Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Đối Với Tôi, Đức Kitô Là Ai ?

 (Is 50:5-9a; Gc 2:14-18; Mc 8:27-35)

Khác với bài ca thứ nhất và thứ hai về người tôi tớ đau khổ, trong bài ca thứ ba, chúng ta nghe tâm tình của người tôi tớ Thiên Chúa được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay. Trong bài ca đầy tâm tình này, người tôi tớ của Thiên Chúa đã nhận ra những điều Đức Chúa đã làm trên cuộc đời của mình như một người môn đệ của Ngài. Những việc đó là: (1) làm cho người tôi tớ nói năng như một người môn đệ, đó là dùng lời của mình để nâng đỡ ai rã rời kiệt sức (x. Is 50:4); (2) đánh thức và mở tai người tôi tớ để lắng nghe Ngài như một người môn đệ và người môn đệ đã không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Không những thế, lời Đức Chúa làm cho người môn đệ trở nên hiền lành và khiêm nhường để có thể đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu [và] đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:4-6); (3) phù trợ và ở kề bên người tôi tớ trong mọi cơn nguy khốn, để người tôi tớ không hổ thẹn và can đảm “trơ mặt ra như đá” (Is 50:7) trước những chống đối và cáo buộc của người khác. Thiên Chúa cũng thực hiện những điều này trên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nhưng nhiều khi chúng ta vô tình không để ý đến và như thế không biết nói lên lời cảm mến ân tình. Hãy biến tâm tình của người tôi tớ của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay thành của mình, để chúng ta biết cất lời tạ ơn Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc, nhất là khi cuộc sống có nhiều gian nan và thử thách, vì chúng ta không đối diện với những đau khổ và thách đố một mình, nhưng Thiên Chúa luôn ở kề bên nâng đỡ và đồng hành với chúng ta. Chúng ta không bao giờ cô đơn một mình trong những đêm đen của cuộc đời!

Thánh Giacôbê trong bài đọc 2 mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình. Theo thánh nhân, đức tin phải được thể hiện qua hành động: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?” (Gc 2:14). Những lời này cho chúng thấy, đức tin không phải là một cái gì đó mang tính lý thuyết mà là “nguyên lý” thúc đẩy chúng ta hành động. Những hành động được thúc đẩy bởi đức tin luôn hướng đến những nhu cầu cần thiết của anh chị em mình. Như thế, đức tin không chỉ được “tuyên xưng” qua những lời nói bóng bẩy, nhưng còn phải qua những hành động cụ thể. Chính qua hành động mà người khác sẽ nhận biết mình là người có đức tin. Theo Thánh Giacôbê, đức tin không có việc làm là đức tin chết: “Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2:17-18). Hành động của chúng ta có tỏ cho người khác biết mình là những người tin Chúa không?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô trình thuật lại việc Chúa Giêsu “thử tai” các môn đệ đã nghe người ta nói như thế nào về Ngài: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8:27). Điều các ông nghe đơn giản là: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8:28). Câu hỏi của Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng là câu hỏi mà từng ngày Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: Nhiều khi chúng ta biết và theo Chúa rất chung chung, theo những gì chúng ta nghe từ người khác. Chúng ta như những người chạy theo phong trào, hay là sống đời “cây tầm gửi.” Nói cách cụ thể, chúng ta để cho tiếng nói và lối sống của đám đông quyết định tương quan của chúng ta với Chúa hơn là sự gặp gỡ cá vị của chúng ta với Ngài. Chúng ta cần đến người khác giúp chúng ta để biết Chúa, nhưng chúng ta phải “nội tâm hoá” những điều chúng ta nghe từ người khác. Hãy dừng lối sống đạo [sống đời thánh hiến] “chung chung”! Nhưng vun đắp một tương quan thật thân tình và cá vị với Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn biết Ngài đích thật là ai.

Thật vậy, để biết Đức Giêsu Kitô là ai, chúng ta không thể chỉ dựa vào những gì chúng ta nghe từ người khác, nhưng quan trọng là “nghe lời Ngài và đem ra thực hành.” Chỉ nghe lời “con người” thì không đủ để biết chân tính thật của Chúa Giêsu, nhưng phải lắng nghe và đem ra thực hành lời của “Con Người.” Nói cách khác, chúng ta phải biến những điều chúng ta nghe và thấy từ “Con Người” thành “xương thịt” của riêng mình. Đây chính là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ khi Ngài hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8:29). Trong cùng cách thức ấy, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta có một câu trả lời thật cá vị, là của riêng mình, dựa trên những kinh nghiệm cá vị của mình về Ngài. Những ai không cảm nghiệm được tình yêu cá vị của Chúa Giêsu sẽ không hiểu và không thể đáp lại tình yêu của Ngài cách trọn vẹn vì họ chỉ yêu Ngài cách chung chung. Giống như hai người muốn trở nên vợ chồng, tình yêu họ dành cho nhau phải được cá vị hoá. Họ không thể yêu người yêu của mình với một tình yêu chung chung mà họ dành cho người khác. Tình yêu phải được cá vị hoá vì con người hiện hữu như những hữu thể cá biệt, không được lặp lại trong vũ trụ này. Theo triết học, con người là hữu thể cá vị và hiện hữu một lần duy nhất trong thế giới: Trước nó, không ai giống, và sau nó không ai giống nó. Như vậy, tình yêu chung chung sẽ không bao giờ là tình yêu trung thành vì nó không thể dẫn đến việc dấn thân trọn vẹn cho người mình yêu.

Bước ngoặt của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở câu: “Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (Mc 8:30). Đây là câu quan trọng để chúng ta hiểu việc Chúa Giêsu quở trách Phêrô là Xatan. Tại sao Chúa Giêsu lại cấm các môn đệ không nói cho ai biết Ngài là Đấng Messia? Trong nghệ thuật viết Tin Mừng của mình, Thánh Máccô đưa ra lý do cho câu hỏi trên là: vì Chúa Giêsu sợ các môn đệ và người khác hiểu lầm về Ngài. Hình ảnh Messia mà Chúa Giêsu nói đến chính là: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8:31). Đây không phải là hình ảnh của Đấng Messia mà Phêrô tuyên xưng và dân Do Thái đang mong đợi. Đối với họ, Đấng Messia sẽ đến trong uy quyền để giải phóng dân Israel khỏi đô hộ của người Rôma. Khi nghe Chúa Giêsu trình bày hình ảnh của một Đấng Messia quá khác với hình ảnh mình mong đợi, “ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8:32): Ông quở trách Chúa Giêsu vì Ngài không làm theo điều mà ông đã “lên chương trình” cho Ngài phải làm; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài không đi theo con đường mà ông đã vạch ra và hằng mong đợi; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài trình bày một hình ảnh của Đấng Messia quá khác với hình ảnh ông quá quen thuộc về Ngài; ông trách Chúa Giêsu vì ông quá quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình hơn là lợi ích của muôn người. Đây cũng là điều chúng ta thường làm trong ngày sống của mình khi mọi sự Chúa muốn không xảy ra như chúng ta mong muốn. Ngay cả những người sống đời thánh hiến, là những người tuyên khấn chỉ đi tìm một mình Chúa là gia nghiệp và chỉ thực hành thánh ý Ngài, cũng nhiều lần quở trách Chúa Giêsu vì điều Ngài muốn không giống với điều mà họ muốn. Vì lý do đó, việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là một ý tưởng không thể chấp nhận vì nó đòi hỏi quá nhiều đau khổ và phải chết đi cho chính mình quá nhiều. Những ai muốn tìm thấy ý Thiên Chúa, hãy bỏ đi lối suy nghĩ, lối hành động và lối sống “máy móc” của mình!

Thay vì quở trách Chúa Giêsu, thì Phêrô bị Ngài quở trách: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8:33). Câu này là lời nhắc nhở cho các môn đệ về vị trí của mình khi Chúa Giêsu gọi các ông, đó là: “Hãy theo thầy!” – “Hãy đi đằng sau Thầy vì Thầy là Đường, là Người dẫn đường!” Khi Phêrô ngăn cản Chúa Giêsu và muốn dẫn Ngài đi theo con đường mà ông đã vạch ra thì ông cũng đánh mất chân tính của mình là “người môn đệ” – người theo Chúa Giêsu. Điều này cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đánh mất căn tính của mình là người Kitô hữu hoặc người thánh hiến cho Thiên Chúa khi chúng ta từ chối “đi theo” con đường Ngài muốn chúng ta đi, hoặc khi chúng ta muốn dắt Ngài đến những nơi chúng ta muốn và làm theo ý của chúng ta. Hãy để Chúa là người dẫn chúng ta đi. Hãy luôn là chính mình, là người đi theo vì chúng ta không phải là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (x. Ga 14:6).

Bài Tin Mừng kết thúc với việc Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ và đám đông về những điều kiện cần thiết để đi theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8:34). Qua những lời này chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa ra hai điều kiện cần thiết để theo Ngài, đó là “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá mình.” Nếu chúng ta lưu ý kỹ chúng ta thấy điều Chúa Giêsu muốn nơi người môn đệ là chấp nhận mọi sự mà họ sẽ phải gặp phải trong hành trình theo Chúa Giêsu. Họ không còn phản ứng lại theo cách thức mà họ thường làm trước kia, nhưng họ đón nhận mọi sự trong tâm tình của một người sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì “liều mất mạng sống mình vì tôi [Chúa Giêsu] và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8:35). Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ những phản ứng tự nhiên của mình vì Chúa Giêsu và Tin Mừng không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB