Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Mỗi Ơn Gọi Là Hoa Quả Của Lời Cầu Nguyện Của Chúa Giêsu

(1 Cr 6,1-11; Lc 6:12-19)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 khuyên nhủ tín hữu Côrintô về việc kiện cáo nhau. Theo thánh nhân, người Kitô hữu sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi chứ không hành xử theo cách của những người không phải dân thánh của Thiên Chúa. Khi một người Kitô hữu kiện cáo một người khác, thì ngay việc kiện cáo đã là một thất bại rồi: “Đằng này, anh em đã kiện cáo nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước toà những người không có đức tin! Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi? Nhưng chính anh em lại ăn ở bất công và bóc lột, và đã đối xử như thế với anh em mình!” (1 Cr 6:6-8). Những lời này nhắc nhở người Kitô hữu phải sống khác với những anh chị em không tin vào Chúa Giêsu. Họ phải sống chính trực công minh vì họ chỉ tìm kiếm Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp của riêng mình. Thật vậy, vì được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa, người Kitô hữu phải tránh lối sống của những “kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới” (1 Cr 6:9-10). Họ phải sống như những người thuộc dân thánh của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu quy tụ dân Israel “được tái thiết” lại với nhau (x. Lc 6:12-49). Sau khi trình bày Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ những người Pharisêu vì sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Lc 5:17-6:11), Thánh Luca trình bày việc Chúa Giêsu chọn nhóm Mười Hai như là dân Israel được tái thiết. Hành động quy tụ này bắt đầu với việc cầu nguyện: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12). Trong những lời này, chúng ta cần lưu ý đến hình ảnh “núi.” Trong truyền thống Kinh Thánh, núi là nơi con người gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện ám chỉ việc Ngài đi gặp gỡ Thiên Chúa và đối thoại với Thiên Chúa. Chi tiết này cho thấy việc chọn nhóm Mười Hai đến từ Thiên Chúa. Như vậy, cầu nguyện là yếu tố nền tảng nhất để nên “ý hợp tâm đầu với Thiên Chúa” [và với nhau nhất là trong đời sống cộng đoàn], để rồi những gì chúng ta làm “tuôn chảy” từ cầu nguyện,” từ Thiên Chúa.

Trong hai câu đầu (câu 11-12), Thánh Luca trình bày cho chúng ta ba hành động Chúa Giêsu làm trong việc “tái thiết lại” Israel. Ba hành động đó là: (1) Ngài đi ra núi cầu nguyện; (2) Ngài kêu gọi các môn đệ lại; (3) Ngài chọn mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Ba yếu tố này cho thấy mầu nhiệm ơn gọi của mỗi người Kitô hữu [nhất là những người được thánh hiến]. Nói cách cụ thể hơn, mỗi ơn gọi Kitô hữu [thánh hiến] là hoa quả của việc cầu nguyện, của lời mời gọi và của sự chọn lựa của Chúa Giêsu. Người môn đệ chỉ làm một việc, đó là, đáp lại tiếng mời gọi này. Việc Chúa Giêsu chọn Mười Hai môn đệ và gọi là Tông Đồ ám chỉ việc “tái thiết lại” Israel. Nói cách khác, đối với Thánh Luca, nhóm Mười Hai là biểu tượng của việc tiếp tục với Israel. Tin Mừng Thánh Luca [và Công Vụ Các Tông Đồ], nhóm Mười Hai thường được gọi là Tông Đồ. Đây là thuật ngữ cho những người Kitô hữu truyền giáo được sai đi để rao giảng “sự kiện Đức Kitô,” hay theo ngôn từ của Thánh Luca, “lời Chúa.” Thuật ngữ này hiếm được sử dụng trong các Tin Mừng khác, nhưng nó được sử dụng 30 lần trong Tin Mừng Thánh Luca và Công Vụ Các Tông Đồ. Theo các học giả Kinh Thánh, khi liên kết nhóm Mười Hai với Tông Đồ, Thánh Luca làm cho Tin Mừng của mình khác biệt với những tác giả Tân Ước khác.

Một điểm khác chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là danh sách của nhóm Mười Hai. Danh sách này chúng ta cũng tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (3:16-19), Mátthêu (10:2-4) và Công Vụ Các Tông Đồ (1:13). Trong danh sách này, chúng ta thấy những con người được chọn đến từ những bối cảnh gia đình, văn hoá và xã hội khác nhau: những người đánh cá, người thuộc nhóm nhiệt thành, người Galilê, người Giuđêa, người thu thuế, người có tên Hy Lạp. Danh sách này là biểu tượng của “sự hiệp nhất trong đa dạng.” Chi tiết này cho thấy, ai cũng được mời gọi để trở nên môn đệ và tông đồ của Chúa Giêsu dù họ có quá khứ như thế nào. Điều quan trọng là họ đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu và đi theo Ngài. Nếu xem xét kỹ hơn danh sách này, chúng ta thấy những con người được gọi và chọn là những người sẽ bỏ Chúa Giêsu mà chạy, sẽ chối Ngài và sẽ trở thành kẻ phản bội. Nhưng những điều này không làm Chúa Giêsu ngừng gọi và chọn họ. Họ yếu đuối, nhưng Ngài đã cầu nguyện cho họ. Ơn gọi của họ không hệ tại công trạng của họ, nhưng hệ tại “lời cầu nguyện” của Chúa Giêsu. Chỉ những ai hiểu được điều này, mới có thể hiểu được mầu nhiệm ơn gọi của người Kitô hữu [của người được thánh hiến]. Mầu nhiệm đó là sự gặp gỡ đầy yêu thương giữa tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và sự mỏng dòn yếu đuối của con người.

Sau khi cầu nguyện, gọi và chọn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu bắt đầu dẫn các ông “đi xuống.” Đây là hình ảnh của việc trở về với thực tại, với công việc hằng ngày. Chúng ta thấy điều này qua việc Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành bệnh tật cũng như trừ các thần ô uế. Chính trong những việc này mà đám đông “đụng chạm” đến Ngài và cảm thấy “một năng lực” có sức chữa lành phát ra từ nơi Ngài (x. Lc 6:17-19). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại ngày sống của mình. Qua những công việc hằng ngày, chúng ta đã đụng chạm đến Thiên Chúa [hay giúp người khác đụng chạm đến Thiên Chúa] chưa? Từ cuộc sống của mình, chúng ta đã chứng tỏ cho người khác thấy một năng lực có sức “chữa lành” những chia rẽ và tổn thương của Thiên Chúa đang hoạt động chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ ngày hôm nay!

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB