Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Niềm Vui Mang Chúa Đến Cho Người Khác

(Dc 2:8-14; Lc 1:39-45)

Kinh ngiệm đời thường dạy chúng ta rằng: khi hai người yêu nhau, điều làm cho họ vui nhất chính là được nghe tiếng của nhau, và nhất là có thời gian ở bên nhau để lắng nghe được nhịp đập con tim của nhau. Hai bài đọc hôm nay nói cho chúng ta biết về kinh nghiệm đầy yêu thương này, đó là ‘được nghe tiếng’ của người yêu. Chúa cũng nói với chúng ta mỗi ngày, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc khi được nghe tiếng Ngài không?

Trong bài đọc 1, tác giả sách Diễm Ca trình bày cho chúng ta giây phút cảm động của hai người yêu tìm kiếm nhau và nghe được tiếng nhau. Đây chính là cảm xúc thật con người của một cô gái đang chờ đợi người yêu của mình đến: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2:8). Chính tiếng văng vẳng của người yêu đã làm cho tim cô gái rộn lên niềm vui sướng. Tình yêu say đắm nàng dành cho chàng đã làm cho nàng nghĩ về chàng với những gì là tuyệt đẹp nhất: “Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ. Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song” (Dc 2:9). Những chi tiết này cho chúng thấy ở đâu có tình yêu, ở đó chỉ có niềm vui và vẻ đẹp. Nói cách cụ thể hơn, khi yêu chúng ta chỉ nhìn thấy nét đẹp nơi người yêu của mình. Nhưng khi không có tình yêu, chúng ta thường nhìn người khác với con mắt ‘xói mói’ và ‘tìm lỗi.’ Hãy sống với trọn con tim để cảm nghiệm cuộc sống này đẹp như thế nào, vì khi sống với con tim ‘nửa vời,’ chúng ta sẽ thấy cuộc sống rất nặng nề và không đáng sống!

Bên cạnh đó, tình yêu say đắm này làm cho nàng cảm nghiệm được tình yêu và sự mong chờ của chàng dành cho nàng: “Người yêu của tôi lên tiếng bảo: Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi. Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây. Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta. Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào. Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng’” (Dc 2:10-14). Niềm vui của chàng là được nhìn thấy nàng, được nghe tiếng nói của nàng vì nàng là tất cả của chàng. Tình yêu làm cho chúng ta chỉ có một niềm khao khát, đó là nên một với người mình yêu. Những lời trên cho thấy tình yêu đã làm cho chàng trai dùng tất cả những lời mỹ miều nhất để diễn tả người mình yêu. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại tương quan của mình với Chúa và với nhau. Chúng ta đã dùng lời của chúng ta như thế nào: Nói về Chúa và nói hay nói tốt cho nhau, hay dùng lời nói của mình để làm tổn thương người khác?

Trong tình yêu, khi có một điều gì đó vui, chúng ta thường chia sẻ cho người mình yêu để họ cũng được chia sẻ trong niềm vui của mình.  Chúng ta có thể nói đây chính là điều Mẹ Maria làm khi đi thăm viếng bà Êlisabét. Nhiều người cho rằng Mẹ Maria đi thăm viếng bà Êlisabét là muốn để chứng thực điều thiên thần nói đúng hay sai. Nhưng điều này không đúng, vì Mẹ Maria không cần phải được chứng thực vì Mẹ đang cảm nghiệm sự kỳ diệu Thiên Chúa làm trong cuộc đời Mẹ. Mẹ đang cảm nghiệm được điều mà Thiên Thần nói: “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1:37). Vậy lý do Mẹ đi thăm viếng bà Êlisabét là gì? Theo các học giả Kinh Thánh, có thể có hai lý do: (1) Mẹ đi vì tình thương dành cho người chị họ đang cần sự giúp đỡ và (2) Mẹ đi vì Mẹ muốn mang niềm vui có Chúa cho người chị họ và người con của chị mình. Chúng ta có thể rút ra được điều gi để suy gẫm trong Tin Mừng hôm nay?

Thứ nhất, chúng ta học được thái độ “mau mắn” của Mẹ Maria trong việc phục vụ và mang Chúa đến cho anh chị em mình. Điều này được diễn tả trong những lời sau: “Hồi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét” (Lc 1:39-40). Hành động “vội vã đi đến miền núi” của mẹ ám chỉ thái độ nhanh nhẹn, không chần chừ khi biết người khác cần đến sự giúp đỡ của mình và khi có cơ hội mang Chúa đến cho người khác. Các Giáo Phụ cho rằng sau khi cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã ‘vội vã đi đến miền núi.’ Tại sao là ‘đi lên’ miền núi? Chúng ta biết trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa mạc khải [tỏ hiện] chính mình. Những người gặp Chúa và có Chúa trong cuộc đời của mình luôn hướng lòng lên cao và nhanh nhẹn ‘đi lên cao’ chứ không để cho lòng của mình hướng về những gì thuộc trần gian này. Hơn nữa, Mẹ đã đi lên cao để cũng ở trên ‘miền núi,’ lần đầu tiên Chúa Giêsu ‘tỏ mình ra’ cho người tiền hô của mình. Khi chứng kiến việc Chúa Giêsu ‘tỏ mình ra lần đầu tiên,’ “bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần” (Lc 1:41). Đây là cuộc gặp gỡ không chỉ của hai người mẹ, nhưng của hai người con. Những chi tiết trên mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta cũng cưu mang Chúa mỗi ngày, nhưng chúng ta có ‘vội vã đi lên miền núi’ không? Chúng ta có hướng lòng mình lên những gì thuộc về thượng giới không hay chúng ta để cho những gì thuộc hạ giới giam hãm chúng ta trong sự lo lắng của cơm áo gạo tiền? Chúng ta được mời gọi sống như Mẹ Maria, mau mắn đáp lại tiếng Chúa và hướng lòng về Ngài. Chỉ những người có Chúa trong cuộc sống mới có thể hiểu được lý do ‘phải đi lên cao’; chỉ những người có Chúa trong cuộc sống mới có thể cảm nhận được niềm vui khi phục vụ và mang Chúa đến cho người khác. Hãy để Thiên Chúa chiếm lấy cõi lòng và cuộc sống của chúng ta, để qua cuộc sống của mình, Thiên Chúa được tỏ lộ cho người khác, những người đang đi tìm niềm vui trong cuộc sống.

Thứ hai, chúng ta học được thái độ vui mừng của bà Êlisabét khi được đón Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài: “Bà Êlisabét kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa  con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’” (Lc 1:42-45). Những lời này diễn tả niềm vui sâu thẳm của Êlisabét khi gặp gỡ Mẹ Maria và “Người Con” Mẹ đang cưu mang. Bà cảm thấy cuộc sống của mình thật diễm phúc vì được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta không chỉ được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm, mà chính Thiên Chúa viếng thăm chúng ta mỗi giây phút, nhưng nhiều lần chúng ta không cảm thấy mình được diễm phúc! Hơn thế nữa, Bà Êlisabét chân nhận những gì Thiên Chúa đã làm nơi cuộc sống của người em họ mình. Thái độ này mời gọi chúng ta biết nhìn anh chị em mình với một cặp mắt tràn đầy yêu thương và hy vọng vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện trên anh chị em mình những sự kỳ diệu của Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB