(2 Sm 7:1-5.8b-12.14a.16; Lc 1:67-79)
Phụng vụ của những ngày trước ngày Giáng Sinh đưa chúng ta về với lời hứa của Thiên Chúa, đó là ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn Sứ Isaia trình bày cho chúng ta nghe về lời hứa mà Đức Chúa dành cho Đavít, Ngài sẽ xây dựng cho ông một nhà trường tồn: “Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời” (2 Sm 7:11-12.14a). Trong lời hứa này, Đức Chúa chỉ ra cho Đavít biết rằng nỗi băn khoăn ông muốn xây cho Đức Chúa một ngôi nhà chỉ là ngôi nhà làm bằng bàn tay con người và chóng tàn, còn ngôi nhà Đức Chúa sẽ xây dựng cho ông sẽ trường tồn đến muôn đời. Ngôi nhà Đức Chúa xây dựng cho ông không làm bằng gỗ bá hương hay vàng son nhung gấm, nhưng làm bằng những con người là con cái và miêu duệ của ông qua muôn thế hệ. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về giá trị của con người phải được đặt trên giá trị của vật chất. Vì con người là tâm điểm của lời hứa cứu độ, nên mọi sự khác chỉ có ý nghĩa khi chúng trở thành phương tiện giúp con người đạt đến ơn cứu độ. Bên cạnh điều chúng ta vừa suy gẫm, lời hứa của Đức Chúa cũng nhắc nhở chúng ta về khuynh hướng chú tâm về những điều chúng ta “có thể làm cho Thiên Chúa” [đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, làm việc thiện, bố thí, đóng góp xây dựng nhà thờ, v.v.] mà quên mất những kỳ công Đức Chúa đã thực hiện cho chúng ta và gia đình chúng ta. Những gì chúng ta “làm cho Chúa” chóng tàn, giới hạn và tạm thời, còn những gì Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta thì trường tồn, vô hạn và vĩnh cửu.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với vai trò của Thánh Thần trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Thánh Luca, Thánh Thần (Chúa Thánh Thần) được xem là “nhân tố chính” trong đời sống của Đức Kitô và những người liên quan trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta thấy điều này trong câu đầu tiên của trình thuật Tin Mừng hôm nay: “Khi ấy, ông Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng” (Lc 1:67). Dưới tác động của Thánh Thần, ông Dacaria đã nói tiên tri. Chi tiết này gợi lại cho chúng ta lịch sử của dân Israel. Trong lịch sử đó, Thánh Thần của Đức Chúa đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của các ngôn sứ. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về ơn gọi làm “ngôn sứ” của Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày rửa tội. Chúng ta phải trở nên những người “nói lời của Thiên Chúa,” lời yêu thương và tha thứ.
Chúng ta có thể nhận ra rằng cấu trúc lời tiên tri của Dacaria có ba phần: Phần 1 (Lk 1:68-75) đưa chúng ta về với lịch sử của Israel, về thời các ngôn sứ và chỉ ra cho chúng ta biết nội dung chính của các lời sấm mà Thiên Chúa phán hứa từ ngàn xưa. Nội dung của các lời sấm xoay quanh điều Đức Chúa đã hứa, đó là, “sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta” (Lk 1:71-75). Trong những lời này, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố cần thiết của một giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài: Về phần Thiên Chúa, Ngài sẽ giải thoát dân khỏi địch thù, khỏi mọi kẻ hằng ghen ghét vì Ngài luôn trung thành với lời hứa của Ngài với tổ phụ Ápraham; về phần dân Israel (chúng ta), họ phải sống thánh thiện công chính để phụng thờ Đức Chúa suốt cả đời họ. Qua kinh nghiệm thường ngày, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài, còn chúng ta thường lỗi lời hứa của mình. Bước đi trong đường lối Chúa đòi hỏi nơi chúng ta sự khiêm nhường và ý thức hầu nhận ra mỗi giây phút rằng Thiên Chúa luôn trung thành với điều Ngài đã hứa. Sự trung thành của chúng ta là “sự đáp trả” lại sự trung thành của Thiên Chúa.
Phần 2 (Lk 1:76-77) nói về tước hiệu và công việc của Gioan Tẩy giả: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.” Những lời này chỉ cho thấy vai trò của vị ngôn sứ của Thiên Chúa, đó là (1) “đi trước Chúa,” (2) “mở lối cho Đức Chúa” vào lòng mình và lòng người khác, và (3) công bố sứ điệp tha thứ của Đức Chúa. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi thực hiện những vai trò này trong ngày sống. Trong ba vai trò này, có vai trò nào chúng ta vẫn chưa chu toàn cách trọn vẹn không? Nếu chưa, chúng ta phải bắt đầu ngay từ hôm nay để đón Chúa vào trong cuộc đời mình khi Ngài viếng thăm chúng ta nơi Hài Nhi Giêsu.
Bài Tin Mừng kết với việc tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa (phần 3 – Lk 1:78-79): “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” Những lời này cho thấy Đức Chúa đến viếng thăm dân Ngài khi họ sống trong bóng đen tội lỗi, khi họ đối diện với những khó khăn và thử thách. Bước đi trong bóng đen tội lỗi, trong đêm đen của đức tin, mỗi người chúng ta cần nhận ra rằng Thiên Chúa luôn ở gần chúng hơn bao giờ hết khi chúng ta đối diện với bóng tối tử thần và sự bất an của cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta có mở cửa con tim để ánh sáng bình an của Thiên Chúa chiếu giãi anh sáng yêu thương của Ngài vào đó không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB