Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật II Mùa Vọng – Nhận Ra Chúa Trong Đời Sống Thường Ngày

(Hc 48:1-4.9-11; Mt 17:10-13)

Bài đọc 1 hôm nay trích từ Sách Huấn Ca nói về sự vĩ đại của Ngôn Sứ Elia. Sách Huấn Ca cho chúng ta hay rằng: Không ai có thể “tự hào được giống như ông” (Hc 48:4). Không ai giống như ông bởi vì ông là người sống trọn vẹn điều mà mỗi người Israel phải sống, đó là: “Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi, và ngươi hãy yêu kẻ khác như chính mình ngươi” (Deut 6:4). Chính tình yêu không phân chia dành cho Thiên Chúa làm cho Elia trở nên vĩ đại và đây cũng chính là niềm tự hào của ông ta. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đặt sự vĩ đại của chính mình trên điều gì và chúng ta tự hào về điều gì? Trong thời đại chúng ta đang sống hôm nay, con người thường đánh giá sự vĩ đại của một người trên những thành công mà người đó đạt được trong xã hội. Hoặc chúng ta thường tự hào về những thành công của chúng ta. Có mấy ai tự hào về những thất bại (“như kinh nghiệm Thập Giá”) và “yếu đuối” của chúng ta như thánh Phaolô; có bao giờ chúng ta cảm thấy tự hào về việc chúng ta yêu Chúa và người khác với một tình yêu không phân chia “cho đến cùng” (Ga 13:1) và sẵn sàng tha thứ cho người khác “bảy mươi lần bảy” không? Sự vĩ đại của một người hệ tại sự gần gũi và nên giống Chúa của người đó!

Điểm thứ hai mà chúng ta có thể học nơi Ngôn Sứ Elia là tinh thần làm trung gian của ông: Elia là người được nêu danh như là người làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên trên dân, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Gia-cóp (Hc 48:10). Chúng ta thấy trong câu này, vai trò của Elia gồm có: (1) làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa; (2) đưa tâm hồn cha ông trở về với con cháu, hay nói đơn giản hơn là mang lại sự hoà giải trong gia đình; (3) tái lập các chi tộc Gia-cóp – quy tụ con cháu tản mác khắp nơi. Nhìn cách sâu xa hơn, chúng ta nhận ra rằng ba vai trò trên có thể được gộp lại thành một, đó là, vai trò hoà giải: Elia là người mang lại sự hoà giải giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, trước tiên trong gia đình, sau đó trong “đại gia đình của Thiên Chúa.” Đây chính là điều Đức Kitô đến để kiện toàn vì Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Ngài mời gọi tất cả chúng ta cũng mặc lấy trung gian đó: ở đâu có chúng ta hiện diện, ở đó có sự hiệp nhất và hoà giải.

Điểm thứ ba trong bài đọc 1 mà chúng ta không khỏi không bị đánh động đó là: “Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa, vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống (Hc 48:11). Câu này làm cho chúng ta đặt lại vấn đề về sự hiện diện của mình, hay một cách cụ thể: người khác có được phúc khi nhìn thấy hoặc sống với chúng ta không? Trong đời sống thường ngày, chúng ta chứng kiến có những sự hiện diện của một vài người mang lại thật nhiều niềm vui và bình an. Ở đâu họ hiện diện, ở đó có sự hiệp nhất và tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng cũng có những sự hiện diện mang lại thật nhiều chia rẽ và đắng cay. Hãy sống thế nào để trở nên “mối phúc” cho người khác chứ đừng trở nên “mối hoạ.” Chỉ có những người luôn tìm thấy sự an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa mới có khả năng mang lại một sự hiện diện thật dịu hiền, nhẹ nhàng và đầy tình yêu của Thiên Chúa cho người khác.

Từ sự hiện diện trên dẫn chúng ta đến với lời của đáp ca: “Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở về với Ngài; xin tỏ thánh nhan Ngài cho chúng con, và chúng con sẽ được cứu độ.” Trong kinh nghiệm thường ngày, chúng ta bị cuốn hút bởi một người hay không, hệ tại ở thái độ của họ thể hiện qua khuôn mặt. Chính khuôn mặt đưa chúng ta vào thế giới tương quan với người khác. Ví dụ, nhìn thấy một khuôn mặt điểm với nụ cười rạng rỡ thì dễ đến hơn một người với khuôn mặt “hầm hầm sát khí.” Hoặc khi chúng ta làm sai điều gì, chúng ta sẽ không muốn nói sự thật nếu chúng ta thấy khuôn mặt của người khác mang vẻ giận dữ và lên án. Thánh vịnh gia trong lời đáp ca hôm nay xin Chúa tỏ cho chúng ta thấy thánh nhan của Ngài. Tại sao lại tỏ thánh nhan? Điều này gợi nhớ cho chúng ta việc Môisen và Elia chỉ được nhìn thấy “lưng” của Thiên Chúa. Vì nhìn thấy thánh nhan của Thiên Chúa chính là nhìn thấy chính Ngài. Tuy nhiên, trong cưu ước, những ai nhìn thấy Thiên Chúa thì phải chết: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33:20). Còn chúng ta thật có phúc vì chúng ta nhìn thấy thánh nhan Thiên Chúa cách hữu hình nơi khuôn mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu: Ngài không giận dữ, không kết án những người tội lỗi. Còn chúng ta, khuôn mặt của chúng ta thế nào khi đến với Chúa và người khác?

Đoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết của biến cố Chúa Giêsu biến hình. Trong phần này, chúng ta thấy vấn nạn về việc Êlia sẽ trở lại được các môn đệ đưa ra. Điều này chứng tỏ họ đã một phần nào đó biết được căn tính của Chúa Giêsu là Đấng Messia. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc các môn đệ đặt câu hỏi khi thầy trò “đang trên núi xuống”: “Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: ‘Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?’ (Mt 17:10). Hình ảnh trên núi đi xuống nói lên sự trở về với thực tại của đời sống thường ngày. Trên núi, giây phút thân tình với Thiên Chúa đã làm cho các môn đệ hạnh phúc, nhưng cũng có thể làm cho các ông quên đi thực tại cụ thể của đời sống thường ngày. Việc các môn đệ đặt vấn nạn với Chúa Giêsu khi đang trên núi xuống ám chỉ rằng những thực tế trong cuộc sống thường ngày nhiều khi làm chúng ta đặt vấn nạn với Chúa về những gì xảy ra cho mình và cho người khác. Chi tiết này cũng cho chúng ta thấy rằng khi hạnh phúc vui sướng [trên núi với Chúa], chúng ta không bao giờ đặt vấn đề với Chúa. Nhưng khi đụng chạm đến những thực tại sinh, lão, bệnh, tử của cuộc sống con người, chúng ta lại đặt nhiều câu hỏi. Dù chúng ta có nhiều vấn nạn cho cuộc sống mình, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn đồng hành và giải thích cho chúng ta. Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn đi theo Ngài để được Ngài giải thích cho không?

Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ rằng: “Đúng thế, ông Êlia đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (Mt 17:11-12). Những lời này đưa chúng ta về với bài đọc 1. Chúa Giêsu cũng khẳng định cho các môn đệ về vai trò của Êlia là đến để chỉnh đốn dân chúng để đón mừng ngày được giải thoát. Nhưng Chúa Giêsu cũng khuyến cáo các môn đệ về việc họ có thể không nhận ra người Thiên Chúa sai đến như những người trong thời của Ngôn Sứ Êlia. Trong ngày sống của mình, Thiên Chúa cũng gởi nhiều ngôn sứ của Ngài đến để chỉnh đốn đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra hoặc không muốn nghe. Thiên Chúa không chỉ sai các ngôn sứ của Ngài đến, nhưng chính Ngài đến với chúng ta và nhiều khi chúng ta không nhận ra, và nếu nhận ra chúng ta không tiếp đón Ngài vào trong ngày sống của mình. Hãy để cho Chúa một cơ hội được đón nhận vào trong con tim của chúng ta hôm nay.

Chi tiết kết thúc bài Tin Mừng hôm nay mang lại cho chúng ta sự an ủi vì các môn đệ dường như “hiểu” những điều Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 17:13). Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy các môn đệ không hiểu hoặc hiểu sai những gì Chúa Giêsu dạy. Nhưng trong trường hợp này, họ lại hiểu. Đâu là lý do? Chính ánh sáng của kinh nghiệm biến hình đã chiếu soi tâm hồn các ông, giúp các ông hiểu được những gì Chúa Giêsu nói. Nói cách cụ thể hơn, chính kinh nghiệm sống thân tình với Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ hiểu được những lời dạy của Chúa Giêsu. Như vậy, để biết và hiểu điều Chúa Giêsu dạy [hay thánh ý Thiên Chúa], chúng ta phải chìm sâu trong những giây phút thân tình với Thiên Chúa, điều mà chúng ta thường gọi là cầu nguyện. Người không cầu nguyện, dù có học giỏi và có nhiều bằng cấp thì cũng chỉ có được những tư tưởng về Chúa chứ không có Chúa trong cuộc sống, nên sẽ không bao giờ biết và hiểu được thánh ý của Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB