(Is 7:1-9; Mt 11:20-24)
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta nghe cuộc tấn công Giuđa của Syria [Aram] và Israel [Épraim]. Cuộc tấn công này được gọi là cuộc chiến Syro-Ephraimite. Cuộc chiến này xảy ra với mục đích ép Giuđa trở thành đồng minh của những nước chống lại Assyria. Đứng trước sự tấn công, lòng vua Akhát “cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió” (Is 7:2). Trước sự rung động của vua và toàn dân, Đức Chúa đã sai Isaia đến trấn an rằng: “Ngài hãy coi chừng, cứ bình tĩnh, đừng sợ, chớ sờn lòng trước hai cái đầu que củi chỉ còn khói đó, trước cơn giận sôi sục của Rơxin, vua Aram, và của người con Rơmangiahu” (Is 7:3-4). Bên cạnh đó, Đức Chúa cũng khuyến cáo vua Akhát: “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7:9). Câu chuyện này phản ánh câu chuyện thường ngày của mỗi người. Trong ngày sống, chúng ta cũng đối diện với biết bao nhiêu cuộc tấn công của những lo lắng. Nhiều lúc chúng ta thấy nản lòng. Nhưng Thiên Chúa luôn trấn an chúng ta với sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài. Ngài luôn đồng hành với chúng ta trong từng biến cố của cuộc sống. Nhưng có lúc chúng ta đã để cho những sự lo lắng làm chủ và không còn đặt trọn niềm tin vào Chúa. Chúng ta cần phải lưu ý đến lời khuyến cáo của Đức Chúa cho vua Akhát: Nếu không vững tin vào Chúa, chúnng ta sẽ không đứng vững nếu chỉ dựa vào sức mình.
Chúng ta đang tiếp tục nghe về việc Tin Mừng [Chúa Giêsu] bị từ chối bởi thế hệ của Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu “bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối” (Mt 11:20). Những lời quở trách này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (10:13015. Tuy nhiên, khi so sánh hai bản văn, chúng ta thấy có nhiều khác biệt vì bản văn trong Tin Mừng Thánh Luca ngắn hơn nhiều. Thêm vào đó, Thánh Mátthêu tách đoạn Tin Mừng này ra riêng biệt và đặt cho nó một tựa đề, trong khi đó Thánh Luca đặt những lời quở trách trong bối cảnh Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng. Điều này cho thấy, Thánh Mátthêu lấy đoạn Tin Mừng này từ nguồn Q với mục đích nhấn mạnh đến mối tương quan giữa “phép lạ” và “sám hối.”
Chúng ta có thể chia những lời quở trách của Chúa Giêsu (Mt 11:21-24) thành hai phần, mỗi phần 2 câu (câu 21-22 và 23-24). Hai phần này đi theo cùng một cấu trúc như sau: (1) lời quở trách về sự diệt vong [“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa!”//“Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”]; (2) giải thích [“Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi”//”Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay”]; (3) so sánh [“Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi”//”Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi”]. Khi đọc kỹ những lời Chúa Giêsu nói cho các thành bị quở trách, chúng ta thấy dường như Ngài đang nói với những con người cụ thể trước mặt Ngài. Hai thành Khoradin và Bếtxaida nằm gần biển Galilê và ngày hôm nay đã không còn tồn tại vì đã bị phá huỷ như lời Chúa Giêsu tiên báo. Tia và Xiđôn là hai thành của dân ngoại đã bị phá huỷ trong thời gian của các ngôn sứ (x. Is 23:1-18; Ez 26-28). Khi nói đến Caphácnaum, cảm xúc của Chúa Giêsu dường như được đẩy cao hơn vì Caphácnaum chính là nơi Chúa Giêsu đã cưu trú (x. Mt 4:13). Ngài nói với Caphácnaum cách trực tiếp với ngụ ý hàm chứa điều đã tiên báo trong Is 14:13-15 và Ez 26:20. Trong khi đó, số phận của Xơđôm được nói đến trong sách Sáng Thế (19:24-28). Qua những lời quở trách, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến bản chất của những phép lạ Ngài đã thực hiện, đó là gợi lên trong những thành này sự sám hối. Nhưng các thành này không nhận ra điều đó và đó chính là nền tảng cho tấm thảm kịch xảy ra. Qua chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều gì? Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về biết bao nhiêu ơn lành và phép lạ đã xảy ra trong ngày sống, nhưng chúng ta không nhận ra bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Ngài mà trở về với Ngài. Thay vì nhìn thấy những phép lạ và ơn lành để tạ ơn Chúa thì chúng ta trở nên kiêu ngạo hơn. Tự cho mình là chủ nhân và người thực hiện những kỳ công trong cuộc đời mình hơn là quy những kỳ công đó về cho Thiên Chúa. Hãy luôn ý thức về muôn vàn ơn lành Chúa ban, để không bao giờ xa lìa Chúa, dù chỉ một giây phút.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB