(Cv 11:21b-26; 13:1-3; Mt 10:7-13)
Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Banaba được tìm thấy trong Tân Ước. Thánh nhân là một người Do Thái, sinh ở Syprus và được đặt tên là Giuse. Thánh nhân bán hết của cải mình và trao mọi sự cho các Tông Đồ. Các Tông Đồ đặt tên cho thánh nhân là Banaba. Thánh nhân sống với những người theo đạo đầu tiên ở Giêrusalem. Thánh nhân thuyết phục cộng đoàn ở Giêrusalem đón nhận Thánh Phaolô như là một môn đệ. Thánh nhân được sai đến Antiôkhia để chăm sóc cộng đoàn ở đó và từ đó thánh nhân đưa Phaolô đến Tarsus. Theo truyền thống, Banaba giảng dạy ở Alexandria và Rôma. Thánh nhân là người thiết lập Giáo Hội Cyprus, là giám mục của Milan [nhưng trong thực tế ngài không giữ chức vụ này]. Thánh nhân bị ném đá đến chết tại Salamis khoảng năm 61. Hôm nay mừng lễ thánh nhân, chúng ta học ở ngài sự quảng đại và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi để trở nên chứng nhân trung thành của Ngài, dù phải chịu đau khổ và bị giết chết. Chúng ta cùng nhau để lời Chúa chỉ cho chúng ta biết những nhân đức cần thiết của người môn đệ Chúa Giêsu mà Thánh Banaba đã sống.
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta câu chuyện về sứ mệnh của Banaba tại Antiôkhia. Banaba được trình bày như là “người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11:24). Điều đáng để chúng ta học ở thánh nhân là thái độ sống tràn đầy niềm vui và đức tin của ngài. Tuy nhiên, niềm vui không dựa trên điều gì ngoài việc nhìn thấy ơn Chúa hoạt động nơi người khác (x. Cv 11:22-23). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về đời sống chứng tá của mình. Nhiều khi thấy ơn Chúa hoạt động nơi người khác, thay vì thấy vui mừng, chúng ta lại trở nên ghen tỵ. Học theo gương thánh Banaba, chúng ta tìm niềm vui trong việc phục vụ Chúa, để rồi qua sự lao nhọc của mình, anh chị em của chúng ta được trở nên những người tin và trở lại cùng Thiên Chúa. Thật vậy, qua sự làm việc của Banaba và Phaolô mà giáo hội ở Antiôkhia được củng cố: “Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại Antiôkhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Cv 11:26). Lời Chúa mời gọi chúng ta sống đời sống thánh thiện và nhiệt tình để qua đời sống của mình, chúng ta củng cố niềm tin và lôi kéo nhiều người trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng. Sự khẩn thiết của việc rao giảng hệ tại sự kiện là “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7). Chi tiết này chỉ cho thấy sứ điệp mà các tông đồ rao giảng giống với sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Nói cách khác, sứ điệp Tin Mừng luôn là một trong nguồn gốc [Thiên Chúa]. Người rao giảng không thể thay đổi tuỳ ý mình. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về đời sống rao giảng của mình. Chúng ta đang rao giảng sứ điệp của ai: của Thiên Chúa hay của chính mình? Chúng ta chỉ có thể rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa khi chúng ta đến gần Chúa Giêsu, ở với Ngài, học nơi Ngài và được Ngài sai đi. Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu cũng đưa ra cho họ những chỉ dẫn cần thiết.
Nếu lưu ý kỹ, chúng ta thấy những chỉ dẫn cần thiết của Chúa Giêsu có thể được chia ra làm ba loại: (1) những việc phải làm; (2) những việc phải tránh; và (3) những thái độ cần có khi đến nơi rao giảng. Với những việc phải làm, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi để “chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Đây là những công việc Chúa Giêsu thực hiện mà các môn đệ đã chứng kiến. Nói cách cụ thể, các môn đệ được sai đi để làm những việc Chúa Giêsu đã làm, hay đúng hơn để tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả trong mệnh đề cuối của câu, đó là các môn đệ đã nhận mọi sự nhưng không từ Chúa Giêsu [học mọi sự từ Chúa Giêsu] thì phải trao ban cách nhưng không. Theo các học giả Kinh Thánh, câu nói này được tìm thấy trong các thư của Thánh Phaolô (x. Rm 3:24; 2 Cr 11:7). Câu này ám chỉ rằng những sự thật của Thiên Chúa thì quan trọng cho tất cả mọi người. Những sự thật này phải được dạy cho mọi người mà không nên quan tâm đến khả năng người nghe có thể trả “lệ phí” hay không. Nhưng tư tưởng này được cân bằng bởi thực tại trong câu 10b: “Thợ thì đáng được nuôi ăn.” Người được sai đi phải được nuôi sống. Sự đối kháng giữa hai mệnh đề này không mang tính tuyệt đối, nhưng làm thế nào để cân bằng cũng là một điều không dễ dàng. Chúng ta cũng được Chúa Giêsu sai đi để chữa lành những tương quan đã bị tổn thương, khôi phục lại những tương quan đã bị đổ vỡ, thanh luyện cõi lòng con người để đón nhận anh chị em mình, đưa anh chị em mình về hoà nhập với đời sống cộng đoàn, xua đuổi những sự dữ đang hoành hành trong đời sống con người [và cộng đoàn]. Để thực hiện được điều này, chúng ta trước tiên phải thiết lập lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Vì nơi Ngài, chúng ta nhận được mọi sự. Nếu không đến với Ngài, chúng ta sẽ không làm được gì.
Bên cạnh những việc phải làm, các môn đệ phải tránh những điều sau: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:9-10). Danh mục trên bao gồm những gì cần thiết cho hành trình. Tư tưởng này có thể được lấy từ lời dạy trong m. Ber (9:5): không ai được vào Đền Thánh với những danh mục trên. Trong Tin Mừng Thánh Maccô (6:8-11), Chúa Giêsu cho phép các môn đệ mang giày và cầm theo gậy đi đường (để xua đuổi thú hoang và trộm cướp). Điểm chính yếu của những lời trên là nói đến sự khẩn thiết của sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta. Nhiều lần chúng ta quá chú trọng đến những nhu cầu vật chất và những bảo đảm cho hành trình mà quên mất sứ vụ của mình là đi rao giảng về Nước Trời. Chúa Giêsu muốn chúng ta tìm kiếm Nước Trời trước, còn mọi sự khác sẽ được ban cho. Đừng quá để cho những lo lắng về “cơm áo gạo tiền” mà quên đi nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng qua đời sống thánh thiện thường ngày của chúng ta.
Chúa Giêsu kết thúc những hướng dẫn của mình với việc nói cho các môn đệ về những thái độ cần có khi đến nơi được sai đến: “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em” (Mt 10:11-13). Những lời này chỉ ra rằng, người môn đệ được sai đi hoàn toàn lệ thuộc và sự hiếu khách của dân địa phương. Họ phải chia sẻ cuộc sống với những người mà họ được sai đến – với tất cả những nguy hiểm và thiếu thốn mà cuộc sống rao giảng phải đối diện. Chi tiết này mời gọi chúng ta phải sống tình liên đới với mọi người. Người môn đệ của Chúa Giêsu không có thái độ dửng dưng trước những khó khăn của anh chị em mình. Họ là những người mang sự bình an cho người khác. Để được như thế, trước tiên các môn đệ Chúa Giêsu cần phải để cho Ngài bước vào “nhà” [con tim] họ và ban cho họ sự bình an của Ngài. Có như thế, họ mới có thể là khí cụ của bình an và là sứ giả của Tin Mừng.
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Dũng