Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXI Thường Niên – Dùng Tài Năng Đem Người Khác Đến Với Chúa

(1 Cr 1:26-31; Mt 25:14-30)

Trong bài đọc 1 hôm nay Thánh Phaolô nói cho các tin hữu Côrintô về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa khi kêu gọi những con người mỏng dòn yếu đuối chia sẻ trong kế hoạch yêu thương của Ngài. Thiên Chúa không kêu gọi những người thông thái khôn ngoan. Ngài kêu gọi những con người khiêm nhường thấp kém: “khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái” (1 Cr 1:26). Thiên Chúa thực hiện điều này để dạy chúng ta rằng: “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1:27-29). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng những giá trị mà Thiên Chúa xem là quan trọng khác với những giá trị của con người. Như vậy, dù trong cương vị nào và hoàn cảnh sống nào chúng ta cần phải bước đi khiêm nhu trong đường lối Ngài. Chúng ta không nên tự phụ với những gì mình đạt được.

Chi tiết thư hai trong bài đọc 1 đáng để chúng ta suy gẫm là việc Thánh Phaolô chỉ ra cho biết đâu là nguồn gốc của sự khôn ngoan. Theo thánh nhân sự khôn ngoan có nguồn gốc là Thiên Chúa và chính Đức Giêsu Kitô là sự khôn ngoan của chúng ta: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cr 1:30-31). Những lời này khuyến cáo chúng ta ta rằng: chúng ta nhiều lần loay hoay đi tìm kiếm sự khôn ngoan của con người và khi kiếm được chúng ta tự hào về sự khôn ngoan chóng tàn đó, mà quên mất đâu là sự khôn ngoan vững bền. Sự khôn ngoan đích thật không phải là một mớ kiến thức, nhưng là một ngôi vị, đó là Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, ai có Đức Kitô là có sự khôn ngoan đích thật và đây chính là điều đáng để chúng ta tự hào.

Dụ ngôn về những nén bạc trong Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn tuyệt vời và có những câu chuyện bên lề đi kèm. Mặc dù có mầm mống trong Tin Mừng Thánh Máccô (13:34), dụ ngôn này bắt nguồn từ nguồn Q. Dụ ngôn này cũng có thể được hiểu như là bản chú giải của Máccô 4:25. Thánh Mátthêu bảo tồn bản văn này trong hình thức đơn giản và nguyên thuỷ hơn so với bản văn Thánh Luca, bản văn mà trong đó việc xưng vương được thêm vào. Nhưng có lẽ thánh Luca trình thuật cách chính xác hơn về số tiền liên quan [pound hoặc minas có giá trị khoảng $20, so với nén hoặc yến có giả trị khoảng $1,000]. Sứ điệp của dụ ngôn có thể được đọc từ nhiều cách. Trong bối cảnh hiện tại của nó, dụ ngôn đề nghị một lối sống thích hợp trong thời gian chờ đợi Con Người lại đến. Dụ ngôn mời gọi chúng ta phải sống có trách nhiệm trên những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta. Những điểm luân lý sau có thể được rút ra từ bối cảnh câu chuyện như trong dụ ngôn đầy tớ trung thành và không trung thành (x. Mt 23:48-51).

Mới đọc câu chuyện, chúng ta có thể chú ý ngay đến lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho những người có thái độ sống không thay đổi hay không sinh lợi những gì đã được “trao cho” [giao phó]. Ở đây, Chúa Giêsu ám chỉ đến truyền thống tôn giáo tốt đẹp của người Do Thái đã được “trao cho” mà họ phải sinh lợi. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ của chúng ta trước những giá trị truyền thống tôn giáo được trao cho qua Giáo Hội [hay hội dòng]. Chúng ta có làm sinh lợi không? Hay nói đúng hơn, chúng ta có trình bày những giá trị này cách sinh động và hợp thời cho con người ngày hôm nay không hay chúng ta để những giá trị đó trong “bảo tàng” mà lâu lâu chỉ đem ra ngắm chứ không có một ảnh hưởng gì trên cuộc sống thường ngày của chúng ta?

Chi tiết thứ nhất mà chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là câu: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi” (Mt 25:14-15). Trong những lời này, có hai thuật ngữ đi chung mà Thánh Mátthêu rất ưa thích, đó là “của cải” và “khả năng riêng.” Qua hai thuật ngữ này, Thánh Mátthêu ám chỉ đến tính đa dạng trong khả năng và phần thưởng của con người. Mỗi người có những khả năng và phần thưởng riêng biệt. Sự khác biệt này ám chỉ khả năng [hay vẻ đẹp] của mỗi người trong tương quan với chủ [Thiên Chúa] chứ không phải trong tương quan so sánh với nhau. Nói cách cụ thể hơn, mỗi người chúng ta được Chúa ban cho những khả năng riêng biệt. Những khả năng này phải được khám phá và phát triển trong tương quan với Thiên Chúa chứ không phải để cạnh tranh với người khác. Chỉ những ai nhận ra khả năng của mình trong tương quan với Thiên Chúa chứ không so sánh với người khác mới có khả năng làm lợi những gì mình được giao phó. Điều này được diễn tả qua hình ảnh những người lãnh tiền trong bài Tin Mừng hôm nay. Mỗi người cố gắng làm sinh lợi cho chủ, chứ không sinh lợi để cạnh tranh với người khác. Và như vậy, phần thưởng của họ được quyết định bởi mối “tương quan sinh lợi cho chủ” này, đó là họ được chia sẻ trong niềm vui của ông chủ. Trong bối cảnh tôn giáo, chữ “làm lợi” ám chỉ đến việc làm cho người khác theo đạo [tin vào Chúa]. Nhìn từ khía cạnh này, những khả năng Chúa ban là để chúng ta giúp anh chị em tin vào Chúa hay đúng hơn chiến thắng anh chị em mình cho Chúa. Thành thật mà nói, nhiều người trong chúng ta sử dụng tài năng của mình hoặc để sinh lợi về vật chất hay danh tiếng cho mình hoặc để cạnh tranh với người khác. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy sử dụng những khả năng của mình để đem anh chị em đến với Chúa hoặc trở về với Chúa.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy niệm là hình ảnh người dấu yến bạc được trao: “Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ” (Mt 25:18). Hành động “đào lỗ chôn” ám chỉ việc đem giấu “ánh sáng” của đèn mà đúng ra phải đặt trên giá. Bên cạnh đó, hành động này cũng ám chỉ việc “bảo vệ truyền thống theo một cách thức cố định.” Một cách cụ thể hơn, hành động này ám chỉ những người đón nhận khả năng từ Thiên Chúa nhưng lại giữ riêng cho chính mình. Với những người này, ông chủ nói: “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!” (Mt 25:26-27). Họ bị trách vì họ “biết ý chủ” nhưng không làm theo. Ý của chủ là họ phải làm lợi từ những gì họ được trao cho. Cách thức làm lợi thế nào thì tuỳ sáng kiến và điều kiện sống của mỗi người. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta phải sinh lợi cho Chúa bằng sáng kiến và trong môi trường sống của mình. Đừng chôn vùi những món quà Chúa trao hoặc chỉ giữ riêng cho chính mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *