Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Xin Cho Con Trái Tim Thương Cảm Như Ngài

(1 Cr 12:12-14.27-31a; Lc 7:11-17)

Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta về thực tại này như sau: “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cor 12:13). Nếu tất cả chúng ta thuộc về một thân thể, chúng ta cần đến nhau và làm việc với nhau vì lợi ích của toàn thân thể là Hội Thánh. Không có bộ phận nào là không cần thiết trong một thân thể. Không có đối chọi trong thân thể, vì nếu các bộ phận làm như thế, thân thể sẽ tự huỷ hoại chính mình. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta đã không sống đúng với điều này: Ngay trong một giáo xứ, nhóm này nói xấu nhóm kia; giữa các dòng tu, dòng này tranh đua với dòng khác; giữa các địa phận không có sự cộng tác với nhau.

Để đạt đến sự hiệp nhất, Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta phải tránh thái độ xem mình là “bất khả thế” (“không ai xứng đáng để thay thế tôi!”). Trong gia đình, trong công đoàn, trong giáo xứ, trong Hội Thánh, mỗi người làm một công việc khác nhau mà Chúa muốn họ thực hiện: “Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: ‘Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể,’ thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: ‘Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể,’ thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?” (1 Cor 12:14-17). Sự khác biệt của người khác không phải là những mối đe doạ cho chúng ta, nhưng trong ý định của Thiên Chúa, sự khác biệt chính là mối dây nối kết chúng ta lại với nhau để chúng ta yêu thương, phục vụ và “cần” đến nhau. Theo lối suy luận này của Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng: Chúng ta là những người chống lại ý định của Thiên Chúa khi chúng ta không đón nhận sự khác biệt của người khác như là sự bổ sung cho mình và tỏ thái độ “bất cần.” Chúng ta hãy nhớ lời khuyến cáo của Thánh Phaolô: “Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: ‘Tao không cần đến mày’; đầu cũng không thể bảo hai chân: ‘Tao không cần chúng mày’” (1Cor 12:18-21). Chúng ta cần đến nhau!

Hôm qua chúng ta đã được nghe về câu chuyện Chúa Giêsu dủ lòng thương đến người đầy tớ của viên đại đội trưởng [nam]. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu dủ lòng thương đến con của một bà goá [nữ]. Đây chính là nghệ thuật hành văn của Thánh Luca để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng, sứ điệp dành cho hết mọi người, không phân biệt nam nữ hay dân tộc. Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là đặc trưng của Thánh Luca. Nó chuẩn bị cho câu 22 [“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”] và công bố rằng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu giảng dạy giải thoát những ai đang bị giam giữ trong ngục tù sự chết.

Không giống như viên đại đội trưởng, người có nhiều đầy tớ và chỉ một trong các đầy tớ ông bị bệnh “gần chết,” người phụ nữ trong câu chuyện hôm nay là một bà goá, người chỉ có một người con trai duy nhất, nhưng nay “đã chết.” Chúng ta thấy câu chuyện càng được trình bày cách kịch tính hơn. Nhưng đây không phải là điều Thánh Luca muốn nhắm đến. Điều thánh sử muốn nhắm đến là Chúa Giêsu quan tâm đến hết mọi người, nhất là những người bất hạnh. Chi tiết “con trai duy nhất” cũng được lặp lại cách tương tự trong 8:42 (“con gái duy nhất”) hoặc trong 9:38 (“tôi chỉ có một mình cháu”). Đối với người phụ nữ, là một bà goá, thì việc mất người con duy nhất trong một xã hội “trọng nam khinh nữ” có nghĩa là bà không còn chỗ để nương tựa. Định mệnh và tương lai của bà trở nên khó khăn và đen tối. Trong giây phút khó khăn và đen tối đó của cuộc đời, Chúa Giêsu “trông thấy bà” và “chạnh lòng thương” (Lc 7:13).

Chi tiết quan trọng chúng ta cần lưu ý trong việc Chúa Giêsu cứu sống người con của bà goá là việc Chúa Giêsu “lại gần sờ vào quan tài.” Hành động này ám chỉ việc “tình yêu [bác ái] vượt ra khỏi giới hạn của lề luật.” Như chúng ta biết, theo luật Do Thái, nếu ai chạm vào người chết, thì người đó trở nên ô uế (x. Ds 19:11,16). Vì “chạnh lòng thương” người phụ nữ, Chúa Giêsu đã vượt qua luật này, Ngài đã vượt qua ranh giới của luật lệ về ô uế, như Ngài đã vượt qua ranh giới để đến nhà viên đại đội trưởng. Hành động này mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết vượt qua những luật lệ ngăn cản chúng ta “chạnh lòng thương” khi người khác cần đến chúng ta. Mục đích của luật lệ là mang chúng ta lại gần Chúa và gần nhau, giúp chúng ta tôn trọng nhân phẩm người khác và yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng ta. Hãy để con tim của chúng ta đập với nhịp đập của Chúa Giêsu, nhịp đập của tình yêu, để chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau của người khác để đến gần và trao cho họ hơi ấm của tình yêu, của tình người.

Chi tiết thứ hai trong hành động của Chúa Giêsu mà chúng ta cần lưu ý là việc Ngài “trao anh ta cho bà mẹ” và “mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người’” (Lc 7:15-16). Những lời này đưa chúng ta trở về với câu chuyện của Ngôn Sứ Êlia. Từ “trao anh ta cho người mẹ” lặp lại những lời được trình thuật trong sách Các Vua Quyển Thứ Nhất (17:23). Trong câu chuyện đó, Ngôn Sứ Êlia cứu sống người con trai duy nhất của bà goá thành Zarephath. Vì có sự giống nhau nên mọi người mới liên tưởng đến vị ngôn sứ này và gọi Chúa Giêsu là “vị ngôn sứ vĩ đại.” Đề tài về Chúa Giêsu như vị ngôn sứ là một đề tài quan trọng trong Tin Mừng Thánh Luca và Sách Công Vụ Các Tông Đồ. Điều này được diễn tả trong câu kết của bài Tin Mừng “Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận” (Lc 7:17). Chúa Giêsu được người khác nói đến như là một vị ngôn sứ. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng có ba loại thông điệp mà Chúa Giêsu chuyển tải như một vị ngôn sứ. Loại thứ nhất, Chúa Giêsu hành động như một vị ngôn sứ mặc dầu bản văn không gọi Ngài là ngôn sứ (x. 9:22-23; 9:43b-45; 11:20,29-32,50; 13:32,34; 18:31-34; 19:41-44; 20:9-18; 21:20-24; 22:64; 23:28-30,43; 24:19-20). Nhóm thứ hai Chúa Giêsu dùng “danh xưng” ngôn sứ cho chính mình (x. 4:24; 13:33). Nhóm cuối cùng, danh xưng ngôn sứ được sử dụng để mô tả quyền năng của Chúa Giêsu (x. 7:16-39).

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB