(Kn 2:12.17-20; Gc 3:16 – 4:3; Mc 9:30-37)
Trong bài đọc 1, tác giả sách Khôn Ngoan nói về cái biết của “quân vô đạo,” cái biết mà dẫn họ đến “suy tính sai lầm.” Đây là cái biết của những người “biết về” Thiên Chúa, chứ không “biết Thiên Chúa.” Đâu là những đặc tính để nhận ra những người chỉ “biết về” Thiên Chúa? Những người chỉ “biết về” Thiên Chúa là những người chỉ theo Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, con lòng họ thì xa Thiên Chúa; họ là những người vui thích nói về Chúa, nhưng không sống theo những mệnh lệnh của Ngài (x. Kn 2:13); những người chỉ “biết về” Thiên Chúa là những người có lối sống và “lối cư xử hoàn toàn lập dị” (Kn 2:16); cuối cùng, những người chỉ biết về Thiên Chúa, là những người luôn tìm cách hãm hại người công chính. Điểm cuối cùng này là điểm nối kết bài đọc 1 với bài Tin Mừng: “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” (Kn 2:18-20). Những lời này nói về hình ảnh của người tôi tớ đau khổ của Yahweh mà được Chúa Giêsu tiên đoán như là định mệnh của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay. Người tôi tớ đau khổ là người được Chúa phù trợ và cứu thoát khỏi những cơn nguy biến. Tuy nhiên, để được điều này người tôi tớ đau khổ phải sống hiền hoà, nhẫn nhục khi đối diện với đau khổ và bị người khác hạ nhục tra tấn. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình mỗi khi gặp đau khổ và bị người khác hạ nhục. Chúng ta có giữ được bình tĩnh để sống hiền hoà và nhẫn nại không?
Trong bài đọc 2, Thánh Giacôbê chỉ ra vai trò của những người khôn ngoan trong cộng đoàn. Họ phải “dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan” (3:13). Trong những lời này, Thánh Giacôbê sử dụng nguyên lý ‘xem quả biết cây,’ để biết được người nào có đức khôn ngoan Chúa ban, người nào có sự khôn ngoan của thế gian. Theo thánh nhân, những người sống theo sự khôn ngoan của thế gian thì “trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp” (3:14). Họ trở nên “tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật.” Sự khôn ngoan này “không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ” (3:15). Trái ngược với sự khôn ngoan này là sự khôn ngoan Chúa ban. Những người có sự khôn ngoan Chúa ban là những con người sinh nhiều hoa trái: “trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (3:17). Chúng ta thuộc loại nào trong hai loại trên: Những người có sự khôn ngoan Chúa ban hay là những người sống theo sự khôn ngoan của thế gian. Bên cạnh đó, Thánh Giacôbê cũng nói về việc tranh chấp và xung đột trong cộng đoàn. Theo thánh nhân, lý do chính yếu cho việc tranh chấp và xung đột là do “những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em” (4:1). Tất cả cũng do lòng ham muốn, lòng tham của con người: “Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (4:2-3). Khi ham muốn và có lòng tham, chúng ta tìm mọi cách để thoả mãn và thu gom cho riêng mình để rồi chà đạp lên lợi ích của anh chị em mình. Khi sống như thế, chúng ta trở thành bạn của thế gian. Thánh Giacôbê mời gọi chúng ta hãy đến gần Chúa, hãy rửa tay cho sạch, hãy tẩy luyện tâm can, hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Những điều này là những dấu hiệu chứng tỏ rằng chúng ta tự hạ chính mình trước mặt Thiên Chúa và như vậy Thiên Chúa sẽ nhắc chúng ta lên (x. 4:5-10).
Trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay bao gồm lời tiên báo thứ hai của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài (9:30-32) và việc Chúa Giêsu sửa sai sự hiểu lầm của các môn đệ về ơn gọi làm môn đệ (9:33-37). Trọng tâm của trình thuật là câu 35, vì nó trình bày cho chúng ta hình ảnh người môn đệ chân thật là người “làm người rốt hết và người phục vụ mọi người.” Trong phần 1, chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là lý do Chúa Giêsu không muốn cho ai biết về việc Ngài đi băng qua miền Galilê, đó là để dạy các môn đệ về cuộc thương khó và phục sinh của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (9:31). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này ẩn chứa việc Giuđa phản bội Chúa Giêsu và cách thức Chúa Giêsu chết cách nào không được nói rõ. Tuy nhiên, những điều đó không quan trọng. Điều được nhắm đến trong bản văn là trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cái chết của Chúa Giêsu là trọng tâm. Bên cạnh đó, chi tiết này cũng ám chỉ sứ vụ công khai của Chúa Giêsu ở Galilê đã kết thúc. Đứng trước lời tiên báo lần thứ hai của Chúa Giêsu, các môn đệ “không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (9:32). Sau lời tiên báo thứ nhất (x. 8:31) và những lời giải thích của Chúa Giêsu, thật khó để hiểu lý do tại sao các môn đệ vẫn chưa hiểu điều Ngài muôn nói. Bản văn cho thấy, họ sợ không dám hỏi Chúa Giêsu. Nhưng theo các học giả Kinh Thánh, việc Thánh Máccô giữ điểm này là để phát triển một hình ảnh hơi tiêu cực về các môn đệ và sẽ được phát triển trong phần kế tiếp của trình thuật. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Là những người theo Chúa Giêsu, nhưng chúng ta vẫn không hiểu điều Ngài dạy chúng ta. Nếu có hiểu thì chúng ta cũng không mang ra thực hành. Và như vậy, chúng ta còn tranh giành quyền lợi và chỗ cao chỗ thấp như các môn đệ làm: “Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ‘Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?’ Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (9:33-34).
Đứng trước sự tranh chấp của các môn đệ, Chúa Giêsu dạy các ông phải trở nên những người rốt hết và phục vụ mọi người (9:35). “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: ‘Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy’” (9:36-37). Dùng hình ảnh đứa trẻ để dạy các môn đệ, Chúa Giêsu muốn họ phải trong trắng, đơn sơ và khiêm nhường như một người không có quyền pháp lý trong xã hội. Đứa trẻ không thể làm gì cho các môn đệ; vì vậy, việc đón nhận một đứa trẻ là thực hiện một hành vi bác ái cho một người nhỏ bé trong xã hội, mà không hy vọng sẽ nhận được phần thưởng hay được trả lại. Đây chính là thái độ sống mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ thực hiện trong đời sống hằng ngày.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB