Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Trao Ban Tất Cả Với Trọn Con Tim

(1 V 17:10-16; Hr 9:24-28; Mc 12:38-44)

Hình ảnh bà goá trong bài đọc 1 hôm nay làm chúng ta nhìn lại đời sống quảng đại và đức tin của mình. Êlia tiếp tục đi theo hành trình Thiên Chúa đã vạch ra và Thiên Chúa tiếp tục cung cấp cho ông những gì cần thiết cho hành trình: “Bấy giờ có lời Đức Chúa phán bảo ông: “Ngươi hãy đứng dậy đi Xarépta, thuộc Xiđôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi” (1V 17:8-9). Lần này, Thiên Chúa cung cấp cho Êlia qua một bà goá. Điều đáng để chúng ta học hỏi nơi bà goá là sự quảng đại và tin tưởng vào lời của Thiên Chúa. Dù trong sự thiếu thốn và khốn cùng của mình, bà quảng đại trao ban cho Êlia tất cả những gì ông cần, đó là nước uống (x. 1V 17:10-11) và bánh ăn (x. 1V 17:12). Sự quảng đại của bà được đặt trên niềm tin vào lời của Thiên Chúa nói qua miệng của ngôn sứ: “Ông Êlia nói với bà: ‘Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán thế này: ‘Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất’” (1V 17:13-14). Những chi tiết này giúp chúng ta nhìn lại nền tảng của sự quảng đại của mình. Nhiều lần, chúng ta cũng sống quảng đại, nhưng chúng ta đặt sự quảng đại của mình trên những gì chúng ta có [sự giàu sang, tài năng, v.v.]. Bà goá dạy chúng ta đặt nền tảng của sự quảng đại trên niềm tin vào Chúa, Đấng sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa [“Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán” (1V 17:15-16)].

Sợi chỉ nối kết hai bài đọc hôm nay chính là mối tương quan giữa tội lỗi và quyền lực của Xa-tan. Trong bài đọc 1, tác giả thư gởi Do Thái trình bày Chúa Giêsu là Đấng lấy cái chết của mình để đánh bại quyền lực của tội lỗi và để mang lại cho chúng ta “quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9:15). Điều này chính là tiền đề để chúng ta hiểu lời đối đáp của Chúa Giêsu cho các kinh sư khi họ cho rằng Ngài dùng quỷ vương Bê-en-dê-bun để trừ quỷ, để đánh bại tội lỗi và sự chết. Điều làm chúng ta suy nghĩ ở đây là việc Chúa Giêsu đánh bại thần chết không phải bằng uy quyền của một Thiên Chúa hùng mạnh theo tư tưởng con người, nhưng Ngài dùng chính mình làm hiến tế để xoá bỏ tội lỗi. Chúng ta nghe những điều này trong thư gởi Do Thái như sau: “Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9:26-28). Qua điều này chúng ta nhận ra rằng: Sự dữ chỉ bị đánh bại khi chúng ta biết chết đi cho khuynh hướng tự khẳng định mình. Sự dữ chỉ bị đánh bại bằng sự thiện, chứ không phải bằng một sự dữ khác.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự tương phản giữa những kinh sư và bà goá nghèo. Chúng ta thấy có hai sự kiện trong trình thuật hôm nay: Chúa Giêsu khuyên đám đông coi chừng các kinh sư (Mc 12:38-40) và sự quảng đại của bà goá (Mc 12:41-44). Hình ảnh những người kinh sư giả hình bị Chúa Giêsu khiển trách trong Tin Mừng hôm nay là điều đối nghịch với những gì mà Chúa Giêsu muốn nơi các môn đệ của Ngài: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ không được chạy theo vinh quang và tiếng tăm như các kinh sư. Ngài cũng khuyến cáo họ không được nuốt hết tài sản của những người cô thế cô thân trong khi giả hình trong đời sống đạo đức. Dù không có mạnh như Tin Mừng Mátthêu [chương 23], đoạn trích này đã được sử dụng để chống lại những thái độ giả hình của người Do Thái trong quá khứ, nhưng bản văn không chỉ trích tất cả các kinh sư, chỉ một loại nào đó (x. Mc 12:28-34), và rất hiếm cho mọi người Do Thái. Như chúng ta biết, kinh sư là những người giải thích Kinh Thánh. Loại kinh sư bị Chúa Giêsu chỉ trích ở đây là những người đặt mình ở trung tâm của cộng đoàn, nhất là trong bối cảnh tôn thờ. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đặt mình làm trung tâm điểm của mọi sự, nhất là khi đến với Chúa. Thay vì đặt Chúa làm trung tâm của vinh quang và danh dự, thì chúng ta đặt mình vào đó. Thái độ này đưa chúng ta xa Chúa và xa anh chị em mình. Hãy để Chúa là trung tâm, thì mọi người mới hiệp nhất trong yêu thương.

Câu chuyện của bà goá nghèo được nối kết với biến cố trên bởi thuật ngữ “bà goá.” Câu chuyện này cung cấp cho chúng ta một thái độ sống hoàn toàn trái ngược với những người kinh sư: “Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Hình ảnh âm thầm và quảng đại của bà goá là trọng tâm của câu chuyện. Theo các học giả Kinh Thánh, sự quảng đại và tận hiến nội tâm của bà goá là điều được sử dụng trong phần giới thiệu về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Nói cách khác, sự quảng đại và tận hiến của bà goá báo trước điều Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong cuộc thương khó của Ngài. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là sự tương phản giữa bà goá và những người giàu: Bà goá đã thật sự hy sinh tất cả để đóng góp cho Đền Thánh, còn những người giàu không có một hy sinh nào vì họ cho những của dư thừa. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc trao ban: Điều quan trọng không phải là “số lượng” mà là “chất lượng” – là tình yêu và hy sinh mà chúng ta đặt vào trong những gì chúng ta trao ban. Trao ban “một chút của những gì mình là” thì vẫn giá trị hơn trao ban “rất nhiều những thứ mình không cần.”

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB