(Pl 2:5-11; Lc 14:15-24)
Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe “bài ca tự hạ” của Chúa Giêsu. Trong bài ca này, Thánh Phaolô đã chỉ ra cho các tín hữu Philipphê những tâm tình họ cần phải có và tâm tình đó phải giống với những tâm tình của Đức Kitô. Những tâm tình của Đức Kitô là gì? Thánh Phaolô chỉ ra những tâm tình sau: (1) không tìm vinh quang cho chính mình [“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:6-7)]; (2) khiên nhường tự hạ; (3) hoàn toàn vâng phục cho đến chết [“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8). Chính những tâm tình này mà Đức Giêsu đã được Thiên Chúa “siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9). Những tâm tình này Chúa Giêsu thường dạy các môn đệ và các thính giả của Ngài khi Ngài nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23:12; Lc 14:11). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Thánh Phaolô muốn trình bày trong bài ca này là chính “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:11). Trong chi tiết này, chúng ta thấy được vấn đề mà các Kitô hữu trong cộng đoàn Philipphê đang đối diện, đó là về thần tính của Chúa Giêsu. Qua bài ca này, Thánh Phaolô cho biết dù Chúa Giêsu tự hạ nhập thể, mặc lấy thân phận con người, nhưng Ngài vẫn là Chúa trong mầu nhiệm ngôi hiệp. Học ở Chúa Giêsu, dù chúng ta có tự hạ (khiêm nhường) chính mình, nghĩa là không xem trọng chức danh, địa vị, chúng ta không đánh mất đi sự kính trọng mà người khác dành cho nếu chúng ta sống một đời sống yêu thương như Đức Kitô. Liệu chúng ta có đủ can đảm để từ bỏ những gì mình có và mình là để hoàn toàn sống một đời sống yêu thương, quên mình phục vụ anh chị em không?
Đề tài về bàn tiệc được Thánh Luca tiếp tục trong bài Tin Mừng hôm nay: “Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu rằng: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” (Lc 14:15). Những lời này cho thấy hạnh phúc thay cho những ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: phụng vụ dưới thế là “cảm nếm trước” phụng vụ trên trời. Nói cách cụ thể hơn, khi chúng ta dự bàn tiệc Chúa dọn sẵn dưới thế [Thánh Thể] là chúng ta cảm nếm trước bàn tiệc trong Nước Thiên Chúa. Đáng buồn thay, nhiều người trong chúng ta không cảm nếm được điều này nên xem việc tham dự bàn tiệc dưới thế là một điều buồn chán. Chỉ những người tìm thấy niềm vui trong bàn tiệc Thánh Thể mới có thể cảm nếm được niềm hạnh phúc khi tham dự bàn tiệc trong Nước Thiên Chúa.
Như đã được trình bày trước đó (Lc 5: 27-32), dụ ngôn này cũng nói đến việc hoán chuyển vị trí: Chúa Giêsu từ người được mời trở thành Người mời. Dụ ngôn này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (21:1-10). Dụ ngôn chủ yếu nói về việc không đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để đến với Nước của Ngài, Nước mà mở rộng cho hết mọi người. Chúng ta tìm thấy điều này trong những lời sau: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được’” (Lc 14:16-20). Những lời này cho thấy, nhiều người được mời, nhưng tất cả đều từ chối. Chúng ta có lần nào từ chối lời mời của Thiên Chúa chưa? Lý do từ chối của chúng ta là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu xem mình thuộc nhóm nào trong ba nhóm từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa được nêu ra trong bài Tin Mừng.
Như chúng ta mong chờ ở Thánh Luca, hai lời từ chối đầu tiên liên quan đến việc theo đuổi tiền bạc. Một người xem việc đi thăm miếng đất mình mới mua quan trọng hơn tương quan với ông chủ tiệc và niềm vui có được từ bữa tiệc. Người thứ hai thì cũng như thế, xem việc thử năm cặp bò quan trọng hơn dự tiệc. Còn người thứ ba thì xem đời sống hôn nhân [tương quan với con người] quan trọng hơn niềm vui dự tiệc. Lý do của người thứ ba ẩn chứa một vấn đề đang xảy ra trong cộng đoàn của Thánh Luca, đó là trong khi có cái nhìn tích cực về đời sống hôn nhân, Thánh Luca cũng xem trọng đời sống độc thân. Việc nhấn mạnh đến điểm này không trái ngược với sự miêu tả tích cực về những người môn đệ nữ, bởi vì trong một xã hội trọng nam khi nữ, việc không lập gia đình có thể là một giải phóng. Ba lý do được đưa ra để giúp chúng ta xem lại tương quan của chính mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta từ chối niềm vui đến với Chúa, đến tham dự bàn tiệc [thánh lễ] vì chúng ta có nhiều lý do để từ chối. Chúng ta đặt những mối tương quan với vật chất và với con người lên trên tương quan với Chúa. Hãy tìm lại niềm vui có Chúa và có nhau trong bàn tiệc Chúa dọn sẵn!
Nếu chúng ta lưu ý, chúng ta sẽ nhận ra câu chuyện được đặt trên con số ba: Ba người được mời, ba người từ chối, ba lần ông chủ sai đầy tớ đi. Nhân tố này đưa chúng ta nhận ra rằng những người không được chọn để mời là những người được gọi trong lần thứ hai và thứ ba mà ông chủ sai các đầy tớ đi (Lc 14:21-23). Họ là những người được đánh giá thấp trước nhan thánh Chúa. Nếu không có việc những người đầy tớ được sai đi trong lần thứ hai và thứ ba thì sẽ không có câu chuyện. Chính vì vậy, đây là yếu tố quan trọng nhất của câu chuyện. Điều này nói cho chúng ta biết rằng những người được xem là không quan trọng, không nằm trong danh sách khách mời cuối cùng lại được ngồi vào trong bàn tiệc. Còn “những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi” (Lc 14:24). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn mọi người với ánh mắt thiện cảm. Và đây cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta, vì nếu không nhận ra được đặc ân của mình, đó là được Chúa yêu thương và mời gọi làm môn đệ của Ngài, chúng ta sẽ bị loại ra ngoài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB