Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XIX Thường Niên – Hãy Mang Trẻ Nhỏ Đến Với Chúa Giêsu

(Ed 18:1-10.13b.30-32; Mt 19:13-15)

Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Êdêkien khẳng định rằng mọi sự sống đều thuộc về Đức Chúa. Ngôn sứ cũng trình bày cho chúng ta hai lối sống trước mặt Đức Chúa và về đường lối của Thiên Chúa trong khi xét xử tội nhân: “Người nào ăn ở công chính, thi hành điều công minh chính trực,  không dự tiệc trên núi, không ngước mắt nhìn các ngẫu tượng của nhà Ít-ra-en, không làm cho vợ người đồng loại ra ô uế, không gần gũi phụ nữ đang thời kỳ ô uế,  không bóc lột ai, trả của cầm cho người cầm của, không cướp của ai, cho kẻ đói bánh ăn, lấy áo che thân kẻ mình trần, không cho vay ăn lời, không lấy lãi quá nặng, không nhúng tay vào chuyện bất công, xét xử công minh giữa người với người, sống theo những quy tắc của Ta và tuân giữ các quyết định của Ta mà thể hiện lòng trung tín của mình, người ấy mới là người công chính. Chắc chắn nó sẽ được sống – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Nhưng nếu nó sinh ra một đứa con hung dữ, khát máu, phạm một trong những tội trên, thì hỏi đứa con ấy có được sống không? Không! Kẻ nào làm tất cả những điều ấy, chắc chắn sẽ phải chết, máu nó sẽ đổ trên mình nó” (Ez 18:5-8.10-13b).Hai loại người này được trình bày và cái kết của họ sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào lối sống của họ trong tương quan với tội lỗi. Trường hợp thứ nhất là một kẻ gian ác từ bỏ tội lỗi của mình, thì người đó sẽ được sống, mọi tội sẽ được tha: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh” (18:21-22). Đứng trước những người gian ác, Thiên Chúa chạnh lòng thương. Ngài muốn họ bỏ đường lối của mình để bước theo đường lối của Chúa hầu được sống và sống đời đời. Trường hợp thứ hai liên quan đến những người công chính, nhưng từ bỏ đường lối Chúa mà theo đòi kẻ gian ác, thì sẽ phải chết: “Nhưng nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết” (18:24). Chúng ta phải chân nhận rằng, trong mỗi người chúng ta lẫn lộn cả hai loại người trên: có khi chúng ta bỏ đường gian ác để trở về với Chúa, nhưng rồi chúng ta lại bỏ đường lối của Chúa mà theo lối sống của những người gian ác. Vì vậy, chúng ta cần ơn Chúa mỗi ngày để sống hoàn toàn theo đường lối Chúa, sống một đời sống sám hối và hoà giải liên lỉ.

Trong hầu hết các nền văn hoá, trẻ em luôn là trung tâm của sự chăm sóc. Đoạn Tin Mừng ngắn gọn hôm nay trình bày cho chúng ta thái độ của Chúa Giêsu đối với trẻ em. Thánh Máccô (10:13-16) và Thánh Luca (18:15-17) cũng thuật lại sự kiện này. Điều này cho thấy đây là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Câu 13 tạo nên bối cảnh của bài Tin Mừng đó là việc “người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.” Trong những lời này, chúng ta thấy hai thái độ khác nhau: “Người ta” mong muốn trẻ em đến với Chúa Giêsu để được Ngài chúc lành và cầu nguyện cho chúng. Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu khác với các thầy dạy về tôn giáo và triết học trong thời đó [hoặc trước đó]. Ngài đón tiếp trẻ em như những “thính giả” quan trọng của Ngài. Điều này quá khác thường, ngay các môn đệ của Ngài chưa chuẩn bị kịp để chấp nhận điều này, nên họ la rầy trẻ em. Một chi tiết khác trong câu trên mà chúng ta cần lưu ý là hai hành động mà người ta muốn Chúa Giêsu làm cho trẻ em, đó là “đặt tay trên chúng” và “cầu nguyện.” Qua hai hành động này, Thánh Mátthêu biến hành vi mang tính bình thường và chữa lành của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Máccô thành một nghi thức long trọng mang tính tôn giáo. Chi tiết này cho thấy đối với Thánh Mátthêu, những hành vi rất bình thường trong đời sống hằng ngày của chúng ta có mang tính tôn giáo. Nói cách cụ thể hơn, những hành vi chúng ta thực hiện trong đời sống thường ngày có thể trở thành hành vi tôn giáo để tôn vinh, tạ ơn hay cầu xin Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, ngày sống của chúng ta là một hành vi thờ phượng Thiên Chúa.

Đứng trước sự la rầy trẻ em của các môn đệ, Chúa Giêsu “la rầy” lại các môn đệ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19:14). Khi đặt những lời này vào miệng Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu muốn nói đến việc làm phép rửa cho trẻ em đang được thực hành trong Giáo Hội sơ khai. Lý do cho việc thực hành này là “Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Nói cách khác, Nước Trời dành cho mọi người, người lớn cũng như trẻ nhỏ. Vì vậy, chúng ta không nên loại trừ bất cứ người nào ra khỏi Nước Trời. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc những lời trên cẩn thận, chúng ta sẽ dễ dàng liên kết hình ảnh “trẻ em đến với Chúa Giêsu” và “Nước Trời là của những ai giống như chúng”: Chúa Giêsu chính là Nước Trời. Ngài là của mọi người. Không ai có thể sở hữu Ngài cho chính mình. Đây là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết chia sẻ Chúa Giêsu cho người khác qua việc biến những hành động hằng ngày của mình thành phương tiện hữu hiệu để làm chứng cho Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB