Suy Niệm Lời Chúa -Thánh Batôlômêô, Tông Đồ – Đến, Xem, Và Ở Lại Với Chúa Giêsu

(Kh 21:9b-14; Ga 1:45-51)

Thánh Batôlômêô là một trong những tông đồ ít được biết đến. Thánh nhân là một trong Mười Hai Tông Đồ, là người được chính Chúa Giêsu gọi là tông đồ. Nhiều học giả Kinh Thánh nổi tiếng cho rằng vị tông đồ này chính là Nathanaen, một người thuộc Cana, ở Galilê. Ông ta là một tiến sĩ về luật Do Thái và là một trong 72 môn đệ của Đức Kitô. Sự đơn sơ, trong trắng của thánh nhân đã được Chúa Giêsu khen ngợi. Thánh nhân được nhắc đến trong số các môn đệ gặp nhau để cầu nguyện sau khi Chúa Giêsu lên trời và thánh nhân được đón nhận Thánh Thần với các môn đệ khác. Được ban cho những ơn cần thiết để trở nên một Tông Đồ của Chúa Giêsu, thánh nhân được nói đến theo nhiều nguồn đã mang Tin Mừng đến những dân tộc ngoại giáo ở Phương Đông. Thánh nhân sau đó trở lại phía tây bắc Châu Á, và gặp Thánh Philipphê tại Hierapolis ở Phrygia. Từ đó thánh nhân đi đến Lycaonia. Ở đây thánh nhân giảng dạy dân chúng về niềm tin Kitô giáo. Chúng ta không biết tên những nơi mà thánh nhân đã giảng dạy. Di chuyển cuối cùng của Thánh Batôlômêô mà truyền thống cho chúng ta biết là Great Armenia, nơi mà thánh nhân được nhận vương miện tử đạo. Các sử gia Hy Lạp hiện đại cho rằng thánh nhân bị kết án đóng đinh. Những người khác khẳng định rằng thánh nhân bị lóc thịt, điều mà có thể đi liền với đóng đinh. Hai hình thức trừng phạt này thường được sử dụng không chỉ ở Ai Cập, nhưng còn giữa những người Persia. Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính thánh nhân, chúng ta có thể học được gì ở Ngài? Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy gẫm về những phẩm chất mà thánh nhân nêu gương, hầu chúng ta cũng trở nên giống ngài, là những người môn đệ trung tín và những tông đồ nhiệt thành cho Nước Trời.

Bài đọc 1 hôm nay, trích từ sách Khải Huyền, tường thuật cho chúng ta viễn cảnh về Thành Thánh Giêrusalem trên trời. Thành Thánh mới từ Thiên Chúa xuống này được gọi là “Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên” (Kh 21:9b). Đây chính là hình ảnh Giáo Hội, “chói lọi vinh quang Thiên Chúa” (Kh 21:11). Điều đáng để chúng ta lưu ý là Thành Thánh này bao gồm cả Israel cũ và “Israel” mới. Điều này được thể hiện qua hai chi tiết sau: (1) “Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Israel” (Kh 21:12), và (2) “Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21:14). Các tông đồ được xem là nền móng của Giáo Hội. Mỗi người chúng ta cũng được xem là từng viên đá xây lên toà nhà Hội Thánh [hay gia đình, hay cộng đoàn tu trì]. Chính Chúa Giêsu là Đấng nối kết chúng ta lại hầu trở thành một ngôi Đền Thánh vững chắc. Điều này chỉ xảy ra khi mỗi người chúng ta biết gắn chặt đời mình với Chúa Giêsu và sống xứng đáng, hoàn thành công việc được trao phó cho vị trí của mình mà không so sánh với những vị trí khác để sinh ra ghen tỵ và hiếm khích. Sống trọn vẹn cho Chúa mỗi giây phút trong những gì mình là và mình có.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu đang quy tụ [đang gọi] các môn đệ. Sau khi mời gọi các môn đệ đầu tiên [Anrê và một người khác] “ở lại” với Ngài. Ông Anrê giới thiệu Chúa Giêsu cho Phêrô và dẫn ông đến với Chúa Giêsu. Điều này xảy ra trong ngày thứ nhất. Hôm sau, Chúa Giêsu gặp Philíphê, người “cùng quê với ông Anrê và Phêrô” (Ga 1:44), và gọi ông. Ông liền đi theo Ngài. Câu chuyện được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra trong ngày hôm đó. Câu chuyện được vén mở qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (Ga 1:45-46) là cuộc đối thoại giữa Philíphê và Nathanaen [Batôlômêô]. Cuộc đối thoại thứ nhất bao gồm một lời giới thiệu: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét” (G1 1:45). Đây chính là lời khẳng định về niềm tin vào Chúa Giêsu của các tín hữu đầu tiên. Ngài là Đấng đến để kiện toàn lề luật và ngôn sứ. Tuy nhiên, lời giới thiệu này gặp ngay một sự “từ chối” hay “khinh miệt”: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1:46). Những lời này báo trước việc Chúa Giêsu sẽ bị từ chối vì nguồn gốc tầm thường của Ngài mà Thánh Gioan sẽ thuật lại trong chương 6 và 7 của Tin Mừng. Cuộc đối thoại kết thúc với việc Philípphê lặp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu cho các môn đệ đầu tiên: “cứ đến mà xem.” Cuộc đối thoại này nói cho chúng ta biết về một thực tại thường xảy ra trong việc giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Không phải lúc nào việc giới thiệu của chúng ta cũng thành công. Nhiều lần chúng ta sẽ bị chống đối và nhạo cười. Đối diện với sự chống đối, loại trừ và nhạo cười, chúng ta phải trung thành đề nghị với họ “chính xác” điều Chúa Giêsu muốn. Nói cách khác, chúng ta phải trung thành mang cho họ sứ điệp của Chúa Giêsu chứ không phải sứ điệp của mình, lời mời gọi của Chúa Giêsu chứ không phải lời mời gọi của mình. Vì lời mời gọi của “Chúa Giêsu được Philípphê lặp lại,” nên Nathanaen đáp lại. Điều này dẫn đến cuộc đối thoại thứ hai.

Giai đoạn 2 (Ga 1:47-51) trình bày cho chúng ta kết quả của việc “đến mà xem” của Nathanaen, đó là ông tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Như thường lệ [trong Tin Mừng Thánh Gioan], Chúa Giêsu đi bước trước để bắt chuyện (Ga 1:47-50):

Chúa Giêsu: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.”

Ông Nathanaen: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”

Chúa Giêsu: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

Ông Nathanaen: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”

Chúa Giêsu: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”

Cuộc đối thoại bắt đầu với “lời khen” của Chúa Giêsu dành cho Nathanaen. Chúa Giêsu nói ông là một người Israel đích thật vì ông đến với Chúa Giêsu chứ không từ chối Ngài bằng việc dựa trên luật và ngôn sứ. Là một người Israel đích thực, ông luôn tìm kiếm Đấng mà “sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới.” Chúng ta thấy ở đây một sự đảo ngược: Thay vì ông muốn biết Chúa Giêsu, thì ông được Chúa Giêsu biết đến [trước khi ông biết Ngài]. Chính điều này làm cho ông kinh ngạc. Cái biết của Chúa Giêsu về ông đã làm cho ông thốt lên lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về một cám dỗ mà chúng ta thường gặp, đó là chúng ta chỉ tuyên xưng Chúa Giêsu dựa trên điều “chúng ta biết về Ngài” chứ không phải dựa trên điều “Ngài biết về chúng ta.” Hãy nhớ rằng cái biết của chúng ta là hữu hạn, còn cái biết của Chúa Giêsu [Thiên Chúa] là vô hạn. Ngoài nỗ lực biết Chúa, chúng ta hãy “cho phép” Chúa biết chúng ta.

Bài Tin Mừng kết thúc với khẳng định của Chúa Giêsu cho các môn đệ đầu tiên: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1:51). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này được đưa vào cuộc đối thoại với Nathanaen nhằm mục đích khẳng định Chúa Giêsu là Đấng từ trời xuống và chỉ mình Ngài nhìn thấy Thiên Chúa (x. Ga 1:13). Đây chính là viễn cảnh mà Giacóp đã nhìn thấy trong giấc mơ (St 28:11-12). Viễn cảnh này trở thành viễn cảnh trong tương lai được hứa cho những người tin và cái thang trong giấc mơ của Giacóp chính là Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là “cầu nối” giữa trời và đất. Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Để biết những gì ở trên trời, hãy đến với Chúa Giêsu! Để hiểu ý nghĩa những gì xảy ra dưới đất, hãy hỏi Chúa Giêsu!

Tóm lại, chi tiết quan trọng mà chúng ta có thể rút ra từ bối cảnh của trình thuật Tin Mừng hôm nay là bất cứ ai gặp Chúa Giêsu với thái độ “đến mà xem” và “ở lại” thì sẽ gặp Ngài, và khi đã gặp Ngài, họ sẽ giới thiệu Ngài cho người khác để họ cũng cảm nghiệm được niềm vui khi “ở lại” với Ngài. Chúng ta cũng đã gặp và đã ở lại với Chúa Giêsu [nhất là trong bí tích Thánh Thể], chúng ta có cảm nghiệm được niềm vui khi “ở lại” với Ngài không? Chúng ta không thể giới thiệu Chúa cho người khác cách thuyết phục nếu chúng ta không cảm nghiệm cách cá vị tình yêu và niềm vui tuôn chảy từ tình yêu đó khi chúng ta ở với Ngài. Hãy làm người giới thiệu Chúa cho người khác qua thái độ sống yêu thương và vui tươi!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB