(Gl 1:13-24; Lc 10:38-42)
Thánh Phaolô đã lấy chính cuộc sống của mình để làm gương cho các tín hữu Philipphê trong bài đọc 1 hôm nay. Thánh nhân cho thấy cuộc sống cũ của ngài trước kia trong Do Thái giáo cũng rất đáng được tôn vinh và tự hào: “tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Pl 1:13-14). Nhưng dù cuộc sống trước đây có hoàn hảo và đáng tự hào, thánh nhân cảm thấy nó không đáng là gì so với ân sủng của Thiên Chúa dành riêng cho Ngài, đó là “Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Pl 1:16). Chính qua ân sủng này mà cuộc sống của thánh nhân trở nên nguyên nhân để mọi người tôn vinh Thiên Chúa: “Họ chỉ nghe nói rằng: ‘Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt,’ và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa” (Pl 1:24). Mỗi người chúng ta qua bí tích rửa tội cũng nhận được ân sủng thuộc trọn về Đức Kitô. Chúng ta cũng được mời gọi sống cuộc sống thánh thiện tốt lành để qua cuộc sống chúng ta Thiên Chúa được tôn vinh. Chúng ta đang sống cuộc sống mình như thế nào: qua cuộc sống của tôi Thiên Chúa được tôn vinh hay trở nên gương mù gương xấu làm người khác mất niềm tin vào Thiên Chúa?
Nhiều nhà giảng thuyết và nhiều người trong chúng ta đã sử dụng đoạn trích Tin Mừng hôm nay để nói về tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm trên đời sống hoạt động. Lý do cho việc này là vì câu nói của Chúa Giêsu với Mácta: “Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10:42). Nhưng đâu là sứ điệp mà Chúa Giêsu [Thánh Luca] muốn nói đến trong đoạn trích Tin Mừng này? Chúng ta chỉ hiểu đoạn Tin Mừng này khi chúng ta hiểu được ý định toàn bộ của Tin Mừng Thánh Luca. Theo Thánh Luca, ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu là dành cho mọi người, cả nam lẫn nữ. Nói cách khác, ơn gọi làm môn đệ là mang tính phổ quát. Thánh Luca cho chúng ta thấy ý định này khi ba lần trình bày Chúa Giêsu hành động trái ngược với văn hoá thời đó của người Do Thái: Chúa Giêsu một mình với những người phụ nữ không phải là người thân của mình, một người phụ nữ phục vụ Ngài, Chúa Giêsu dạy một phụ nữ trong chính nhà của người đó. Như vậy, những người nữ cũng được gọi làm môn đệ Chúa Giêsu. Họ cũng được mời gọi để là người “học hỏi” hay đúng hơn là người “ngồi dưới chân thầy” để học. Đây là điều chúng ta thấy được phản chiếu trong hình ảnh của Maria và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói “đây là phần tốt nhất và không ai lấy đi được.” Như vậy, phần tốt nhất không phải là “chiêm niệm” hay “ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà không làm gì” [chỉ nghe mà không đem ra thực hành trong đời sống phục vụ], phần tốt nhất là “trở thành môn đệ của Ngài” [đó là yêu thương nhau – chứ không phàn nàn, càm ràm, ghen tỵ].
Hình ảnh đầu tiên chúng ta suy gẫm là Cô Mácta. Cô là người (1) đón Chúa Giêsu vào nhà; (2) tất bật lo việc phục vụ; (3) xin Chúa Giêsu nói với em mình là Maria giúp cô một tay; (4) bị Chúa Giêsu “mắng yêu” (x. Lc 10:38-40). Thường Mácta là đại diện cho những người “hoạt động.” Trong bốn chi tiết về Mácta, hai chi tiết làm cho Mácta trở nên con người đáng khen. Chính cô là người đón Chúa vào nhà mình và tất bật phục vụ Ngài. Đây cũng chính là điều nhiều người trong chúng ta đã và đang làm. Chúng ta cũng đón Chúa vào trong cuộc đời chúng ta và tất bật phục vụ Ngài và các môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, cũng giống như Mácta, công việc phục vụ nhiều khi làm chúng ta bị chi phối và mất tập trung. Sự mệt mỏi của công việc làm chúng ta quên Chúa Giêsu, không còn tập trung vào Ngài. Thay vào đó, chúng ta tập trung vào những người khác và hệ quả là chúng ta đánh mất niềm vui “được đón Chúa vào nhà” và như thế “việc tất bật phục vụ” trở thành gánh nặng. Đứng trước điều này, Chúa Giêsu “trách yêu” Mácta. Ngài trách Mácta không phải vì không ngồi dưới chân Ngài để nghe Ngài. Ngài trách vì Mácta không trở nên môn đệ Ngài qua việc “lắng nghe Ngài trong khi tất bật với việc phục vụ.” Điều đáng trách hơn là Mácta “trách” Chúa Giêsu là Người “vô tâm”: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” (Lc 10:40). Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều khi chúng ta cũng trách Chúa “vô tình”: Tại sao Chúa không để ý đến con? Tại sao con phải vất vả hơn người khác? Khi chúng ta không còn tập trung vào Chúa Giêsu, những việc phục vụ của chúng ta trở nên “tiêu chuẩn” để qua đó chúng ta so sánh mình với người khác. Cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc trong sự chua cay và ghen tỵ. Hãy tập trung vào Chúa! Càng làm nhiều việc, chúng ta phải càng tập trung và gắn chặt cuộc sống mình vào Chúa. Nếu chúng ta không ở lại trong Chúa, thì hoa trái của việc phục vụ không phát sinh từ Thiên Chúa.
Hình ảnh thứ hai là cô Maria. Cô là (1) em gái của Mácta; (2) ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe Người dạy; (3) được Chúa khen là đã chọn phần tốt nhất. Maria được sử dụng như hình ảnh đại diện cho những người “chiêm niệm.” Tuy nhiên, trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, Maria là hình ảnh chân chính của một người môn đệ “ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe người dạy.” Đây chính là điều Chúa Giêsu khen ở Maria, đó là sống đúng với ơn gọi của mình hay đúng hơn là làm đúng vai trò mộn đệ của mình, chứ không như Mácta đang cố gắng chiếm lấy vai trò “dạy bảo” của Chúa Giêsu. Hình ảnh Maria mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Nhiều lần, chúng ta cũng tìm cách chiếm lấy “vị trí” của Chúa. Thay vì làm môn đệ của Ngài, chúng ta chiếm lấy vị trí làm thầy của Ngài. Chúng ta “dạy” Ngài phải làm gì và phải nghe gì. Phần tốt nhất của người môn đệ là giữ đúng vị trí và sống đúng ơn gọi “đi theo” của mình.
Hình ảnh cuối cùng là Chúa Giêsu. Ngài (1) được Mácta đón tiếp; (2) được Maria ngồi dưới chân lắng nghe; (3) bảo vệ Maria và dạy Mácta về điều tốt nhất trong cuộc sống. Trong hình ảnh Chúa Giêsu, chúng ta thấy được nghệ thuật sống. Khi được đón tiếp, khi được lắng nghe hay khi bị “khiển trách,” Chúa Giêsu vẫn giữ cho mình một sự bình thản hầu giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp mà không làm “mất lòng” ai. Chúa Giêsu bảo vệ Maria và “trách yêu” Mácta. Hai hành động này đưa hai người vào đúng vị trí của mình: dù hoạt động hay chiêm niệm, cả hai đều có cùng ơn gọi, đó là làm môn đệ của Ngài. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe và đi theo Ngài trong cách thức mà ơn gọi mình đòi hỏi. Tránh so sánh mình với người khác! Đó là bí quyết sống hạnh phúc của người môn đệ Chúa Giêsu.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB