(Hs 6:1-6; Lc 18:9-14)
Ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua kinh nghiệm mang trong mình một vết thương trên thân xác hoặc trong tâm hồn. Khi mang vết thương, chúng ta cảm thấy đau đớn, nhưng khi vết thương được chữa lành, chúng ta được hưởng một niềm vui khôn tả. Niềm vui được chữa lành làm chúng ta quên đi những đau đớn mà chúng ta đã phải chịu đựng. Đây chính là kinh nghiệm của dân Israel được Ngôn sứ Hôsê nói đến trong bài đọc 1 hôm nay. Chính niềm vui được Thiên Chúa chữa lành là động lực để họ trở về với Chúa. Chúng ta có thể nhận ra trong bài đọc 1 hôm nay hai thái độ sau: thái độ kiên định của dân Israel khi quyết định trở về với Thiên Chúa và thái độ “đòi hỏi” tình yêu nơi dân Israel khi họ trở về. Đây chính là hai thái độ chúng ta cần suy gẫm trong tương quan mỗi ngày của chúng ta với Thiên Chúa.
Hôsê trình bày quyết tâm trở về của dân Israel trong những lời thật cảm động: “Con cái Israel bảo nhau rằng: ‘Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương’” (Hs 6:1). Dân Israel trở về vì họ biết chắc một điều là Đức Chúa sẽ đoái thương đến họ sau khi sửa phạt những lỗi lầm của họ. Hôsê trình bày kinh nghiệm trở về này của dân Israel như là kinh nghiệm phục sinh của Chúa Giêsu: “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người” (Hs 6:2). Nói cách khác, khi trở về với Chúa, dân Israel sẽ được biến đổi và sống một đời sống mới mà Thiên Chúa ban cho họ. Để đạt được điều đó, họ phải ra sức nhận biết Thiên Chúa khi Ngài đến như hừng đông mỗi ngày xuất hiện và như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai (x. Hs 6:3). Chỉ khi nhận ra Thiên Chúa xuất hiện trong từng giây phút sống, chúng ta mới có thể đáp lại và sống trọn vẹn theo sự hướng dẫn của Ngài. Vậy, hãy tỉnh thức để nhận ra Chúa đến với chúng ta trong những sự kiện nhỏ bé của đời sống thường ngày.
Nỗi lòng của Thiên Chúa mỗi khi dân Israel và chúng ta đi lạc xa khỏi tình yêu của Ngài là Ngài vẫn mong chờ họ và chúng ta với một tình yêu tuyệt đối. Chính tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải đáp lại với tình yêu, chứ không phải với hy lễ (x. Hs 6:6): “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” Ngài muốn chúng ta nhận ra Ngài là Thiên Chúa của chúng ta chứ không phải là những ngẫu tượng. Ngài cũng nhắc nhở chúng ta về tình yêu chóng tàn của chúng ta: “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (Hs 6:4). Thiên Chúa muốn nơi chúng ta một tình yêu kiên định và trung thành. Không ai trong chúng ta muốn người khác yêu mình với một “tình yêu bốn mùa” – sáng nắng, chiều mưa, trưa lâm râm và tối sương mù. Ai cũng mong người khác yêu mình với một tình yêu không thay đổi và trung thành. Thiên Chúa luôn yêu chúng ta với tình yêu trung thành và vô điều kiện, và Ngài cũng mong chúng ta yêu lại Ngài với một tình yêu chân thật và trung thành.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời cảnh tỉnh cho những ai trong chúng ta xem mình là đạo đức, thánh thiện hơn và hay xét đoán người khác. Thánh Luca trình bày mục đích của dụ ngôn ngay trong câu đầu tiên: “Khi ấy, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18:9). Chúng ta có bao giờ khinh chê người khác không? Nếu có, hãy suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay và thay đổi.
Tuy nhiên, trước khi phân tích cách chi tiết bài Tin Mừng, chúng ta cần lưu ý hai điểm sau: Thứ nhất, Chúa Giêsu nói dụ ngôn này cho các môn đệ là những người theo Ngài phải biết về điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa, đó là, không phải chỉ dựa vào những công việc đạo đức của họ, nhưng hoàn toàn vào lòng thương xót của Thiên Chúa; thứ hai, Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong dụ ngôn hôm nay về thái độ cần có khi cầu nguyện sau khi khuyên các môn đệ phải cầu nguyện luôn qua dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy (Lc 18:1-8). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn các môn đệ mặc lấy thái độ của người thu thuế mỗi khi cầu nguyện với Chúa. Như vậy, thái độ của người thu thuế là điều Luca nhắm đến chứ không phải là sự so sánh giữa người Pharisêu và người thu thuế. Thánh Luca dùng sự tương phản để làm sáng tỏ điều ngài muốn nhấn mạnh, giống như dùng sự tương phản giữa màu đen và trắng để làm nổi bật nhau.
Chi tiết đầu tiên chúng ta lưu ý trong dụ ngôn này là việc Thánh Luca sử dụng “cặp đôi” của Kinh Thánh để áp dụng cho dụ ngôn của mình. Thánh Luca đã sử dụng phương pháp này trong dụ ngôn người cha nhân hậu trong chương 15:11-32 – “Người kia có hai người con” (c.11). Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cũng bắt đầu tương tự như thế: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện” (Lc 18:10). Và như chúng ta đã biết, một trong hai người sẽ được khen, còn người kia sẽ bị khiển trách. Đây là bối cảnh để chúng ta hiểu dụ ngôn. Bây giờ, chúng ta tập trung vào thái độ của người Pharisêu và người thu thuế để rút ra những điều cần tránh và những điều cần học khi đến với Chúa.
Thái độ của người Pharisêu: ông ta tự xem mình là người công chính. Thánh Luca không liên kết sự công chính với đức tin như Thánh Phaolô. Ngài nhấn mạnh đến ba yếu tố sau đây về sự công chính: (1) sự tự phụ về những việc tốt mình làm sẽ không làm chúng ta tránh khỏi phán xét của Thiên Chúa; (2) như Chúa Giêsu, chúng ta phải thực hiện những hành vi công chính như bố thí; và (3) Thiên Chúa là Đấng làm cho chúng ta nên công chính với ơn của Ngài, chứ không phải với việc làm tốt của chúng ta. Ba yếu tố này không tìm thấy trong thái độ của người Pharisêu khi đến với Chúa. Ông ta tự “công chính hoá” chính mình qua những việc tốt của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18:11-12). Người Pharisêu thật sự không sai. So về đời sống đạo đức, ông ta thật sự đạo đức hơn người thu thuế nhiều. Cái sai của ông chính là nâng mình lên trở thành “chúa” qua việc “công chính hoá” chính mình. Nói cách khác, ông ta biến mình làm tiêu chuẩn để đo lường đúng sai, và như thế ông chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa là tiêu chuẩn tuyệt đối đời sống luân lý của con người. Đây là thái độ chúng ta cần phải tránh khi đến với Chúa trong cầu nguyện: hãy để Chúa là Chúa và nhận ra thân phận của mình trước mặt Chúa.
Thái độ của người thu thuế: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Ông ta nhận ra thân phận tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa. Và ông không công chính hoá chính mình vì ông biết rằng đó là việc của Thiên Chúa. Khác với người Pharisêu, người thu thuế đến với Thiên Chúa trong tương quan giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật; còn người Pharisêu đến với Thiên Chúa trong tương quan của một tạo vật đặt mình vào vị trí của Đấng Tạo Hoá. Hành vi đấm ngực của người thu thuế là dấu hiệu của sám hối. Hành vi đấm ngực này được Thánh Luca sử dụng lại và gán cho những người chứng kiến Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá (Lc 23:48). Học nơi người thu thuế, chúng ta không kể công khi đến với Chúa, mà chỉ kể cho Chúa nghe những thất bại và tội lỗi của chúng ta để xin Ngài tha thứ và thánh hoá chúng ta. Nhìn từ khía cạnh này, cầu nguyện chính là “kể cho Chúa nghe những yếu đuối, tội lỗi của mình và xin Chúa dủ lòng thương.” Đây chính là thái độ Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có khi cầu nguyện.
Bài Tin Mừng kết thúc với nhận định của Chúa Giêsu về tình trạng của người Pharisêu và người thu thuế, đồng thời khuyến cáo các môn đệ phải cẩn thận về việc phô trương chính mình: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18:14). Người thu thuế được nên công chính vì ông nhận ra mình cần lòng thương xót của Thiên Chúa và đã tỏ ra ăn năn về tội lỗi của mình; còn người Pharisêu thì không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa vì ông đã tự cho mình là công chính. Về phần chúng ta, khi đến với Chúa, chúng ta đang mang thái độ và tâm tình của ai: người Pharisêu hay người thu thuế?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB