(Gs 24:1-2a.15-17.18b; Ep 5:21-32; Ga 6:54a.60-69)
Sau khi ông Môsê qua đời, ông Giôsuê trở thành người lãnh đạo dân Israel. Chính ông là người được chỉ định để đưa dân vào đất hứa. Điều đầu tiên ông Giôsuê làm là nhắc lại cho dân tất cả những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện để giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập và đưa họ vào đất mà Ngài đã hứa với các tổ phụ của họ. Chi tiết này trình bày cho chúng ta một tư tưởng rất quan trọng đối với người Do Thái, đó là “tưởng nhớ.” Họ không được quên những kỳ công Chúa đã thực hiện. Nhìn lại thời gian họ đi trong sa mạc. Mỗi khi họ bị thử thách, họ liền quên những việc Chúa đã làm cho họ. Hệ quả là họ chống đối và phàn nàn Thiên Chúa [và ông Môsê]. Đây chính là nội dung của bài đọc 1 hôm nay và cũng là lý do tại sao Giôsuê triệu tập dân chúng và tường thuật lại tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta về “bộ nhớ” của mình. Chúng ta nhớ rất nhiều thứ. Thành thật mà nói điều chúng ta nhớ nhất là những lỗi phạm và những tổn thương mà người khác làm cho chúng ta. Ít người trong chúng ta nhớ đến những kỳ công Chúa làm trong cuộc đời của mình [như ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ cho một ai đó, hoặc đủ sức mạnh để vượt qua cám dỗ, v.v.]. Khi chúng ta quên Chúa và những việc Ngài làm, chúng ta bắt đầu trở nên vô ơn và sống càng ngày càng xa Chúa.
Một trong những tội mà dân Israel thường phạm đến Đức Chúa là tội tôn thờ ngẫu tượng. Như chúng ta biết, ngay sau khi ra khỏi Ai Cập và trong hành trình trong sa mạc, dân Do Thái đã đúc con bò vàng để tôn thờ. Ý thức được điều này, ngay khi vào đất hứa, Giôsuê mời gọi dân “hãy kính sợ Đức Chúa, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai Cập, và hãy phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24:14). Ông đặt trước dân sự chọn lựa: Tôn thờ Đức Chúa hay tôn thờ các “thần cha ông anh em đã phụng thờ” (Gs 24:15). Còn ông và gia đình ông đã chọn để tôn thờ một mình Đức Chúa. Trước gương sáng của Giôsuê, toàn dân lập lại giao ước họ đã thiết lập với Đức Chúa ở Núi Sinai: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người Emôri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24:16-18). Họ chọn Đức Chúa vì họ “nhớ lại” những kỳ công Ngài đã làm cho họ. Như chúng ta đã biết, “nhớ lại” [hay “tưởng nhớ”] những điều Thiên Chúa đã làm là điều quan trọng đối với dân Israel [và chúng ta]. Chỉ khi dân Israel nhớ lại những việc Đức Chúa đã làm, họ đồng thời nhớ lại giao ước họ đã ký kết với Đức Chúa. Chi tiết này đáng để chúng ta suy gẫm. Mỗi người chúng ta cũng đã ký kết một giao ước với Thiên Chúa trong ngày rửa tội [và trong ngày khấn dòng] là chúng ta thuộc trọn về Chúa. Chúng ta sẽ dễ dàng quên giao ước mình đã ký kết để chạy theo tôn thờ ngẫu tượng khi chúng ta quên những kỳ công Chúa đã thực hiện trên cuộc đời chúng ta.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay nói về mối tương gian giữa chồng và vợ. Họ phải đối xử với nhau như thế nào? Điểm chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Phaolô chỉ ra việc chồng và vợ tùng phục lẫn nhau phải xuất phát từ lòng kính sợ Thiên Chúa (x. Ep 5:21). Thánh Phaolô sử dụng mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh để nói về mối tương quan giữa chồng với vợ: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Ep 5:22-24). Vì là đầu của vợ như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, người chồng phải yêu thương vợ với tình yêu Đức Kitô yêu Hội Thánh: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5:25-27). Thánh Phaolô chỉ ra cho những người chồng biết rằng: “Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5:28). Từ những điều này, chúng ta có thể rút ra điều gì? Tình yêu chân thật trong tất cả các mối tương quan giữa con người với nhau chỉ tìm thấy kiểu mẫu nơi tình yêu của Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, chúng ta có thể rút ra được điều này, đó là thái độ chúng ta đối xử với nhau phải phản chiếu thái độ hay đúng hơn tình yêu của Đức Kitô dành cho mỗi người chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến đoạn kết của cuộc tranh luận về bánh hằng sống. Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là bài trình thuật hôm nay nói đến phản ứng của “các môn đệ,” những người đã tin và đi theo Ngài chứ không còn nói đến phản ứng của đám đông. Chúng ta nhận ra hai nhóm “môn đệ” trong bài Tin Mừng hôm nay.
Nhóm thứ nhất gồm những người khi không hiểu hoặc thấy và nghe những lời “không hợp khẩu vị của mình” thì bỏ đi. Bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta, sau khi Chúa Giêsu công bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” (Ga 6:54), thì nhiều người phản ứng mãnh liệt: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Họ không thể chấp nhận được điều không hợp khẩu vị của họ. Họ không hiểu điều Chúa Giêsu đang nói là những điều thuộc “thượng giới,” thuộc về “Thần Khí,” chứ không phải những điều thuộc về “hạ giới,” thuộc về “xác thịt.” Điều này cũng nhiều lần xảy ra cho chúng ta. Khi chúng ta nghe người khác nói những lời không hợp khẩu vị của mình, chúng ta cũng có những phản ứng tiêu cực và đôi khi còn phản ứng cách giận dữ. Khi phản ứng như thế, chúng ta đã để cho mình bị chi phối bởi những lời theo gió bay, chứ không để mình được chi phối bởi sự thật phía sau những lời nói khó nghe đó. Người ta thường nói, nói sự thật đã khó, nhưng chấp nhận sự thật còn khó hơn, nhất là những sự thật đó đụng đến cái kiêu ngạo và tự phụ của mình.
Nhóm thứ hai gồm những người trung thành với Chúa Giêsu dù cuộc sống có thăng trầm thế nào. Nhóm này là Nhóm Mười Hai. Sau khi đã theo Chúa Giêsu một thời gian, chứng kiến những việc Ngài làm, họ đã có thể khẳng định được mục đích trong cuộc đời của họ. Họ sẵn sàng đối diện với câu hỏi của Chúa Giêsu: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6:67). Nhưng Thánh Phêrô, đại diện các tông đồ [và chúng ta] tuyên xưng rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:68-69). Thật vậy, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta mỗi ngày với câu hỏi: “Anh chị em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Có lẽ trên lý thuyết chúng ta khẳng định rất hăng say như Thánh Phêrô: chúng con không bao giờ bỏ đi. Chúng con sẽ ở lại với Thầy dù cuộc sống có thế nào. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều lần chúng ta đã bỏ Ngài khi chúng ta để cho mình bị níu kéo bởi những thói hư tật xấu. Giống như Thánh Phêrô, ông rất mạnh mẽ tuyên bố sẽ không bỏ Chúa Giêsu, nhưng khi gặp thử thách, thánh nhân đã chối Ngài và bỏ trốn.
Một điểm khác chúng ta cần suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là câu hỏi Chúa Giêsu nói với các các môn đệ đang xì xầm về việc Ngài khẳng định là bánh hằng sống: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Khi đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhiều người ngày hôm nay có thái độ chống đối vì họ không hiểu. Điều họ không hiểu, lẽ ra phải làm cho họ biết khiêm nhường để đến với Chúa để được giải thích. Ngược lại, nó lại làm cho họ kiêu ngạo và tỏ thái độ bất cần. Chúng ta cũng thế, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta muốn hiểu hết mọi sự và muốn cắt nghĩa mầu nhiệm Thiên Chúa theo những gì chúng ta cho là “hợp lý”. Khi có những lời khác với những gì chúng ta biết và hiểu, chúng ta tỏ thái độ loại trừ và khó chịu. Chúng ta phải nhớ rằng, có những chuyện bình thường trong cuộc sống mà chúng ta chưa hiểu hết, làm sao chúng ta có thể hiểu hết mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ những người khiêm nhường vả cởi mở mới có thể hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa và như thế mới có khả năng thi hành thánh ý Ngài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB