong con tim của chúng ta dành cho Chúa và cho người khác!
Đứng trước lời buộc tội của các kinh sư, Chúa Giêsu dùng một đạo lý rất bình thường để trả lời cho họ. Đạo lý bình thường trong cuộc sống mà Chúa Giêsu dùng cũng chính là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta [nhất là những người sống đời thánh hiến]: “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3:24-25). Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng ba hình ảnh để nói về một điểm: Nước nào – nhà nào – Xatan tự chia rẽ thì không thể đứng vững. Cũng vậy, chúng ta không thể đứng vững nếu chúng ta sống chia rẽ. Trong lời này, Chúa Giêsu nói lên một thực tại hiển nhiên là: Ngay cả mãnh lực của sự dữ còn cộng tác và không chống lại nhau, vì khi làm như thế thì chúng “không thể tồn tại, nhưng đã tận số (Mc 3:26), thì chúng ta nếu muốn chống lại mãnh lực của sự dữ, chúng ta không được chia rẽ. Đạo lý này được hiểu rõ hơn khi chúng ta phân tích những lời tiếp theo của Chúa Giêsu.
(1) Trong câu: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?” Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: Làm sao Xa-tan trừ chính mình vì không ai chống lại chính mình cả. Ai cũng muốn bảo vệ chính mình. Đây là một đạo lý rất bình thường trong cuộc sống mà vì thành kiến và thái độ tiêu cực về Ngài mà các kinh sư không nhân ra. Còn nếu Xa-tan dùng một trong những thủ hạ của mình để trừ một thủ hạ khác, thì sẽ tạo nên sự chia rẽ ở giữa các thuộc hạ. Như thế sẽ tự làm cho vương quốc của nó suy tàn. Ở đây, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng trở nên nguyên nhân của sự chia rẽ bằng chính lối sống của mình hay bằng cách lôi kéo người khác về phía mình để chống đối lại anh chị em của mình.
(2) “Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27). Câu này hàm chứa việc Chúa Giêsu nói về quyền năng của mình vượt trên Xa-tan, vì Ngài có thể vào nhà nó và đuổi nó ra ngoài. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là “Kẻ mạnh,” Ngài trói Xa-tan lại và cướp đi tất cả những gì thuộc về nó. Nếu không thì Ngài không thể thực hiện việc trừ quỷ. Như vậy, Chúa Giêsu chính là người đến để tiêu diệt Xa-tan chứ không đứng về phía của Xa-tan. Còn chúng ta, chúng ta đang đứng về phía nào: Chúa Giêsu hay Xa-tan?
(3) “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Đó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám” (Mc 3:28-30). Câu này được bắt đầu với từ “Amen” (“Ta bảo thật các ông”), nên là câu quan trọng nhất mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta thường hỏi tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì? Tội phạm đến Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh của Tin Mừng của Máccô mà chúng ta đọc hôm nay, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội không thể được tha: Đây là tội gán việc chữa bệnh và trừ quỷ của Chúa Giêsu là công việc của Chúa Thánh Thần cho quyền lực của Xa-tan. Nói cách khác, đây là tội của những ai không tin nhận Chúa Giêsu có quyền trên sự dữ và sự chết. Nói cách cụ thể hơn là chối bỏ việc tin nhận Chúa Giêsu là Chúa, Đấng, mà bài đọc 1 hôm nay khẳng định, là “đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người.” Còn tội “phạm thượng” ở đây được hiểu như là hành vi sai lầm trong việc nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Tất cả những điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc biết Đấng chúng ta đi theo và quyền lực của Ngài. Hãy để Chúa là Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đừng gán cho Ngài một danh hiệu nào khác mà không phản chiếu được Ngài là một Thiên Chúa của tình yêu và tha thứ. Khi liên kết đoạn Tin Mừng hôm nay với đoạn Tin Mừng nói về phản ứng của những người thân của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói rằng việc “mẹ và anh em người đến tìm gặp người” có thể là hệ quả của phản ứng của họ về Chúa Giêsu vì cho rằng Ngài bị mất trí (x. Mc 3:20-21). Chính vì vậy, có thể họ đến để đem Ngài về. Trước phản ứng tiêu cực đó của người thân, một lần nữa chúng ta thấy phản ứng của Chúa Giêsu thật bình thản và đầy yêu thương. Không những thế, Ngài sử dụng cơ hội này để không chỉ dạy những người đang nghe Ngài, nhưng còn dạy cho cả người thân của Ngài về một gia đình mới mà Ngài đang xây dựng quanh việc lắng nghe và thực hành ý muốn Thiên Chúa. Điều này giúp chúng ta biết phản ứng thế nào khi gặp những thái độ không mấy tích cực về mình: Bình thản và tìm ra ý nghĩa trong mọi sự. Người biết đọc ra ý nghĩa trong những cái mà người khác cho là vô nghĩa chính là người khôn ngoan và hạnh phúc nhất.
Câu hỏi của Chúa Giêsu cho những người đem tin đến cho Ngài làm chúng ta cũng chột dạ: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3:33). Đây là câu nói có vẻ hơi nặng về gia đình tự nhiên của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, những câu hỏi như thế này sẽ không còn được hỏi ở giữa những người thuộc gia đình mới của Chúa Giêsu. Ngài muốn chúng ta đi vượt ra những phản ứng tự nhiên của con người, ra khỏi não trạng chỉ xem những người có máu huyết với mình, những người mình yêu mình thích là thành viên của gia đình mình. Nói cách khác, những người theo Chúa Giêsu là những người có khả năng đi vượt ra khỏi phản ứng tự nhiên của “răng đền răng mắt đền mắt” để có thể yêu kẻ thù của mình, cầu nguyện và chúc lành cho những kẻ làm cho mình đau khổ. Những người theo Chúa Giêsu là những người có khả năng đón nhận mọi người vào trong con tim đầy yêu thương của mình, không loại trừ một ai.
Tuy nhiên, để hoàn thành việc giảng dạy của mình về gia đình mới, Chúa Giêsu trình bày điều kiện cần thiết nhất và khó để chấp nhận nhất trong mọi thời, đó là: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:34-35). Thật vậy, đây là câu nói không dễ dàng được đón nhận trong một xã hội mà tương quan máu mủ trong gia đình rất quan trọng của người Do Thái. Đây cũng là thách đố cho những người môn đệ của Chúa Giêsu trong mọi thời làm thế nào để đặt đúng vị trí của những tương quan máu mủ này trong việc theo Ngài. Khi người môn đệ theo Chúa Giêsu, thì những tương quan gia đình tự nhiên không còn trở nên tuyệt đối, nhưng là tương đối. Những tương quan này từ nay không còn được xem như là tiêu chuẩn và điểm quy chiếu của người môn đệ. Nhưng tiêu chuẩn tuyệt đối để đánh giá các mối tương quan này chính là ý muốn của Thiên Chúa: Những tương quan nào giúp chúng ta tìm thấy và thực hiện ý Thiên Chúa là những tương quan mới vượt ra ngoài tính xác thịt của con người.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB