(St 27:1-5.15-29; Mt 9:14-17)
Khi đọc bài đọc 1, chúng ta thường không có nhận xét gì [nếu chúng ta không chăm chú lắng nghe với thái độ suy gẫm], hoặc nếu có thì cũng chỉ quan tâm đến việc Giacóp được Ixaác chúc lành. Nếu để ý kỹ hơn, chúng ta nhận ra rằng đây là câu chuyện về sự “lừa dối” trong gia đình. Thật sự, câu chuyện này có như thế không? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem câu chuyện này muốn nói điều gì.
Bài đọc 1 được viết theo kiểu kịch nghệ với một vài cảnh và vai diễn như sau: Ixaác-Êxau (câu 1-4), Rêbêca-Giacóp (câu 5-17), Ixaác-Giacóp (câu 18-29) [không trích đoạn kế tiếp bao gồm Ixaác-Êxau (câu 30-40), Êxau-Rêbêca (câu 41-45). Hình ảnh Ixaác bị mù loà dẫn đến những việc khác như nếm, sờ, nghe và cảm. Tuy nhiên, điều chính yếu của câu chuyện là việc chúc lành. Theo truyền thống thời đó, chúc lành thường được trao trong bối cảnh cái chết cận kề hoặc trong bối cảnh tạm biệt. Lời chúc lành phải được hiểu như là ‘sự sống’ được truyền từ người sắp ra đi cho người đang tiếp tục sống. Lời chúc lành liên quan đến toàn bộ sự sống. Vì vậy, lời chúc lành không thể rút lại và cũng không thể thay đổi. Đây là lý do tại sao Ixaác không thể rút lại lời chúc lành cho Giacóp và chuyển cho Êxau. Nhưng chúng ta lý giải thế nào về hành động lừa dối để được chúc lành của Giacóp? Như chúng ta biết, Êxau và Giacóp là anh em sinh đôi. Êxau sinh ra trước, nên là con trưởng. Theo truyền thống của người Do Thái, người con trưởng là người được chúc lành. Nhưng trong chương 25 (29-34), Êxau đã bán quyền làm trưởng của mình cho Giacóp vì một bát cháo. Như vậy, việc Giacóp nhận được lời chúc lành từ Ixaác là điều “hợp luật” [hợp lệ]. Câu chuyện này tiếp tục nói lên sự “đối kháng” giữa Êxau và Giacóp, điều đã bắt đầu khi cả hai còn trong bụng mẹ (x. St 25: 19-34). Thánh Augustinô lý giải cho hành động của Giacóp như sau: việc chuyển lời chúc lành cho Giacóp không phải là một sự lừa dối, nhưng là một huyền nhiệm. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng tư tưởng vẫn chưa trình bày cách chính xác giá trị của câu chuyện. Trong câu chuyện, chúng ta đọc thấy Giacóp là kẻ “lừa dối,” nhưng Giacóp cũng là người mang lời hứa và lời chúc lành. Câu chuyện này một cách nào đó bắt đầu đưa chúng ta vào mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa: Ngài có thể sửa lại những gì mà con người đã sai phạm, hay đúng hơn, Ngài có thể cho điều tốt [sự chúc lành] xuất phát từ những yếu đuối, tội lỗi của con người.
Điểm thứ hai chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là lời chúc lành của Ixaác cho Giacóp. Ba lời chúc lành được bắt đầu với việc “ngửi” thấy mùi thơm: “Ông hít mùi áo cậu và chúc phúc cho cậu rằng: ‘Kìa, mùi thơm con tôi như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc’” (St 27:27). Điều chúng ta lưu ý ở đây là mùi thơm không phải của những cánh đồng hoang dã của những thợ săn (mùi của Êxau), nhưng là mùi thơm của “cánh đồng Đức Chúa đã chúc” – cánh đồng của những người trồng trọt và chăn nuôi [làm nông nghiệp]. Lời chúc đầu tiên liên kết với lời chúc thứ hai: “Xin Thiên Chúa ban cho con, sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào” (St 27:28). Lời chúc này cũng mang tính “nông nghiệp” và sẽ bị đảo ngược lại trong câu 39. Lời chúc lành cuối cùng liên quan đến việc làm chủ trên Êxau: “Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con. Con hãy làm chủ các anh em con, và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con. Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa, kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc” (St 27:29). Lời chúc này ám chỉ đến lịch sử sau này của Israel, đặc biệt khi Vua Đavít chinh phục con cháu của Êxau. Nhìn chung, lời chúc lành liên quan đến nghề nghiệp và vị trí trong gia đình. Đây là hai điều quan trọng cho một kiếp nhân sinh: điều mình làm [làm gì cho anh chị em] và điều mình là [là gì trong gia đình/cộng đoàn]. Chúng ta thường đến xin Chúa chúc lành cho điều chúng ta làm sinh hoa trái, chứ ít khi xin Ngài chúc lành để ngày càng sinh hoa trái trong việc mình là ai trong gia đình hay cộng đoàn [đời tu]: là những người cha, người mẹ tốt, những người con ngoan hiền, những người tu sĩ [linh mục/giám mục] thánh thiện.
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay kết thúc trình thuật về ba vấn đề mà qua đó Chúa Giêsu bị chống đối từ ba nhóm khác nhau. Câu chuyện này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:18-22). Dù là một chuyện ngắn gọn, nhưng lại hàm chứa ba phần khác nhau, đó là phần đối thoại mang tính tranh cãi (câu 14-15) và hai dụ ngôn nhỏ (câu 16-17). Sự liên kết của ba phần nằm ở sự hiện diện của Chúa Giêsu. Nói cách khác, sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại sự khác biệt trong việc ăn chay theo tập tục của người Do Thái.
Như chúng ta biết, ăn chay là một việc thực hành đạo đức mà các tín hữu của các tôn giáo lớn thực hiện. Đối với người Do Thái, việc ăn chay là một việc thực hành đạo đức mang tính cá nhân và cộng đoàn. Trong cuộc tranh luận hôm nay với các môn đệ của ông Gioan, Chúa Giêsu nói các môn đệ của Ngài không ăn chay trong suốt thời gian Ngài đang ở với họ: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9:15). Nhưng sau khi Ngài “bị đem đi khỏi họ,” các môn đệ mới ăn chay. Người Do Thái không có mùa để ăn chay như chúng ta có mùa chay, nhưng người Do Thái có ngày để ăn chay cả cộng đoàn, đặc biệt trong dịp lễ Yôm Kippur và ngày mồng 9 của tháng Ab. Theo lời dạy, người Do Thái cũng giữ chay cách cá nhân vào các ngày thứ 2 và thứ 5, trong khi đó, những tín hữu đầu tiên [và “một số” bây giờ] chọn các ngày thứ 4 và thứ 6]. Người Do Thái luôn hiểu ăn chay là (1) hạ mình trước Thiên Chúa (x. Is 58:3-9), (2) là lời cầu nguyện để được làm cho mạnh mẽ (Tb 12:8), (3) là diễn tả sự đau buồn [cho tội lỗi, cho mất mát]. Ăn chay luôn có tương quan chặt chẽ với bố thí [phần dành dụm được khi ăn chay được sử dụng để bố thí].
Điểm đáng để chúng ta lưu ý trong phần tranh luận là câu hỏi của các môn đệ ông Gioan: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9:14). Họ bắt đầu với khẳng định về việc giữ luật ăn chay của họ và người Pharisêu. Họ tiếp tục với việc tra vấn Chúa Giêsu về các môn đệ. Ở đây, chúng ta thấy sự cẩn trọng của họ. Họ không tra vấn về việc ăn chay của chính Chúa Giêsu, nhưng của các môn đệ của Ngài. Điều này cho thấy rằng Chúa Giêsu ăn chay, nhưng những người theo Ngài không còn thực hành việc ăn chay như những người Do Thái. Như vậy, việc theo Chúa Giêsu mang lại một sự “tách biệt” với lối thực hành đạo đức cũ.
Câu quan trọng nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là câu 15. Trong câu này, Chúa Giêsu nêu lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay [và sẽ ăn chay]. Như chúng ta đã trình bày, một trong những ý nghĩa của ăn chay là diễn tả sự đau buồn, than khóc. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh này để trả lời những người chất vấn Ngài. Trong bối cảnh này, Thánh Mátthêu hiểu ăn chay là dấu hiệu của sự than khóc khi thay đổi động từ “ăn chay” được dùng trong Tin Mừng Thánh Máccô thành “than khóc.” Khi Chúa Giêsu đang còn sống, các môn đệ không cần phải than khóc. Nhưng khi Chúa Giêsu bị đem đi đánh đòn, đóng đinh trên cây thập giá, họ sẽ than khóc cho tội lỗi của họ [và của con cháu họ]. Họ cũng than khóc khi Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha: than khóc cho sự ly biệt mang tính thể lý. Chúa Giêsu tiếp tục sử dụng châm ngôn để đối đáp. Ngài so sánh các môn đệ như những khách được mời dự tiệc cưới, đó là những người tham gia vào một sự kiện thấm đượm tình yêu và niềm vui. Trong lối giải thích của các Rabbi, chàng rể thường được hiểu là chính Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu đang khẳng định Ngài là Chúa. Sự hiện diện của Ngài mang lại niềm vui cho các môn đệ. Ở đâu có Ngài hiện diện, ở đó không có sự than khóc, u buồn. Đây là điều đáng để chúng ta suy gẫm. Chúa Giêsu luôn mời chúng ta sống trong niềm vui của Ngài, nhưng biết bao nhiêu lần chúng ta từ chối bằng cách sống trong đau buồn của tội lỗi. Chúng ta cần phải bắt đầu lại: bắt đầu sống niềm vui có Chúa, sống niềm vui của những người yêu và được yêu. Đây là cách ăn chay đẹp nhất mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta.
Qua hai dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến sự “tách rời” của những người theo Ngài khỏi lối thực hành đạo đức cũ của người Do Thái: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai” (Mt 9:16-17). Hai động từ chỉ rõ sự tách biệt là “vá” và “rách.” Theo nguyên từ, chữ “miếng vá” là pleroma (có nghĩa là “tràn đầy,” hoặc “hoàn hảo”); còn từ “chỗ rách” là schisma (có nghĩa là “ly khai,” hay “ly giáo”). Nhìn từ khía cạnh này, câu nói của Chúa Giêsu ám chỉ đến việc “ly khai” của các tín hữu ra khỏi những môn đệ của nhóm Pharisêu. Điều này được diễn tả qua hình ảnh “cũ” (và tốt) với “mới” (và tốt cách hoàn hảo). Nói cách cụ thể, những người theo Chúa Giêsu sẽ sống đời sống thờ phượng mới (“trong Thần Khí và sự thật”). Họ sẽ sống theo mệnh lệnh mới (“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”). Chúng ta đã thật sự sống đời sống mới như Chúa Giêsu mong đợi chưa?
Chi tiết cuối cùng chúng ta cần biết là việc Chúa Giêsu kết thúc với khẳng định về sự tồn tại của cả hai nếu biết “tuân theo luật tự nhiên của sự vật”: Rượu cũ cũng ngon và sẽ phải được giữ trong và với rượu mới trong Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đọc kỹ và suy gẫm, chúng ta nhận ra câu này diễn tả cách trọn vẹn điều Chúa Giêsu nói trước khi dạy các môn đệ về tiêu chuẩn mới mà họ phải sống: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17). Trong Chúa Giêsu, luật cũ vẫn tồn tại và được kiện toàn; luật mới được ban bố. Cả hai được nên một trong Ngài. Ngài là mối dây liên kết. Nơi Ngài không có sự chia rẽ. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng: nơi đâu có Chúa Giêsu, nơi đó có sự hợp nhất giữa cũ và mới [giữa già và trẻ]. Nơi đâu có Chúa Giêsu, chia rẽ không hiện hữu.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB