(Cn 21:1-6.10-13; Lc 8:19-21)
Trong bài đọc 1, tác giả sách Châm Ngôn chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa thấu suốt mọi tam can. Ngài thấu suốt động lực làm việc của mỗi người. Còn chúng ta thì chỉ thấy những biểu hiện ở bên ngoài. Với Đức Chúa, điều quan trọng không phải là bề ngoài được thể hiện qua việc dâng của lễ, nhưng là cõi lòng, là lối sống công minh chính trực (x. Cn 21:2-3). Chúng ta cũng được khuyến cáo tránh những lối sống sau: (1) tỏ lòng kiêu hãnh, tự cao và chạy theo vẻ hào nhoáng của thế gian; (2) siêng năng tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình và luôn vội vàng hấp tấp trong mọi sự không biết suy nghĩ; (3) dùng môi miệng điêu ngoa để thu tích kho tàng. Đây chính là bẫy tự hại chính mình; (4) ước ao sự dữ cho kẻ khác; (5) bịt tai trước tiếng kêu của người cô thế (x. Cn 21:4-6.10-13). Nếu chân thành xét lại lòng mình, chúng ta không nhiều thì ít cũng rơi vào một trong những lối sống trên. Nhiều lần chúng ta cũng vội vàng trong lời nói hoặc hành động để rồi làm tổn thương anh chị em mình; hay chúng ta ước ao sự dữ cho những người làm chúng ta đau khổ. Cũng có lúc chúng ta bịt tai trước tiếng kêu giúp đỡ của anh chị em hay dùng miệng lưỡi của mình để thu góp vinh hoa cho riêng mình. Thiên Chúa thấu suốt tâm can mỗi người, nên chúng ta hãy sống thật với ơn gọi của mình trong mọi hoàn cảnh. Chỉ có như thế chúng ta mới trở thành người luôn đi trong đường lối Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn nhưng nó mang một ý nghĩa rất lớn cho những người Kitô hữu nói chung và những người thánh hiến cho Thiên Chúa nói riêng. Tầm quan trọng của bài Tin Mừng đó là việc chỉ ra cho chúng ta tiêu chuẩn cần thiết để trở thành thành viên trong gia đình mới mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Bài Tin Mừng bắt đầu với sự kiện “mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người” (Lc 8:19). Chi tiết này cho thấy những người tìm Ngài có một mối tương quan “máu mủ” với Ngài. Đây chính là lối suy nghĩ của người Do Thái [thời đó]: chỉ những người có tương quan máu mủ mới được xem là “thuộc về gia đình” [hay thuộc về dân được tuyển chọn của Thiên Chúa vì là con cái Abraham]. Lối suy nghĩ này “cản trở” chúng ta lại gần Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả trong việc “họ không làm sao lại gần [Chúa Giêsu] được” (Lc 8:19). Họ không lại gần Chúa Giêsu được vì họ không biết rằng tiêu chuẩn máu mủ không còn là tiêu chuẩn chính để thuộc về gia đình mới của Thiên Chúa [dân riêng] mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Khi liên hệ máu mủ không còn là tiêu chuẩn, thì “dân chúng quá đông” sẽ đến được gần Thiên Chúa [Chúa Giêsu].
Tiêu chuẩn Chúa Giêsu đưa ra để trở thành thành viên trong gia đình mới là: “nghe lời Thiên Chúa” và “đem ra thực hành” (Lc 8:21). Hai tiêu chuẩn này không thể tách rời. Tiêu chuẩn thứ nhất nối kết chúng ta với đoạn trích đi trước (Lc 8:16-18). Trong trích đoạn đó, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ [và mọi người] “hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8:18). Cách thức nghe tuyệt hảo nhất là “giữ trong lòng, suy niệm và đem ra thực hành.” Đây chính là tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai muốn trở thành môn đệ, thành viên trong gia đình mới của Ngài. Chúng ta cũng nghe lời Chúa mỗi ngày [hoặc ít nhất là mỗi Chúa nhật], chúng ta nghe như thế nào? Chắc chắn chúng ta nghe với đôi tai thể lý. Nhưng nghe với đôi tai thể lý không làm cho chúng ta trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta phải nghe với con tim [cõi lòng] và tâm trí rộng mở hầu có thể hiểu sứ điệp Chúa muốn nói với chúng ta. Bước cuối cùng của tiến trình nghe là “đem ra thực hành.” Như thế, cách thức nghe mà Chúa Giêsu đề nghị cho người môn đệ gồm ba bước: (1) nghe với đôi tai thể lý [với con tim và tâm trí rộng mở]; (2) giữ và suy niệm trong lòng; (3) đem ra thực hành.
Một chi tiết quan trọng khác trong bài Tin Mừng này chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Luca trình bày Mẹ Maria như là kiểu mẫu của người môn đệ Chúa Giêsu. Mẹ là “thành viên kiểu mẫu nhất” trong gia đình mới Chúa Giêsu thiết lập, hay đúng hơn, Mẹ là Mẹ của gia đình này. Trong những lời [“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”], Chúa Giêsu không tỏ thái độ “bất hiếu” với Mẹ Maria, nhưng là tôn vinh Mẹ vì Mẹ là người “giữ lời Chúa và suy niệm trong lòng” (x. Lc 2:19). Mẹ không chỉ giữ và suy niệm trong lòng, nhưng mẹ còn đem ra thực hành. Là những người con của Mẹ [những người môn đệ Chúa Giêsu], chúng ta có giữ, suy niệm và đem ra thực hành lời Chúa không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB