(Is 49:1-6; Cv 13:22-26; Lc 1:57-66.80)
Trong lịch phụng vụ của Giáo Hội, chúng ta thấy có ba lần Giáo Hội mừng sinh nhật: sinh nhật Chúa Giêsu [Lễ Giáng Sinh], sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (mồng 8 tháng 9), và sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Thông thường, Giáo Hội mừng kính các thánh vào ngày các ngài qua đời [ngày các ngài được sinh vào Thiên Đàng]. Việc Giáo Hội cử hành ba lễ sinh nhật này nhằm mục đích nói lên tầm quan trọng sự “hiện diện” của các Ngài đã mang đến cho thế giới, đó là ơn cứu độ. Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta được mời gọi nhìn lại ý nghĩa sự hiện hữu của mình trên dương thế trong tương quan với Chúa Giêsu. Như Đức Mẹ và Thánh Gioan Tẩy Giả, sự hiện diện của các ngài trở nên cao trọng và trở thành niềm vui cho nhiều người khi được liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu. Thật vậy, sự hiện hữu của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi chúng ta đặt Chúa Giêsu làm trung tâm của cuộc đời mình.
Trong bài đọc 1, Giáo Hội chọn bài ca thứ nhất về người tôi trung của Giavê trong sách Ngôn sứ Isaia để nói về Thánh Gioan Tẩy Giả như sau: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49:1-2). Thánh nhân đã được gọi từ khi còn trong lòng mẹ. Tên của ngài đã được Đức Chúa nhắc đến trước khi chào đời. Đức Chúa đã chuẩn bị thánh nhân để “biểu lộ vinh quang của Ngài” (Is 49:3). Đứng trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, thánh nhân đã đáp lại bằng việc vất vả “đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người” (Is 49:5). Không những thế, ngài còn trở thành ánh sáng cho muôn dân, để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất (x. Is 49:6). Ơn gọi người tôi trung của Giavê không chỉ trở nên khí cụ của hiệp nhất, nhưng còn là ánh sáng cho muôn người đến với ơn cứu độ. Là những tôi trung của Thiên Chúa, chúng ta đã chu toàn sứ mệnh của mình như thế nào?
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói về Thánh Gioan Tẩy Giả như người đến để dọn đường cho Chúa Giêsu. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, Thánh Gioan Tẩy Giả “rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” (Cv 13:23). Điều vĩ đại nhất mà Thánh Nhân làm là sống trung thực với căn tính của mình. Dầu “nổi tiếng” và được nhiều người “ngộ nhận” là đấng Messia, Thánh Gioan Tẩy Giả vẫn quả quyết: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người” (Cv 13:25). Đây là điều chúng ta cần học nơi Thánh Gioan Tẩy Giả: sống thật và sống đúng với chân tính của mình. Trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người “đầy tớ vô dụng”; chúng ta không phải là chủ. Thiên Chúa là chủ.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta về Thánh Gioan Tẩy Giả: “sinh ra” từ lòng mẹ [“Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai” (Lc 1:57)] và “sinh vào” dòng dõi Abraham [“Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em” (Lc 1:59)]. Sự kiện ra đời của Thánh Gioan Tẩy Giả có những điểm đặc trưng đáng suy gẫm sau:
Thứ nhất, sự ra đời của Thánh Gioan Tẩy Giả là dấu hiệu của “lòng thương xót của Thiên Chúa” và là “ niềm vui cho láng giềng và thân thích” (Lc 1:58). Chi tiết này nhắc nhở đến việc hiện hữu của chúng ta trên đời là do lòng thương của Thiên Chúa. Đồng thời sự hiện hữu của chúng ta cũng là niềm vui cho người khác. Khi cuộc sống sung túc thịnh vượng, chúng ta dễ dàng đón nhận điều này. Nhưng khi cuộc sống ngập tràn mồ hôi và nước mắt, chúng ta “nguyền rủa” ngày sinh của mình. Xem sự hiện hữu trên đời là một sự ngẫu nhiên, một sự thật không thể chấp nhận. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết trân trọng sự hiện hữu của mình như món quà của Thiên Chúa ban tặng cho người khác. Dù cuộc sống có thế nào, khi biết mang niềm vui cho người khác, chúng ta sẽ được hạnh phúc vì đã tìm ra được ý nghĩa để sống.
Thứ hai, tương quan của Thánh Gioan Tẩy Giả được đo lường bằng tương quan với Thiên Chúa hơn là tương quan máu mủ. Điều này được diễn tả qua chi tiết đặt tên cho con trẻ (x. Lc 1:59-63). Cách tự nhiên, tên người con được cha mẹ đặt cho vì đặt tên là khẳng định nguồn gốc của người được đặt tên. Cũng vậy, người ta muốn đặt tên cho Thánh Gioan Tẩy Giả là Dacaria như tên của người cha, nhưng cả hai ông bà vâng lời Thiên Thần, đặt tên cho ngài là Gioan [có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng thương xót/nhân từ]. Đây là tên mà Thiên Chúa sai Thiên Thần nói cho hai ông bà. Như vậy, tương quan nguồn gốc của thánh nhân thuộc về Thiên Chúa hơn là thuộc về tương quan máu mủ. Chúng ta không phủ nhận việc chúng ta do cha mẹ sinh ra. Nhưng trong niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa là Đấng dựng nên chúng ta trong lòng mẹ. Ngoài tương quan máu mủ với cha mẹ, chúng ta còn có tương quan về “nguồn gốc” với Thiên Chúa. Chúng ta sống tương quan này thế nào?
Thứ ba, làm cho người cha bị câm nói được để chúc tụng Thiên Chúa (x. Lc 1:64). Chi tiết này nói lên căn tính của Thánh Gioan Tẩy Giả. Khi được hỏi về bản thân, Thánh Gioan Tẩy Giả nói về mình như là tiếng kêu [giọng nói vang trong hoang địa] trong hoang địa. Khi “giọng nói” ra đời, người cha câm nói được. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về căn tính của mình. Là những người Kitô hữu, những người mang danh và thuộc về Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải sống cho trọn để người khác mở lời tôn vinh Thiên Chúa qua chúng ta. Đừng để đời sống của mình trở thành cớ vấp phạm cho người khác.
Thứ tư, làm cho láng giềng kinh sợ, để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1:65-66). Những lời này làm chúng ta tự hỏi: Tôi đã sống thế nào? Tôi có để bàn tay của Chúa phù hộ và hướng dẫn tôi không? Nếu cuộc sống của chúng ta chưa tốt, hãy bắt đầu. Nếu đã tốt, hãy cẩn thận kẻo ngã. Câu chuyện ra đời của Thánh Gioan Tẩy Giả kết thúc với khẳng định sau: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1:80). Đây là câu trả lời cho câu hỏi trên, đó là cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Chúng ta có thể hiện được điều này không? Mỗi ngày qua đi, càng thêm tuổi, tinh thần của chúng ta thế nào: vững mạnh hơn, gần Chúa hơn, gần nhau hơn hay yếu đuối hơn? Chúng ta vững mạnh khi để bàn tay Chúa dẫn đưa; còn vấp ngã khi chúng ta từ chối bàn tay dẫn lối đưa đường của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB