Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật IV Mùa Chay – Đừng Vội Lên Án

(Gr 11:18-20; Ga 7:40-53)

Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng ta thường tìm nương tựa ở đâu? Rất nhiều người trong chúng ta đi tìm nương tựa nơi công việc, trong các phương tiện truyền thông, các tương quan không lành mạnh, hay trong niềm vui chóng qua. Lời thánh vịnh đáp ca hôm nay nhắc nhở chúng ta về một nơi nương ẩn mà nhiều khi chúng ta không tìm đến: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài.” Nương ẩn bên Thiên Chúa là nơi nương ẩn an toàn và an ủi nhất vì Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi chúng ta bao giờ. Hãy đến nương ẩn bên Ngài, bạn sẽ không bao giờ thất vọng.

Bài đọc 1 hôm nay nói về hình ảnh của Ngôn sứ Giêrêmia bị những người trong gia đình và những người thân tìm cách hãm hại. Ngôn sứ đã khám phá ra điều này qua sự can thiệp của Đức Chúa: “Đức Chúa đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng” (Gr 11:18). Đối diện với việc hãm hại, Ngôn sứ đã chạy đến tìm ẩn náu bên Đức Chúa. Ông đã “tâm sự” với Chúa về những gì đang xảy ra cho mình: “Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: ‘cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!’” (Gr 11:19). Và ông đã đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Chúa, Đấng công minh khi xét xử: “Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài” (Gr 11:20). Mẫu gương của Giêrêmia khi đối diện với chống đối thật đáng để chúng ta suy gẫm và học hỏi. Từ cuộc sống thường ngày chúng ta nhận ra rằng, khi bị chống đối chúng ta thường có những phản ứng tiêu cực với những người chống đối chúng ta: nghĩ xấu, nói xấu, giữ lòng hận thù v.v. Giêrêmia dạy chúng ta chạy đến với Đức Chúa và nói với Ngài về những điều đang làm chúng ta lo lắng và cướp đi sự bình an và niềm vui trong tâm hồn chúng ta. Hãy nói với Chúa tất cả vì Ngài lắng nghe và chăm sóc chúng ta.

Trong bài đọc 1, chúng ta đã nhận thấy hình ảnh Giêrêmia bị hãm hại thế nào, thì trong bài Tin Mừng, cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang bị mưu hại như vậy. Đề tài “biết” về nguồn gốc của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm qua được tiếp tục trong bài Tin Mừng hôm nay. Điều chúng ta sẽ chứng kiến trong Tin Mừng hôm nay là chính đề tài “biết” trở thành nguyên nhân chia rẽ giữa những người Do Thái. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: nguyên nhân chia rẽ giữa người Do Thái và âm mưu bắt Chúa Giêsu của các thượng tế và người Pharisêu.

Câu đầu tiên của bài Tin Mừng tạo nên bối cảnh của toàn bộ những gì sẽ xảy ra: “Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy tại đền thờ Giêrusalem” (Ga 7:40). Việc giảng dạy của Chúa Giêsu đã làm cho người nghe “biết” về Ngài: họ biết Ngài như là ngôn sứ (Ga 7:40), như là Đấng Kitô (Ga 7:41). Hai danh hiệu này là nội dung câu trả lời của các môn đệ và của Phêrô khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “người ta bảo Thầy là ai?” và “còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” Đâu là nguyên nhân của sự chia rẽ? Câu trả lời được tìm thấy trong những lời sau: “Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giêsu thì nói: ‘Ông này thật là vị ngôn sứ.’ Kẻ khác rằng: ‘Ông này là Đấng Kitô.’ Nhưng có kẻ lại nói: ‘Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ” (Ga 7:40-43). Nguyên nhân làm họ chia rẽ vẫn là đề tài về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là sự khác biệt trong sự hiểu biết về nguồn gốc của Ngài. Trong những câu trên, Thánh Gioan chỉ ra cho chúng ta thấy lý do tại sao người Do Thái có sự hiểu biết khác nhau về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Đó là vì họ sử dụng hai phương tiện khác nhau để “biết.” Một số người biết qua việc “nghe Chúa Giêsu giảng” trực tiếp, còn một số khác biết qua việc “đọc Kinh Thánh.” Chính phương pháp được sử dụng để “biết” dẫn đến sự khác biệt trong hiểu biết, và sự khác biệt trong hiểu biết dẫn đến sự chia rẽ. Qua điều này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì? Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý này: trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta chia rẽ chỉ đơn giản vì chúng ta nhìn vấn đề từ những góc cạnh khác nhau. Để không chia rẽ, chúng ta cần phải biết rằng, cái biết của chúng ta luôn giới hạn và “phiến diện,” không diễn tả hết thực tại. Chúng ta cần đến sự bổ sung của người khác. Vì vậy, đừng để sự khác biệt trong ý tưởng, cách suy nghĩ, hay lối làm việc trở thành nguyên nhân chia rẽ, nhưng phải là cơ hội để chúng ta đến gần nhau, học hỏi ở nhau và bổ sung cho nhau. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa tạo dựng chúng ta cách khác biệt, không ai giống ai; đó là vì Ngài muốn chúng ta trở nên “trợ tá tương xứng” của nhau (x. St 2:18).

Câu 44 mang tính cách chuyển tiếp để đưa chúng ta đến phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay: “Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt” (Ga 7:44). Phần 2 là cuộc tranh luận về việc “tra tay bắt Chúa Giêsu” giữa những thành phần khác nhau của người Do Thái. Và cuộc tranh luận này lại dẫn đến một cuộc chia rẽ sâu đậm hơn trong cùng một nhóm [nhóm Pharisêu]. Như vậy, nguyên nhân sự chia rẽ mà Chúa Giêsu khuyến cáo trong Tin Mừng Nhất lãm đang xảy ra ở đây. Trong phần này, chúng ta có thể học được những bài học từ hai thái độ sau:

Thái độ của các vệ binh: họ được sai đi để bắt Chúa Giêsu. Nhưng khi nghe người giảng, họ đã để cho lời Ngài chiếm lấy họ và thay đổi họ: từ những người không có cảm tình thành những người “ngưỡng mộ” Ngài, đến độ tôn vinh Ngài: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7:46). Liệu chúng ta có để việc nghe Lời Chúa mỗi ngày biến đổi thái độ sống của chúng ta không? Biến đổi từ thái độ không thiện cảm của chúng ta dành cho người khác thành thái độ ngưỡng mộ và yêu mến không? Hãy cho Chúa cơ hội để thay đổi bạn!

Thái độ của Nicôđêmô: ông không vội lên án. Điều này không phải là vì ông đã có thiện cảm với Chúa Giêsu vì “trước đây đã đến gặp Đức Giêsu” (Ga 7:50); nhưng là vì ông không để “đám đông” ảnh hưởng đến sự công bình trong tiến trình kết án người khác: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7:51). Ông là người không để cho tiếng nói lương tâm và luật lệ bị bóp méo bởi đám đông. Ông sống đúng với nguyên tắc khách quan của lề luật dù có thể gặp nguy cơ bị “người cùng nhóm” loại trừ. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: đôi khi chúng ta cũng phải can đảm để lội ngược dòng, để sống đúng với những gì Chúa muốn chúng ta phải sống, dù biết rằng nếu sống như thế chúng ta có thể bị loại trừ. Nhưng thà bị loại trừ bởi con người trong cuộc sống này, còn hơn là bị Thiên Chúa loại trừ khỏi sự sống đời đời.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB