(2 Cr 4:7-15; Mt 20,20-28)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính thánh Giacôbê tông đồ. Thánh Giacôbê là một trong ba “bạn đồng hành quen thuộc” của Chúa Giêsu. Thánh nhân cùng với Phêrô và Gioan được đón tiếp vào nhà của Giairô nơi mà đứa bé gái được cho sống lại. Cả ba cũng được đưa lên núi cao và nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình. Cả ba cũng là những chứng nhân giây phút đau buồn của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Điều gì làm cho Thánh Giacôbê chiếm được vị trí đặc biệt đó? Đó là đức tin, lòng nhiệt thành, mạnh mẽ và trực tính. Nhưng thánh nhân cũng cần được thanh luyện trước khi có thể công bố Tin Mừng bình an. Chính thánh nhân là người xin lửa từ trời thiêu đốt những người Samaria không hiếu khách và cũng là người đi tìm chỗ danh dự trong Nước Trời. Khi khiển trách Giacôbê về những “phản ứng thái quá” này, Chúa Giêsu đã tiên báo về sự trung thành cho đến chết của thánh nhân. Khi thánh nhân bị đưa ra trước vua Herôđê Agrippa, thánh nhân đã tuyên xưng Đức Kitô bị đóng đinh một cách không sợ hãi. Điều này đã làm cho người kết án thánh nhân tuyên nhận mình là người Kitô hữu và cả hai được đưa đi hành hình và trên đường đi, người xử án xin thánh nhân tha thứ cho mình. Nhưng thánh nhân đã tha thứ cho người kết án mình từ lâu. Cả hai bị chém đầu để làm chứng cho niềm tin. Học gương thánh nhân, chúng ta cần tha thứ cho những người làm tổn thương mình. Chính tình thương và sự bao dung là động lực để đưa anh chị em chúng ta về với đường lối của Thiên Chúa.
Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô, trong thư Thứ Hai gởi tín hữu Côrintô, trình bày cho chúng ta về thực tại mà người môn đệ Chúa Giêsu đối diện, đó là “mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4:7). Điều này được thấy rõ trong hình ảnh Thánh Giacôbê trong bài Tin Mừng hôm nay khi thánh nhân “nói mẹ” đến xin Chúa Giêsu cho được chỗ danh dự trong vương quốc của Ngài. Dù đi theo Chúa, nhưng những môn đệ vẫn còn trong mình những yếu đuối của con người. Chính trong những yếu đuối mà người môn đệ nhận ra rằng những gì họ đạt được không phải do sức của họ, nhưng do quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa. Điều này giúp chúng ta không thất vọng khi thấy mình yếu đuối, nhưng khi nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta trở nên khiêm nhường và ý thức mình cần đến Chúa.
Điểm thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm là tâm tình tin tưởng và hy vọng của Thánh Phaolô khi đối diện với những đau khổ: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4:8-9). Ngài sống trọn tâm tình này vì Ngài “luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4:10). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy khi đối diện với đau khổ, chúng ta không trốn chạy, nhưng đón nhận với tâm tình như mang trong mình cuộc thương khó của Đức Kitô. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ nhận ra chúng ta không còn sống với sự sống yếu đuối của mình, nhưng đang sống với sự sống mới trong Đức Kitô.
Đoạn Tin Mừng này được chọn đọc trong lễ kính nhớ Thánh Giacôbê, vì tên thánh nhân được đề cập đến. Tuy nhiên, khi chúng ta mới đọc lướt qua đoạn Tin Mừng này, thánh nhân được trình bày với một hình ảnh tiêu cực. Nói cách cụ thể, ngài được trình bày như người “ham chức ham quyền.” Chúng ta cùng nhau phân tích hai phần của bài Tin Mừng hầu rút ra điều Chúa muốn nói với chúng ta khi Ngài nói vời Thánh Giacôbê.
Phần 1 (Mt 20:20-23) trình bày việc mẹ của Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu ban cho bà một điều ước, đó là con bà sẽ ngồi một người bên hữu và một người bên tả Ngài trong Nước Trời (x. Mt 20:21). Chúng ta thấy ở đây Thánh Mátthêu đặt lời cầu xin vào miệng của người mẹ, để tránh tiếng cho người môn đệ. Thánh sử cũng không nói đến tên các con bà. Khi làm điều này, Thánh Mátthêu cố ý bảo vệ danh tiếng cho người hùng của những người Kitô hữu gốc Do Thái, đó là Thánh Giacôbê [người được xem là “giám mục đầu tiên” của Giêrusalem]. Đối với các tín hữu gốc Do Thái, Thánh Giacôbê là người rất được tôn kính. Tuy nhiên, để được tôn kính, Chúa Giêsu mời gọi thánh nhân chia sẻ trong “chén đắng” Ngài sắp uống. “Chén đắng” là biểu tượng của sự đau khổ. Ở đây Thánh Mátthêu bỏ qua “phép rửa” mà Thánh Máccô đề cập đến. Chi tiết này dạy chúng ta rằng: để được người khác tôn kính, chúng ta phải chia sẻ trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta chỉ được tôn kính chỉ khi chúng ta sống cho người khác ngay cả khi phải chịu đau khổ và chết cho họ.
Chúng ta cần lưu ý rằng trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu không trách các môn đệ [và người mẹ] về việc họ xin ngồi bên hữu và bên tả Ngài. Ngài chỉ muốn họ khẳng định quyết tâm chia sẻ trong đau khổ mà Ngài sắp chịu: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20:22). Và họ đã khẳng định với Ngài về quyết tâm của: “Thưa uống nổi.” Khi thấy họ quyết tâm, Chúa Giêsu bảo đảm cho họ một chỗ trong việc chia sẻ chén đắng của Ngài [có thể ám chỉ đến việc tử đạo], đồng thời Ngài cũng bảo đảm cho họ một phần thưởng mà Chúa Cha đã chuẩn bị cho họ: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (Mt 20:23).
Đứng trước lời yêu cầu của người mẹ các con ông Dêbêđê và phản ứng khó chịu của mười người môn đệ còn lại, Chúa Giêsu [trong phần 2 (Mt 20:24-28)] dạy họ về việc muốn được tôn trọng hoặc trở thành người lãnh đạo. Theo Chúa Giêsu, kiểu mẫu lãnh đạo theo kiểu trần thế không phù hợp với Nước Trời. Trong lời dạy của mình, Chúa Giêsu đưa ra hai mẫu người lãnh đạo, đó là “phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26) và “phải làm người đầy tớ anh em” (Mt 20:27). Hai kiểu mẫu này được tìm thấy trong chính Chúa Giêsu: Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Điều này cho thấy Chúa Giêsu muốn các môn đệ trở nên giống Ngài trong mọi sự, nếu họ muốn được ngồi vào “vị trí cao” trong Nước Trời. Càng nên giống Chúa Giêsu, chúng ta mới hiểu được thế nào là “có quyền.” Càng trở nên giống Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra rằng người có quyền là người tự do trao ban chính mình để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình cho những người kém may mắn.
Nếu chúng ta phân tích cấu trúc bài Tin Mừng hôm nay [gồm 9 câu], chúng ta nhận ra rằng câu ở giữa là câu 24: “Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.” Điều này cho thấy có sự ghen tỵ, cạnh tranh ở giữa các môn đệ liên quan đến vấn đề chức danh và quyền lợi. Có thể đây là một vấn đề đang xảy ra trong cộng đoàn của Thánh Mátthêu. Vấn đề này vẫn xảy ra trong đời sống gia đình, cộng đoàn đời tu. Để giải quyết vấn đề này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trước hết phải đón nhận mọi sự như được chia sẻ trong “chén đắng” của Ngài và sau đó là khiêm nhường “cúi xuống” phục vụ anh chị em mình. Đây là hai thái độ cần thiết để chiến thắng sự ghen tỵ và tức tối khi người khác thành công hơn mình.
Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB