Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Thường Niên – Hãy Sống Tốt Và Thánh Thiện Dù Không Ai Muốn Theo

(St 6:5-8; 7:1-5.10; Mc 8:14-21)

Sợi chỉ nối kết bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay là tư tưởng nói về việc “suốt ngày lòng [con người] chỉ toan tính những ý định xấu” (St 6:5) mà chúng ta tìm thấy trong bài đọc 1. Tư tưởng này được Chúa Giêsu diễn tả bằng một ngôn ngữ khác, đó là, “men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8:15). “Men” tượng trưng cho một cái gì đó có sức sống mạnh mẽ từ bên trong. Trong bối cảnh của Tin Mừng hôm nay, khi nói đến “men,” Chúa Giêsu ám chỉ đến một “sự dữ” có thể lan truyền như một dịch bệnh. Nói cách cụ thể, “men Pharisêu và men Hêrôđê!” ám chỉ “lối sống giả tạo,” ưa chuộng hình thức bề ngoài mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải đề phòng. Ở đây, chúng ta được mời gọi xét lại cuộc sống của mình. Có lẽ chúng ta cũng đã từng ‘là một dịch bệnh’ nguy hiểm khi chúng ta nói xấu người khác hoặc khi chúng ta trở nên gương mù gương xấu cho người khác. Hãy trở nên men làm dậy khối bột của tình yêu và cảm thông hơn là trở thành thứ men làm dậy khối bột của hận thù và ghen tỵ.

Ý tưởng thứ hai chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 hôm nay là hình ảnh của Nôê. Ông luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa khi mọi người không sống như thế. Ông không để cho “dịch bệnh làm điều xấu” ảnh hưởng đến mình. Ông sống theo thước đo của Thiên Chúa hơn là thước đo của con người. Trở về với cuộc sống ngày hôm nay, chúng ta nhận ra rằng: Xã hội mà chúng ta đang sống thường đặt tiêu chuẩn của sự thật dựa trên đám đông. Nói cách khác, điều nhiều người nói và làm sẽ trở thành tiêu chuẩn để đo lường, dù điều họ nói và làm là sai. Hệ quả là tạo cho chúng ta thái độ: Họ làm được thì tôi cũng làm được. Đây là điểm quan trọng mà bài đọc 1 hôm nay đưa ra để chúng ta suy gẫm. Chúng thấy ông Nôê sống đẹp lòng Thiên Chúa trong một thế giới mà sự gian ác của con người đầy dẫy mặt đất: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, Ta hối hận vì đã làm ra chúng.’ Nhưng ông Nôê được đẹp lòng Đức Chúa” (St 6:5-8). Dù cả thế giới này sống không tốt, bạn cũng đừng chạy theo họ. Hãy trở thành người sống đẹp lòng Thiên Chúa như Nôê. Sự thật không luôn tuỳ thuộc vào đám đông. Sự thật chính là sự hoà hợp giữa “nguyên lý khách quan” bên ngoài [điều Chúa muốn] với “hình ảnh chủ quan” bên trong [điều mình muốn]. Khi ý Chúa và ý mình trở nên một, lúc đó chúng ta có sự thật và đang sống trong Sự Thật. Có câu nói trong đời rằng: Đừng cố gắng sống khác; sống tốt là khác rồi!

Khi sống theo đám đông hơn là sống theo ý Chúa, chúng ta cũng đã nhiều lần làm cho Chúa “hối hận” và buồn rầu trong lòng như trong bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay nói đến. Trong bài đọc 1, chúng ta thấy “Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng” (St 6:6). Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu buồn phiền vì các môn đệ chứng kiến các phép lạ Ngài làm nhưng vẫn không hiểu và chậm tin. Cuộc tranh luận với nhóm Pharisêu hôm qua được chuyển đối tượng hôm nay: các môn đệ.

Chi tiết đầu tiên chúng ta tập trung vào là: “Họ quên mang bánh… họ chỉ có một cái bánh.” Chi tiết này là khởi đầu của hiểu lầm giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Hiểu lầm xảy ra vì Chúa Giêsu dạy các môn đệ về “ý nghĩa thiêng liêng của bánh” trong khi các môn đệ ở lại trên bình diện “vật chất của bánh.” Chúng ta đã nhiều lần như các môn đệ, đã để cho “yếu tố vật chất quyết định yếu tố tinh thần” [thuyết vô thần Marxist]. Chúng ta quá chú trọng đến “sự hèn mọn” của chúng ta mà quên mất “Đấng Toàn Năng sẽ làm cho tôi những điều cao cả.” Một cách thực tế hơn, chúng ta thường nhìn thấy những cái mình có quả nhỏ nhoi [chỉ có một chiếc bánh] so với nhu cầu thực tế của chính mình và người khác. Và chúng ta trở nên mất niềm tin vào Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cảnh tỉnh chúng ta rằng, việc thiếu bánh không phải là vì các môn đệ không có, nhưng do các ông “quên đem bánh theo” (Mc 8:14). Tức là các ông có đủ bánh, nhưng do “không biết tiên liệu,” thiếu cẩn trọng nên rơi vào tình trạng “không có bánh” (Mc 8:16). Nhiều lần trong đời sống thường ngày của mình, chúng ta cũng không biết tiên liệu nên xảy ra những tình trạng đáng tiếc. Khi nhìn lại thì đã muộn. Ơn biết lo liệu là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn này giúp chúng ta biết tiên liệu, biết nhìn thấy trước những gì cần phải làm và phải tránh. Nếu chúng ta không có ơn này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta, kẻo chúng ta cũng bị Chúa Giêsu quở trách là những kẻ “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (Mc 8:18).

Chúng ta không thể từ chối rằng: Nhiều khi những khó khăn “trước mắt” làm chúng ta mất niềm tin vào Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, nhiều khi chúng ta để cho những “nhu cầu tức thời” che mờ giác quan của chúng ta, làm cho chúng ta không còn nhớ những kỳ công Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của chúng ta, hay làm chúng ta không còn có khả năng nhìn thấy bàn tay vô hình đầy yêu thương của Chúa đang nâng đỡ và dẫn dắt. Đây là điều mà các môn đệ gặp phải trong bài Tin Mừng hôm nay. Các ông để cho việc “không mang theo [đủ] bánh” che mờ con mắt của họ để rồi họ không còn nhớ hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu rất kiên nhẫn nhắc lại cho họ về những điều Ngài đã làm để giúp họ hiểu thấu và lòng họ không còn ngu muội (x. Mc 8:17). Điều đáng kinh ngạc trong bài hôm nay chính là việc Chúa Giêsu kết thúc cuộc đối thoại với các môn đệ với câu hỏi thật cá nhân: “Anh em chưa hiểu ư?” (Mc 8:21). Sau khi thấy những điều Thầy đã làm và Thầy nhắc lại cho anh em về điều đó, anh em đã hiểu Thầy muốn gì nơi anh em chưa? Khi đi với Thầy, anh em đừng lo lắng về chuyện bánh ăn, nhưng lo đến việc lắng nghe lời Thầy và đem ra thực hành vì “con người không chỉ sống bởi cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).

Chi tiết cuối cùng chúng ta để ý trong bài Tin Mừng hôm nay là hai con số: Mười hai và bảy. Trong lần hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất Chúa Giêsu “bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn,” các môn đệ thu lại được 12 thúng đầy mẩu bánh (x. Mc 8:19). Còn lần thứ hai Chúa Giêsu “bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn,” các môn đệ đã thu lại được bảy giỏ mẩu bánh (Mc 8:20). Như chúng ta đã trình bày, Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất xảy ra ở Galilê, cho những người Do Thái, nên con số 12 thúng tượng trưng cho 12 chi tộc Israel. Còn trong lần hoá bánh ra nhiều lần thứ hai xảy ra trong vùng đất của dân ngoại, và số bảy tượng trưng cho con số các dân ngoại. Tư tưởng này giúp chúng ta hiểu rằng: Chúa Giêsu được sai đến không chỉ cho dân Israel, nhưng cho tất cả mọi người. Ngài không chỉ lấy Mình và Máu Ngài nuôi dưỡng dân “được tuyển chọn,” nhưng cả “dân không được tuyển chọn.” Cuộc sống của chúng ta cũng được mời gọi hoạ lại cuộc sống của Chúa Giêsu: Chúng ta không “chỉ bẻ chính mình” cho những người mình yêu thích, nhưng cho cả những người “bẻ đôi con tim” chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB