Suy Niệm Lời Chúa – Đức Maria Trưng Nữ Vương – Hoàn Toàn Đặt Mình Trong Kế Hoạch Yêu Thương Của Chúa

 (Is 9:1-6; Lc 1:26-38)

Phụng vụ hôm nay cử hành lễ Đức Maria, Nữ Vương Trời và Đất. Đây là lễ rất gần gũi với nhiều Đức Thánh Cha trong thời gian hiện đại. Thánh Lễ này được Đức Thánh Cha Piô XII trong thông điệp Ad Coeli Reginam thiết lập năm 1954 [4 năm sau tín điều Mẹ Lên Trời được công bố]. Trước đó, Đức Thánh Cha Piô XII nói về Mẹ Maria Nữ Vương như sau: “Mẹ luôn hướng trái tim hiền mẫu của Mẹ về phía chúng ta và cộng tác vào trong công việc cứu độ con người. Mẹ luôn quan tâm đến toàn thể nhân loại. Được Thiên Chúa đặt làm Nữ Vương trời và đất, và được tôn vinh trên ca đoàn các Thiên Thần và phẩm trật các thánh, đứng bên hữu Người Con Yêu Dấu của Mẹ, Đức Giêsu Kitô, Mẹ chuyển cầu cách mạnh mẽ với lời cầu nguyện đầy tình hiền mẫu của Mẹ và Mẹ được ban cho tất cả những gì Mẹ cầu xin.” Và Đức Thánh Cha Piô XII thêm những lời sau: “Chúng tôi mong ước rằng trong lễ mừng này, chúng ta canh tân lại sự tận hiến toàn nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria. Trên sự canh tân này, chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong đời sống tôn giáo và trong sự bình an Kitô giáo. … Vì vậy, tất cả chúng ta hãy đến với ngai thương xót và ân sủng của Nữ Vương và Mẹ chúng ta với sự tự tin hơn để xin Mẹ giúp chúng ta trong khi khó khăn, ban ánh sáng lúc tối tăm và an ủi chúng ta khi khổ đau buồn sầu. … Như thế, tất cả những ai tôn kính Đấng Nữ Vương các thiên thần và con người – và đừng có ai nghĩ rằng mình được miễn khỏi việc tôn kính Mẹ với một tâm hồn đầy yêu thương và biết ơn – Tất cả chúng ta hãy kêu lên Mẹ như Nữ Vương thật và như Đấng mang cho chúng ta ơn Chúa, sự bình an, để Mẹ tỏ cho tất cả chúng ta, sau cuộc đời lữ thứ trần gian, Chúa Giêsu là niềm vui và sự bình an muôn đời của chúng ta.” Mừng kính lễ Mẹ hôm nay, chúng ta ngước nhìn lên Mẹ, học hỏi nơi Mẹ để trở nên những người con thảo hiếu của Mẹ. Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta.

Bài đọc 1 hôm nay thường được trích đọc trong đêm giáng sinh. Nội dung chính là nói về một viễn cảnh thật tươi sáng mà “một trẻ thơ” sẽ mang đến cho dân đang bị lưu đày [“đang lần bước giữa tối tăm”]. “Trẻ thơ” này là được sinh trong dòng tộc vua Đavít và sẽ là vua: “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9:5-6). Theo truyền thống, “trẻ thơ” này ám chỉ đến Chúa Giêsu. Ngài thuộc dòng dõi vua Đavít và là vua. Hình ảnh này nói lên việc Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, nên Mẹ được chia sẻ trong vương quyền của Ngài. Đây chính là nền tảng [Cựu Ước] mà trên đó vương quyền của Mẹ Maria đã được ám chỉ. Giáo Hội chọn bài trích này từ Ngôn sứ Isaia để đọc trong ngày lễ hôm nay nhằm nói lên vương quyền của Mẹ là được “chia sẻ” trong vương quyền của Người Con mà Mẹ sinh ra. Vì lý do này mà chúng ta nhận thấy trong bài đọc 1 không đề cập gì đến Mẹ Maria mà chỉ tập trung vào “trẻ thơ.” Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng sự vĩ đại của Mẹ Maria và của mỗi người chúng ta hệ tại việc chúng ta được chia sẻ với Chúa như thế nào trong công trình cứu độ của Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay thường được gọi là trình thuật về truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta cùng nhau phân tích thái độ của Mẹ Maria, Nữ Vương trời đất hầu học nơi Mẹ những điều làm cho Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa. Bài Tin Mừng bắt đầu với việc thánh sử Luca thiết lập bối cảnh cho cuộc gặp gỡ giữa Thiên Thần Gáprien và người Trinh Nữ thành Nadarét. Những chi tiết quan trọng chúng ta cần lưu ý là: (1) Êlizabét có thai được 6 tháng [chi tiết này sẽ được Thiên Thần sử dụng như một chứng cứ về quyền năng của Thiên Chúa để “thuyết phục” Maria]; (2) làng Nazarét [làng của vua Đavít]; (3) trinh nữ đã thành hôn với Giuse thuộc dòng dõi Đavít [thiết lập vương quyền của người con trinh nữ sẽ sinh ra]; (4) tên trinh nữ là Maria [Chúa luôn gọi chúng ta bằng tên]. Những chi tiết này cho chúng ta hay rằng Thiên Chúa luôn thực hiện công trình của mình trong những bối cảnh lịch sử, những nơi chốn và với những con người cụ thể. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn hoạt động trong lịch sử qua sự cộng tác của những con người nhỏ bé ở những nơi không mấy người biết đến. Chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Chúa khi được mời gọi không? Hãy để Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta qua hành trình đáp trả của Mẹ.

Thái độ thứ nhất của Mẹ trước lời chào của Thiên Thần là “bối rối” và “tự hỏi.” Mẹ “bối rối” vì Mẹ chỉ là một cô gái trẻ, bình thường, không có gì nổi bật vậy mà được “Chúa ở cùng.” Câu “Chúa ở cùng bà” mang một truyền thống lâu dài của lịch sử dân Israel. Câu này thường được Đức Chúa nói với những người Ngài chọn để cộng tác vào việc giải thoát dân Israel khỏi áp bức. Giờ đây, nghe những lời này dành cho mình, một người nữ [khác với những điều đã xảy ra trong lịch sử dân Israel, đó là câu này thường nói cho người nam], Mẹ “bối rối” và “tự hỏi.” Đây là điều rất tự nhiên. Vì Mẹ “bối rối” và “tự hỏi” về ý nghĩa của lời chào, nên sứ thần giải thích: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:30-33).

Lời giải thích của sứ thần dẫn Mẹ đến thái độ thứ hai, đó là “cần làm sáng tỏ”: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Đây không phải là thái độ nghi ngờ [như Dacaria]. Mẹ chỉ muốn thiên sứ làm sáng tỏ cho Mẹ biết điều đó sẽ xảy ra thế nào. Và Thiên Thần làm sáng tỏ cho Mẹ như sau: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:35-37). Trong những lời này, thiên sứ đã nói cho Maria biết (1) cách thức sẽ xảy ra [“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”], (2) hoa trái của sự việc [“Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”], (3) dẫn chứng [“Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”], (4) khẳng định về quyền năng Thiên Chúa [“đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”].

Sau khi nghe thiên sứ làm sáng tỏ điều mình muốn biết, Mẹ nhanh nhẹn đáp lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Đây là thái độ cuối cùng mà Mẹ tỏ ra trong hành trình đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn tin tưởng đặt cuộc đời mình vào trong kế hoạch đầy yêu thương của Chúa. Chính thái độ này làm cho Mẹ trở nên “muôn đời được gọi là diễm phúc.” Mừng lễ Mẹ Maria Nữ Vương, là con cái của Mẹ, chúng ta được nhắc nhở đến phẩm giá cao trọng của mình. Để sống trọn vẹn phẩm giá này, chúng ta cần học ở Mẹ ba thái độ trên. Khi đối diện với những điều chúng ta không thể hiểu vì giới hạn của mình, chúng ta xin Chúa “làm sáng tỏ” cho chúng ta. Nhưng cuối cùng, chúng ta học ở Mẹ, hoàn toàn đặt trọn cuộc đời mình vào quỹ đạo yêu thương của Thiên Chúa qua việc “xin vâng” với thánh ý Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB