(Kh 11,19a ; 12,1-6a.10ab; 1 Cr 15:20-27; Lc 1:39-56)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Mẹ Lên Trời. Đây là một trong bốn tín điều về Đức Mẹ [Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời, Mẹ Vô Nhiểm, và Mẹ Lên Trời]. Tín điều này là tín điều mới nhất về Đức Mẹ được công bố năm 1950 bởi Đức Thánh Cha Piô XII. Mừng trọng thể Lễ Mẹ lên trời, chúng ta tự hỏi: Lễ này có ý nghĩa gì với chúng ta? Qua tín điều Mẹ Lên Trời, Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì? Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta.
Bài đọc 1, trích từ sách Khải Huyền, trình thuật cho chúng ta về điềm lớn “xuất hiện trên trời” (Kh 12:1). Đây là ý nghĩa đầu tiên của lễ trọng hôm nay, đó là hướng lòng chúng ta về những thực tại trên trời. Nói cách khác, tín điều Mẹ Lên Trời mời gọi chúng ta ý thức về quê hương thật của chúng ta là nước trời. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích hôm nay không phải là một bài thống nhất, nhưng được xây dựng trên hai câu chuyện từ hai nguồn khác nhau: một câu chuyện mô tả sự đối kháng giữa người phụ nữ với đứa con và con rồng [phản chiếu trong câu 1-6 và 13-17] và một trình thuật vẽ lên một cuộc chiến trên trời (x. câu 7-9). Có thể những nguồn này được tạo ra bởi những Kitô hữu không phải là người Do Thái và Thánh Gioan biên soạn lại và thêm vào những phần cần thiết để chuyển tải sứ điệp ngài muốn nhắm đến bao gồm bài ca trong câu 10-12.
Chi tiết liên quan đến thánh lễ ngày hôm nay là: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12:1). Những đặc tính được gán cho người phụ nữ thường được sử dụng để gán cho những vị thần nữ trong truyền thuyết thời cổ [nhất là trong truyền thuyết Hy Lạp]. Chân tính của người phụ nữ trong đoạn trích này thường được tranh luận gay gắt. Lối giải thích truyền thống của người công giáo Rôma là đồng hoá người phụ nữ này với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và cũng là Eva mới. Những lối giải thích khác đề nghị rằng, người nữ là hình ảnh của Giêrusalem trên trời, là sự khôn ngoan được cá vị hoá, hoặc là hình ảnh của Giáo Hội. Nhưng theo nguồn mà từ đó bản văn được xây dựng trên, thì người phụ nữ chính là dân Israel được cá vị hoá, người “đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12:2) là hình ảnh của những nỗi “khốn khổ” phải chịu trước khi Đấng Cứu Thế xuất hiện. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, trong hình thức hiện tại của chương 12, người phụ nữ là Israel trên trời, là hiền thê của Thiên Chúa. Vì Thánh Gioan áp dụng từ “Dân Do Thái” cho các tín hữu (x. Kh 2:9; 3:9), nên thánh sử không phân biệt giữa dân Israel và Giáo Hội. Vì vậy, hình ảnh người phụ nữ trong đoạn trích này là Giáo Hội, trong đó Mẹ Maria là một thành phần, là kiểu mẫu và cũng là Mẹ.
Khi Giáo Hội trích đoạn sách Khải Huyền để đọc trong thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn giải thích hình ảnh người phụ nữ trong đoạn trích theo truyền thống, đó là Mẹ Maria. Mẹ là người cùng với Giáo Hội chống lại thế lực ma quỷ được diễn tả trong hình con Mãng Xà. Mẹ chiến đấu để bảo vệ những người con của Mẹ cho đến khi các con của Mẹ được đưa “ngay lên Thiên Chúa, lên tận Ngai của Người” (Kh 12:5). Đây là ý nghĩa thứ hai mà chúng ta có thể rút ra trong thánh lễ hôm nay, đó là Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc chiến chống lại quyền lực ma quỷ. Mẹ luôn bảo vệ, phù hộ chúng ta trên từng bước đường dương thế hầu đưa chúng ta về quê trời, về với Thiên Chúa, nơi Mẹ đang chờ đợi chúng ta.
Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 trình bày cho chúng ta ý nghĩa của thánh lễ hôm nay trong những lời tuyệt hảo sau: “Thưa anh em, Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1 Cr 15:20-21). Trong những lời này Thánh Phaolô cho biết, tín điều Mẹ lên trời chỉ được hiểu cách trọn vẹn trong ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Trong Chúa Giêsu, tất cả chúng ta đều chết với Ngài và trong sự phục sinh của Ngài, chúng ta được trỗi dậy trong vinh quang với Ngài. Mẹ Maria được chia sẻ cách chặt chẽ nhất trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, nên Mẹ được đặc ân chia sẻ trong vinh quang của Ngài qua việc được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Thánh Luca trình bày Mẹ Maria như người phụ nữ “vội vã đi đến miền núi.” Những lời này mang tính hình tượng. Núi trong truyền thống Kinh Thánh là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, khi Mẹ Maria vội vã đi lên miền núi đồng nghĩa với việc Mẹ vội vã đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa để thăm bà Êlisabét. Khi đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta cần lưu ý rằng: chúng ta sẽ không hiểu được ý định của Thánh Luca nếu chúng ta chỉ phóng đại hành động thăm viếng của Mẹ Maria như là mối quan tâm mang tính bác ái và xã hội. Nếu Thánh Luca có ý định trình bày Mẹ Maria như là mẫu gương của đức ái, thì thánh sử đã không viết câu 56 [“Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà”], câu mà mô tả Mẹ Maria bỏ về nhà mình trong thời gian mà Êlisabét cần Mẹ nhất vì bà mới sinh con [hoặc có thể sắp sinh con vì bà mang thai được 6 tháng thì Mẹ Maria đến thăm sau biến cố truyền tin]. Hơn nữa, theo các học giả Kinh Thánh, điều có thể nói là vô lý ở đây là chúng ta khó mà tưởng tượng một trinh nữ người Do Thái, mới 14 tuổi đi một mình trong một hành trình dài 4 ngày. Vậy đâu là ý định của Thánh Luca? Ý định của Thánh Luca vừa mang tính văn chương vừa mang tính thần học. Thánh sử muốn đưa hai người sắp làm mẹ (x. Lc 1:25 và Lc 1:36) đến với nhau để cả hai tôn vinh Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời của họ và nhất là người con của Êlisabét được giới thiệu như người đi trước để dọn đường cho người con của Mẹ. Thánh Luca lấy đi sự hiện diện của Mẹ Maria khỏi bối cảnh trước khi Gioan được sinh ra để mỗi trình thuật về sự ra đời chỉ có ba nhân vật chính: Dêcaria, Êlisabét và Gioan; Giuse, Maria và Chúa Giêsu. Tóm lại, trong tư tưởng của Thánh Luca, Mẹ Maria được trình bày như gương mẫu của người “luôn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời mình và không ngừng tôn vinh Thiên Chúa.” Đây là điều Thánh Luca mời gọi mỗi người chúng ta học nơi Mẹ Maria khi chúng ta cử hành lễ Mẹ Lên Trời. Sống trong thế giới luôn bận rộn với công việc và những ồn ào, chúng ta có ít thời gian để lắng đọng, để nhìn lại và ý thức sự hiện diện và hoạt động không ngừng của Chúa trong đời sống chúng ta. Chỉ những ai ý thức được Chúa đang hoạt động trong đời sống của mình mới có khả năng biến cuộc sống mình thành lời ca tụng Chúa không ngừng.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB