(1 V 21:17-29; Mt 5:43-48)
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta được kể lại cho biết điều gì xảy ra cho vua Akháp sau khi chiếm được miếng đất của Navốt. Đức Chúa đã sai ông Êlia đến với vua Akháp và Idaven để chỉ cho hai người biết sự dữ họ đã làm và hậu quả ông sẽ phải gánh chịu cho việc làm của mình: “‘Này, Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi: Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi, Ta sẽ tiêu diệt các đàn ông con trai của Akháp trong Israel, đang bị ràng buộc hay được tự do. Ta sẽ làm cho nhà ngươi nên như nhà Giarópam, con của Nơvát, và như nhà Basa con của Akhigia, vì ngươi đã chọc giận Ta và đã làm cho Israel phạm tội.’ Đức Chúa cũng tuyên án phạt Ideven rằng: “Chó sẽ ăn thịt Ideven trong cánh đồng Gítrơen. Kẻ nào thuộc về Akháp mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây” (1 V 21:21-24). Những lời trên nhắc nhở chúng ta về một định luật trong cuộc sống, đó là chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Thiên Chúa sẽ thưởng phạt chúng ta theo đức công minh của Ngài. Nhưng Ngài sẽ tha thứ những lỗi lầm của chúng ta nếu chúng ta tỏ lòng ăn năn. Chúng ta thấy điều này qua hình ảnh của vua Akháp: “Khi nghe những lời ấy, vua Akháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với ông Êlia, người Títbe, rằng: ‘Ngươi có thấy Akháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ xuống nhà nó’” (1 V 21:27-29). Những lời này trình bày cho chúng ta hình ảnh của một Thiên Chúa giàu tình thương và lòng thành tín. Ngài tha thứ cho tội nhân nếu họ khiêm nhường ăn năn sám hối trở về với Ngài. Chúng ta cũng là tội nhân. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đã sống tham lam, ích kỷ, ghen tỵ, giận hờn. Chúng ta cũng “giết chết anh chị em mình trong tư tưởng” hoặc loại trừ họ ra khỏi con tim mình. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài. Hãy nhận ra lỗi phạm của mình và bước đi khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa: “Sự thánh thiện không chỉ hệ tại ở việc không phạm tội, nhưng còn hệ tại thái độ sám hối liên lỉ.”
Cũng như những lần trước, Chúa Giêsu trích một luật từ Cựu Ước và sau đó đưa họ về với ý định của Thiên Chúa bằng việc giải thích cho họ hiểu rõ điều hàm chứa trong luật. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy về việc yêu thương. Ngài bắt đầu bằng việc trích sách Lêvi 19:18: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5:43). Điều chúng ta lưu ý trong trích đoạn là việc Chúa Giêsu bỏ đi phần quan trọng nhất, đó là “như chính mình.” Đồng thời Ngài thêm vào một câu không có trong câu trích trên, đó là “hãy ghét kẻ thù.” Điều này nhằm giới hạn tình yêu của chúng ta vào một nhóm người. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu đang “tấn công” lối giải thích Cựu Ước cách sai lạc. Cách cụ thể, lời trích của Chúa Giêsu không tìm thấy trong Cựu Ước, nhưng tìm thấy trong các lời dạy của các luật sĩ và biệt phái. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa muốn dân Israel có một tình yêu dành cho mọi người, không phân biệt. Nhưng trong các lời dạy của các luật sĩ và biệt phái, tình yêu này chỉ được giới hạn trong những người “cùng là con cháu của Abraham.” Tình yêu này không thể được mở rộng cho kẻ thù. Đây là điều Chúa Giêsu muốn kiện toàn khi Ngài dạy các môn đệ về giới luật yêu thương.
Chúng ta đã biết, Chúa Giêsu luôn muốn các môn đệ của Ngài vượt qua lối sống theo khuynh hướng tự nhiên. Điều này càng bị đòi hỏi hơn trong đời sống yêu thương: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Một cách tự nhiên, chúng ta thường yêu thương những người thân và ghét kẻ thù của mình (Mt 5:43). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ vượt qua bản tính tự nhiên để yêu với một tình yêu cao cả hơn, đó là: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Đây không phải là một lý tưởng mà chúng ta không thực hiện được, nhưng là một chiến lược khôn ngoan để chiến thắng những người ngược đãi chúng ta. Lời dạy này nói về thực tế bị ngược đãi và bắt bớ mà các Kitô hữu đang phải đối diện thời đó. Lập trường đầy anh hùng của các thánh tử đạo làm cho những người bắt bớ nhận ra rằng họ đang làm sai vì họ có một lương tâm sai lạc. Những người Kitô hữu không phải là những người chống đối, nhưng sự “chống đối” của họ được thể hiện qua một chiến thuật dùng sự khôn ngoan của tình yêu để chiến thắng kẻ thù.
Khi tình yêu của mình không giới hạn ở một số người hoặc nhóm người, mà mở rộng ra cho hết mọi người, thì lúc đó, tình yêu của chúng ta phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Khi chúng ta dùng tình yêu để chiến thắng sự ghen ghét và bắt bớ, chúng ta “được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Đây là phần thưởng lớn nhất mà chúng ta nhận được, đó là trở nên con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự kiện được trở nên con cái Thiên Chúa cũng là một lời mời gọi để chúng ta trở nên giống Thiên Chúa trong mọi sự, nhất là trong cách thức yêu thương của Ngài. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Thiên Chúa “cho mặt trời mọc lên soi sáng trên người xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” để dạy các môn đệ về một tình yêu tuyệt đối, không phân biệt, không loại trừ. Mọi người đều được nhận từ Thiên Chúa những điều thiện hảo giống nhau. Thiên Chúa không vì họ tốt mà yêu họ nhiều hơn hay họ xấu mà lấy lại tình yêu của Ngài dành cho họ. Đây là tình yêu mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải có. Ngài giải thích với các môn đệ lý do họ cần phải có tình yêu như sau: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có một lối cư xử, một lối yêu thương khác với những người khác. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đã thực hiện điều này như thế nào?
Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của Ngài bằng lời mời gọi các môn đệ trở nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này bao gồm hai câu trong Cựu Ước, đó là Đnl 18:13 và Lv 19:2. Thánh Luca (6:36) không sử dụng từ “hoàn thiện,” nhưng dùng từ “nhân từ/thương xót.” Dù từ “hoàn thiện” được Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê sử dụng trong thư của mình, từ này rất ít được sử dụng trong các Tin Mừng. Chúng ta chỉ tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay và trong Mt 19:21. Từ này thường dùng trong tư tưởng Hy Lạp và có nghĩa là “đồng nhất với ý định của Thiên Chúa.” Nhìn từ khía cạnh này, người hoàn thiện là người có cuộc đời đồng nhất với ý định của Thiên Chúa. Như vậy, sống hoàn thiện không phải là không phạm lỗi hay phạm tội, nhưng là cố gắng làm cho ngày sống của mình trở nên “đồng nhất” với ý định của Thiên Chúa. [Khi đạt được điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình sẽ không còn phạm tội nữa].
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB