(Xh 2:1-15a; Mt 11:20-24)
Bài đọc 1 hôm nay bắt đầu kể cho chúng ta nghe câu chuyện của Môsê. Ông chính là người được Đức Chúa sử dụng để đưa Israel ra khỏi đất nô lệ Ai Cập. Câu chuyện kể cách ngắn gọn về cuộc đời của Môsê trước khi được Đức Chúa gọi. Chúng ta có thể chia bài đọc 1 ra làm hai phần: phần 1 nói về thời thơ ấu của Môsê (Xh 2:1-10), còn phần 2 trình bày biến cố làm thay đổi cuộc đời Môsê. Như chúng ta biết, Môsê thuộc dòng họ Lêvi. Khi sinh ra, thay vì bị dìm chết dưới dòng sông Nin, thì ông được dấu trong đám sậy ở bờ sông Nin (x. Xh 2:3). Trong phần 1, thời kỳ thơ ấu của Môsê, hình ảnh chúng ta đáng suy gẫm là thái độ thương xót mà công chúa của Pharaô đã tỏ ra cho Môsê. Nàng không chỉ cứu mạng sống của Môsê, mà còn nhận Môsê làm con. Thái độ “thương xót” trước “kẻ thù” bị gặp nạn này đáng làm chúng ta học hỏi. Thường chúng ta “reo vui” khi kẻ thù chúng ta gặp nạn. Nhiều người trong chúng ta mong cho kẻ thù bị áp bức [như Pharaô đối xử với dân Israel] hoặc gặp những chuyện rủi ro. Khi cơ hội đến, chúng ta nắm bắt ngay lập tức để trả thù cho thoả lòng mong ước. Tuy nhiên, công chúa của Pharaô không muốn thấy kẻ thù của mình bị diệt vong, nhưng trái lại, nàng “bất tuân lệnh cha,” đón nhận “kẻ thù” vào trong cuộc đời của mình và xem cậu Môsê như con. Thái độ này nhắc chúng ta nhớ lại một câu nói: “Điều một người có thể làm để trả thù là biến kẻ thù của mình thành bạn. Đây là kiểu trả thù kinh khủng nhất mà một người có thể thực hiện.” Tình yêu chân thật là tình yêu biến thù hận thành tình thân; tình yêu chân thật là tình yêu nhìn vượt qua vẻ bề ngoại của một người để yêu họ như họ đáng được yêu.
Dù là con gái của công chúa Pharaô [tức là cháu ngoại của Pharaô], Môsê vẫn ý thức được căn tính của mình. Ông không bao giờ quên mình là ai. Phần 2 cho chúng ta thấy ông thường “ra ngoài thăm anh em đồng bào và thấy những việc khổ sai họ phải làm” (Xh 2:11). Đây chính là điều thúc đẩy ông ra tay bảo vệ dân mình. Tuy nhiên, điều chúng ta lưu tâm trong phần này là việc Môsê tìm cách hoà giải hai người dân của mình đang xô xát với nhau. Chính khi thực thi vai trò “trung gian” mà Môsê bị kết án. Chi tiết này ám chỉ đến việc Chúa Giêsu sau này cũng sẽ bị kết án và giết chết khi thực thi vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: để trở nên người hoà giải, chúng ta thường gặp phải chống đối và loại trừ. Chi những người dám liều mất mạng sống mình vì danh Chúa, mới có khả năng trờ nên người hoà giải.
Chúng ta đang tiếp tục nghe về việc Tin Mừng [Chúa Giêsu] bị từ chối bởi thế hệ của Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu “bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối” (Mt 11:20). Những lời quở trách này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (10:13015. Tuy nhiên, khi so sánh hai bản văn, chúng ta thấy có nhiều khác biệt vì bản văn trong Tin Mừng Thánh Luca ngắn hơn nhiều. Thêm vào đó, Thánh Mátthêu tách đoạn Tin Mừng này ra riêng biệt và đặt cho nó một tựa đề, trong khi đó Thánh Luca đặt những lời quở trách trong bối cảnh Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng. Điều này cho thấy, Thánh Mátthêu lấy đoạn Tin Mừng này từ nguồn Q với mục đích nhấn mạnh đến mối tương quan giữa “phép lạ” và “sám hối.”
Chúng ta có thể chia những lời quở trách của Chúa Giêsu (Mt 11:21-24) thành hai phần, mỗi phần 2 câu (câu 21-22 và 23-24). Hai phần này đi theo cùng một cấu trúc như sau: (1) lời quở trách về sự diệt vong [“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa!”//“Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”]; (2) giải thích [“Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi”//”Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay”]; (3) so sánh [“Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi”//”Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi”]. Khi đọc kỹ những lời Chúa Giêsu nói cho các thành bị quở trách, chúng ta thấy dường như Ngài đang nói với những con người cụ thể trước mặt Ngài. Hai thành Khoradin và Bếtxaida nằm gần biển Galilê và ngày hôm nay đã không còn tồn tại vì đã bị phá huỷ như lời Chúa Giêsu tiên báo. Tia và Xiđôn là hai thành của dân ngoại đã bị phá huỷ trong thời gian của các ngôn sứ (x. Is 23:1-18; Ez 26-28). Khi nói đến Caphácnaum, cảm xúc của Chúa Giêsu dường như được đẩy cao hơn vì Caphácnaum chính là nơi Chúa Giêsu đã cưu trú (x. Mt 4:13). Ngài nói với Caphácnaum cách trực tiếp với ngụ ý hàm chứa điều đã tiên báo trong Is 14:13-15 và Ez 26:20. Trong khi đó, số phận của Xơđôm được nói đến trong sách Sáng Thế (19:24-28). Qua những lời quở trách, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến bản chất của những phép lạ Ngài đã thực hiện, đó là gợi lên trong những thành này sự sám hối. Nhưng các thành này không nhận ra điều đó và đó chính là nền tảng cho tấm thảm kịch xảy ra. Qua chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều gì? Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về biết bao nhiêu ơn lành và phép lạ đã xảy ra trong ngày sống, nhưng chúng ta không nhận ra bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Ngài mà trở về với Ngài. Thay vì nhìn thấy những phép lạ và ơn lành để tạ ơn Chúa thì chúng ta trở nên kiêu ngạo hơn. Tự cho mình là chủ nhân và người thực hiện những kỳ công trong cuộc đời mình hơn là quy những kỳ công đó về cho Thiên Chúa. Hãy luôn ý thức về muôn vàn ơn lành Chúa ban, để không bao giờ xa lìa Chúa, dù chỉ một giây phút.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB