(Gr 7:1-11; Mt 13:24-30)
Trong bài đọc 1, Đức Chúa sai ngôn sứ Giêrêmia kêu gọi con cái Israel phải thay đổi lối sống của mình cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa mà họ thờ phượng. Nói cách khác, lối sống của họ phải là cách thức thờ phượng: “Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này. Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: ‘Đền Thờ của Đức Chúa! Đền Thờ của Đức Chúa! Đã có Đền Thờ của Đức Chúa!’” (Gr 7:3-4). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta đi nhà thờ hoặc tham dự thánh lễ nhiều mà lối sống không thay đổi thì việc thờ phượng của chúng ta không mang lại hoa trái gì. Một cách cụ thể, ngôn sứ Giêrêmia khuyên con cái Israel rằng, khi họ đến thờ phượng Đức Chúa, thì họ cải thiện lối sống và hành động bằng việc “thật sự đối xử công bình với nhau, không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân” (Gr 7:5-6). Chỉ khi con cái Israel làm những điều này, thì họ sẽ được an hưởng phần gia nghiệp mà Đức Chúa đã hứa ban. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: Phần gia nghiệp nước trời chỉ dành cho những người biết biến cuộc sống của mình thành lời ca ngợi và tạ ơn Chúa mỗi ngày.
Sau khi nghe dụ ngôn về gieo giống, chúng ta lại nghe một dụ ngôn gieo giống khác. Dụ ngôn gieo giống nói về các loại hạt giống rơi trên những môi trường khác nhau. Còn dụ ngôn gieo giống được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay nói về những hạt giống được gieo trong “đất tốt.” Dù được gieo trong “đất tốt,” hạt giống cũng phải đối diện với một thực tại khác, đó là phải lớn lên với “cỏ lùng.” Vì vậy, dụ ngôn hôm nay thường được gọi là dụ ngôn “Lúa Giữa Cỏ Lùng”.
Theo truyền thống, dụ ngôn này không có trong các Tin Mừng khác. Tuy nhiên, theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Mátthêu đã viết lại câu chuyện của Thánh Máccô (4:26-29), dụ ngôn về hạt giống mọc lên cách âm thầm. Thánh Máthêu không chỉ “cập nhật” dụ ngôn cũ hầu làm cho nó phù hợp với nhu cầu của cộng đoàn mình, nhưng Ngài cũng cung cấp một lối giải thích đầy thuyết phục cho dụ ngôn (Mt 13:36-43). Tự chính bản chất, dụ ngôn này là dụ ngôn về Nước Trời. Điều này được chỉ rõ trong câu đầu tiên của bài Tin Mừng.
Điều đáng ngạc nhiên trong dụ ngôn là việc Chúa Giêsu sử dụng từ “một người.” Từ này được áp dụng cho Ngài trong bối cảnh một gia đình: Ngài với các đầy tớ. Các đầy tớ bị sốc vì thấy cỏ lùng xuất hiện trong ruộng ông chủ. Phản ứng của họ là muốn “giải quyết vấn đề cách ăn liền”: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” (Mt 13:28). Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Khi gặp vấn đề, chúng ta thường sống theo phản ứng tự nhiên. Chưa phân định rõ vấn đề, chúng ta đã đưa ra quyết định dựa trên những thông tin nông cạn. Chính vì vậy, những quyết định được đưa ra thường thiếu “tình người,” thiếu sự cảm thông và thiếu sự khoan dung. Hãy bình tĩnh trước mọi vấn đề, nhất là khi những vấn đề đó không như chúng ta mong muốn.
Điều đáng để chúng ta suy gẫm và học hỏi hôm nay chính là thái độ của ông chủ. Đứng trước sự “khó chịu” và đề nghị của các đầy tớ, ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’” (Mt 12:29-30). Đây là phần quan trọng của dụ ngôn nói chung và câu trả lời cho vấn nạn của các đầy tớ nói riêng. Trong những lời này, ông chủ ám chỉ đến thái độ kiên nhẫn và khoan dung cho đến khi mọi sự được trở nên rõ ràng. Nhiều khi chúng ta không đủ kiên nhẫn, chúng ta “trừ khử” hay loại trừ anh chị em chúng ta quá sớm. Hoặc khi thấy người khác sai lỗi, chúng ta không có đủ lòng khoan dung để chờ đợi họ thay đổi. Những lời Chúa Giêsu nói nhắc nhở chúng ta đến thái độ kiên nhẫn và khoan dung khi chúng ta sống với người khác.
Chi tiết cuối cùng mà chúng ta cần lưu ý để suy gẫm là từ “gom.” Từ này xuất hiện bốn lần trong bài Tin Mừng. Điều này cho thấy có vấn đề chia rẽ trong cộng đoàn của Thánh Mátthêu. Sự chia rẽ xảy ra khi mọi người trong cộng đoàn không một lòng một trí. Điều này được diễn tả trong hình ảnh lúa và cỏ lùng [hai loại khác nhau], lớn lên trong cùng một thửa ruộng [trong cùng cộng đoàn]. Điều này vẫn tồn tại trong ngày hôm nay trong các cộng đoàn. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, để sống hài hoà trong cộng đoàn, chúng ta cần hai đức tính, đó là kiên nhẫn và khoan dung.
Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB